Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

MỪNG QUỐC KHÁNH
Nhắc tới những khó khăn

Nguyễn Thanh Long: Năm nay, ngày Quốc Khánh được tổ chức trọng thể khác thường. Dịp này, các phát biểu trên toàn quốc đều đồng loạt nhắc về quá khứ. Một quá khứ kéo dài đầy những khó khăn. Nhưng nhân dân ta đã anh dũng vượt qua.

Riêng đối với Ðức Cha, quá khứ của Ðức Cha trong lịch sử Ðất Nước chắc cũng trải qua nhiều khó khăn. Ðức Cha có thể chia sẻ phần nào?

 + ÐGM. Bùi Tuần: Phải thành thực nói rằng: Tôi đã sống trong nhiều khó khăn và với nhiều khó khăn. Có nhiều thứ khó khăn cùng loại với mọi người. Có những khó khăn là của riêng tôi. Trong số những khó khăn riêng, tôi phải kể đến một khó khăn thuộc về lương tâm. Ðó là:

Một đàng, độc lập và hoà hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát.

Một đàng, chống Cộng lại là một mệnh lệnh thiêng liêng của Bề trên trong đạo, mà tôi phải vâng.

Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: Thời điểm lịch sử tập trung vào việc giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Ðảng Cộng Sản lãnh đạo.

Có những lúc, lương tâm cảm thấy diễn ra những xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và có chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này sang năm khác. Vì thế, xin thú thực là quá khứ của tôi trong quá khứ của Ðất Nước có nhiều nỗi nặng nề và đau đớn riêng khó tả.

 NTL: Những khó khăn mà Ðức Cha vừa nói quả là lớn lao. Ðức Cha có thể cho biết Ðức Cha giải quyết thế nào?

 + ÐGM. BT: Tôi phải giải quyết và đã giải quyết. Nhất là khi tôi là linh mục, rồi làm Giám mục.

Cách giải quyết của tôi thực rõ ràng. Tôi vừa vận dụng những khả năng tự nhiên, như trí khôn với trình độ trí thức, kinh nghiệm lịch sử với sự khôn ngoan. Và vừa đón nhận những khả năng siêu nhiên như các ơn Chúa Thánh Thần.

Tôi rất để ý đến việc cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.

Ơn Chúa Thánh Thần không phải là các nhân đức, nhưng là một thứ khả năng giúp tôi biết đón nhận các ơn trên. Thí dụ: Khả năng đón nhận ánh sáng siêu nhiên giúp trí khôn tôi nhìn xa thấy rộng, nhất là nhận ra thánh ý Chúa. Thí dụ: Khả năng đón nhận hứng thú siêu nhiên, giúp ý chí tôi khát khao điều thiện và hăng say thực thi điều Chúa muốn. Và thí dụ: Khả năng phân định thiêng liêng, giúp cho sự tự do của tôi biết có những chọn lựa khôn ngoan.

Thế là tôi có những cái nhìn mới. Nhưng đồng thời cũng có những thánh giá mới.

 NTL: Với cách giải quyết như trên, chắc Ðức Cha đã đạt được nhiều kết quả tốt?

 + ÐGM. BT: Ðó chỉ hy vọng. Còn kết quả chắc chắn thế nào, thì tôi không dám xác định.

Tuy nhiên, tôi cũng được an ủi về phía những xác định của các Bề trên.

Mới rồi, một lá thư của Bộ Truyền Giáo đề ngày 12/8/2005, với nội dụng mừng 50 năm linh mục của tôi, đã đưa ra 3 điểm cụ thể. Nguyên văn như sau:

1/ “Trong nửa thế kỷ qua, với lòng quảng đại và trung tín, Ðức Cha đã không tiếc sức mình để hoàn thành sứ vụ linh mục của Ðức Cha. Ðức Cha đã làm chứng một Ðức Kitô khiêm tốn, đơn sơ, khó nghèo và thương xót qua đời sống của Ðức Cha”.

2/ “Bài giảng và bài viết của Ðức Cha rất nhiều, chứng tỏ rõ Ðức Cha coi việc truyền bá Tin Mừng chính là nhiệm vụ nền tảng đời mục tử của Ðức Cha”.

3/ “Như vị tông đồ dân ngoại, Ðức Cha đã đào tạo không những người kế vị Ðức Cha trong nhiệm vụ cai quản Giáo Hội địa phương của Ðức Cha, mà còn đào tạo nhiều Giám mục giá trị đã dâng hiến cho Giáo Hội Việt Nam”.

 NTL: Nhiều người đã coi thư trên đây của Toà Thánh là một bản tuyên dương. Còn Ðức Cha tiếp nhận thế nào?

 + ÐGM. BT: Tôi tiếp nhận như một chỉ dẫn.

- Chỉ dẫn thứ nhất là: Dù tình hình có những khó khăn, các môn đệ Chúa vẫn có thể làm chứng cho Chúa bằng cách này hay bằng cách khác.

- Chỉ dẫn thứ hai là mọi cách làm chứng cho Chúa phải hợp với gương mẫu của Chúa Giêsu, của các tông đồ Chúa và của Phúc Âm.

 NTL: Những chỉ dẫn trên, nếu được các người tin Chúa thực hiện trên quê hương Việt Nam hôm nay, thì có thể coi đó là những đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn nền độc lập và hạnh phúc của đồng bào không?

 + ÐGM. BT: Ðược lắm chứ. Tôi vẫn xác tín điều này: Hạnh phúc của một cá nhân, một tập thể, một dân tộc tuỳ thuộc rất nhiều vào những giá trị thiêng liêng.

Một sự phát triển phong phú đáp ứng hoàn toàn cho hoài vọng hưởng thụ, mà thiếu phát triển đạo đức, sẽ dễ sinh ra các tệ nạn, các tội lỗi.

 NTL: Theo Ðức Cha, tình hình hiện nay có còn khó khăn không?

 + ÐGM. BT: Còn nhiều chứ. Báo chí hằng ngày nói nhiều đến các thứ tiêu cực như lãng phí, tham nhũng, hình thức, trì trệ, hưởng thụ, đua đòi, gian lận, giảm lòng tin, cá nhân chủ nghĩa, mất phẩm chất.

Các thứ tiêu cực đó trong xã hội là những khó khăn không nhỏ cho sự bảo vệ và phát triển Ðất Nước.

Riêng trong đạo cũng đang phát sinh một số khó khăn, như nhiều người chọn những đường lối sống không phù hợp với Phúc Âm, tìm tư lợi và uy tín cá nhân dưới danh nghĩa Hội Thánh Chúa, để quyền và tiền điều khiển đưa con người xa dần đức tin.

Tôi thấy thời nào cũng có những khó khăn của thời đó.

Theo tôi, xem ra những khó khăn nguy hiểm nhất hiện nay đang âm ỉ rình phá Ðất Nước và Hội Thánh là các thứ ngòi xung đột:

Xung đột giai cấp,

Xung đột quyền lợi,

Xung đột tôn giáo,

Xung đột cũ mới,

Xung đột thiện ác,

Xung đột khát vọng,

Xung đột giàu nghèo.

Chẳng có chiến thắng nào dễ cả.

Quốc Khánh hẳn là vui. Nhưng vui, mà đừng quên cảnh giác, và đừng rơi vào ảo tưởng.

Ngày 20 tháng 8 năm 2005