Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Ðức Gioan Phaolô II
và những công trình còn dang dở

Suốt chiều mồng 2 tháng 4 vừa qua, tôi bị một cơn đau khác thường. Lúc đó, tôi có cảm tưởng là Chúa nhắc nhở hãy cầu nguyện nhiều cho Ðức Giáo Hoàng đang hấp hối.

Bây giờ, Ngài đã ra đi.

Bầu khí Hội Thánh ảm đạm, với những nỗi buồn, những nỗi lo và những nước mắt.

Tôi nhớ về Ngài.

Tôi cảm thấy có bổn phận phải nói đôi chút về Ngài.

Tôi may mắn được gặp gỡ Ngài nhiều lần. Nhiều lần đồng tế với Ngài tại nhà nguyện riêng của Ngài. Nhiều lần yết kiến Ngài tại thư viện của Ngài. Nhiều lần được dùng bữa với Ngài tại bàn ăn của Ngài.

Trong các gặp gỡ, tôi được nghe Ngài, và Ngài cũng lắng nghe tôi. Ở đây, tôi sẽ không kể những gì tôi đã nói với Ngài và những gì Ngài đã nói với tôi. Tôi chỉ xin phép bày tỏ vài cảm tưởng riêng tư của tôi về Ngài. Cảm tưởng của tôi sẽ chỉ hạn chế vào những công trình đổi mới của Ngài.

 1/ Công trình đại kết

Ðức Gioan Phaolô II rất thiết tha với việc đưa các Giáo Hội cùng tôn thờ Thiên Chúa gần lại với nhau. Các Giáo Hội này đã có thời loại trừ nhau kịch liệt. Bầu khí kình địch bớt dần, nhưng vẫn lạnh lùng tẻ nhạt trong những quan hệ đối với nhau.

Công đồng Vatican II đã mở ra một hướng mới là: Hướng đại kết. Ðức Gioan Phaolô II đã rất tích cực với hướng mới này. Hai văn kiện nổi tiếng của Ngài là “Xin cho mọi người nên một” ra ngày 25/5/1995, và “Ngàn năm thứ ba đang tới” ra ngày 10/11/1994 đã đánh thức nhiều lương tâm. Từ đó đã gây nên được nhiều dấn thân từ mọi phía. Thực sự, công trình của Ðức Gioan Phaolô II đã có phần nào kết quả. Nhưng đến nay nó vẫn còn là một công trình vĩ đại còn dang dở.

 2/ Công trình tân Phúc-Âm-hoá

Ðối với Ðức Gioan Phaolô II, có vẻ như: “Người ta sinh ra chưa là người. Người ta chỉ trở nên người nhờ được tân Phúc-Âm-hoá”. Những văn kiện về tân Phúc-Âm-hoá khá nhiều, khá rõ. Như “Hãy vào trong hy vọng”, “Mười tiêu chuẩn cho năm 2000”, “Phúc Âm của sự sống”.

Ðức Gioan Phaolô II rất hăng say với công trình tân Phúc-Âm-hoá. Bằng những phương tiện mới, nhất là bằng nhiệt tình mới. Nhưng đang khi đó, lại xuất hiện nhiều giáo phái cũng hăng say không kém. Thêm vào đó, số người công giáo bước vào khối dửng dưng, bất cần đến Hội Thánh, cũng vẫn đông đảo, đến mức báo động.

Phong trào tục hoá cũng đang cản mạnh việc tân Phúc-Âm-hoá.

Vì thế công trình tân Phúc-Âm-hoá của Ðức Gioan Phaolô II cũng là một công trình vĩ đại, nhưng dang dở đậm màu xót xa.

 3/ Công trình hiện diện

Nhiều nước trước đây đa số dân còn theo đạo và giữ đạo sốt sắng, nay số đó chỉ còn mang tên đạo, mà không giữ đạo. Trong khi đó, nhiều tôn giáo khác, như Hồi giáo, Phật giáo, Tin Lành, Chính Thống, lại trở nên hấp dẫn hơn trong nhiều nước.

