Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Giúp người hấp hối

Người hấp hối là người cảm thấy sức sống mình đang bị nguy cơ chấm dứt.

Trong tình trạng đó, người hấp hối sống những giây phút sau cùng một cách hết sức riêng tư, hết sức quan trọng.

Nếu chúng ta biết được tâm hồn người hấp hối đã sống thế nào trong thời gian đặc biệt tế nhị đó, hẳn chúng ta sẽ biết thương họ. Ðồng thời chúng ta cũng sẽ biết lo cho chính mình, bởi vì sớm muộn chúng ta cũng đến lúc phải hấp hối, để đi vào cõi chết.

Tôi đã nhiều lần tiễn đưa người hấp hối. Chính tôi cũng đôi lần hấp hối, mặc dầu sau đó cơn hấp hối đã qua đi. Vì thế tôi có một chút kinh nghiệm, muốn được chia sẻ, nhân tháng kỳ hồn.

Có thể những kinh nghiệm tôi kể ra đây sẽ khác những kinh nghiệm nơi người khác. Khác về thứ tự các diễn biến, khác về tầm quan trọng chủ quan của mỗi diễn biến nơi mỗi người hấp hối do hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tôi hầu chắc rằng có nhiều điều giống nhau về căn bản.

Người hấp hối cảm thấy những gì xuất hiện tự nhiên trong lòng mình, khi nhận thấy mình gần chết?

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về mục vụ và về bản thân tôi.

 1/ Rất mong được đón nhận những cho đi cần thiết

Người hấp hối nhận biết mình là người cực kỳ nghèo nàn yếu đuối. Họ không tự mình làm gì cho chính mình được. Họ thấy mình mỏng manh về mọi phương diện. Vì thế, họ mong đón nhận những gì mà họ thấy là hữu ích cho họ. Những gì hữu ích cho họ trong tình trạng hấp hối là những phương tiện hay những người có khả năng bớt cơn đau đớn của họ. Ðồng thời họ rất mong gặp những ai biết chia sẻ nỗi lòng vật vã cô đơn của họ.

Phải nói thực là: Những người đến với người hấp hối trước cảnh nghiêm trọng đó, cũng phải nhận thức những giới hạn của mình. Chính họ cũng cảm thấy mình nghèo nàn bất lực trước sự đau đớn bao la của người hấp hối. Tuy nhiên, họ có thể cho người hấp hối rất nhiều an ủi, nếu họ biết yêu thương và tế nhị.

Yêu thương và tế nhị nói đây gồm nhiều chi tiết vừa thuộc nội tâm vừa về thái độ bên ngoài.

Ở đây chỉ xin nêu lên đôi hình ảnh trong Phúc Âm.

Trước hết là hình ảnh Chúa Giêsu, khi đến gần nhà ông Ladarô mới chết. “Chúa Giêsu đã khóc. Thấy vậy những người Do Thái cùng đi nói với nhau rằng: Hãy xem Ngài thương Ladarô đến thế” (Ga 11,35-36).

Tình yêu bên trong và thái độ bên ngoài của Chúa Giêsu là những cho đi quý giá. Sự quý giá này dưới những hình thức khác nhau đôi khi có sức cho người hấp hối những đỡ nâng rất hữu ích, lúc họ gần kề sự chết.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh bà goá dâng hai đồng xu vào đền thờ. Phúc Âm thánh Marcô kể: “Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: Thầy bảo thật các con: Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào đó. Còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,41-44).

Hình ảnh trên đây giúp tôi hiểu rằng: Khi tôi giúp đỡ người hấp hối, tôi nên cho đi những gì mà Chúa cho là có giá trị nhất. Trước mặt Chúa, những gì có nhiều giá trị giúp đỡ người hấp hối là những tình yêu chân thành kèm với lời cầu nguyện sốt sắng và hy sinh âm thầm.

Cũng từ tình yêu chân thành sẽ nảy sinh sáng kiến cho đi lời nói và cử chỉ tế nhị. Tránh cho những giúp đỡ thăm hỏi của ta trở thành hình thức, vô bổ, vô duyên, thậm chí còn gây khó chịu, bực bội cho người hấp hối.

