Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Làm nhân chứng

Trong suốt đời tôi, qua mấy giai đoạn khác nhau của lịch sử, tôi chưa thấy bao giờ nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam ta lại được nổi như hiện nay, về những mặt này:

-Thao thức về tiền bạc được nâng cao trong nhiều lãnh vực đạo.

- Lễ lạy được tổ chức linh đình vẻ tục hoá.

- Chức thánh được tâng bốc y hệt theo kiểu thế gian.

- Ðời sống tu được mô tả như pha màu hưởng thụ, sung sướng.

- Lòng đạo được ru ngủ an tâm trong khuôn khổ lễ nghi và tổ chức bề ngoài.

- Người góp nhiều tiền bạc được tôn vinh khác thường trong nhiều cộng đoàn tôn giáo.

Nơi này làm. Nơi kia bắt chước. Như một phong trào đổi mới đạo.

Có người cho rằng con đường thênh thang này sẽ giúp cho việc làm sáng danh Chúa, có lợi cho việc truyền giáo.

Có người lại nghĩ con đường thênh thang đó là một cạm bẫy tinh vi để tục hoá tôn giáo dần dần.

Tôi chẳng dám vội kết luận. Tôi chỉ xin phép được nói lên đôi chút kinh nghiệm của tôi, trong dịp Tuần Thánh, tưởng niệm Chúa Giêsu tử nạn và sự Ngài sống lại.

 1/ Kinh nghiệm về nhiệm vụ linh mục

Tôi nhận chức vụ linh mục trong hoàn cảnh liền sau biến cố Ðất Nước chia đôi. Trong thánh lễ, khi quỳ nghe Ðức Giám Mục đọc lời truyền chức, tôi cảm thấy như có một khối rất nặng vô hình đặt trên tôi. Tôi sợ hãi, kinh hoàng. Cảm giác đó khiến tôi chẳng bao giờ dám coi chức linh mục là một bậc cao, quyền lớn. Tôi chỉ coi mình là kẻ được Chúa sai đi để làm chứng theo lời Chúa Giêsu dạy: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân... Kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội... Chính anh em là chứng nhân của những điều đó” (Lc 24,47-48).

Lời Chúa và cảm giác trong ngày chịu chức linh mục khiến tôi xác tín rằng: Tôi làm linh mục là để làm nhân chứng. Phải làm chứng về sự thống hối để được ơn tha tội.

Trong 50 năm linh mục, tôi rút ra kinh nghiệm này: Làm chứng về sự thống hối để được ơn tha tội là việc rất khó. Tôi phải dựa vào Lời Chúa được thần học dẫn giải, rồi chính tôi phải làm gương, nhất là tôi phải giúp người ta được ơn biết mình có tội và ơn nhận ra tình yêu thương xót Chúa.

Nhưng, mấy điều đó có dễ gì đâu! Nhất là thời buổi này. Chỉ dễ, khi tôi đi theo con đường thênh thang, bỏ ý thức về tội và lạm dụng lòng thương xót Chúa. Nhưng cái dễ đó là một nguy cơ chắc chắn dẫn tới diệt vong.

 2/ Kinh nghiệm về nhiệm vụ Giám mục

Tôi chịu chức Giám mục trong biến cố chiến tranh tại Việt Nam vừa chấm dứt. Trong thánh lễ truyền chức, khi vị chủ tế đọc lời truyền chức, tôi cảm thấy một sự rụng rời xâm chiếm bản thân tôi. Tôi như đang đứng trên một chiếc cầu tre, bỗng phải nhảy xuống một chiếc xuồng nhỏ. Chiếc xuồng này đang trôi giữa dòng sông lớn không biết chảy về đâu.

Tôi sợ hãi quá sức. Sự sợ hãi này cho tôi một xác tín riêng: Làm Giám mục không phải là lên chức cao, được nhiều quyền. Mà chỉ là người được sai đi để làm nhân chứng.

Tôi làm chứng về giới răn mới của Chúa Giêsu: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34). Nơi tôi được đến, và quãng lịch sử tôi được sai vào đang rất cần nhân chứng đó.

