Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Ðón giáng sinh
theo Thánh Gioan Tiền Hô

Từ mấy tuần nay, khắp nơi đều chuẩn bị đón Noel bằng nhiều thứ mới mẻ. Thiệp mừng mới, hang đá mới, quà tặng mới, lời chúc mới.

Noel còn được đón chờ với nhiều tâm tình mới. Niềm vui mới và nỗi buồn mới, thoả mãn mới và khắc khoải mới, thành công mới và thất bại mới, hy vọng mới và thất vọng mới.

Thời sự đời đạo trước Noel được coi là rất mới. Tôi theo dõi, gẫm suy, nhưng không dừng ở đó, để đón Noel.

Lòng tôi vẫn thích trở lại thời xa xưa, để bước theo thánh Gioan Baotixita, đấng chuẩn bị cho Ðấng Cứu thế giáng trần.

Cách Ngài chuẩn bị rất độc đáo. Tôi tạm gọi cách Ngài chuẩn bị là đánh động lương tâm.

Xin kể vài việc gây ấn tượng nhất.

1/ Ðánh động lương tâm bằng đời sống khắc khổ và khiêm tốn

Các tượng ảnh thánh Gioan Tiền Hô xưa rày đều chung một kiểu: Một người khoác mảnh da thú, đầu trần, đi chân không, dáng vẻ xuất thân từ rừng núi. Thánh Gioan Tiền Hô đúng là như vậy. Phúc Âm thánh Matthêu viết: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4).

Thấy một người đạo đức khắc khổ khác thường như thế, nhiều người rất thắc mắc. Thắc mắc của họ được Phúc Âm thánh Gioan tả lại như sau: “Khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi Gioan: Ông là ai? Ông tuyên bố thẳng thắn rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi: Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? Ông trả lời: “Không phải”. Vậy ông có phải là một ngôn sứ không? Ông đáp: “Không”. Họ liền nói với ông: Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến đây. Ông nói gì về chính ông. Ông nói:

Tôi là tiếng hô trong hoang địa.
Hãy sửa đường cho thẳng, để Ðức Chúa đi
” (Ga 19,23).

Thực là những câu trả lời rất khiêm tốn.

Phúc Âm thánh Marcô còn thêm một chi tiết khiêm nhường khác. Thánh Gioan Tiền Hô nói: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7).

Khiêm tốn và khổ hạnh là những dụng cụ thánh Gioan Tiền Hô đã dùng để đánh động lương tâm con người.

Ngoài ra, Ngài còn dùng thêm một dụng cụ khác nữa, đó là những lời giảng thẳng thắn.

2/ Ðánh động lương tâm bằng nhìn nhận thẳng thắn tình trạng sa sút

Thánh Gioan Tiền Hô không có thói tâng bốc, nịnh bợ những người cầm quyền đời đạo và những ai sống đạo đức giả hình. Phúc Âm thánh Matthêu kể: “Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?... Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,7-10).

Thánh Gioan là người Chúa chọn. Ngài không là dụng cụ của bất cứ quyền lực thế tục nào. Ngài nói sự thật chỉ vì lương tâm ngay chính.

Những lời cảnh báo chân thành và thẳng thắn nhiều khi rất cần để đánh động lương tâm. Dùng cách nói đó không phải để doạ nạt, nhưng để cứu chữa. Nhận cách nói đó với lòng khiêm tốn cũng là nhận sự cứu chữa.

Rất nhiều khi, người ta sống ngày này sang ngày khác với một lương tâm bình lặng kéo dài, nhưng thực tế mỗi ngày mình sống đều thay đổi. Có ngày thì trong sáng. Có ngày thì nguội lạnh. Có ngày thì tội lỗi. Sự thực về tình trạng linh hồn rất thay đổi, nhưng khi đã quen sống với những thay đổi đó, người ta không còn bén nhạy với tội phúc.

Vực thẳm tội lỗi gồm tội cá nhân, tội tập thể, tội cơ chế. Mình chìm trong đó mà không hay. Nhưng, nếu được ai đó nói thực cho biết mình đang trong nguy cơ trầm trọng, biết đâu lương tâm mình sẽ thức tỉnh, để đi tìm một giải cứu.

Thánh Gioan Tiền Hô đã là con người biết và dám dùng cách cảnh báo, để dọn lòng người đón nhận Chúa.

Sau hết, thánh Gioan Tiền Hô còn dùng một cách nữa, để đánh động lương tâm con người. Cách đó là sám hối và làm chứng cho sám hối.

3/ Ðánh động lương tâm bằng cách làm phép rửa

Phúc Âm thánh Marcô ghi lời thánh Gioan Baotixita nói về phép rửa của Ngài như sau: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Còn Ðấng đến sau tôi sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8).

Thánh Gioan Tiền Hô dùng nước đổ trên những người ăn năn sám hối. Phép rửa đó tự nó không tha tội, nhưng là một dấu bề ngoài làm chứng cho sự ăn năn sám hối.

Trong thời buổi nào, với nền văn hoá nào, sự ăn năn sám hối cũng vẫn cần được diễn tả bằng một dấu chỉ bề ngoài. Dấu chỉ của sự ăn năn sám hối vừa có tính cách đạo đức cá nhân, vừa mang tính cách xã hội.

Dấu chỉ bề ngoài của sự sám hối thường dễ được nhận thấy ở sự tiết độ khó nghèo khiêm nhường trong cách sống, ở những cố gắng dấn thân trong phục vụ, và ở ý chí phấn đấu, chấp nhận những đau khổ âm thầm để trưởng thành và hiệp thông vào mầu nhiệm thánh giá. Tóm lại là phải nêu gương sáng bằng chính đời sống của mình.

ù

Khi suy nghĩ về đường lối đánh động lương tâm trên đây, tôi thấy thánh Gioan đã không dùng những cách ca ngợi vẻ đẹp này hương thơm nọ của các thứ mùa xuân ảo ảnh, nhưng Ngài đi thẳng vào mùa thu lá rụng, mùa đông khắc nghiệt của đời sống tâm linh để trở về với Chúa. Chính cách sống của Ngài là chứng tá.

Thiết tưởng cách đó là cách, mà sau này Chúa Giêsu cũng đã hay dùng, để đánh động lương tâm con người trong kế hoạch cứu độ.

Tôi cầu mong cho tôi và mọi người biết đón Chúa theo gương thánh Gioan Tiền Hô tuỳ mức độ có thể. Cho dù các việc chúng ta làm là rất âm thầm, hèn mọn, trong phạm vi bé nhỏ. Nhất là cho dù máng cỏ trong lòng ta để đón Chúa chỉ kết bằng những khổ đau xác hồn chen giữa tình mến Chúa yêu người thiết tha thinh lặng khiêm tốn.

Ngày 30 tháng 11 năm 2005