Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Nhân Lễ Ðức Mẹ Truyền Tin
Suy nghĩ về người Chúa chọn

Lịch sử tôn giáo trên thế giới có nhiều vấn đề phức tạp. Một trong những vấn đề rất phức tạp là vấn đề nhân sự.

 Vấn đề khó hiểu

Riêng trong các tôn giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa, vấn đề nhân sự tới nay vẫn là vấn đề khó hiểu.

Hội Thánh Công giáo xác tín rằng: Những vị lãnh đạo của mình là những người được Chúa tuyển chọn.

Hội Thánh Do Thái, Hội Thánh Chính Thống, Hội Thánh Anh giáo, các Hội Thánh Tin Lành cũng xác tín không kém: Những người lãnh đạo của mình là những người được Chúa tuyển chọn.

Nhưng, trên thực tế, đã từ lâu cho tới bây giờ, những vị lãnh đạo này của các Hội Thánh, tuy cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, nhưng vẫn chia rẽ nhau, không thể làm thành một Hội Thánh duy nhất. Thực tế đó thực đau buồn.

Ngay chính trong Hội Thánh Công giáo cũng đã có thời lủng củng về nhân sự.

Có thời Hội Thánh được cai trị bởi ba vị Giáo hoàng cùng lúc. Vị nào cũng tự coi mình là người Chúa tuyển chọn. Ðó là thời đầu thế kỷ 15, với Ðức Benedictô XIII, Ðức Gioan XXIII, Ðức Gregoriô XII. Ðể chấm dứt tình hình nhiễu nhương đó, Ðức Gioan XXIII bị hạ bệ (29/5/1415). Ðức Benedictô XIII cũng vậy (29/7/1417). Ðức Gregoriô XII tự ý xin từ chức (4/7/1415).

Có một thời, vị đứng đầu Hội Thánh đã rất yếu đuối, chịu quyền lực gia đình Borgia điều khiển, thao túng, gây nên bao gương mù đồi truỵ. Vị đó là Ðức Alexandrô VI (1492-1503). Ngài cũng tự coi là người được Chúa tuyển chọn. Thế mới khốn khổ cho Hội Thánh chứ.

Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề truyền chức và bổ nhiệm các linh mục, giám mục, phải được chính quyền chấp thuận. Yếu tố đó là quan trọng, không thể thiếu.

Vì thế, có nơi có thời, ta nên coi việc nhân sự được Chúa chọn là một vấn đề hết sức tế nhị. Ðể tránh những lạm dụng và hiểu lầm.

 Vấn đề đang chuyển biến

Tôi thấy, tại Việt Nam hôm nay, con người giáo sĩ, tu sĩ, và các tông đồ giáo dân đang bước vào những luồng ảnh hưởng lớn.

Những luồng ảnh hưởng này một phần do cách sống của xã hội mới, một phần do bầu khí tôn giáo không tỉnh thức, bị lôi kéo vào cơn lốc tục hoá rất mạnh, một phần do não trạng mới của con người thời đại mới.

Những luồng ảnh hưởng lớn này đang thay đổi con người môn đệ Ðức Kitô một cách nhẹ nhàng tinh vi, nhưng sâu xa.

Ðể phân định, xếp loại, tôi lấy lời Chúa Giêsu phán sau đây làm tiêu chuẩn: “Thầy là cây nho, các con là cành nho” (Ga 15,5).

Theo tiêu chuẩn Lời Chúa trên đây, tôi thấy ba loại người môn đệ Chúa đang sống tại Việt Nam hôm nay.

Một loại là những ai gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Họ như cành nho gắn chặt vào thân cây nho. Gắn bó một cách tuyệt đối.

Một loại là những ai có phần nào gắn bó với Chúa Giêsu, nhưng hời hợt, không tuyệt đối. Họ giống như cành cây đang gẫy từ từ.

Một loại là những ai đã thực sự lìa xa Chúa Giêsu. Họ như cành đã khô héo, bị cắt đi, hoặc tự rơi rụng xuống.

