Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Tiếng Chúa gọi qua
Anh Charles de Foucauld

Theo tin từ Toà Thánh, anh Charles de Foucauld sẽ được phong Chân phước nội trong năm 2005 này.

Tôi gọi Anh Charles bằng Anh, vì khi còn tại thế, Anh đã mong muốn được mọi người gọi Anh bằng anh, bằng em và được mọi người coi Anh là người anh em thân thương của mình.

Ðược tin Anh được phong Chân phước, tôi tự nghĩ thầm rằng: Khi Ðức Giáo Hoàng phong Chân phước cho Anh, thì có ý tôn vinh công trình Chúa làm nơi Anh. Công trình nơi Anh là sự Anh đi về với Chúa một cách độc đáo.

Tôi biết đôi chút về Anh qua những trung gian.

Hiện nay tinh thần tu đức của Anh Charles đang hướng dẫn 11 hội dòng và 7 hội đoàn khác nhau.

Họ làm thành một gia đình thiêng liêng nhiều ngành linh động xung quanh Anh Charles. Anh không là người sáng lập dòng. Anh chỉ hiện diện.

Riêng tôi, nhớ về Anh là nhớ qua những kỷ niệm gặp gỡ gia đình thiêng liêng ấy.

Những gặp gỡ như thế thì khá nhiều. Trong đó có vài trường hợp đặc biệt đã để lại trong tôi ảnh hưởng rất đậm.

 1/ Gặp gỡ ở Paris

Cách đây khá lâu, cuối tháng 10, nhân tiện đang ở Paris, tôi được mời tham dự cuộc họp thân mật của đại gia đình Anh Charles. Ðịa điểm họp là nhà thờ thánh Augustinh. Thời gian họp là tối 30 tháng 10, kỷ niệm ngày Anh Charles được ơn trở lại.

Thời tiết cuối tháng 10 tại Paris khá lạnh đối với tôi. Nhưng nhà thờ trở nên ấp áp do số người đến cầu nguyện rất đông.

Sau giờ cầu nguyện, là những phút nhắc nhớ lại kỷ niệm Anh Charles trở lại.

Hồi đó, Anh Charles đã 23 tuổi. Bấy giờ Anh nổi tiếng do thời làm sĩ quan quân đội Pháp và sau đó làm người thám hiểm và viết sử. Càng nổi tiếng, Anh càng sống đời buông thả. Tới một thời, Anh trở thành người không còn tin đạo. Nhưng, là người thuộc loại trí thức, Anh tìm hiểu về Chúa qua nhiều sách. Có một lúc, Anh cảm thấy lòng quá bất an, Anh nói: “Nếu thực sự có Chúa, thì xin Chúa cho con nhận biết Ngài”.

Rồi một hôm, theo gợi ý của bà chị họ, Anh tới nhà thờ thánh Augustinh. Vào đó, Anh gặp được cha Huvelin. Cha là linh mục đạo đức. Anh Charles tỏ ý bàn cãi với cha vài vấn đề tôn giáo. Cha dịu dàng trả lời: Ðức tin không đến qua cửa bàn cãi lý nọ lẽ kia, mà qua cửa khiêm nhường. Xin anh vui lòng quỳ xuống, sám hối để nhận ơn tha tội.

Anh Charles bối rối, ngỡ ngàng. Nhưng sau cũng vâng lời. Anh quỳ trước toà giải tội. Ðược cha hướng dẫn, Anh xưng tội với hết lòng thành thật. Sau phút giây được giải tội, Anh cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Anh coi mình như người con hoang đàng được ơn trở về. Trở về từ khi lòng cảm thấy đói khát, và bỏ được sự kiêu căng. Anh hoàn toàn thuộc về Chúa, tự nguyện sống chiêm niệm và cảnh nghèo, bắt chước Chúa Giêsu Nadarét xưa.

Anh vào dòng khổ tu Trappe. Ðược ít lâu, Anh được phép bỏ dòng. Sau đó, Anh được nhận làm người giúp việc cho các nữ tu Claristes. Không lâu sau, Anh được cha linh hướng khuyên tiếp tục đời khổ tu. Anh chịu chức Linh mục ngày 9/6/1901. Anh được phép trở về vùng đất nghèo của Phi châu, sống đời ẩn tu rất nghèo và chiêm niệm, trong sa mạc giữa những thổ dân nghèo mà Anh thương mến.

Cuộc gặp gỡ ở Paris năm đó đã gieo vào lòng tôi những hạt giống tinh thần Anh Charles. Những hạt giống ấy dần dần mọc lên nhờ những gặp gỡ khác, đặc biệt là những gặp gỡ ở Rôma.

 2/ Gặp gỡ ở Rôma

Mỗi lần đến Rôma, tôi thường tìm dịp đến thăm nhà các chị tiểu muội. Nhà này ở Tre Fontane. Các chị sống tiếp nối tinh thần Anh Charles.

Sức thu hút tôi đến nhà này là giá trị thiêng liêng. Ðó là đời sống nội tâm, cảnh nghèo và tình nghĩa. Cảnh nghèo ấy, tình nghĩa ấy, và đời sống nội tâm ấy ví như thứ hương thơm lạ, bốc ra từ những giờ chầu Thánh Thể, từ sự nhìn ngắm các di tích của Anh Charles, và từ những chia sẻ của các nhân chứng khắp nơi trở về.

