Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Bình an của Chúa

Một trong những điều tôi thường xuyên mong muốn là được bình an.

Mọi thứ bình an đều quý. Nhưng đối với tôi, thứ bình an quý nhất là thứ bình an do chính Chúa Giêsu ban. Xưa Chúa Giêsu đã chúc bình an cho các môn đệ, mỗi khi Người hiện ra. Tôi tin những người Chúa yêu đều được Chúa chúc như vậy. Chúa chúc bình an là Chúa ban bình an.

Tôi nghĩ mọi người chúng ta đã có phần nào cảm nghiệm về sự bình an đó trong chính mình.

Ðể dễ nhận ra ơn bình an Chúa ban, hôm nay tôi xin tạm diễn tả vài đặc điểm.

 Ðặc điểm thứ nhất là ta thấy mình được thúc đẩy sám hối, và tin vào Chúa Giêsu nhiều hơn

Dựa theo sách Tông đồ Công vụ, tôi có cảm tưởng này: Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Phêrô ra giảng cho dân. Họ như nhận được một sự bình an mới lạ. Vì Lời Chúa là nguồn bình an. Họ hỏi thánh Phêrô: Chúng tôi phải làm gì? Ngài thưa: “Anh chị em hãy thống hối, chịu phép rửa nhân danh Chúa Kitô” (Cv 2,38).

Vâng lời thánh Phêrô, họ thống hối và tin vào Chúa Giêsu. Kết quả là họ cảm thấy sự bình an tâm hồn họ tăng lên, như đắm chìm trong Chúa bình an.

Ðây là hiện tượng tôi đã gặp thấy trong tôi và trong nhiều người. Bình an đầu tiên của Chúa là kêu gọi chúng ta sám hối và tin vào Chúa. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự thực thi những điều đó, thì sự bình an của Chúa sẽ tràn ngập lòng ta. Ta sẽ nhận ra mình bé nhỏ, yếu đuối. Ta sẽ nhận ra Chúa là tình yêu thương xót vô bờ vô bến.

Nhờ nhận ra như vậy, nếu ta bệnh nạn, hèn yếu, ta càng sẽ được đi vào sự bình an sâu thẳm.

 Ðặc điểm thứ hai là ta thấy mình được thúc đẩy yêu thương người khác một cách quảng đại hơn và cụ thể hơn

Kinh Thánh có kể một chuyện nhỏ khiến tôi thường hay suy nghĩ. Chuyện kể rằng: Một hôm, Chúa Giêsu vào thăm nhà một người thu thuế tên là Dakêu. Chúa ở lại đó dùng bữa chung với gia đình ông. Cử chỉ của Chúa được kể là một sự chúc bình an cho gia đình ông. Ðược ơn bình an đó, ông Dakêu tự nhiên không những cảm mến Chúa, mà còn cảm thấy có trách nhiệm yêu thương đồng bào mình. Ðể cụ thể hoá lòng thương yêu đó, ông thưa với Chúa rằng: “Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi xin phân phát cho người nghèo. Và nếu tôi đã làm hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

Câu chuyện trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Khi người ta được ơn bình an thực sự của Chúa, người ta sẽ nhận ra trách nhiệm phải thương người như Chúa đã thương yêu mình. Thương một cách quảng đại. Thương một cách cụ thể.

Ðiều tôi nghĩ như thế đã thấy xảy ra nơi nhiều người xung quanh tôi. Nhờ nhận được sự bình an của Chúa, họ có những tình cảm thấm thía đối với đồng bào. Họ có những việc làm cụ thể chân tình đối với những người nghèo túng. Họ cho đi thực sự. Họ chia sẻ thực sự.

Cho du họ già cả, bệnh tật, nhiều khi họ lại có khả năng cho đi nhiều hy sinh, phục vụ và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu hơn những người trẻ và mạnh khoẻ.

 Ðặc điểm thứ ba là họ cảm thấy mình được thúc đẩy mạnh mẽ tìm về hạnh phúc sau cùng

Theo Kinh Thánh, tôi thấy rằng: Trên núi Calvariô, người bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu, khi vừa được Chúa ban ơn bình an, anh đã vội cầu xin được về với Chúa. Anh cho đó là ơn cần thiết nhất, ơn quý nhất. Chúa Giêsu lập tức đã hứa ban cho anh ơn đó: “Chính hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Ta thấy đó, anh trộm lành đã biết đón nhận ơn bình an của Chúa. Anh đã sử dụng ơn đó một cách rất khôn ngoan. Anh chỉ xin ơn sau này được ở bên Chúa. Anh coi ơn đó là hạnh phúc quý trọng nhất. Chúa Giêsu đã ban cho anh như lời anh xin.

Biết bao người cũng đã có phán đoán khôn ngoan như anh trộm lành. Họ đã biết dùng những phút bình an trong đau khổ, để tìm về với Chúa một cách dứt khoát, vững bền.

ù

Xem qua 3 đặc điểm trên đây, chúng ta có thể nhận ra mình có sự bình an của Chúa không.

Ơn bình an của Chúa là một tiếng gọi. Tiếng gọi hãy sám hối và tin tưởng vào Chúa. Tiếng gọi hãy dấn thân phục vụ con người. Tiếng gọi hãy nhắm tìm hạnh phúc sau cùng được ở bên Chúa.

Tôi muốn nhấn mạnh đến 3 đặc điểm đó, để chúng ta dễ phân biệt sự bình an của Chúa với những thứ bình an khác. Bởi vì có những bình an mong manh, giả tạo, phù du. Chúng thúc đẩy người ta đi vào những cái xấu. Ðó là sự thực phũ phàng, mà nhiều người đã từng cảm nhận.

Riêng những vị lão thành, những người bệnh tật, yếu đau lâu ngày, thường đã có một cảm nghiệm khác. Họ đã phần nào nếm được hạnh phúc của sự bình an Chúa ban cho họ. Ðó là hạnh phúc được Chúa thương yêu, hạnh phúc được Chúa chọn để dâng đời mình làm của lễ góp phần vào chương trình cứu độ, hạnh phúc được theo Chúa Giêsu vượt qua cuộc thương khó, để được phục sinh vinh hiển.

Chúng ta hãy cầu nguyện để biết đón nhận ơn bình an của Chúa do Lời Chúa, do các bí tích, do các người đạo đức, nhất là do việc ta tận tuỵ chăm sóc thương yêu những người bệnh nạn, già yếu, khổ cực. Hãy tin rằng: Chăm sóc họ chính là chứng từ ta mến Chúa.

Ngày 11 tháng 5 năm 2005