Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Tự hào về những yếu đuối

Cách đây 3 ngày, tức sáng ngày 27/12 vừa qua, tại nhà thờ Cần Xây này, một thánh lễ đã được cử hành long trọng, ấm cúng. Mục đích để cộng đoàn tín hữu xa gần tỏ lòng hiếu thảo đối với các chủ chăn về hưu.

Hôm đó, Cha Hypôlytô đã được coi như nhân vật đặc biệt.

Hôm nay, Cha Hypôlytô đang thực sự là nhân vật đặc biệt. Ðặc biệt trong tư cách của một người vĩnh biệt.

Ðặc biệt trong bầu khí thân mật của cộng đoàn đông đảo tiễn đưa Ngài về nơi an nghỉ.

Riêng đối với tôi, Cha Hypôlytô Nguyễn Trường Sanh còn là một nhân vật đặc biệt ở sự Ngài là một linh mục đi hưu lâu nhất, mang bệnh lâu nhất, trong cảnh cô đơn lâu nhất.

Tôi được tiếp xúc với Cha nhiều lần. Mỗi lần tiếp xúc, chúng tôi bao giờ cũng trao đổi với nhau đôi chút về tình trạng bệnh tật.

Ngài bệnh tật. Tôi bệnh tật. Bệnh tật nan y. Bệnh tật kéo dài. Bệnh tật được cảm nghiệm thường xuyên. Vì thế, bệnh tật trở thành con đường thiêng liêng cho Ngài, cũng như cho tôi.

Giờ đây, trong thánh lễ tiễn biệt Ngài, tôi xin chia sẻ đôi chút về con đường thiêng liêng này. Chia sẻ như một lời trối, như một chúc thư.

Kính thưa anh chị em,

Tình trạng bệnh tật nan trị, và thường xuyên nơi Cha Sanh có thể được diễn tả bằng những điểm sau đây:

Ðiểm thứ nhất, đó là Cha Hypôlytô mang thứ bệnh rất khó chịu. Nhưng Ngài không cầu xin Chúa cất bệnh cho Ngài. Ngài chỉ xin Chúa ban ơn cho Ngài được chịu khó cho nên những bệnh tật với mọi hậu quả của nó.

Bệnh tật phát sinh đau đớn. Ðau đớn tạo nên cô đơn. Cô đơn gây nên sợ hãi. Sợ hãi tạo nên chán nản. Ðó là những thứ gai quấn lấy sự sống người bệnh. Ai bệnh lâu dài mới cảm được vòng gai đó là một nguồn khổ. Tôi biết Cha Sanh đã cảm thấy rất rõ. Tuy nhiên, Ngài không xin Chúa cất bệnh cho Ngài. Ngài chỉ xin ơn chịu bệnh cho nên. Chúa đã thương nghe lời Ngài bằng cách ban ơn cho Ngài.

Và đây là điểm thứ hai của Cha trong tình trạng mang bệnh lâu dài.

Ðiểm thứ hai, đó là Chúa hiện diện trong những đớn đau của Ngài.

Chúa hiện diện trong những đau đớn của Ngài. Chúa giúp Ngài kết hợp những đau đớn của mình vào những đau đớn của Ðấng Cứu thế. Sự kết hợp đó được thực hiện một cách tự do với tinh thần vâng phục thánh ý Chúa. Lúc ấy, người bệnh không còn là chịu đựng đau khổ một cách miễn cưỡng, nhưng là chấp nhận đau khổ một cách hiến dâng. Người hiến dâng sẽ cảm thấy đời mình, bản thân mình, bệnh tật mình như một thánh lễ sống động trong thánh lễ của Ðấng Cứu thế. Nhờ vậy, họ biết thông cảm với những người đau khổ. Trong ý thức đó, người bệnh sẽ được Chúa dẫn đi xa hơn nữa. Ðó là điểm thứ ba.

Ðiểm thứ ba, đó là bệnh tật sẽ được cảm nghiệm như một con đường dẫn tới sự sống mới.

Sự sống mới này được chia sẻ từ ơn phục sinh của Chúa Giêsu. Chính người đau bệnh được ơn phục sinh. Ơn phục sinh này cũng góp phần vào sự cứu rỗi các linh hồn, mở rộng Nước Chúa và thanh luyện Hội Thánh. Dù đau bệnh, Cha vẫn giúp Cha Sở trong mọi khả năng cho phép.

Thưa anh chị em thân mến,

Thánh Phaolô đã nói: “Nếu được tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30). Qua những gì tôi đã biết về Cha Sanh, tôi thấy lời thánh Phaolô nói trên đây là một an ủi lớn cho Cha. Cha đã cảm nghiệm được sự thực đó một cách thấm thía.

Trong thánh lễ an táng này, Cha Hypôlytô Nguyễn Trường Sanh đang được Chúa cho phép nói lại với chúng ta lời đó. Cha ra đi. Nhưng đời Cha với bao nhiêu yếu đuối vẫn là một tấm gương cho những người yếu đuối, trong đó có tôi và có anh chị em.

Xin tạ ơn Chúa nhân lành,

Xin cảm ơn Cha Hypôlytô ,

Xin vĩnh biệt Cha, với hy vọng sẽ gặp lại Cha bên Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đến muôn thuở, muôn đời. Amen.

Bài giảng thánh lễ An Táng
Cha Hypôlytô Nguyễn Trường Sanh,
tại nhà thờ Cần Xây ngày 29 tháng 12 năm 2005