Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Chấp nhận chính mình

Trong chỉ một ngày thôi, tôi phải chấp nhận biết bao điều đến với tôi. Như chấp nhận thời tiết, chấp nhận các thứ thuốc phải uống, chấp nhận các thứ đồ phải ăn.

Có những chấp nhận dễ dàng. Có những chấp nhận khó khăn.

Suy đi nghĩ lại về các thứ chấp nhận hằng ngày, tôi thấy có một chấp nhận mà tôi không thể tránh, nhưng tôi cũng không được phép buông xuôi. Chấp nhận đó là chấp nhận chính mình.

Chấp nhận chính mình là một vấn đề rộng. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên vài khía cạnh. Những khía cạnh này đã được đề cập trong Kinh Thánh. Kinh nghiệm đời tôi cũng đã cho tôi cảm thấy một phần.

 Chấp nhận chính mình với sự sáng suốt phân định

Trong bản thân tôi có thiện và có ác. Tôi phải phân định đâu là thiện đâu là ác. Ðể rồi cố gắng làm thiện tránh ác.

Thánh Phaolô đã không ngại phơi bày thực tế xung đột giữa thiện và ác trong con người của Ngài. “Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm...

“Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích Lề luật Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chống lại luật của lý trí và giam tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi.

Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này! Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,14-26).

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Chính nhờ Ðức Giêsu Kitô, mà tôi nhận biết tôi là con người khốn nạn, phải luôn cảnh giác với chính mình.

Trên thực tế, làn ranh giữa thiện và ác thường khó thấy, màu sắc của ác và thiện cũng khó phân biệt. Cũng vậy, trên thực tế, phấn đấu chống lại cái ác, đi theo điều thiện là điều không chút dễ dàng. Nhất là khi sự ác lại khoác màu sự thiện.

Thí dụ, hiện nay, tinh thần tục hoá như ham danh vọng, thoải mái hưởng thụ, đang tràn vào Hội Thánh Việt Nam. Ðó là một thứ “sóng thần” ngầm phá hoại Hội Thánh. Trước sự kiện đó, có nơi tỉnh thức chặn lại được bằng lòng đạo đức, có nơi nông nổi đón nhận một cách hoan hỉ ồn ào, có nơi chịu đựng với lòng lo âu, có nơi dửng dưng, mặc kệ tình hình.

Nguy cơ không phải nhỏ. Nhưng không thiếu người có ảnh hưởng lại rất tự hào. Họ tung ra đủ thứ mồi, để câu những người ngây thơ, kéo họ tin theo tinh thần tục hoá như “tin mừng cứu độ” kiểu mới.

Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo về một thời đầy nguy cơ như thế: “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: Này, Ðấng Kitô ở đây! Kìa, Ðấng Kitô ở đó! Anh em đừng có tin. Thật vậy, sẽ có những kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em” (Mc 13,21-23).

Với những lời trên đây, Chúa cảnh báo chúng ta: Hãy sáng suốt, hãy tỉnh thức cảnh giác cả với chính mình.

Ngoài ra, hãy chấp nhận chính mình với sự quảng đại vác thánh giá kèm theo đời ta.

 Chấp nhận chính mình với sự quảng đại vác thánh giá

Thánh giá của ta là những thử thách đủ thứ, là những đau đớn đủ loại không mấy khi rời ta. Như những bệnh nạn, những nết xấu, những hiểu lầm, những va chạm, những xúc phạm, những giới hạn về mọi phương diện, những mệt mỏi, những chán chường, vv... Tuổi càng cao, tôi càng có thêm kinh nghiệm về thánh giá. Cuộc đời thánh giá thường rất riêng tư. Có những đau khổ tôi có thể nói với những người có thể hiểu và thông cảm. Có những đớn đau tôi không thể nói với bất cứ ai, vì tôi chắc không ai sẽ hiểu và thông cảm được.

Nhưng có một khích lệ lớn giúp tôi chấp nhận chính mình với những thánh giá Chúa gởi. Khích lệ đó là lời thánh Phaolô: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Sự gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Ðức Kitô vì thân xác Người là Hội Thánh, thì tôi xin góp phần để hoàn tất” (Cl 1,24).

Chịu đau khổ để góp phần xây dựng Hội Thánh. Vác thánh giá để cứu các linh hồn. Chịu đóng đinh mình trên thánh giá để tỏ lòng hiệp thông với cuộc tử nạn của Chúa, với mục đích làm chứng cho tình yêu đối với Chúa và đối với các linh hồn. Ðó là những khích lệ lớn lao. Như vậy, chấp nhận những thánh giá không là chuyện thuộc đức tin cho bằng thuộc tấm lòng thương cảm.

Cách đây mấy năm, tôi được hân hạnh đến chào Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại trại nghỉ mát của Ngài. Lúc từ biệt Ngài, tôi nói nhỏ với Ngài: “Ðức Thánh Cha đang đau bệnh và phải vác nhiều thánh giá. Con hứa dâng những đau khổ của con, để cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha”.

Với vẻ xúc động, Ngài nắm tay tôi. Tôi có cảm tưởng Ngài chia sẻ cho tôi một phần đau đớn của Ngài. Cảm tưởng đó không phải chỉ vụt qua lúc ấy, mà vẫn tiếp tục sống động trong tôi, nhất là những thời gian tôi mang bệnh. Tôi có cảm giác như mang một thánh giá vừa là của tôi, vừa là của ai đó.

Sau cùng, chấp nhận chính mình còn là chấp nhận trở về.

 Chấp nhận chính mình với quyết tâm trở về với lòng thương xót Chúa

Tôi biết tôi chẳng có nhân đức nào. Nhưng tôi tin vào Lời Chúa. Chúa phán: “Thầy không đến cho những người khoẻ mạnh, nhưng cho những người đau yếu. Thầy không đến cho những người công chính, nhưng Thầy đến cho những người tội lỗi” (Lc 5,31-32). Vì thế, tôi chấp nhận tôi với lòng sám hối, tạ ơn và phó thác nơi tình yêu thương xót Chúa.

Nhất là khi tôi nhớ lại một lời khác Chúa Giêsu đã phán: “Thầy nói thật cho anh em hay: Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Tôi xin Chúa ban cho tôi ơn trở về bằng thống hối, tạ ơn và phó thác. Tôi thống hối vì bao lần không sống đúng Lời Chúa và theo gương Chúa. Tôi tạ ơn không phải chỉ vì những ơn Chúa ban cho tôi, mà cả vì những ơn Chúa ban cho mọi người, nhất là cho những người yếu đuối bất toàn như tôi. Tôi phó thác mình trong tay Chúa một cách tuyệt đối, như trẻ thơ trong trái tim mẹ mình.

ù

Với sự chấp nhận chính mình như trên, tôi đi về tương lai. Ði một cách bình thản. Tương lai là chính Nước Thiên Chúa đã bắt đầu trong tôi từ hôm nay và từng ngày của đời tôi. Nước Thiên Chúa là tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Vì thế khi tôi từ bỏ cõi đời này chính là lúc Chúa sẽ chấp nhận tôi trong tình thương xót bao la của Người, mãi mãi cho đến muôn thuở muôn đời.

Ngày 01 tháng 3 năm 2005