Trước tình hình đó, Ðức Gioan Phaolô II muốn tăng cường sự hiện diện của Công giáo, bất cứ nơi nào có thể, bằng bất cứ phương tiện nào được phép. Như báo chí, đài phát thanh, việc thiết lập ngoại giao, các chuyến đi thăm của Ðức Giáo Hoàng, việc can thiệp của Toà Thánh vào các vấn đề xã hội, như vấn đề hoà bình, vấn đề hoà giải các nước, vấn đề nạn đói, vấn đề chống bất công vv...

Công trình hiện diện này kể như khá thành công. Nhưng không thiếu những khó khăn. Như trường hợp nhiều người trí thức công giáo thời nay không dễ nhất trí với những gì Toà Thánh dạy trong lãnh vực luân lý. Trường hợp những phương tiện truyền thông hiện nay tiến rất mau, với những chương trình rất hấp dẫn, lôi kéo quần chúng một cách mạnh mẽ hơn đạo rất nhiều. Ngay cả việc từ thiện của Công giáo tại nhiều nơi cũng không dễ sánh kịp với việc từ thiện của những đạo khác.

Vì thế công trình hiện diện của đạo Công giáo do Ðức Gioan Phaolô II chủ trương cũng là một công trình vĩ đại, nhưng còn dang dở.

 4/ Công trình liên đới

Công đồng Vatican II đã khơi mào cho việc mở rộng các dây liên đới về điều hành Hội Thánh. Những văn kiện “Ánh sáng muôn dân” và “Ðức Kitô” đã có những gợi ý khá rõ ràng.

Sau đó, là những thượng Hội đồng các Giám mục từng châu lục, các Hội đồng giáo phận và các ban ngành được thành lập. Thêm vào đó là nhiều nhân sự của nhiều nước nhỏ nước nghèo cũng được mời vào giáo triều giữ những địa vị quan trọng.

Ðó là những liên đới có tính cách dân chủ. Tuy nhiên, tích cách liên đới và dân chủ, nếu chỉ có thế, thì vẫn còn quá hẹp. Thực tế cho thấy: Nhiều nơi, thể chế được áp dụng vẫn là giáo sĩ trị. Phương trào giáo dân vẫn mong manh, và chưa được quan tâm đủ.

Vì thế, có thể nói, công trình liên đới là một công trình cũng rất vĩ đại, nhưng còn dang dở.

 5/ Công trình quan hệ với Việt Nam

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một ước mong mục vụ lớn của Ðức Gioan Phaolô II. Ðã có những tiến triển qua từng bước nhỏ. Càng ngày càng thấy những khó khăn được vượt qua dần dần. Nhiều dấu chỉ cho phép đoán được một tương lai tốt đẹp là điều sẽ tới.

Công trình quan hệ này tuy thế vẫn còn dang dở.

Những dang dở trên đây có thể đã làm Ðức Thánh Cha đau đớn, không nhiều thì ít.

ù

Giờ đây, trong giây phút ngậm ngùi thương tiếc một người Cha, mà tôi được diễm phúc đón nhận rất nhiều, tôi chỉ nhắc qua vài nét đời Ngài. Chắc là còn rất thiếu. Nhưng hy vọng cũng nói lên được phần nào lòng hiếu thảo của một người bé mọn đau bệnh đang sống tận phương trời xa xôi.

Những công trình vĩ đại còn dang dở chắc sẽ được tiếp nối, có thể bằng cách như trước, và rất có thể bằng cách khác, tuỳ Ðấng kế vị sắp được chọn.

Toàn thể Hội Thánh sẽ cầu nguyện cho việc bầu chọn rất quan trọng này trong những ngày sắp tới. Hội Thánh đang đứng trước nhiều thách đố và nguy cơ mới. Nhưng đồng thời cũng đang có những thuận lợi mới.

Xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta biết góp phần vào lịch sử Hội Thánh, bằng cách đổi mới chính mình trong Chúa Thánh Linh.

Ngày 3 tháng 4 năm 2005