Ðiều đáng ngại là ba loại này thường không hiện rõ bản chất thực ra bề ngoài. Bề ngoài có vẻ còn mang hình thức đạo đức hơn kém, như nhau. Nhưng bên trong lại rất khác nhau. Chính điều đó có khả năng lừa dối người khác, và cũng có khả năng lừa dối chính mình.

Trong một tình hình, mà vấn đề người Chúa chọn đang chuyển biến mau lẹ, tôi rất được an ủi , khi nhìn vào Ðức Mẹ ngày Truyền tin.

 Ðức Mẹ Maria được Chúa chọn

Phúc Âm thánh Luca thuật lại vắn tắt biến cố Chúa chọn Ðức Mẹ Maria làm Mẹ Ðấng Cứu thế (x. Lc 1,26-38). Qua tường thuật này, tôi thấy mấy chi tiết sau đây:

1/ Ðức Mẹ nhận thức một cách chắc chắn mình là người được Chúa chọn, do sự Ðức Mẹ được thấy Tổng Lãnh thiên thần Gabriel hiện ra với mình. Mắt Ðức Mẹ nhìn thấy rõ. Tai Ðức Mẹ nghe thấy rõ. Nội dung Chúa gởi tới Ðức Mẹ cũng thực rõ.

2/ Ðức Mẹ Maria đón nhận sự Chúa chọn mình với lòng lo sợ, và tâm thức hoàn toàn bất ngờ.

3/ Ðức Mẹ được trấn an bởi lời Tổng Lãnh thiên thần quả quyết là: Thiên Chúa ở cùng Mẹ, và phép lạ Chúa Thánh Thần sẽ phủ xuống Mẹ.

4/ Ðức Mẹ nói lời “Xin vâng” với tất cả lòng khiêm nhường phó thác, chỉ vì tin vào lời Chúa, chứ đâu có biết tương lai sẽ ra sao, mình phải hoạch định chương trình cho ơn gọi thế nào.

5/ Ðức Mẹ rất kín đáo, âm thầm, coi chức năng làm Mẹ Ðấng Cứu thế như một trách nhiệm. Thánh Giuse cũng không được Ðức Mẹ tiết lộ cho biết ơn Chúa dành cho Mẹ. Nếu bà Isave không lên tiếng trước, thì chắc Ðức Mẹ cũng giữ kín ơn đặc biệt đó trong cõi lòng khiêm cung của mình.

6/ Thái độ kín đáo, âm thầm, khiêm tốn rất ăn hợp với đường lối cứu độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu từ giây phút xuống thai trong lòng Ðức Mẹ cho tới khi phục sinh, lên trời, luôn đi theo con đường khiêm tốn, âm thầm, kín đáo. Chính qua con đường đó, Ðức Kitô và Ðức Mẹ đã mạc khải tình yêu hiến tế, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, chứ không theo ý riêng mình chút nào.

 Nhìn vào xa

Khi nhận thấy con đường cứu độ là như thế, nhất là khi thấy Chúa Giêsu và Ðức Mẹ đã cứu nhân loại theo con đường đó, tôi nghĩ rằng: Hội Thánh ta trong hiện tại và tương lai chắc cũng phải được cứu độ bằng con đường như thế, và nhờ những nhân vật theo gương Chúa Giêsu và Ðức Mẹ như thế.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dù sẽ còn sống được lâu, dù sẽ qua đời trong một ngày không xa, thì tình hình Hội Thánh sẽ không phải là không thêm nhiều lo ngại.

Vì thế, tôi tha thiết ước mong mọi người trong Hội Thánh Việt Nam, nhân dịp lễ Ðức Mẹ truyền tin, thêm lời cầu cho Hội Thánh, để Hội Thánh toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, luôn luôn được phục vụ, hướng dẫn bởi những người được chính Chúa tuyển chọn thực sự và rất trung tín với ơn được tuyển chọn. Tình hình đang có nhiều chuyển biến phức tạp và bất ngờ. Xin Chúa thương giúp chúng ta biết cách bảo vệ Hội Thánh.

Ngày 24 tháng 3 năm 2005