Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Thanh luyện bản thân

Ta đang sống trong Mùa Chay. Nghe nói đến Mùa Chay, nhiều người nghĩ ngay đến việc kiêng ăn bớt uống. Nghĩ thế không sai. Nhưng không hẳn là đủ. Bởi vì kiêng ăn bớt uống chỉ là một việc đạo đức được nhắc tới trong Mùa Chay. Còn nhiều việc đạo đức khác nữa cần thực hiện những ngày này. Trong đó có việc thanh luyện tấm lòng, lời nói và việc làm.

 Tấm lòng và lời nói

Trước hết, tôi nhấn mạnh đến tấm lòng và lời nói, bởi vì Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến hai nguồn ấy. Chúa phán: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: Ðến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì như lời nói của mình mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12,34-37).

Lời Chúa phán trên đây dạy ta phải coi chừng lời mình nói ra và những gì lòng mình chất chứa.

Hậu quả của một lời nói không nhỏ đâu. Hậu quả của một tư tưởng cũng không nhẹ đâu. Nếu một tư tưởng hoặc một lời nói là một sai phạm đến sự thực, đến công bình, bác ái, thì hậu quả có thể sẽ rất trầm trọng. Tai hại xảy ra cho người khác sẽ là nỗi oan đau đớn. Tai hại xảy ra cho xã hội, cộng đoàn và tôn giáo sẽ nặng nề không dễ sửa lại. Tai hại xảy ra cho chính mình sẽ khó lường được ở đời này, nhất là ở đời sau.

Tư tưởng xấu, lời nói xấu, việc làm xấu thì vô kể. Ở đây, tôi chỉ xin được nhắc tới vài loại xưa đã nhắm vào mục đích loại trừ Chúa Giêsu. Những loại đó nay cũng vô tình hay hữu ý đang làm hại Hội Thánh Chúa và nhiều người đang hết lòng phục vụ Hội Thánh của Người.

 Do ghen tương

Chúa Giêsu là Ðấng cực thánh. Nhưng Người đã bị các thượng tế tố cáo, trao nộp cho chính quyền và đòi phải kết tội bằng một bản án nặng nhất. Ðộng cơ chính là gì? Phúc Âm thánh Marcô viết: “Quan Philatô thừa biết, chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Chúa Giêsu”. Hơn nữa, cũng chỉ vì ghen tỵ, mà các thượng tế “sách động đám đông xin phóng thích tên cướp Baraba” “hô lên yêu cầu đóng đinh Giêsu vào thập giá” (Mc 15,10-13).

Ghen tương trong lòng, ghen tương ngoài miệng, ghen tương bằng hành động, là những chuyện xấu xa xảy ra khắp nơi, ở mọi giai cấp.

Ông Giuse được ông Giacóp là cha đẻ thương yêu cách riêng. Ông đã bị chính các anh mình ghen tương, đem bán cho lái buôn Ai Cập.

Ðavít là con rể vua Saulê. Người con rể trẻ trung này được dân mộ mến hoan hô. Saulê ghen tức, đã tìm cách thủ tiêu Ðavít.

Chính vua Ðavít, vì quá thành công, đã có lúc rơi vào thân phận khổ sở, do xung quanh ghen tỵ. Ngài than với Chúa:

Con chẳng khác bồ nông miền sa mạc,
Tựa như con cú chốn hoang tàn,
Suốt năm canh trằn trọc.
Phận như chim lạc đàn đậu mái hiên
” (Tv 102,7-8).

Ghen tương là thứ thuốc độc rất phổ thông. Ta phải cố gắng tránh luôn luôn, hơn việc kiêng ăn trong ngày chay.

 Do hẹp hòi và duy hình thức

Ngoài ghen tương, còn có một động cơ khác cũng đã tố cáo và kết án Chúa Giêsu. Ðó là tinh thần hẹp hòi và duy hình thức.

Phúc Âm thánh Gioan, đoạn thứ 5, thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người bại liệt. Người này nằm liệt trên bờ hồ Bết-da-tha đã 38 năm. Chúa Giêsu thấy hoàn cảnh đáng thương ấy, đã làm phép lạ chữa anh. Nhưng hôm đó lại là ngày sabát. Theo luật đạo bấy giờ, ngày sabát là ngày kiêng việc. Vịn vào luật đó, nhiều người Pharisêu đã tỏ ra tức giận. Một đàng họ mắng trách, hạch sách người bại liệt được chữa lành. Một đàng, họ kết án Chúa Giêsu là người lỗi luật kiêng việc ngày sabát.

Ðáng lẽ, một việc lành lạ lùng như thế phải được họ tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng, việc lành đó lại làm họ tức tối. Lý do chỉ vì thói quen suy nghĩ hẹp hòi, trọng hình thức việc đạo hơn tinh thần việc đạo.

Tính hẹp hòi và thói quen chỉ để ý đến hình thức là cái ổ vi trùng đẻ ra vô vàn tật xấu trong xã hội và trong đạo.

Nguy hại nhất là quyềntiền có cơ hội lẻn vào đạo để làm biến chất tinh thần Phúc Âm. Như thể Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa tình yêu. Như thể Người không có tự do mạc khải tình yêu của mình một cách tự do, bằng bất cứ cách nào Người muốn, với bất cứ ai Người chọn.

Do đó, thiết tưởng, kiêng ăn kiêng uống, mà không kiêng tính hẹp hòi và duy hình thức thì mùa chay sẽ chẳng đi tới đâu.

 Do bị nhắc nhở khiển trách

Ðoạn 8 Phúc Âm thánh Gioan cho chúng ta thấy một loại người khác đã quay ra chống Chúa Giêsu một cách quyết liệt, đó là loại người bị Chúa Giêsu khiển trách.

Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?

Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói. Còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (Ga 8,46-47).

Nghe vậy, nhiều người Do Thái đã phản ứng dữ dội. “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Ga 8,48).

Phản ứng kiểu như trên cũng đôi lúc xảy ra trong đạo. Khi ta được nhắc nhở về điều gì không tốt, ta lập tức xung lên.

Không những chối phắt, mà còn tố ngược lại người nhắc nhở ta, cho dù người đó là bề trên ta hoặc bạn bè của ta, bất chấp lời tố đó là sai hoàn toàn.

ù

Nhìn qua ba tật xấu trên đây, chúng ta nên đặt câu hỏi với bản thân ta. Bản thân ta có phần nào như thế không? Nếu có, ta đã sửa mình thế nào và đến đâu?

Tuổi nào, bậc nào, ta vẫn mang tiềm năng xấu bên cạnh tiềm năng tốt.

Phải “bắt đầu lại mỗi ngày” trên đường phấn đấu đổi mới bản thân. Mở rộng cái nhìn như vậy, mới thực là sống tinh thần Mùa Chay.

Nhất là trong Mùa Chay này, hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, biết kính trọng các bậc già cả bệnh tật. Ða số các ngài đang nêu gương sự từ bỏ mình, và cống hiến nhưng không những gì còn lại của đời mình. Nhiều vị đang sống tâm tình Mùa Chay một cách âm thầm, nhưng can đảm. Nhờ đó, hy vọng một Phục sinh sáng sủa là điều chắc chắn.

Ngày 17 tháng 02 năm 2005