Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Cầu cho Ðức Giáo Hoàng

Ðức Tân Giáo Hoàng được nhiều người biết đến. Ngài trí thức, đạo đức. Phần đông an tâm về Ngài. Một phần không nhỏ lo lắng cho Ngài. An tâm cũng có lý do. Lo lắng càng có lý do.

Riêng Ngài thì chọn con đường thánh ý Chúa: Lắng nghe ý Chúa, làm theo ý Chúa. Ðược thế, thì sẽ an tâm. Nhưng tôi thiết nghĩ, luôn nghe được ý Chúa, và luôn làm đúng ý Chúa là điều Ngài cũng phải lo lắng rất nhiều.

Tôi nghĩ vậy, một phần vì có kinh nghiệm bản thân, một phần vì thấy những dấu tích còn để lại trong lịch sử các vị lãnh đạo Hội Thánh, nhưng nhất là vì nhìn vào thánh tông đồ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Thánh Phêrô là đấng rất thánh. Không phải Ngài thánh vì lúc nào cũng hiểu được ý Chúa và lúc nào cũng thi hành đúng ý Chúa. Nhưng Ngài thánh, vì khiêm tốn nhận mình yếu đuối, có những sai lầm, nên thống hối với tất cả lòng yêu Chúa thiết tha.

Kinh Thánh không giấu giếm những lỗi lầm của Ngài.

Tôi xin lướt qua, để cho thấy chính thánh Phêrô dạy ta: Hiểu được ý Chúa là điều không dễ, làm theo ý Chúa càng là điều không dễ.

 1/ Thánh Phêrô lầm, khi cản Thầy mình chọn con đường thương khó

Phúc Âm thánh Matthêu kể: “Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra ngoài và bắt đầu can trách Người: ‘Xin Thiên Chúa thương, đừng để Thầy phải gặp chuyện ấy’. Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: ‘Satan! Hãy lui lại đàng sau Thầy. Con cản lối Thầy. Tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,21-23).

Ta thấy đó. Tư tưởng của thánh Phêrô đâu có gì là tội lỗi đâu! Thế mà Chúa Giêsu đã bác bỏ một cách nghiêm khắc. Chỉ vì tư tưởng đó không hợp với ý Chúa.

Từ chuyện trên đây ta có thể đoán được rằng: Ðã có những tư tưởng, lời nói và việc làm của cá nhân ta, hoặc của tập thể ta, tưởng rằng đẹp ý Chúa, nhưng thực sự lại bị Chúa bác bỏ.

Thánh ý Chúa nhiều khi rất khác ý ta.

 2/ Thánh Phêrô lầm, khi chủ quan cho mình là mạnh

Phúc Âm thánh Marcô kể: “Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Ðức Giêsu nói với các ông: ‘Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em’. Ông Phêrô liền thưa: ‘Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không’. Ðức Giêsu nói với ông rằng: ‘Thầy bảo thật con: Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy 2 lần, thì chính con, con sẽ chối Thầy đến 3 lần’. Nhưng ông Phêrô lại quả quyết hơn: ‘Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14,26-31).

Qua những lời thánh Phêrô quả quyết, ta thấy lòng Ngài rất yêu mến Thầy mình. Nhưng Ngài chủ quan tưởng rằng tình mến đó không gì lay chuyển nổi. Chúa Giêsu cảnh báo. Nhưng Phêrô vẫn giữ nguyên ý định tự hào của mình. Ngài cũng có vẻ cho rằng: ý định tự hào đó là đẹp ý Chúa, làm sáng danh Chúa. Nhưng Ngài đã sai lầm thê thảm.

Trong lịch sử đời ta và đời Hội Thánh, cũng có những tư tưởng, lời nói, việc làm tự đắc, tự hào, tưởng chắc là đẹp ý Chúa. Nhưng sau đã sụp đổ tan tành. Sụp đổ rồi mới nhận ra sự dại dột của mình thì đã quá muộn.

 3/ Thánh Phêrô lầm, khi không tỉnh thức

Phúc Âm thánh Marcô thuật lại rằng: Trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ xuống đất cầu nguyện, lòng đầy xao xuyến, hãi hùng. Ngài bảo Phêrô và những môn đệ đi theo chịu khó canh thức với Ngài. “Khi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, Người liền nói với Phêrô: Simon, con ngủ sao? Con không thức nổi một giờ sao? Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,37-38).

Tôi nghĩ rằng: Chúa Giêsu biết, cho dù buồn ngủ, người ta vẫn có thể thức, khi biết cảm thông với Ngài đang đau khổ, và khi đoán được một biến cố cực kỳ bi đát sắp xảy ra. Nhưng thánh Phêrô đã không như thế. Mặc dầu không có ác ý, nhưng sự thiếu tỉnh thức của Ngài cũng đã là điều sai ý Chúa, gây nên gương mù cho các thế hệ đi sau.

Trong đời người môn đệ Chúa của ta và lịch sử Hội Thánh của ta, sự thiếu tỉnh thức là một thiếu sót dễ xảy ra. Có thiếu sót gây tai hoạ nhỏ. Có thiếu sót gây tai hoạ lớn.

Ngay hiện nay, sự tỉnh thức nghe được ý Chúa trong thời sự, và phân biệt được ý Chúa trong các kế hoạch coi như đạo đức, vẫn là điều chẳng dễ.

 4/ Thánh Phêrô lầm, khi nhẹ dạ dấn thân vào môi trường đầy nguy hiểm

Phúc Âm thánh Luca kể: “Họ bắt Ðức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và ngồi quanh với nhau. Ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: ‘Cả bác này nữa cũng đã ở bên ông ấy đấy’. Phêrô liền chối: ‘Tôi không biết ông ấy đâu’. Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: ‘Cả bác này nữa, bác cũng thuộc bọn chúng’. Ông Phêrô đáp: ‘Này anh, không phải đâu’. Chừng một giờ sau có người khác lại quả quyết: ‘Ðúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê’. Nhưng ông Phêrô trả lời: ‘Này anh, tôi không biết anh nói gì’. Ngay lúc Phêrô còn đang nói, thì gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Thầy đã bảo ông: ‘Hôm nay, khi gà chưa kịp gáy, thì con đã chối Thầy 3 lần’. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,54-62).

Mẩu đời trên đây của thánh Phêrô là một bài học cho chúng ta. Ngài cứ chủ quan, dấn thân vào một môi trường nguy hiểm, với ảo tưởng việc mình làm là tốt, sẽ an ủi Chúa Giêsu. Nhưng rõ ràng ý Ngài không hợp với ý Chúa. Nên kết quả rất bẽ bàng.

May mà Ngài đã thống hối. Thống hối ăn năn mới chính là việc hợp thánh ý Chúa.

ù

Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi là người rất mến Chúa Giêsu và rất quyết tâm đi theo Chúa Giêsu.

Nhưng không vì thế mà Ngài đã tránh được những yếu đuối và những sai lầm.

Thiết tưởng, đây cũng là một bài học cho những người được Chúa trao trọng trách kế vị thánh Phêrô, hoặc chia sẻ phần nào trọng trách đó.

Xin hãy cầu nguyện rất nhiều cho Ðức Giáo Hoàng. Xin cũng đừng quên cầu nguyện cho các Ðức Giám Mục và các linh mục là những người cộng tác với Ngài.

Nên luôn nhớ rằng:

Tình hình trong đạo ngoài đời hiện nay rất phức tạp. Phải cầu nguyện nhiều và luôn tỉnh thức, mới trông được ơn sống theo ý Chúa.

Ngày 6 tháng 5 năm 2005