Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Bình an cứu độ

Nhà thờ chúng ta hôm nay mang những vẻ đẹp khác thường. Vẻ đẹp khác thường đó là có rất đông cụ ông cụ bà, có rất đông bệnh nhân, đến tham dự thánh lễ. Thêm vào vẻ đẹp trên đây, còn có vẻ đẹp khác. Ðó là sự hiện diện thân tình của lớp người trẻ, và lớp con cháu, đến chăm sóc các bệnh nhân và các vị già cả.

Tôi có cảm tưởng: Ðây là một gia đình cầu nguyện trong bầu khí yêu thương, chan hoà.

Chúa Thánh Thần đang ngự xuống trên chúng ta. Chúng ta khiêm tốn đón nhận Ngài. Trong tinh thần tin mến, chúng ta hãy xin Ngài những gì chúng ta cần cho cuộc sống hôm nay.

Tất nhiên chúng ta cần nhiều sự. Nhưng thiết tưởng, sự chúng ta cần hơn cả là sự bình an.

Có nhiều thứ bình an. Nhưng thứ bình an quý giá nhất và quan trọng nhất, chính là thứ bình an của Chúa.

Bình an của Chúa hệ tại sự gì?

Thưa hệ tại sự ta thi hành thánh ý Chúa. Thi hành trong tư tưởng, trong tình cảm, trong ý muốn, trong lời nói, trong thái độ, trong việc làm. Nhiều trường hợp, khi thi hành thánh ý Chúa như vậy, chúng ta sẽ phải hứng chịu đủ thứ đớn đau gây nên cho ta do nhiều phía.

Tôi thí dụ: Cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá là cái chết quá đớn đau nhục nhã. Ðám tang của Chúa Giêsu là một đám tang quá cô đơn, âm thầm, thê thảm.

Nhưng, vì Chúa Giêsu đã vâng theo thánh ý Chúa Cha, khi chọn cho mình cái chết ấy và đám tang ấy, nên Người đã đem lại sự bình an cứu độ cho ta và cho bao người.

Tôi vừa nói: Sự bình an Chúa Giêsu ban cho ta là sự bình an cứu độ.

Sự bình an cứu độ là sự bình an cứu ta khỏi xa Chúa, khỏi mất Chúa, nhưng đem ta lại gắn bó với Chúa là hạnh phúc của ta, là mục đích đời ta.

Sự bình an cứu độ là sự bình an cứu ta khỏi sự an nhàn ích kỷ và giả tạo, để đưa ta dấn thân vào những việc phục vụ người khác một cách chân thành với nhiều sáng kiến.

Sự bình an cứu độ là sự bình an cứu ta khỏi hoả ngục, nhưng đưa ta vào thiên đàng.

Hằng ngày, tôi có thói quen liếc nhìn sơ qua tình hình đời đạo tại Việt Nam nói chung và tại địa phương ta nói riêng. Tôi thấy có hai loại phát triển:

Một là loại phát triển tích cực.

Hai là loại phát triển tiêu cực.

So sánh hai loại phát triển đó, nhiều khi tôi thấy loại phát triển tiêu cực là khá mạnh. Do đó, tôi rất lo âu cho sự bình an của Ðất Nước Việt Nam và của Hội Thánh Việt Nam.

Nhưng, tôi vẫn hy vọng. Bởi vì chúng ta có sự bình an của Chúa. Trong sự bình an của Chúa, mọi người chúng ta, dù trẻ hay già, dù khoẻ mạnh hay bệnh tật, chúng ta ai cũng đều là những người có ích. Riêng những bậc cao tuổi và những người yếu đau bệnh tật, các ngài vẫn có thể dùng sự bình an của Chúa, để làm ích cho Hội Thánh. Nhiều khi kết quả còn hơn nơi những người trẻ và khoẻ mạnh. Kinh nghiệm lịch sử vẫn làm chứng điều đó.

Với hết lòng tin tưởng, chúng ta cầu xin và đón nhận sự bình an cứu độ từ Chúa Thánh Thần.

Bài giảng thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
dành cho các bệnh nhân và già cả
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 15/5/2005