Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Nhân tháng hoa Ðức Mẹ
Suy nghĩ về sự vâng theo ý Chúa

Chúa dạy chúng ta nhiều bài học đạo đức. Một trong những bài học phải được coi là hết sức quan trọng cho chúng ta, đó là vâng theo ý Chúa.

Vâng theo ý Chúa vốn là điều kiện căn bản của sự thánh thiện. Nên ta cần xem lại điều kiện đó nơi bản thân ta. Tháng Hoa kính Ðức Mẹ là một dịp thuận tiện. Ta xin Ðức Mẹ dạy ta biết coi việc vâng theo ý Chúa là một việc dâng hoa đẹp nhất, mà Chúa và Ðức Mẹ rất muốn ta thực hiện.

Hơn nữa, việc vâng phục thánh ý Chúa đang rơi vào khủng hoảng, như Ðức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI đã cho thấy trong những băn khoăn lớn nhất của Ngài. Vì thế, ta càng có thêm lý do nhìn lại yếu tố đó nơi ta trong những giờ phút tĩnh tâm quý báu.

 1/ Những lời vâng phục ý Chúa trong đời Ðức Mẹ

Ðầu tiên, chính Ðức Mẹ nói lời “xin vâng” trong biến cố truyền tin. Phúc Âm thánh Luca kể: “Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Chúa muốn Ðức Mẹ đón nhận Ngôi Lời vào lòng Mẹ. Nhưng Chúa không áp đặt ý muốn đó. Chúa đợi sự vâng phục tự do của Ðức Mẹ. Và Ðức Mẹ đã tự do nói lên sự vâng phục.

Trong một biến cố khác có vẻ không vui, đó là biến cố Hài nhi Giêsu ở lại trong đền thờ, mà cha mẹ không biết. Khi tìm thấy Chúa, chính Ngài lại nhắc lại sự vâng phục thánh ý Chúa Cha là ưu tiên. Cũng Phúc Âm thánh Luca thuật lại lời đó: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận vâng lời Cha con sao?” (Lc 2,49).

Một trường hợp khác có vẻ hơi căng, Chúa Giêsu cũng lại nhắc cho Ðức Mẹ vâng phục ý Chúa Cha theo một hướng khác rộng hơn. Phúc Âm thánh Matthêu kể: “Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có Mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy. Người liền đáp lại: Ai là mẹ tôi? ai là anh em tôi?. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành thánh ý Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, thì người ấy là anh em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,46-50).

Diễn tiến ba trường hợp trên đây cho phép ta nghĩ rằng: Ban đầu, Ðức Mẹ nói lời xin vâng một cách đơn sơ. Nhưng dần dần Chúa cho Ðức Mẹ thấy: Xin vâng ý Chúa là điều không dễ. Ý Chúa nhiều khi rất khác ý loài người. Thánh ý đó không những rất khác ý loài người, mà có khi còn trái ngược lại. Thấy được ý Chúa là điều khó. Thấy rồi mới là một bước. Còn thực thi ý Chúa, mà mình đã thấy, lại là một bước đòi nhiều từ bỏ đớn đau.

Tình hình khó khăn đó mới được Ðức Thánh Cha Benedictô XVI mô tả vắn tắt.

 2/ Ðức Giáo Hoàng và thánh ý Chúa hiện nay

Khi khai mạc Cơ mật viện, Ðức Hồng Y Ratzinger, nay là Ðức Giáo Hoàng Benedictô XVI, đã nhìn thấy thánh ý Chúa hiện nay dành cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn Hội Thánh. Thánh ý Chúa là các ngài phải nhìn rõ và phải nói rõ cảnh bi đát hiện nay về đạo đức và cách giải cứu. Bởi vì con tàu này đang bị tấn công bởi nhiều loại sóng phản thánh ý Chúa.

 a) Cảnh bi đát

Ngài nói: “Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi dạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác-xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vv... Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x. Ep 4,14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình 'bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý' dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất”.

Nhìn thấy cảnh bi đát đó rồi, Ðức Thánh Cha đưa ra cách giải cứu, đó là trở về với Ðức Kitô.

 b) Cách giải cứu

Ngài nói: “Chúng ta có một mẫu mực khác, đó là Con Thiên Chúa, là người thật. Ngài là thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật. Ðức tin 'trưởng thành' không phải là một đức tin trôi theo những làn sóng thời thượng hay mốt mới. Ðức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là một đức tin ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với Chúa Kitô. Ðó là tình bằng hữu mở lòng chúng ta cho tất cả những gì là thiện hảo và cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai, giữa giả trá và chân thật. Chúng ta phải đạt đến mức trưởng thành trong đức tin chín chắn này và chúng ta phải hướng dẫn đàn chiên Chúa đến với đức tin này. Và đó là đức tin - và chỉ có đức tin ấy kiến tạo sự hiệp nhất được thực hiện trong đức bác ái. Về vấn đề này, thánh Phaolô mang lại cho chúng ta những lời thật đẹp trái với những lời vòng vo lên xuống của những kẻ như trẻ thơ bị vùi dập theo làn sóng. Ngài nói hãy thực thi chân lý trong tình bác ái, vì đó là công thức căn bản cho sự hiện hữu Kitô giáo. Chân lý và yêu thương đồng quy nơi Ðức Kitô. Chân lý và bác ái đồng nhất với nhau tuỳ theo mức độ gần gũi của chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta. Tình yêu mà không có chân lý chỉ là tình yêu mù quáng; chân lý mà không có yêu thương chỉ là 'não bạt phèng la' mà thôi” (1 Cr 13,1).

 3/ Áp dụng bài học vâng ý Chúa

Những dòng trên đây về sự vâng phục ý Chúa là rất thời sự. Chúng ta ý thức điều đó. Ðiều cần thiết liền sau là thực thi áp dụng.

Về thực thi áp dụng, tôi xin nêu lên hai gợi ý sau đây:

1) Ðể tập trung vào Ðức Kitô, trước hết chúng ta nên để ý hết sức vào 3 việc: Dâng thánh lễ, suy niệm Thánh ngôn, đi đàng thánh giá.

- Hãy dâng thánh lễ thực sốt sắng.

- Hãy suy niệm Lời Chúa và giảng Lời Chúa một cách nghiêm túc.

- Hãy sống mầu nhiệm thánh giá bằng sự từ bỏ mình và thực thi những việc hãm mình hằng ngày, nhất là trong lãnh vực bác ái.

2) Chúng ta gắn liền việc tôn sùng Ðức Mẹ vào việc cùng với Mẹ đi theo Ðức Kitô. Luôn nuôi dưỡng đời sống nội tâm bằng sự sống Chúa Giêsu. Bởi vì “Người là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6). “Người là thân cây nho, chúng ta là cành” (Ga 15,5). Phải yêu mến Ðức Mẹ với đức tin trưởng thành là: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20).

Như vậy, ta hy vọng sẽ sống trong nguồn chân lý và yêu thương, để nếp sống đạo của ta sẽ là một niềm vui và sẽ là một loan báo Tin Mừng cho người xung quanh.

Ngày 20 tháng 4 năm 2005