Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Ðời Hiến Tế

Sáng hôm qua, khi vừa nghe tin cha Augustinô Phan Xuân Trọng từ trần, tôi buột miệng nói: “Thánh lễ đã xong. Chúc cha Trọng ra đi bình an. Tạ ơn Chúa”.

Lời tôi nói trên đây là một phản ứng hồn nhiên, có thể chỉ hiểu được thấu đáo giữa cha Augustinô và tôi. Bởi vì cách đây 2 năm, khi biết cha mắc bệnh ung thư, không nói được nữa, mỗi ngày mỗi thêm đau đớn, tôi đã nói với cha, rồi cũng đã viết cho cha rằng: “Sống ơn gọi Linh mục chủ yếu là sống tinh thần hiến tế của Ðức Kitô. Bản thân Ðức Kitô là chủ lễ. Bản thân Ðức Kitô là bàn thờ. Bản thân Ðức Kitô là chính của lễ”.

Khi tôi nói và viết cho cha Augustinô những lời trên, tôi đã có đôi chút kinh nghiệm thế nào là sống với Ðức Kitô, thế nào là đi theo Ðức Kitô, thế nào là truyền giáo và cứu độ bằng phương tiện Ðức Kitô. Ðức Kitô đã cứu độ và truyền giáo bằng tình yêu chịu khổ nạn và chịu treo trên thánh giá.

Môn đệ Ðức Kitô sẽ phải giống Thầy mình. Phải hiến tế mình. Không thể khác được.

Khi tâm sự với cha Augustinô những nhận định và kinh nghiệm trên, tôi cũng đã hiểu phần nào cuộc đời hiến tế của cha.

Tôi đã chứng kiến cảnh đau khổ tinh thần của cha, khi những oan ức dồn dập đổ trên thân phận cha. Cha đau khổ đến nổi có những ngày đã phát điên lên, như người mất trí.

Tôi đã chứng kiến cảnh đau khổ thiêng liêng của cha, khi những yếu đuối và những gánh nặng trách nhiệm xâu xé lương tâm cha. Cha muốn đến thăm từng gia đình, muốn an ủi nâng đỡ từng người, nhưng không sao được.

Tôi đã chứng kiến cảnh đau khổ thể xác của cha, khi bệnh ung thư hoành hành tàn phá con người của cha. Cha đau khổ vì bệnh nan y, và đau khổ vì thấy nhiều người phải khổ vì cha.

Tôi coi sự cha chịu đau khổ là một thánh lễ hiến tế sống động. Bởi vì cha chịu đau khổ với tinh thần hy sinh, từ bỏ mình và với tình mến Chúa yêu người. Hiến tế mình như thế là chôn vùi mình vào thân phận của lễ khiêm nhường của người đầy tớ Ðức Giavê, mà tiên tri Isaia đã tiên báo, và Ðức Kitô đã thực hiện.

Phải được chôn vùi mình như thế, mới trở thành hạt giống cứu độ, sẽ trổ sinh ra sự sống mới, như Ðức Kitô đã nói.

Với cái nhìn trên đây, tôi dâng lễ này như một lễ tạ ơn. Tôi tạ ơn Chúa đã dùng bản thân cha Augustinô, sự sống và sự chết của cha, để giới thiệu với chúng ta một cách tái-Phúc-Âm-hoá đúng đắn nhất. Sức sống tái-Phúc-Âm-hoá sẽ được khởi đi từ những cuộc đời hiến tế, thực sự hiệp thông với Ðức Kitô chịu nạn và chịu chết trên thánh giá. Sức sống tái-Phúc-Âm-hoá sẽ được phát triển từ những con người không quan trọng hoá những việc mình làm cho Chúa; mà chú ý hơn hết đến sự Chúa đã chia sẻ cho mình mầu nhiệm thánh giá cứu độ.

Sáng nay, khi thấy chiếc xe tang chở thi hài cha Augustinô đi qua nhà thờ chánh toà Long Xuyên, tôi đã thầm nói với linh hồn cha rằng: Bây giờ thì cha đã nhìn thấy rõ những gì là phù du, những gì là phải qua đi, và những gì là cốt yếu cho phần rỗi, cho việc truyền giáo. Xin cha cầu nguyện cho tôi, cho địa phận và cho mọi người cha thương và mọi người thương cha được nhận ra đúng những gì cha đang thấy, nhất là giá trị của đời hiến tế.

Giờ đây, tôi cũng nhắc lại với cha như vậy. Có nghĩa là cha sẽ cùng cầu nguyện với chúng tôi. Cha sẽ cùng tạ ơn Chúa với chúng tôi.

Lễ an táng cha Aug Phan Xuân Trọng, An Châu, ngày 28/11/1993