Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Ðồng cảm xót thương

Họ đạo Chi Lăng là một cộng đoàn vùng xa, vùng cao. Nhà thờ nay hoàn toàn mới. Lòng đạo cũng đã có nhiều bước tiến mới.

Có thể coi cộng đoàn Chi Lăng này là một ngọn đèn nhỏ dễ thương, giữa vùng núi bao la, phía Nam nước Việt sát gần biên giới nước bạn Campuchia.

Họ đạo vùng xa, vùng cao này đã sống trong tôi từ rất xưa. Thời còn là giáo sư chủng viện Châu Ðốc, tôi đã nhiều lần viếng thăm họ đạo Chi Lăng. Lúc đó rất khác. Từ khi giữ nhiệm vụ Giám mục, tôi càng lưu tâm đến những cố gắng nhiệt thành bền chí của cộng đoàn đáng yêu này.

Nhiều yếu tố của họ đạo đã gây cho tôi những xúc động cao đẹp thân thương. Yếu tố đáng kể nhất là Bổn Mạng họ đạo, tức Ðức Mẹ lên trời.

Những khi cầu nguyện, tôi cảm nghiệm thấy rõ: Ðức Mẹ ở giữa anh chị em như người mẹ đồng cảm xót thương, chia sẻ cuộc đời lẻ loi của anh chị em.

Vì thế, hôm nay, nhân lễ mừng Bổn Mạng họ đạo, tuy không đến được, tôi cũng thân ái gởi anh chị em vài suy nghĩ. Ðể cùng anh chị em mừng Ðức Mẹ.

 1/ Suy nghĩ thứ nhất của tôi là: Chúng ta nên nhìn Ðức Mẹ là người mẹ đầy đồng cảm xót thương. Vì đó là điều rất đẹp lòng Ðức Mẹ

Thực Ðức Mẹ đáng là như vậy. Dù mang tước hiệu nào, Ðức Mẹ vốn đã sống trọn vẹn ơn gọi đồng cảm xót thương.

Ðức Mẹ đồng cảm xót thương đối với Chúa Giêsu, con Mẹ.

Ðức Mẹ đồng cảm xót thương đối với những ai, mà Chúa Giêsu đã yêu thương đến nỗi dám chết để đền tội cho họ.

Ðức Mẹ đồng cảm xót thương đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bé mọn, yếu đuối, như chính Chúa đã làm gương.

Tất cả các thánh đều nhận rằng: Vinh quang của Ðức Mẹ là ở sự Ðức Mẹ có lòng đồng cảm xót thương lớn lao tha thiết. Thao thức lớn lao của Ðức Mẹ là làm sao tất cả các con cái Mẹ cũng hãy biết theo gương Mẹ, mà đồng cảm xót thương đối với mọi người, nhất là đối với những người khổ đau, túng nghèo.

 2/ Suy nghĩ thứ hai của tôi là: Việc sống đạo của chúng ta nên nhấn mạnh đến việc đồng cảm xót thương

Tất nhiên, sống đạo là tin, xin, chịu, giữ nhiều điều. Nhưng, nếu tin, xin, chịu, giữ cách đặc biệt điều Ðức Mẹ muốn là biết đồng cảm xót thương, thì sống đạo sẽ sống động hơn, cụ thể hơn. Thí dụ:

Tôi tin Chúa và Ðức Mẹ giàu lòng thương xót.

Tôi xin Chúa và Ðức Mẹ giúp tôi biết xót thương người khác.

Tôi chịu mọi đau khổ để làm chứng lòng đạo của tôi là xót thương đồng bào.

Tôi giữ mọi điều Chúa và Ðức Mẹ dạy trong lãnh vực yêu thương.

Nếu tin, xin, chịu, giữ như vậy, thì quả là một cách sống đạo rất thiết thực, rất sống động, rất có sức thuyết phục giữa đời.

Tôi cũng dám quả quyết rằng: Cách sống đạo đề cao lòng xót thương đồng cảm sẽ là cách phục vụ Ðất Nước một cách hữu hiệu. Ðó cũng là cách xây dựng bầu khí thân thiện, gắn bó giữa xóm làng. Ðó cũng là cách chúng ta cộng tác đắc lực với các tôn giáo bạn, để làm cho tính chất tôn giáo được sáng, được đẹp, được bảo vệ hữu hiệu giá trị thiêng liêng của tôn giáo.

Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng:

+ Chính nhờ phát triển tình đồng cảm xót thương mà đức tin, đức cậy, đức mến của ta được lớn mạnh thêm mỗi ngày.

+ Chính nhờ có tình đồng cảm xót thương sống động, mà lòng tôn sùng phép Thánh Thể của ta mới góp phần tuôn đổ được vào cuộc sống nơi đây một dòng ơn thánh có sức đổi mới cuộc đời.

+ Chính nhờ có tình đồng cảm xót thương mà tình người, tình đạo có sức truyền cảm đối với con người Việt Nam hôm nay.

Tôi hy vọng Cha Sở Phêrô Lê Trọng Hải của anh chị em và họ đạo Chi Lăng, cũng có kinh nghiệm về những gì tôi vừa chia sẻ.

Thưa anh chị em thân mến,

Hội Thánh hiện nay đang gặp nhiều thử thách. Nhân loại hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, tai hoạ. Chính vì thế, chúng ta phải tỉnh thức nghe lời Ðức Mẹ và theo gương Ðức Mẹ.

Xin luôn nhớ: Hãy cầu xin Mẹ giúp ta có một trái tim giống trái tim Mẹ, biết sống đồng cảm xót thương như Mẹ.

Tôi nghĩ: Vinh quang của ta là ở đó. Niềm vui của ta là ở đó. Ðường lên trời của ta là chính đó. Lễ hôm nay là lễ kêu gọi tình đồng cảm xót thương.

Bài chia sẻ gởi họ đạo Chi Lăng,
nhân lễ Bổn Mạng 14/8/2005