Trong 30 năm làm Giám mục để làm nhân chứng cho giới luật yêu thương, tôi cảm thấy nhiều khi điêu đứng phũ phàng, nhất là cô đơn. Bởi vì Chúa bảo phải yêu thương như Chúa yêu thương. Mà tình yêu cứu chuộc của Chúa là tình yêu bước xuống. Bước xuống thế trần, bước xuống mặc lấy thân phận con người nghèo, bước vào cuộc sống lầm than của người dân lao động, bước tận tới số phận kẻ bị loại trừ, bước xuống tận án chết trên thánh giá giữa hai người trộm cắp.

Chúa Giêsu bước xuống, vì tình yêu cứu chuộc. Còn tôi, nếu bị coi như bước lên, vì chức vì quyền, vì cuộc sống cao. Và nếu đúng sự thực là như vậy, thì còn đâu là trách nhiệm nhân chứng cho tình yêu cứu chuộc!

 3/ Kinh nghiệm về Thánh Thể

Hằng ngày, khi dâng thánh lễ, hoặc chầu Thánh Thể, tôi luôn nghe Chúa Giêsu gọi tôi âm thầm tha thiết: Con hãy là nhân chứng của những lời truyền phép:

Ðây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.

“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Chứng nhân về Thánh Thể là chứng nhân của tình yêu, một tình yêu trao nộp, một tình yêu hiến tế, một tình yêu im lặng, một tình yêu khiêm tốn. Thực sự có như vậy. Khi tôi gặp Chúa Giêsu trong Thánh Thể, tôi cũng góp phần mình vào tình yêu hiến tế đó. Kết quả là tôi được biến đổi, được vơi đi bao lo âu phiền muộn, tôi nhận được sức thiêng của Người để phục vụ người khác. Nhất là trong những việc bé nhỏ và cho những người bé mọn. Một cách nhẹ nhàng, kín đáo. Như tấm bánh nhỏ. Dù rất nhỏ, nhưng vẫn có thể bẻ nhỏ ra thành nhiều phần nhỏ rất nhỏ hơn.

Tôi thấy: Làm chứng mình tham gia thực sự vào tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu, là điều quá khó.

Không phải sức tôi làm được việc đó, nhưng là nhờ sức của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Cả ba kinh nghiệm trên đây đều cho tôi xác tín: Tôi và những ai cùng trách vụ như tôi hãy là nhân chứng, chứ đừng là người mang chức nắm quyền.

Trách vụ chúng ta chủ yếu là làm chứng.

Làm chứng về sự gì? Thưa làm chứng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu. Mà Ðức Giêsu nói đây là Ðấng chịu đóng đinh mình trên thánh giá, để làm chứng cho tình yêu đền tội thay nhân loại.

Làm chứng cách nào? Thưa làm chứng bằng chính đời sống của ta. Một đời sống mà đặc điểm là: Từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Ðức Giêsu, như những điều kiện chính Chúa Giêsu đã đòi hỏi (x. Mt 16,24). Ðể chính mình được tham dự vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.

Khi hiểu sơ qua như thế rồi, chúng ta có thể suy đoán được phần nào tương lai của những nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam đang được lãnh đạo bởi tinh thần xa dần đời sống nội tâm, khó nghèo, bác ái, khổ hạnh, khiêm nhường.

Nhân chứng là những máng chở ơn thánh. Trở thành thứ máng đó là điều rất khó. Muốn mà thôi không đủ. Học tập nhiều cũng không đủ. Phải rất khiêm tốn nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Về nhiệm vụ nhân chứng, tôi chẳng có gì để tự hào. Tôi xin phó thác cho lòng thương xót Chúa với hy vọng sẽ được phục sinh với Ngài.

Chia sẻ trên đây của tôi là

một tuyên xưng,

một lời thống hối,

một lời tạ ơn,

một lời cầu nguyện tha thiết,

trước những giã từ.

Ngày 11 tháng 3 năm 2005