Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Suy nghĩ về
một chuyến thăm mục vụ

Trong nguyệt san “30 ngày” số 8/2005, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe đã trả lời phỏng vấn về chuyến đi Việt Nam, mà Ngài sắp thực hiện.

Trả lời của Ngài rất vắn tắt. Xin trích đoạn Ngài xác định mục đích chuyến đi này:

Chuyến đi này có mục đích hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ. Nó sẽ gồm những cuộc viếng thăm các Ðức Giám mục và các cộng đoàn công giáo. Cũng sẽ có những cuộc gặp các vị đại diện chính quyền.

Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ là một khích lệ cho mọi người, để họ sống đức tin với niềm vui. Nhưng tôi cũng không quên sự dấn thân của Hội Thánh vào việc hỗ trợ sự phát triển tôn giáo, và cả đến văn hoá, xã hội và nhân đạo trong đại quốc gia Việt Nam”.

Những lời trên đây của Ðức Hồng Y Bộ Truyền giáo của Toà Thánh Vatican là những xác định khôn ngoan toả ra những hy vọng rộng mở.

Chúng ta trông đợi chuyến viếng thăm của Ngài tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Thế nào là một chuyến thăm mục vụ thành công tốt đẹp? Mỗi người có thể nghĩ khác nhau, tuỳ cái nhìn của mình.

Riêng tôi, tôi đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm mục vụ. Những chuyến viếng thăm này tất nhiên, ở mức thấp, trong phạm vi nhỏ. Tuy nhiên, cũng từ đó đã hình thành trong tôi hình ảnh về một chuyến viếng thăm mục vụ gọi được là thành công. Tôi xin phép chia sẻ.

Theo tôi, thành công của một chuyến thăm mục vụ sẽ tuỳ thuộc ở ba yếu tố chính yếu sau đây:

 1/ Nội dung cuộc viếng thăm là tình yêu Chúa

Thực vậy, những cuộc viếng thăm hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ bao giờ cũng chủ ý trao tặng tình yêu Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa nói đây không phải là một chủ trương, một kế hoạch, một hệ thống lý thuyết, nhưng là một tình yêu của Thiên Chúa sống động, vô cùng quý giá, vô cùng cần thiết cho hạnh phúc con người.

Tình yêu này là một mời gọi, một quà tặng. Nó hiện diện êm đềm kín đáo trong người thăm viếng. Người thăm viếng mục vụ ra đi với tư cách người được Chúa sai đi, mang theo tình yêu của Chúa.

Chính Chúa Giêsu cũng đã được Chúa Cha sai vào thế gian, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa. Người mạc khải bằng lời nói, việc làm và chính cuộc sống của Người.

Người rất ý thức sứ vụ của Người là như thế. Người mong muốn mọi người cũng hiểu như thế. Nhưng chẳng may, nhiều người đã hiểu sai.

Sự hiểu sai nội dung cuộc viếng thăm là một sự kiện đáng buồn. Sự kiện này ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của việc viếng thăm mục vụ.

Vì thế, có thể nói thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ tuỳ thuộc khá nhiều vào việc những người được viếng thăm có nhận ra đúng nội dung cuộc viếng thăm đó không.

Hiểu đúng, đó đã là một yếu tố đáng mừng. Nhưng chưa đủ. Cần một yếu tố nữa. Ðó là đón nhận nội dung ấy. Như trên đã nói, nội dung chuyến viếng thăm là tình yêu Chúa.

 2/ Ðón nhận tình yêu Chúa trong cuộc viếng thăm

Tình yêu Chúa là một quà tặng. Quà tặng này có những mời gọi. Như mời gọi người nhận hãy để Chúa cứu họ ra khỏi xiềng xích tội lỗi, và như mời gọi họ hãy phấn đấu sống trong sạch, thánh thiện, để càng ngày càng nên xứng đáng là con Thiên Chúa.

Những mời gọi như thế của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi người đón nhận phải phấn đấu, phải sống một đời sống biết vui với những giá trị cao đẹp của thánh giá cứu độ và của Tám Mối phúc, chứ không phải một đời sống vui với những thoả thích thấp hèn của xác thịt, trần gian theo hướng hưởng thụ.

Chính vì những đòi hỏi thánh thiện của tình yêu Thiên Chúa, mà tình yêu Chúa trao tặng có thể được người ta đón nhận và cũng có thể bị người ta từ chối.

Bởi vì Chúa cho con người được tự do. Người không ép buộc, không áp đặt.

Tự do đón nhận cũng có nhiều cách.

Tự do từ chối cũng có nhiều cách.

Cách tự do đón nhận đáng quý nhất là đón nhận thực tình, hân hoan, biết ơn và quyết tâm thực hiện mọi điều tình yêu Chúa đòi hỏi.

Cách tự do đón nhận đáng buồn là chỉ mang tính cách xã giao, thiếu thiện chí, bôi bác cho qua.

Hiện tượng từ chối cũng rất thường xảy ra. Nó được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ lộ liễu đến tinh vi.

Hiểu như trên, ta thấy thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ không thể chỉ căn cứ vào những đón tiếp linh đình hoặc vài kết quả bề ngoài.

Như vậy, thành công đích thực tuỳ thuộc ở yếu tố nhận ra đúng quà tặng tình yêu Chúa và biết đón nhận quà tặng đó.

Theo thiển ý của tôi, còn một yếu tố nữa sẽ giúp cho thành công cuộc viếng thăm được hoàn thiện. Yếu tố đó là phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa tặng.

 3/ Phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa

Tôi quan niệm một cuộc viếng thăm mục vụ chính là một việc gieo trồng những gì tình yêu Chúa gởi tặng cho những con người một vùng, một nước.

Việc gieo chỉ là việc của một thời gian vắn. Nhưng việc mọc mầm, lớn lên thành cây là việc của thời gian dài.

Trong thời gian dài đó, hạt giống được gieo vào đất cần được chăm sóc ân cần. Nếu không, hạt giống sẽ bị chim chóc ăn đi, hoặc bị cỏ dại lấn át làm chết dần.

Sự chăm sóc đòi nhiều tỉnh thức và khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần. Nếu không, thành quả tốt ban đầu của cuộc viếng thăm mục vụ sẽ qua đi như mây khói. Thay vào đó, sẽ là những đổi mới không còn trên nền tảng Phúc Âm và những quy tụ chỉ gây nên chia rẽ. Thay vì hướng về tình yêu Chúa cứu độ, con người sẽ lạc hướng, tìm về những tình yêu tai hại.

ù

Vài suy nghĩ trên đây đã rút ra từ những kinh nghiệm hơn là những lý thuyết.

Kinh nghiệm còn cho tôi thấy: Những cuộc viếng thăm mục vụ đã là dịp để biết người, biết ta, biết những sự lạ lùng Chúa làm trong thế giới các tâm hồn, và biết những rào cản vô hình khác nhau chặn lối vào Nước Trời.

Với những tâm sự chân thành trên đây, tôi cầu nguyện và xin mọi người công giáo Việt Nam cầu nguyện cho chuyến đi mục vụ đầu tiên của Ðức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Truyền giáo trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Ngày 20 tháng 11 năm 2005