Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Những người gieo trồng

Tháng 9 là thời gian khai trường. Trường nhỏ, trường lớn đều tấp nập. Trường đời, trường đạo đều rộn ràng. Cảnh nhập học đưa Ðất Nước vào cảnh gieo trồng: Gieo văn hoá, trồng con người.

Ðối với tôi, cảnh đẹp khai trường trên Ðất Nước gợi trong tôi một hình ảnh quan trọng được Chúa Giêsu nhiều lần nói tới. Ðó là Hình ảnh gieo trồng Tin Mừng.

Trên thực tế, gieo trồng Tin Mừng là một thao thức lớn của các chủ chăn. Nên việc đào tạo những người đi gieo trồng Tin Mừng là một việc của các trường chuyên môn cũng thường khai giảng vào tháng 9. Hơn nữa, đây còn là một việc của các khoá, các lớp được tổ chức quanh năm một cách thường xuyên.

Tầm quan trọng của người gieo trồng Tin Mừng trong thời điểm này tại Việt Nam là rất lớn. Vì thế, tôi có vài suy nghĩ, xin được chia sẻ vắn tắt sau đây:

 1/ Chủ cánh đồng truyền giáo

Chủ cánh đồng truyền giáo là chính Chúa, các người gieo trồng phải do Chúa sai đi.

Phúc Âm thánh Matthêu chép: “Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,36-38).

Việc sai đi là do Chúa. Ðiều này được Chúa Giêsu nhắc lại trong Phúc Âm thánh Gioan: “Thầy sai các con đi gặt” (Ga 4,38).

Lời Chúa phán trên đây đáng được nhắc nhở lại rõ ràng trong thời điểm này. Sở dĩ tôi nói như vậy, là vì tôi thấy có một số trường hợp, việc đi tu nhất là việc chịu chức thánh, và nhận chức vụ thánh, đã không do Chúa, mà do những lý do khác, động lực khác, chủ quyền khác.

Vì không được chính Chúa sai đi, nên người nhận việc trên cánh đồng của Chúa rất dễ rơi vào tình trạng thiếu những ơn cần thiết cho việc gieo trồng Tin Mừng.

 2/ Người được Chúa sai đi nên nhớ mình chỉ giữ một vai trò khiêm tốn

Phúc Âm thánh Gioan ghi lại lời Chúa Giêsu phán với các môn đệ: “Thầy sai các con đi gặt những gì chính các con đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả. Còn các con, các con được hưởng công lao của họ” (Ga 4,38).

Với lời Chúa căn dặn trên đây, Chúa muốn mọi người chúng ta hãy biết ơn những người đi trước. Nhiều khi, tôi nhớ lại những thời đầy khó khăn, các người truyền giáo trước tôi đã sống túng nghèo, chịu vô vàn khổ cực trong cảnh lo âu. Nhận thức như vậy, tôi mới thấy được phần nào công ơn các ngài. Ðúng là tôi hưởng những gì người đi trước đã gieo. Chứ công lao của tôi chẳng sánh được chút nào với công lao của các người đi trước, dù các công lao của các vị đã rất âm thầm.

Chính bản thân tôi hôm nay cũng là kết quả của những chuỗi dài những hy sinh của bao vị tiền nhân. Trong các vị đó, có những tên tuổi được biết đến, nhưng có vô số những tên tuổi cố ý chìm lặng trong sự quên mình.

 3/ Người được Chúa sai đi phải hết sức mình để gieo hạt giống tốt

Phúc Âm thánh Matthêu ghi rõ ràng lời Chúa Giêsu phán sau đây: “Hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (Mt 13,38).

Con cái Nước Trời là những kẻ nuôi dưỡng mình bằng việc thi hành thánh ý Chúa, theo gương Chúa Giêsu. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Biết được thánh ý Chúa và thi hành đúng thánh ý Chúa là những việc không dễ, nhưng luôn khả thi, nếu chúng ta thực sự gắn bó với Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người.

 4/ Người truyền giáo phải chuẩn bị đất kỹ càng, để việc gieo trồng được kết quả

Phúc Âm thánh Matthêu ghi lại khá tỉ mỉ nhiều trường hợp, Chúa cho là nông nổi trong việc gieo trồng. Những trường hợp nông nổi đó như là “gieo bên vệ đường”, “gieo trên sỏi đá”, “gieo vào bụi gai” (Mt 13,18-22).

Nông nổi có thể do đất được gieo, và cũng có thể do sự thiếu chuẩn bị của người gieo trồng. Bởi vì chính lòng chúng ta, khi đi gieo trồng, cũng đã nguội lạnh, cứng cỏi, gai góc sẵn.

 5/ Người được sai đi phải hết sức tỉnh thức, để ngăn chặn cỏ lùng khỏi lẫn lộn vào mảnh đất của ta

Phúc Âm thánh Matthêu kể lại lời Chúa phán: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13,26).

Cỏ lùng ám chỉ các tính hư tật xấu, các khuynh hướng gian tà, các tội lỗi, các người xấu.

Việc gieo cỏ lùng vào giữa lúa là thời sự hằng ngày. Do các phong trào xấu, não trạng xấu, lối sống xấu.

Chúng ta thường đổ tội cho ma quỷ, thế gian đã gieo cỏ lùng vào các linh hồn thuộc trách nhiệm của ta. Nhưng nếu khiêm tốn xét mình, chúng ta sẽ thấy: Kẻ gieo cỏ lùng nhiều khi chính là chúng ta.

Chúng ta không đến nỗi quá tệ như lớp người Pharisêu thuở xưa bị Chúa gọi bằng những tên đạo đức giả. Nhưng, nếu tự mãn, chính chúng ta sẽ bị nguy hơn họ, khi chúng ta gieo cỏ lùng vào cánh đồng truyền giáo của mình, mà Chúa cứ làm ngơ.

Sự Chúa cứ để mặc ta chìm xuống hố sai lầm, đó là một hình phạt kinh khủng, Chúa dành cho những người mang thói quen khinh thường tiếng Chúa dạy bảo.

ù

Vài suy nghĩ trên đây về kẻ gieo trồng rút ra từ Phúc Âm chỉ là một gợi ý yếu ớt. Chính Chúa Thánh Thần sẽ mở lòng trí ta, nếu ta khiêm tốn bước vào trường Phúc Âm.

Dù ở bậc nào, tuổi nào, chúng ta vẫn mãi cần được nhập học. Có nhiều điều chúng ta chỉ học được bởi Chúa, khi chúng ta trở nên bé nhỏ (x. Lc 10,21).

Người ta nói rằng: Nhiều đấng bậc đi gieo trồng tại Việt Nam hiện nay đang đứng trước “cơ may” không còn bị quỷ cám dỗ, như các thánh thuở xưa nữa. Lý do đơn giản là vì cám dỗ đã trở thành dư thừa đối với các ngài.

Nếu đúng là như vậy, thì tình hình đạo đức Phúc Âm sẽ ra sao, cho dù bề ngoài vẫn hào nhoáng ồn ào?

Ngày 24 tháng 8 năm 2005