Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Biến chuyển về giảng Tin Mừng

Ðời tôi không dài, nhưng cũng mang một chuỗi dài những chứng tích của lịch sử đổi thay.

Ở đây, tôi xin nói sơ qua về đổi thay trong lãnh vực giảng Tin Mừng trên Ðất Nước chúng ta. Thời gian được giới hạn là trong đời tôi.

 1/ Giai đoạn sát Phúc Âm thuở ban đầu

Phúc Âm thánh Luca kể rằng: “Ðức Giêsu tập họp nhóm 12 lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành các bệnh.

Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: 'Các con đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.

Khi các con vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó, và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp các con, thì khi ra khỏi thành, các con hãy giũ bụi chân, để tỏ ý phản đối họ'. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (Lc 9,1-6).

Ðoạn Phúc Âm trên đây cho thấy những môn đệ Chúa sai đi thuở ban đầu được Chúa khuyên phải sống hết sức đơn sơ:

- Hành trang nhẹ nhàng.

- Công việc được trao cũng rất rõ:

a) Giảng về Nước Thiên Chúa,

b) Xua quỷ dữ và giúp người ta tránh tội lỗi,

c) Bác ái đối với các bệnh nhân.

- Môn đệ không ăn rễ sâu vào một nơi.

- Số người được sai đi chỉ là nhóm nhỏ.

Tôi nhớ, hồi còn bé, tôi thấy các đấng bậc Công giáo, tuy không đúng hẳn là bản sao các môn đệ Chúa như trên, nhưng cũng mang nhiều nét đẹp. Ðể có thể được chọn làm linh mục, các ứng viên phải qua nhiều chặng đào tạo, thử thách cam go.

Khi đã được chọn và được sai đi phục vụ các họ đạo, các linh mục rất được dân chúng mến yêu, vâng phục.

Linh mục đúng là người cha thiêng liêng của mọi người.

Ðạo được rao giảng qua các kinh, sách bổn, bài giảng và gương sáng của các cha. Xem ra thao thức lớn của đạo trong giai đoạn này là giữ đạo hơn là bênh đạomở đạo.

 2/ Giai đoạn chiến tranh

Khi chiến tranh bùng nổ, đạo tất nhiên chuyển biến.

Trong đạo, vâng lời bề trên là một yếu tố quan trọng. Vì thế, khi những bề trên cấp trung ương dạy phải đề phòng với các chủ thuyết phá đạo, thì việc giảng Tin Mừng đã mang một nhiệm vụ mới.

Trong nhiều năm, nhiệm vụ mới này nhấn mạnh đến bổn phận bênh đạobảo vệ đạo.

Tuy trong hoàn cảnh chiến tranh, các ứng viên làm linh mục cũng vẫn được đào tạo theo một chương trình nghiêm túc.

Hơn nữa, tôi có cảm tưởng là việc đào tạo linh mục thời đó còn chặt chẽ và luyện lọc hơn trước nhiều.

Khi được sai đi phục vụ các cộng đoàn, các linh mục chia sẻ cuộc sống cam khổ của dân. Các ngài được dân che chở, gắn bó. Các ngài được coi như nguồn an ủi lớn và nguồn đạo đức chân thực cho cộng đoàn.

Phong trào sùng kính Ðức Maria Fatima được lan rộng, với ước nguyện cầu xin cho hoà bình mau trở lại trên quê hương.

 3/ Giai đoạn hội nhập vào thế giới mới

Sau chiến tranh, đạo đi vào một hoàn cảnh mới.

Ðến lúc này, việc giảng Tin Mừng mang hướng mở đạo. Nhưng hoàn cảnh coi dễ, mà lại khó.

Nội dung Tin Mừng trước đây được ta hiểu là Ðức Kitô. Nay, đối với nhiều người, kể cả nhiều người công giáo, tin mừng là tiền của, chức quyền, đời sống hưởng thụ, và các thành công.

