Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Nhớ về ba tâm tình

Cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một biến cố toàn cầu.

Riêng đối với tôi, cái chết của Ngài là một đánh thức.

Thực vậy, cái chết của Ðức Gioan Phaolô II đã đánh thức trí nhớ tôi. Tôi nhớ lại những lần gặp gỡ Ngài.

Những lần gặp gỡ đó đã để lại trong tôi những tâm tình phong phú.

Hôm nay, khi nhớ lại kho tàng tâm tình đó, tôi thấy thế này:

Ngài mang tên Gioan Phaolô, là tên hai thánh tông đồ. Nhưng không phải Ngài chỉ mang tên hai thánh tông đồ, mà thực sự Ngài cũng mang tâm tình của hai thánh tông đồ nổi tiếng.

Xưa, hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô đã có một số tâm tình của người môn đệ Chúa Giêsu. Ðức Gioan Phaolô II cũng có những tâm tình đó. Rồi Ngài lại chia sẻ cho tôi phần nào.

Vậy, những tâm tình đó là gì? Tôi xin tóm gọn vào 3 tâm tình.

 Tâm tình thứ nhất là tạ ơn Chúa

Xưa hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô rất hay nói lên tâm tình tạ ơn Chúa. Ðức Gioan Phaolô II cũng vậy.

Mỗi lần tôi trình bày với Ngài về tình hình giữ đạo và truyền giáo của địa phận Long Xuyên, Ðức Thánh Cha thường đón nhận bằng lời: Xin cảm tạ Chúa.

Ngài tạ ơn Chúa, khi nghe tôi kể những êm xuôi bình thường. Ngài càng tạ ơn Chúa, khi nghe tôi kể những may mắn khác thường. Ngài rất tạ ơn Chúa, khi tôi kể những khó khăn mà Hội Thánh địa phương vẫn kiên trì và âm thầm vượt qua để làm chứng cho Tin Mừng trong yêu thương.

Tâm tình tạ ơn Chúa là điều tôi học được từ nguồn hai thánh tông đồ qua Phúc Âm và qua Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 Tâm tình thứ hai là lo âu về giáo đoàn

Xưa, hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô đã rất lo âu về các giáo đoàn của mình. Ðức Gioan Phaolô II cũng lo âu như vậy.

Khi tôi giãi bày những lo âu của tôi về giáo phận Long Xuyên, về Hội Thánh tại Việt Nam, thì Ðức Giáo Hoàng tỏ ra rất đồng cảm.

Ngài lắng nghe rất chăm chú những lo âu của tôi, nhất là những lo âu về cuộc sống dân nghèo và biết sống tốt với các tôn giáo bạn.

Sự đồng cảm và sự chăm chú lắng nghe của Ðức Thánh Cha về những lo âu của tôi cho phép tôi nghĩ rằng: Ngài rất trân trọng những thao thức của người đứng đầu giáo đoàn. Ngài như học hỏi những tình hình có khó khăn, nhất là những khó khăn, mà bản thân Ngài chưa có kinh nghiệm.

Như vậy, tâm tình lo âu về giáo đoàn là điều tôi cũng học được nhiều từ nguồn hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô trong Phúc Âm và qua Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 Tâm tình thứ ba là hy vọng

Xưa, hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô đã gởi đến những người và những nơi lo âu một sứ điệp lạc quan, đó là hãy hy vọng vào Ðức Giêsu Kitô.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng vậy.

Tôi trình với Ngài về sự giáo phận Long Xuyên rất để ý đến phép Thánh Thể, đến việc học và suy niệm Lời Chúa, đến việc tập trung vào việc noi gương Ðức Kitô, sống khiêm nhường, yêu thương, hài hoà, luôn tìm thực thi thánh ý Chúa Cha. Nghe vậy, Ðức Thánh Cha hỏi: Kết quả ra sao? Tôi thưa: Kết quả là có sự đổi mới cá nhân và đổi mới tập thể. Ðức Thánh Cha rất vui mừng. Bởi vì Ngài rất tha thiết với việc Hội Thánh ngày nay cần phải trở về gắn bó với Ðức Kitô, là Ðấng cứu độ loài người.

ù

Ba tâm tình trên đây mà tôi vừa chia sẻ

- Tạ ơn

- Lo âu

- Hy vọng vào Ðức Kitô

Tôi đã nhận được rất nhiều từ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Từ Ngài và từ Phúc Âm, tôi trở về tận nguồn các tông đồ xưa.

Tôi nghĩ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô là một đài tiếp vận trung thành sứ điệp các tông đồ.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta có một vị Giáo Hoàng hăng say truyền đạt truyền thống các tông đồ.

Chúng ta cầu nguyện, để mỗi người chúng ta, tuỳ theo chức vụ và hoàn cảnh, cũng hãy là những đài tiếp vận trung thực của sứ điệp Phúc Âm tại địa phương này, mà chúng ta gắn bó, mến thương và phục vụ.

Kinh nghiệm cho thấy: Khi truyền thống các tông đồ được chuyển đạt bởi những người ngồi trong một cơ chế quyền lực, thì dễ gì truyền thống đó không bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cơ chế.

Nhất là, khi cơ chế đã là một bộ máy nặng nề phức tạp, thì nguy cơ biến chất đe doạ truyền thống Phúc Âm sẽ không nhỏ.

Tôi thiết nghĩ: Bất cứ ai, khi ngồi vào ghế người lãnh đạo giáo đoàn, cũng sẽ làm việc trong một bộ máy có sẵn. Nên các ngài phải có một bản lãnh mạnh do Chúa Thánh Thần mới giữ được sự tự do truyền đạt chân lý trong sáng của Phúc Âm, giữa những khuynh hướng và áp lực khác nhau cũng như giữa những ý đồ lợi dụng khác nhau.

Truyền đạt bằng lời nói thì dễ, nhưng truyền đạt bằng chính đời sống của mình là điều không dễ.

Ngày 7 tháng 4 năm 2005