 2/ Rất mong nhìn thấy hy vọng đầy an ủi đàng sau cõi chết

Trong giờ hấp hối, người ta sẽ nhìn về quá khứ đời mình. Họ sẽ nghe một câu hỏi của lương tâm: Tôi đã dùng cuộc sống tôi thế nào? Họ sẽ dễ nhận thấy tội phúc khá rõ ràng.

Sau đó, người hấp hối rất mong tìm được một hy vọng an ủi đàng sau cõi chết. Ðó là một cảm nghiệm, mà hầu như mọi người hấp hối đều thấy xuất hiện từ thẳm sâu tâm hồn mình. Nó xuất hiện như một mong ước. Mong ước đó đặt thành câu hỏi. Câu hỏi đó đợi tìm một trả lời. Trả lời đó sẽ hé mở một chân trời mới đàng sau cõi chết.

Chính vì thế, xin những ai nghĩ đến việc giúp người hấp hối, hãy coi mong đợi trên đây của họ là một việc mình nên đón nhận, cần đoán ra, và có nhiệm vụ phải góp phần giải quyết.

Làm thế nào?

Ðối với tôi, việc làm được coi là tốt nhất đem lại hy vọng cho người hấp hối, là tìm cách giúp họ biết đón nhận Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Lòng thương xót Chúa là một món quà tặng mỗi người chúng ta. Dù đời sống chúng ta chẳng may đầy tội lỗi, đáng ta phải ném vào cõi chết chịu hình phạt muôn đời. Nhưng, Chúa là Ðấng cứu độ, là sự sống và là sự sống lại. Người sẵn sàng ban tặng chúng ta ơn tha thứ và đưa chúng ta vào cõi trường sinh rạng ngời hạnh phúc. Ðó là quà tặng. Không do chúng ta xứng đáng được lãnh nhận, nhờ công phúc của ta, mà chỉ do lòng thương xót Chúa.

Nhưng với một việc phải có. Ðó là ta đón nhận ơn đó với lòng sám hối khiêm cung về mọi lỗi lầm và tin vào tình Chúa xót thương.

Những lời tôi vừa nói coi như đơn giản. Nhưng thực tế cho thấy đơn giản chỉ ở chỗ không nhiều đòi hỏi, chứ đòi hỏi, tuy ít, mà vẫn khó thực hiện. Bởi vì lòng người hấp hối thường bộn bề mệt mỏi và bị ma quỷ cám dỗ rất căng.

Tôi thấy: Phải cầu nguyện rất nhiều cho họ. Nhất là chính chúng ta, đang khi giúp người hấp hối, ta phải đổi lòng ta trước đã, đặc biệt là biết đến với người đau khổ bằng trái tim của Chúa Giêsu hiền lành, khiêm nhường và phó thác.

Nếu ta tưởng rằng đổi được lòng người là do công phúc và nhờ khả năng của ta, thì ta sẽ rất lầm. Phải nhờ ơn Chúa mới giúp người hấp hối gặp được Chúa. Và cũng phải nhờ ơn Chúa, ta mới trở thành những người biết đem tình thương và hy vọng cứu độ cho những người hấp hối.

Khi tôi nói về người hấp hối, tôi cũng muốn hiểu rộng sang những người đau bệnh nặng. Với cái nhìn đó, số người đợi chết, mà chúng ta có nhiệm vụ quan tâm giúp đỡ, sẽ rất đông và đa dạng. Họ không xa ta.

Việc ta làm cho họ là việc đang được coi là rất cần để làm chứng cho Chúa của chúng ta trong thế giới hôm nay. Việc đó có ích cho đạo, và rất có ích cho chính mình ta.

Thực ra, chuyện hấp hối cũng là chuyện của từng người chúng ta. Cái gì phải đến, sẽ đến. Sẽ đến lúc nào, cách nào, ở đâu, chỉ Chúa biết. Vì thế, chúng ta nên gẫm suy sự kiện hấp hối trước mặt Chúa, khi ta còn thời giờ và khả năng gẫm suy. Rồi hãy phó thác thân phận ta cho Chúa với tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện.

Ngày 01 tháng 11 năm 2005