Người rao giảng Tin Mừng trước đây được hiểu là hàng giáo phẩm, giáo sĩ, và những người cộng tác với các ngài. Nay người rao giảng tin mừng của họ còn là các người trí thức, các nhà khoa học, các người làm kinh tế, các nhà sản xuất, các “ngôi sao” và nhất là dư luận quần chúng.

Nơi rao giảng Tin Mừng trước đây là nhà thờ. Nay các loại tin mừng khác nhau được truyền bá rộng rãi trên các sách báo, trên các đài phát thanh, các đài truyền hình, các điểm hội tụ đủ thứ.

Người nghe Tin Mừng trước đây là số nhỏ những tâm hồn đi tìm ơn cứu độ. Nay số người tìm tin mừng của họ là đại đa số dân chúng thao thức với những gì là thực dụng.

Các biến chuyển xã hội đang diễn tiến mau lẹ và đa dạng. Có thể nói, các biến chuyển đó đang là những thách đố.

Trước những biến chuyển xã hội càng ngày càng lôi cuốn con người theo hướng tự do lựa chọn những gì mình thích, Công giáo ta nhiều nơi đang có những sáng kiến, cả trong việc đào tạo nhân sự.

Có loại sáng kiến nhắm mở rộng các hoạt động bề ngoài, như xây cất cơ sở mới đẹp đẽ, tổ chức lễ lạy với những nét rầm rộ linh đình, chiều chuộng người muốn đi tu, tung hô người có chức, có quyền, có tước trong đạo

Có loại sáng kiến nhắm đi sâu vào đời sống nội tâm, như siêng năng cầu nguyện, chầu Thánh Thể, dự thánh lễ, ăn chay vv...

Có loại sáng kiến nhắm vào việc phục vụ đồng bào, nhất là các đối tượng nghèo, bệnh, già yếu, cô đơn.

 4/ Thiển ý của tôi

Hiện nay, có nơi đạo đang lên. Nhưng có nơi đang khủng hoảng.

Vì thế, những ai được sai phục vụ Hội Thánh nên được đào tạo kỹ. Hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, để biết có những trả lời đúng ý Chúa.

Trả lời bằng những sáng kiến tốt, những dấn thân, và xả thân cho con người, đặc biệt là cho những đối tượng khổ đau. Tất cả do động lực là lửa Phúc Âm.

Sự hiện diện tích cực của các giáo dân có tài đức trong các lãnh vực xã hội là một bài giảng rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Một trả lời nay cần nhắc lại cho các môn đệ Chúa là hãy giữ vững nếp sống tu thân, nhất là cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa. Ðừng để tiền của chức quyền và tính vô cảm làm hư hỏng mình.

Hãy luôn khiêm nhường thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn: “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

ù

Ðể kết, tôi xin phép kể một kỷ niệm nhỏ.

Cách đây mấy năm, một buổi tối, tôi đang làm việc ở bàn giấy trong phòng tôi tại Long Xuyên. Chuông điện thoại reo lên. Tôi nhắc máy. Ðầu dây, người gọi là Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận ở Rôma.

Ngài cho tôi biết: Ngài được mời giảng trước một hội nghị gồm các nhà chính trị cao cấp. Rồi ngài đọc bản nháp cho tôi nghe. Xong, Ngài hỏi: “Chú thấy có được không?”. Tôi thưa: “Hay lắm. Nội dung rất Phúc Âm. Còn về hình thức, thì chú khéo tạo ra một cái khung thời sự gợi ý. Chú vốn vậy”.

Ít ngày sau, Ngài báo tin: “Kết quả không tồi. Tổng thống Italia sai người đến xin tôi bài giảng tôi đã đọc trước cho chú nghe đó”.

Tôi nghĩ thành công của bài giảng đó của Ðức Cố Hồng Y ngoài nội dung tốt, hình thức tốt, còn có một phần do trình độ nhân bản, văn hoá, trí thức và đạo đức của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô đáng mến của chúng ta. Chuyện này đã dạy tôi rất nhiều về vai trò người rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Ngày 14 tháng 6 năm 2005