Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Ngày 30/4/1975. Nhà Nguyện ÐCV Thánh Tôma

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 6 - 2005-
 HIẾN THÂN TRỌN VẸN (Thao Thức 6) -2005-
  -2006-
 

Tiếng kêu trong hoang địa

Thánh Bổn Mạng của tôi là Gioan Baotixita. Vị thánh này được gọi bằng nhiều tên, như Gioan Tiền Hô, Gioan Tẩy Giả. Riêng tôi, tôi thích gọi Ngài bằng một tên đơn giản hơn. Tên này do tiên tri Isaia đặt cho Ngài từ ngàn năm trước. Ðó là “Tiếng hô trong hoang địa” (Lc 3,4; Mc 1,2; Mt 3,3; Ga 1,23). Chính thánh Gioan Baotixita cũng tự xưng mình bằng tên đó:

Tôi là người hô trong hoang địa:
Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi
” (Ga 1,23).

Ngài là thế. Tôi cũng muốn bắt chước Ngài được như thế.

Hô trong hoang địa”. Nghe thì đơn giản. Nhưng thực hành mới thấy không đơn giản chút nào. Bởi vì phải biết:

Hô điều gì?

Hô cách nào?

Hô lúc nào?

Hôm nay, gần hết đời người, và sau 50 năm linh mục, tôi thấy công việc tôi “hô trong hoang địa” vẫn còn như mới bắt đầu. Nghĩa là còn kém, còn non, còn dở, còn đầy thiếu sót, còn cần mãi mãi học thêm.

Tôi đã học ở đâu? Và còn sẽ tiếp tục học ở đâu?

Tôi xin thành thực kể ra vắn tắt những trường quan trọng dạy tôi:

1/ Trường Lời Chúa

Lời Chúa là trường dạy tôi. Tôi học ở đó. Bằng nhiều cách, như suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện Lời Chúa, đọc những bài cắt nghĩa Lời Chúa, đào bới những khoa môn liên quan đến Lời Chúa.

Lời Chúa in trên sách là tài liệu bên ngoài. Nhưng Ðấng làm cho tài liệu Lời Chúa biến thành ánh sáng, sự sống và lửa bên trong lòng tôi chính là Chúa Thánh Thần.

Trường Lời Chúa không ở nơi nào nhất định. Trường đó ở bên tôi. Trong trường này, tôi cảm thấy rất tự do. Luôn có những điều mới. Như một kho tàng vô cùng phong phú. Ðiều tôi mong không phải là sẽ hiểu biết tất cả. Nhưng từ Kinh Thánh tôi mong sẽ nghe được một tiếng gọi dành riêng cho mình.

Từ rất sớm, tôi nhận ra tiếng gọi dành riêng cho tôi là: Hãy cùng với 10 người phong cùi kêu van Chúa Giêsu: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng con” (Lc 17,12-13). Những người cùi đó đã hô lớn tiếng (Lc 17,13). Tôi cũng bắt chước, mà hô lớn tiếng như vậy. Nhập bọn với những người cùi, mà cầu xin Ðấng Cứu thế, đó là việc đơn sơ, rất thích hợp, mà tôi đã học được ở trường Lời Chúa.

Lời cầu xin ấy, tôi hô lên, dù tất cả xung quanh tôi, và chính đời tôi chỉ là hoang địa hỗn độn, ồn ào.

Ngoài trường Lời Chúa, tôi cũng học được nhiều điều ở cuộc đời.

2/ Trường cuộc đời

Cuộc sống ví như một hành trình. Hành trình cuộc sống gồm một chuỗi những bước thăng trầm. Luôn có những biến cố xảy tới chen giữa những quãng bình lặng vắn vỏi.

Theo kinh nghiệm của tôi, bất cứ biến cố nào xảy đến cũng đều là những thử thách được đặt ra. Thí dụ hôm qua, biến cố xảy đến cho tôi là một thành công tốt đem lại niềm vui. Hôm nay biến cố xảy đến cho tôi là một thất bại xấu gây nên nỗi buồn. Ngày mai có thể sẽ là thời gian bình lặng.

