Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Việc tạ ơn Chúa

Tạ ơn Chúa là một việc rất quen trong đạo. Ðược ơn nào, dù nhỏ dù lớn, chúng ta vẫn thường cảm tạ Chúa.

Cách tạ ơn được thực hiện tự do.

Ðơn sơ như dâng một bông hoa, một cây nến, một chút tiền để trên bàn thờ.

Trọng thể như tổ chức thánh lễ, kiệu tượng ảnh, dựng bia kỷ niệm.

Âm thầm như những lời chân thành tự đáy lòng, hoặc những việc hy sinh lặng lẽ kèm với tâm tình cảm tạ.

Ðể mọi việc tạ ơn Chúa được chắc chắn là những việc lành, không dễ bị lạm dụng, tôi xin phép đưa ra mấy ý rút ra từ Phúc Âm. Ở đây, Chúa Giêsu dạy ta đâu là những ơn ta cần cảm tạ đặc biệt.

 1/ Tạ ơn Chúa vì được làm người con bé mọn của Cha trên trời

Phúc Âm thánh Luca kể: “Nhóm Bảy Mươi hai trở về, hớn hở nói: Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. Ðức Giêsu bảo các ông rằng: 'Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Ðây, Thầy đã ban cho các con quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù. Tuy nhiên, các con chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục các con, nhưng hãy mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” (Lc 10,17-20).

Qua lời Chúa dạy trên đây, chúng ta thấy cách Chúa đào tạo các môn đệ. Các môn đệ hớn hở vì được Chúa ban quyền chức lớn. Thái độ hớn hở ấy không phải xấu, nhưng dễ làm cho các môn đệ tự phụ. Nên Chúa nhẹ nhàng cảnh giác họ nhớ rằng: Cũng vì kiêu ngạo tự phụ, mà Satan đã từ trời phải sa xuống vực thẳm. Cho nên, đừng dại dột mừng vì chức lớn quyền cao. Nhưng hãy mừng vì tên của mình được ghi trên trời. Ðược ghi do lòng thương xót Chúa. Lòng thương xót Chúa là Cha đoái nhận những kẻ bé mọn làm con của Cha.

Kẻ bé mọn được thương thế nào, thì Phúc Âm thánh Luca kể tiếp: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vậy, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Khi biết chắc chắn Chúa Cha rất thương những ai khiêm tốn, đơn sơ, hèn mọn, chúng ta sẽ an tâm chọn cách sống đó. Phần thưởng Chúa dành cho những ai sống như vậy sẽ là: Ðược làm con Cha, được ghi danh trên trời.Ðó là ơn rất quý trọng.

Ðây là điều rất an ủi cho mọi người, đặc biệt là những ai không có chức quyền, không có địa vị trong xã hội và Giáo Hội. Họ chỉ được là con Chúa. Thế là quá đủ. Ðó là điều chúng ta phải nhớ tạ ơn Chúa ưu tiên và suốt đời.

 2/ Tạ ơn Chúa, vì được tin vào Chúa Giêsu là Ðấng đem lại sự sống và sự sống lại

Phúc Âm thánh Gioan kể dài biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ cho ông Ladarô sống lại.

Trước khi làm phép lạ này, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói:

Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân đứng xung quanh đây, nên con đã nói, để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11,41).

Nói xong, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho Ladarô chết đã 4 ngày được sống lại.

Câu chuyện trên đây cho ta thấy rằng: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đi, để làm chứng cho lòng thương xót Chúa.

Lúc đó, gia đình Ladarô đang đau khổ, đám đông đang sầu buồn. Tất cả đều tưởng nỗi đau buồn ấy là cảnh vĩnh biệt sau cùng. Chúa Giêsu đã đến chia sẻ. Không những thế, Người đã cho Ladarô được sống lại. Thái độ này đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu.

Qua câu chuyện này, ta thấy thái độ đồng cảm của Chúa Giêsu dành cho những người đau khổ thất vọng đã là một cách làm chứng cho lòng thương xót Chúa. Chúa Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì thái độ đó.

Thực tế xưa và nay vẫn quý trọng những ai xót thương người đau khổ. Những ai đem lại cho người khác sự sống và sự sống lại một cách nào đó bao giờ cũng ví được như những hy vọng dẫn về Thiên Chúa.

Chúng ta và cộng đoàn ta hãy là những người có cái tâm đồng cảm, xót thương. Ðược thế, chúng ta hãy hết lòng tạ ơn Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn đó một cách dồi dào.

 3/ Tạ ơn Chúa, vì được phục vụ và hy sinh cho người khác

Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể như sau: “Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Các con cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy uống chén này. Vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28).

Ðoạn Phúc Âm trên đây cho ta thấy: Trước khi Chúa Giêsu hy sinh mạng sống mình trên thánh giá, và trước khi Người hy sinh mình, để trở thành lương thực bé mọn dưới hình thức bánh và rượu, Người đã tạ ơn Chúa Cha.

Người tạ ơn Chúa Cha, vì Người được hy sinh để làm chứng cho tình yêu Chúa Cha đối với nhân loại tội lỗi.

Người tạ ơn Chúa Cha, vì Người được làm chứng cho việc thi hành thánh ý Chúa Cha đến cùng độ.

Người coi sự hy sinh như vậy là làm vinh quang cho Chúa Cha, và cũng là một vinh dự cho chính Người. Người coi đó là con đường để trở về cùng Cha, Ðấng đã sai Người. Chúng ta cũng hãy như vậy. Khi được như vậy, chúng ta hãy tạ ơn Chúa.

ù

Trên đây là ba lý do đã được Chúa Giêsu nói lên lời tạ ơn Chúa Cha. Có thể có nhiều lý do khác nữa đã khiến Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn. Chắc là thế. Nhưng chúng ta vẫn nên coi ba lý do kể trên như những chỉ hướng quan trọng, mời gọi chúng ta hãy tạ ơn Chúa một cách đặc biệt.

Tôi thiết nghĩ, ba chỉ hướng đó rất cần cho ta, để đời tạ ơn của chúng ta có cơ sở vững chắc.

 Tâm tình tạ ơn

Trong mọi việc tạ ơn, ta không thể không để ý đến những tâm tình. Một tâm tình được coi là hết sức quan trọng trong tạ ơn, đó là khiêm tốn.

Thánh Phaolô nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi... Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10).

Như vậy, việc tạ ơn vừa ca tụng quyền năng của Chúa, mà cũng vừa xác nhận sự yếu đuối của ta.

Giữ được tâm tình như thế trong bản thân ta đã là việc khó. Phương chi giữ được tâm tình đó trong một tập thể đông đảo, nhất là khi việc tạ ơn được thực hiện bằng việc tổ chức với nhiều khâu phức tạp. Xác thịt, thế gian, ma quỷ không dễ gì để ta tạ ơn Chúa một cách thánh thiện đâu. Chúng có thể biến việc tạ ơn thành dịp phát sinh đủ thứ tội lỗi. Vì thế, việc tạ ơn Chúa luôn đòi sự tỉnh thức đi đôi với lòng khiêm tốn.

Giữ được tâm tình như thế, chúng ta mới thực hiện được lời thánh Phaolô khuyên ta: “Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, các con hãy nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,20).

Ngày 21 tháng 9 năm 2005