Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Vài việc cần nhấn mạnh
trong truyền giáo

Rao giảng Tin Mừng là một hoạt động tôn giáo.

Việc đạo đức này được gọi bằng nhiều tên, như: Rao giảng Phúc Âm, truyền bá Tin Mừng, làm chứng cho Chúa, giới thiệu Nước Trời.

Việc đạo đức này vốn được Hội Thánh đề cao, với nhiều nhân sự nhất, với nhiều tiền bạc nhất, với nhiều vất vả nhất.

Việc đạo đức này được thực hiện bằng nhiều cách. Như học giáo lý, đọc kinh, tham dự thánh lễ, chịu các bí tích, gia nhập đoàn hội, làm việc bác ái, xây cất nhà thờ và các cơ sở, tổ chức ban bệ, quy tụ đào tạo, hành hương, tiếp xúc, phát hành sách báo, hội nhập văn hoá, đưa đạo vào đời qua việc phục vụ xã hội, vv...

Như vậy, hoạt động truyền giáo rất bao la. Vì rất bao la, nên sự khôn ngoan khuyên ta nên chọn đâu là điểm khởi hành, đâu là điểm căn bản luôn phải bám chặt, đâu là dấu chỉ của tất cả mọi hình thức hoạt động.

Nhân dịp tháng mười có lễ Truyền giáo, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ của tôi về mấy điểm kể trên.

 Ðiểm khởi hành

Trong việc truyền giáo, tôi nghĩ điểm khởi hành bao giờ cũng là cầu nguyện.

Chúa Giêsu phán: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Trong Hội Thánh Việt Nam ta, hầu như mọi nơi đều đã quen hát lời Chúa trên đây trong các dịp liên quan đến truyền giáo. Thói quen đó là rất tốt. Nhưng, cũng nên để ý đến điều này là:

Ta nên cầu xin Chúa thêm phẩm chất cho thợ gặt cũng như thêm số lượng thợ gặt. Việc truyền giáo sẽ sinh nhiều kết quả tốt một phần khá lớn nhờ sự đạo đức thánh thiện của người truyền giáo. Dù số ít mà thánh thiện thì vẫn hơn là số nhiều mà tầm thường hoặc kém phẩm chất, gây gương mù gương xấu.

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Rõ ràng anh em là bức thư của Ðức Kitô được trao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3,3).

Nếu người truyền giáo là bức thư của Chúa, thì chính họ sẽ toả ra những gì Chúa muốn gởi đến xã hội. Muốn thế, đời sống của họ, việc làm của họ, lời nói của họ sẽ phải ăn khớp với nhau trong Tin Mừng.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: Ðể một người truyền giáo được trở thành bức thư sống động của Chúa, thì bức thư đó phải do Chúa Thánh Thần viết ra. Nghĩa là người truyền giáo phải là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Những khoá học, những trường lớp, những bài giảng, những giáo huấn, tất cả đều cần cho họ, nhưng nếu thiếu sự đào tạo của Chúa Thánh Thần, thì phẩm chất họ kể là rất non yếu.

 Ðiểm căn bản phải bám vào

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian như vậy” (Ga 17,18).

Lời nguyện trên đây của Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các nhà truyền giáo phải biết mình được Chúa sai đi. Ơn sai đi của chúng ta phát xuất từ việc Chúa Cha sai Chúa Con vào thế gian. Mục đích việc sai đi ấy là để cứu chuộc nhân loại và để làm chứng cho tình yêu xót thương của Thiên Chúa.

Hiểu như vậy, chúng ta mới dễ đón nhận được tâm tình của Chúa Giêsu, khi Người nói về mình và cũng để nói cho mỗi người chúng ta: “Thầy bảo thật các con: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Sự thực trên đây đã được mọi người truyền giáo đích thực bám vào một cách cụ thể. Nghĩa là họ phải chết đi một cách nào đó. Cái chết của họ luôn âm thầm như cái chết của hạt lúa. Cái chết của họ luôn kết hợp chặt chẽ vào sự hy sinh vâng phục của Ðức Kitô, Ðấng được Chúa Cha sai vào thế gian, để cứu chuộc nhân loại.

Có như vậy, nhà truyền giáo mới có thể nếm được niềm vui thiêng liêng, khi nói được lời thánh Phaolô xưa: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).

Tình hình trên thế giới hiện nay nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang như dòng thác lôi cuốn con người vào hưởng thụ. Nhà truyền giáo sẽ phải phấn đấu rất nhiều, để kết hợp với Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá. Ta sẽ phải khổ vì Chúa, nhưng cái khổ đó mới là dấu ấn đích thực của người truyền giáo. Nhờ đó, sự ác mới chịu lùi, sự thiện sẽ biến đổi thế giới.

 Ðiểm dấu chỉ

Thời xưa cũng như thời nay, việc truyền giáo bao giờ cũng phải có sẵn những dấu chỉ. Những dấu chỉ này sẽ gợi ý cho con người nâng tâm hồn lên. Vì thế, để một việc có thể trở thành dấu chỉ cho việc truyền giáo, việc đó cần mang chiều kích thiêng liêng.

Xưa, Chúa Giêsu đã dùng các phép lạ và đời sống thánh thiện như dấu chỉ, để kéo con người suy nghĩ về Chúa.

Các tông đồ cũng đã làm một số phép lạ và cách sống đạo đức mang tính cách dấu chỉ. Nhờ đó đám đông đã quan tâm đến Tin Mừng, mà các ngài rao giảng.

Thời nay, dấu chỉ được mở rộng ra một số hiện tượng nhất định.

Ngoài các phép lạ không phải lúc nào muốn là có liền, hiện nay người ta thường coi trọng những sự kiện sau đây được coi là dấu chỉ của Tin Mừng.

+ Dấu chỉ thứ nhất là sự yêu thương nhau trong cộng đoàn những môn đệ Chúa. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

+ Dấu chỉ thứ hai là đời sống tu trì, mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ của Người: “Ai muốn theo Thầy, thì phải từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo” (M6 16,24).

+ Dấu chỉ thứ ba là sự hiền lành và khiêm nhường theo gương của Người. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Kinh nghiệm cho thấy: Khi người ta gặp thấy các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân nào có những đức tính trên, tự nhiên người ta cảm thấy có một cảm tình mang chiều kích thiêng liêng. Từ đó, người ta sẽ dễ dàng được hướng dẫn dần dần đến những bước gặp được chính Chúa là Tin Mừng cứu độ.

ù

Trên đây là vắn tắt vài suy nghĩ về truyền giáo. Vài suy nghĩ này sẽ đưa chúng ta vào một thế giới gần Chúa và cần Chúa. Nhờ đó, mà việc truyền giáo đi vào thực chất.

Hiện nay, nhiều nơi đạo Công giáo chúng ta đang bị lôi cuốn đi về hướng hình thức, tổ chức, quyền lực và chức tước. Nếu không tỉnh thức, mau trở về với những điều Chúa dạy, tôi e ngại một tương lai không sáng sủa sẽ xảy đến, cho dù số lượng người truyền giáo có thể sẽ tăng. Nhưng phẩm chất lại giảm dần dần.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có được nhiều người rao giảng Tin Mừng như lòng Chúa ước mong. Xin cho chính con cũng được trở nên một chứng nhân bé mọn của Tin Mừng trong môi trường con đang sống, dù con yếu đuối và thấp kém hèn hạ.

Ngày 3 tháng 10 năm 2005