Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Kết quả của Thượng Hội đồng các Giám mục Á châu

Ngày bế mạc Thượng Hội Ðồng (THÐ) các Giám mục Á Châu tại Rôma, một vị cao cấp của Toà Thánh đã nói với tôi: “Bế mạc THÐ lớn ở trung ương, để rồi sẽ khai mạc các THÐ nhỏ ở các địa phương. Thứ THÐ nhỏ này cũng rất quan trọng”.

Thứ THÐ ám chỉ ở đây là việc trao đổi tại các địa phận về những kết quả của THÐ vừa qua (19/4 đến 14/5/1998) tại Rôma.

Theo tôi, kết quả của THÐ không chủ yếu gồm những bản tuyên ngôn, đề nghị, nghị quyết, mà còn là những gì mới mà người tham dự THÐ đã trải qua và đã tiếp thu ở THÐ. Những cái mới đó thiết tưởng là những kinh nghiệm mới, những cái nhìn mới, những thao thức mới.

Nếu đúng như vậy, thì những thứ mới ấy nơi tôi là rất giới hạn. Với ý thức đó, tôi xin vắn tắt chia sẻ.

 Những kinh nghiệm mới

 Kinh nghiệm thứ nhất là việc chọn người

Tổng số người tham dự THÐ là 252. Tổng số này được chia ra như sau:

67 vị là thành phần phải tham dự vì nhiệm vụ, thí dụ các Hồng Y tại chức ở Á châu, các vị chủ tịch các HÐGM các nước Á châu, các vị đứng đầu các bộ của giáo triều...

98 vị là thành phần được bầu chọn ở các HÐGM Á châụ

23 vị là thành phần được Ðức Thánh Cha chỉ định.

18 vị là chuyên viên được Ðức Thánh Cha phê chuẩn.

40 vị là dự thính viên được Ðức Thánh Cha chấp thuận.

06 vị là khách thuộc các tôn giáo bạn.

Ðọc qua chức vụ của các thứ thành phần trên đây, tôi thấy các khác biệt sẽ rất phong phú và sẽ được trân trọng, nhưng đồng thời trật tự cơ chế cũng rất được bảo đảm.

Riêng nhóm chuyên viên được đánh giá rất tốt. Họ là những người có trình độ cao về trí tuệ, đạo đức và có kinh nghiệm làm việc theo khoa học. Họ biết sàng lọc các ý kiến, để cấu trúc mau lẹ các bản văn theo những tiêu chuẩn vững chắc.

Sự chọn lựa kỹ lưỡng nhân sự tham gia THÐ là một yếu tố quan trọng cho sự sống động và thành công của THÐ.

 Kinh nghiệm thứ hai là việc xây dựng bản đề nghị chung.

Ngày đầu, các thành viên THÐ nhận được một tập in gọi là tài liệu làm việc. Tập tài liệu này phác ra sơ quát tình hình Công giáo tại Á châu với các thực tại và yêu cầu của nó. Bản tài liệu làm việc này phản ánh những câu trả lời và các nhận xét của các HÐGM các nước Á châu gởi về Toà Thánh để chuẩn bị THÐ.

Tiếp nối bản văn thứ nhất này là bản văn thứ hai, gọi là bản báo cáo trước tham luận. Bản này nêu lên những điểm quan trọng trong bản văn thứ nhất cần được chú ý đặc biệt.

Sau 14 phiên họp toàn thể với hơn 150 bài tham luận, THÐ nhận được bản văn thứ ba, gọi là bản báo cáo sau tham luận. Bản này hệ thống hoá gọn gàng các bài tham luận, và đưa ra những điểm cần đào sâu ở các phiên họp tổ.

Sau 4 phiên họp tổ, là 2 phiên họp toàn thể, để nghe các tổ báo cáo. Một bản văn thứ 4 được thành hình, gọi là bản gợi ý đưa ra các đề nghị. Các tổ thảo luận bản văn này trong 5 phiên họp và đưa ra những nội dung được nhất trí. Tiếp đó là 2 phiên họp toàn thể, để hệ thống hoá các đề nghị do các tổ đưa ra. Bản này là Bản văn thứ 5, gồm nội dung các đề nghị được thống nhất.

Bản văn thứ 5 này lại được đưa xuống các tổ để bàn bạc. Lần này tập trung vào việc tìm hình thức để xây dựng các nội dung đã chấp thuận. Sau 3 phiên họp tổ, mọi ý kiến được đúc kết lại thành các đề nghị hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức.

Bản văn thứ 6 được in ra. Bản văn này được phát cho các thành viên để kiểm lại lần chót tại phiên họp toàn thể.