Chị nào cũng mang tu phục nghèo, với huy hiệu thánh giá đâm qua trái tim. Tôi không chuyên môn. Nhưng nhìn qua các chị, tôi có cảm tưởng tinh thần Anh Charles là bắt chước Chúa Giêsu: Yêu thương bằng tất cả trái tim, và yêu thương chấp nhận thánh giá, để làm chứng cho tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mọi người, nhất là đối với lớp người nghèo khổ vùng sâu vùng xa, hiểu theo mọi nghĩa.

Sống trong bầu khí đó, tôi nghĩ về Anh Charles. Anh đã sống cho tình yêu dâng hiến, và đã chết cho tình yêu tận hiến. Anh như con chiên hiền lành, mà tiên tri Isaia đã tiên báo xưa (x. Is 53,7), để có thể minh chứng hùng hồn Thiên Chúa là tình yêu. Anh như hạt lúa chấp nhận thối đi, để có thể sinh ra những sự sống mới.

Không biết có phải vì cái nhìn đó không, mà tôi đã gặp được mùa xuân thiêng liêng rất cần cho tôi ở những vị tu lớn tuổi tại Tre Fontane, như Chị Magdeleine, Cha Voillaume. Chị Magdeleine ở đó thường xuyên. Cha Voillaume thỉnh thoảng tới đó.

Những vị tu lớn tuổi này là những người của sa mạc. Sa mạc thổi ra luồng gió cầu nguyện và tình thương. Tôi tiếp tục nhận được luồng gió ấy từ những gặp gỡ nhỏ.

 3/ Gặp gỡ ở biên giới Ðức

Chiều hôm đó, một xe hơi chở tôi tới sân bay Mulhouse. Ðây là sân bay biên giới Ðức, cạnh biên giới Pháp và giáp ranh Thuỵ Sĩ. Tôi được người ta dành cho một phòng nhỏ hạng rẻ nhất của một khách sạn của sân bay.

Vài giờ sau, một Giám Mục Pháp, bạn tôi, từ Paris tới bằng xe lửa. Ngài ở phòng cạnh phòng tôi.

Sáng sớm hôm sau, một Ðức Ông người Ðức từ Freiburg Ðức cũng tới. Chúng tôi ba người, vốn là bạn thân, cùng muốn sống tinh thần Charles giữa đời hôm nay.

Ðây là một nhóm rất nhỏ, nhưng đầy tình nghĩa. Nội dung trao đổi lần này là giúp nhau sống mầu nhiệm thánh giá.

Ba anh em, ai cũng mang trách nhiệm nặng nề trong Hội Thánh. Chúng tôi nhìn vào thánh giá được vẽ trên trái tim trong ảnh Anh Charles. Riêng tôi, khi nhìn thánh giá ấy, tôi nghĩ đến câu giới thiệu trong lễ nghi thứ sáu tuần thánh. “Ðây là cây thánh giá, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian”. Theo tinh thần Anh Charles, chúng tôi chia sẻ cho nhau thánh giá, mà mình bị treo lên với Chúa Giêsu. Ðó là những vất vả, những phiền muộn, những đớn đau, những bệnh tật, những dư luận chỉ trích, vv... Mỗi người chúng tôi đều đã cảm được những đớn đau cách này, cách khác. Chúng tôi nhớ đến cái chết đau đớn âm thầm đầy can đảm của Anh Charles. Anh bị cướp bắn ngày 01/12/1916 tại Tamarasset (Hoggar), Algérie. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ sống thế nào trong những trường hợp bị treo lên?

Trước hết, chúng tôi nâng đỡ nhau bằng tình nghĩa chân thành. Thêm vào đó, chúng tôi sống tinh thần phó thác nơi Chúa tình yêu. Chúng tôi đọc đi đọc lại kinh Phó Thác của Anh Charles.

Lạy Cha, con phó thác mình con cho Cha, xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng, con cũng cảm ơn Cha...”.

Tôi ngậm ngùi nhìn thánh giá của đời tôi, của các anh em tôi. Bị treo lên những thánh giá đó, chúng tôi không cô đơn. Tôi tin đó là nguồn suối chảy ra ơn cứu độ.

ù

Qua những gặp gỡ như vừa kể, tôi nhận được phần nào tinh thần tu đức của Anh Charles de Foucauld. Thực ra, tinh thần đó chỉ là đi theo những bước chân của Chúa Giêsu: Luôn hiện diện trước Chúa, luôn hiện diện gần gũi với con người, luôn hiện diện với nơi mình ở và với lịch sử nơi đó. Nhất là đừng quên hiện diện đối với những người trong cảnh nghèo khổ, bệnh nạn, cô đơn, bị bỏ rơi và thất vọng. Hiện diện với cảm thương, yêu thương, nhớ thương và đau thương chân thành tế nhị.

Nguồn sức sống thiêng liêng là Thánh Thể, tình nghĩa giữa anh chị em, và phục vụ trong âm thầm.

Anh Charles de Foucauld sống một đời nhiều chuyển biến. Ðời Anh kéo dài từ 15/9/1858 tới 1/12/1916. Phần lớn đời anh là ẩn dật, chôn vùi, nhưng rất gần gũi. Nay, khi anh được phong Chân phước, Chúa sẽ nhân lên ngàn vạn lần những người muốn sống như Anh. Họ đang rất cần cho Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay. Thiết tưởng việc phong Chân Phước cho Anh Charles chính là một tiếng Chúa gọi chúng ta.

Ngày 27 tháng 3 năm 2005