Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Suy nghĩ về các dấu chỉ

Ði đường, người ta hay gặp những dấu chỉ. Có những dấu chỉ viết sẵn. Thí dụ các tấm bảng chỉ đường: Bảng này chỉ tới tỉnh nọ, bảng nọ chỉ tới phố kia.

Có những dấu chỉ không viết sẵn, nhưng mang dấu hiệu gì đó. Người đi phải dự đoán, hoặc hỏi người quen.

Cuộc sống cũng như một chuyến đi. Thường gặp nhiều dấu chỉ đa nghĩa. Thí dụ: Béo mập là một hiện tượng. Dấu chỉ đó có thể báo hiệu một sức khoẻ tốt. Nhưng cũng có thể báo hiệu một chứng bệnh nguy hiểm.

Một cuộc thi toàn quốc vào Ðại Học có đa số thí sinh kém về môn sử. Hiện tượng đó là một dấu chỉ. Dấu chỉ đó có một ý nghĩa, mà người thông minh tìm hiểu một cách khách quan, mới nhận ra.

Tại Hội Thánh Việt Nam chỉ từ vài năm nay, đã xảy ra nhiều hiện tượng lạ thường. Những hiện tượng này có tính cách dấu chỉ.

Xin phép kể ra mấy hiện tượng quan trọng:

 1/ Việc xây cất nổi lên tưng bừng

Nhiều nhà thờ mới rộng lớn huy hoàng. Nhiều cơ sở tu trì nguy nga vượt xa nhà ở của hầu hết dân thường.

 2/ Biến cố nhân sự nổi lên khác thường

+ Nhiều vị từ Nam ra dạy học tại chủng viện ngoài Bắc.

+ Bốn vị từ Nam ra được đặt làm Giám mục cai quản 5 giáo phận Bắc. Tức Hà Nội, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Bùi Chu, Thanh Hoá.

+ Trong 4 vị đó, một vị trẻ được nâng lên hàng Tổng Giám Mục lãnh đạo chính giáo phận thủ đô Hà Nội, và đứng đầu giáo tỉnh Bắc.

+ Một vị trong Nam được tôn phong lên tước Hồng Y.

 3/ Dự kiến có việc Nhà Nước Việt Nam thiết lập bang giao với Toà Thánh Vatican.

 4/ Hiện tượng tục hoá lễ lạy, đền thờ, đời tu được đón nhận và phổ biến khá rộng rãi mau lẹ.

Bốn hiện tượng trên được coi là những dấu chỉ. Những dấu chỉ này mang ý nghĩa nào? Có dư luận hiểu theo ý nghĩa “mở ra”. Có dư luận tỏ ra dè dặt, ái ngại.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng:

+ Hiện tượng nào cũng có thể mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa khách quan và ý nghĩa chủ quan.

+ Việc tốt nào cũng có thể trở nên xấu, nếu không biết thực hiện bởi người tốt, với cách thức tốt, trong thời điểm tốt và với mục đích tốt.

+ Việc tục hoá các sinh hoạt và tinh thần tôn giáo là một cơn lũ đã phá nát nhiều nơi trong Hội Thánh toàn cầu.

+ Một việc mà con người tưởng là tốt, nhưng có thể lại không được Chúa chấp nhận là tốt.

Tôi xin phép khai triển ý vừa nêu, bằng việc đưa ra hai sự kiện sau đây được kể trong Phúc Âm.

1. Sự kiện thứ nhất là sau việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng khắp nơi nghe tin dó đã tìm đến Chúa Giêsu. Thấy vậy, Chúa Giêsu không mừng. Ngài còn nói: “Thật, tôi bảo anh em, anh em đi tìm tôi không phải vì anh em đã thấy dấu lạ, nhưng vì các anh em đã được ăn bánh no nê. Anh em hãy ra công làm việc, không phải lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho anh em” (Ga 16,26-27).

Với lời Chúa phán trên đây, chúng ta được biết: Việc Chúa làm cho bánh ra nhiều là một dấu chỉ. Nhưng đừng dừng lại dấu chỉ đó. Hãy vịn vào dấu chỉ đó mà hiểu xa hơn.

Nếu dừng lại dấu chỉ, để phục vụ cho cách sống thực dụng, lạm dụng và lợi dụng, thì không đẹp lòng Chúa đâu. Chúa biết rõ tâm trạng từng người.

Cả khi họ hiểu sai ý nghĩa dấu chỉ của Chúa, như sự kiện sau đây:

2. Sự kiện thứ hai là ngay khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng hiểu đó là dấu chỉ Chúa Giêsu đúng là một vị cứu tinh kiểu vua chúa.

Thánh Gioan kể: “Dân chúng thấy dấu lạ Ðức Giêsu làm, thì nói: 'Hẳn ông này là vị tiên tri, Ðấng phải đến thế gian'. Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến đem mình đi mà tôn làm vua, nên Người lại tránh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,14-16).

Với việc Chúa tránh mặt lúc đó, chúng ta hiểu: Chúa không chấp nhận những lối hiểu sai về dấu chỉ Người làm. Mặc dầu dân chúng không gán cho phép lạ Chúa một ý nghĩa xấu. Họ chỉ gán cho Người một ý nghĩa về quyền lực trần thế. Họ tưởng ý nghĩa đó là một vinh dự dành cho Người. Nhưng Người đã khước từ. Vinh dự họ muốn dâng tặng Người là điều không hợp ý Người.

Những suy gẫm trên đây của tôi được kèm theo một số kinh nghiệm rút ra từ lịch sử quá khứ của Hội Thánh toàn cầu nói chung và của Hội Thánh Việt Nam nói riêng. Tất cả những hiểu biết đó đã làm cho lòng tôi lắng xuống.

Riêng đời tôi, tuy chỉ là một thời gian rất vắn đối với lịch sử Hội Thánh và Ðất Nước, nhưng nó đã cho tôi nếm được nhiều vị cay đắng với những thăng trầm hãi hùng khủng khiếp. Cũng đã có những niềm vui, những biến cố đẹp đẽ, nhưng chúng đã mau qua như pháo bông vụt sáng màu mè trong chốc lát.

Vì thế, tôi không có kết luận nào. Nhưng chỉ tập trung vào việc cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam được luôn luôn đúng là Hội Thánh của Chúa Giêsu, trong bất cứ tình huống nào, dù được huy hoàng, dù gặp khó khăn, dù đụng vào cạm bẫy.

Nếu cần đưa ra một kết luận nào riêng tư lúc này, thì kết luận đó là: Từ nay tôi sẽ phục vụ Hội Thánh của tôi bằng những việc bé mọn âm thầm hơn là những bài báo.

Tình hình sức khoẻ của tôi tiếp tục xấu dần là một dấu chỉ không phải là không có ý nghĩa. Một người già vốn đau bệnh này, đang rất cần tập trung vào lòng thương xót Chúa.

Ngày 10 tháng 8 năm 2005