Niềm vui, nỗi buồn và bình lặng ấy đều được coi là những thử thách. Nếu tôi lạm dụng thành công để niềm vui kéo tôi đến chỗ kiêu căng, thì thử thách thành công này sẽ đưa tôi trẽ vào con đường nguy hiểm. Ngược lại, nếu tôi biết lợi dụng thất bại, để nỗi buồn dẫn tôi đến sự khiêm tốn biết mình để cố gắng phấn đấu thêm, thì thử thách thất bại này sẽ đưa tôi vào con đường hy vọng vươn lên.

Cũng thế, bình lặng cũng có thể được dùng cho lựa chọn tốt, và cũng có thể lạm dụng cho lựa chọn xấu.

Kinh nghiệm cho thấy: Trong cuộc đời có những thành công mà là thất bại. Trái lại có những thất bại mà lại trở thành thành công.

Vì thế, nhiều trường hợp được coi là thành công hay bình lặng chắc chắn, tôi đừng nông nổi chủ quan. Nhưng hãy cầu nguyện “Xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con”. Còn mọi trường hợp thất bại đắng cay, tôi cũng đừng bi quan. Nhưng càng phải hô lên lời van “xin Chúa xót thương con”. Như thế, xét cho cùng, lời xin Chúa xót thương lúc nào cũng cần.

Cùng với trường Lời Chúa và trường cuộc đời, tôi đã học được rất nhiều ở trường đời Chúa.

3/ Trường đời Chúa Giêsu

Ðời sống Chúa Giêsu đâu có êm ả như phần đông tưởng. Một đoạn thư gởi Do Thái sau đây cho thấy phần nào:

Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc, mà dâng lời khẩn nguyện nài xin Ðấng có quyền cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,7-8).

Suy gẫm đoạn thư trên, rồi nhìn suốt cuộc đời Chúa Giêsu, từ hang đá Belem đến thánh giá trên núi Sọ, tôi thấy 33 năm của Người toàn là hy sinh và cầu nguyện, để biết vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Vâng phục thánh ý là việc khó như thế đó. Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ và đã cầu nguyện, kêu van, khóc lóc thảm thiết, mới thực thi được bài học vâng phục. Phương chi tôi và chúng ta. Ðừng ảo tưởng. Nhưng phải theo gương Người, mà kêu lên lời cầu: “Xin Chúa dủ lòng thương xót”.

ù

Tôi thấy thánh Gioan đã hô trong hoang địa Israel với biết bao ơn Chúa Thánh Thần. Ngài biết đúng cách, biết đúng lúc, với tinh thần vâng phục. Nhưng sau cùng, Ngài đã bị chém đầu.

Hiệu quả bề ngoài thực bẽ bàng.

Nhưng qua cõi đời này, Thánh Gioan Baotixita đã bước vào một hoang địa khác, đó là mọi thế hệ nhân loại sau này, và mãi mãi âm thầm thúc giục các lương tâm hãy: “Xin Chúa dủ lòng xót thương chúng con”.

Mỗi tôn giáo có cách cầu nguyện của mình.

Mỗi người có cách kêu van của mình.

Tôi hy vọng lời cầu chân thành nào cũng sẽ được Chúa đón nhận. Tôi càng tin điều đó, khi chính tôi nhận mình là một người phong cùi, chỉ biết hô to lời nguyện “xin Chúa luôn dủ lòng xót thương chúng con”,

Xin Chúa luôn dủ lòng thương xót chúng con”. Ðó là lời cầu, pha trộn thống hối và cậy trông. Tôi tin Chúa không bỏ tôi.

Niềm tin của tôi đôi khi cũng được an ủi. Như, mới rồi, tôi nhận được thư riêng của Ðức Hồng Y SODANO, Quốc vụ khanh Toà Thánh (No 007, 16/5/2005). Trong thư, Ngài báo tin rằng: Ðức Thánh Cha Benedictô XVI rộng lòng ban phép lành yêu dấu của Toà Thánh cho tôi. Phép lành ấy cũng được ban cho mọi người gần gũi của tôi.

Tiếng kêu trong hoang địa” là những con người mọn hèn đang đi theo thánh Gioan Baotixita. Xin hết lòng cảm tạ Chúa muôn đời.

Ngày 30 tháng 5 năm 2005