Sau khi sửa chữa đôi chút, bản này được thay thế bằng một bản mới. Bản sau cùng này được đưa ra bỏ phiếu từng câu một, và trở thành bản đề nghị thống nhất và duy nhất, sẽ được đệ trình Ðức Thánh Chạ Ngài sẽ căn cứ vào đó để soạn ra một bản văn khác mang tên là “Tông Huấn về Công giáo tại Á châu”. Bản này sẽ được Ðức Thánh Cha công bố trong thời gian tới tại một hay nhiều nước ở Á châu.

Một tiến trình như thế để xây dựng bản đề nghị chung về Công giáo tại Á châu cho thấy thái độ thận trọng đầy trách nhiệm của THÐ. Qua những dịp làm việc chung trên suốt tiến trình này, tôi tự nhủ mình rằng: Mình phải cố gắng tự học thêm rất nhiều, để có thể đóng góp hữu hiệu hơn cho công ích.

 Kinh nghiệm thứ ba là việc tạo ra được bầu khí hiệp thông.

THÐ không phải chỉ toàn là những giờ tham luận và thảo luận. Còn nhiều thời giờ khác dành cho nhiều chi tiết khác, như phụng vụ, tiếp xúc, nghỉ ngơi, ăn uống vv... Kinh nghiệm cho thấy nhiều thứ linh tinh không tên đôi khi lại có ảnh hưởng lớn đến việc tạo dựng bầu khí hiệp thông. Về mặt này, ban tổ chức THÐ đã rất chu đáọ Tôi nghĩ là tôi sẽ không lầm, nếu tôi quả quyết: yếu tố quan trọng nhất có sức quyết định, tạo nên sự hợp nhất ở THÐ chính là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Chúa Thánh Linh.

 Những cái nhìn mới

Trong một tháng tham dự THÐ, tôi được nghe nhiều, đọc nhiều và tiếp xúc nhiều. Qua tổng hợp và phân tích, cũng như qua lý luận và trực cảm, tôi đã nhìn các Giáo hội địa phương ở Á châu với những cái nhìn khác nhau.

1. Nếu căn cứ vào các con số để so sánh, thì có thể xếp các Giáo hội địa phương thành 3 loại:

a/. Loại tăng số, gồm những nơi hằng năm số người theo đạo tăng lên. Hiện nay trong loại này có một số nước đáng kể, như Việt Nam, Ấn Ðộ, Indonesia, Nam Triều Tiên, Phi Luật Tân, Ðài Loan.

b/. Loại giảm số, gồm những nơi hằng năm số người có đạo giảm sút. Loại này hiện nay lan rộng ra hơn chục nước, tập trung ở miền Trung Ðông, như Iran, Irak, Giordani, Syri, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…

c/. Loại tận số, gồm những nơi trước đây có đông người công giáo, nay kể như không còn gì. Loại này cũng khá đông, như Afghanistan, Arap-Sêut, những Giáo hội của các thánh tông đồ thuở xưa như Êphêsô, Antiokia, Laodicia, Ciliciạ

2. Nếu căn cứ vào dung mạo Hội Thánh được nhận thấy ở từng Phúc Âm, thì có thể xếp các Giáo hội địa phương thành 4 loại như sau:

a/. Hội Thánh rao giảng theo Phúc Âm thánh Matthêu. “Anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân” (28,19). Chẳng hạn Giáo Hội tại Phi Luật Tân, với một hệ thống phong phú mạnh mẽ về phát thanh, báo chí, trường sở đào tạo, rất nổi về việc rao giảng.

b/. Hội Thánh hoạt động cứu độ theo Phúc Âm thánh Marcô: “Nhân danh Thầy, họ sẽ đuổi được ma quỷ... chữa lành các bệnh nhân” (16,15-18). Chẳng hạn Giáo Hội tại Nam Triều Tiên rất nổi về các hoạt động xã hội, lo cho người nghèọ

c/. Hội Thánh chứng nhân theo Phúc Âm thánh Luca: “Nhân danh Người, sự ăn năn và tha thứ sẽ được công bố cho muôn dân. Chúng con là chứng nhân đối với tất cả những việc đó” (24,47-48). Chẳng hạn Giáo Hội tại hầu hết các nước Hồi giáọ

d/. Hội Thánh mầu nhiệm theo Phúc Âm thánh Gioan: “Chúa Cha đã sai Thầy thế nào, thì Thầy cũng sai các con như vậy... Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (20,21-22). Chẳng hạn Giáo Hội tại Việt Nam sống vững niềm tin vào sức mạnh của Chúa Ba Ngôi.

3. Nếu căn cứ vào màu sắc thần học, thì có thể thấy đang chớm nở ở một số nơi tại Á châu những khuynh hướng mới về thần học. Như thần học về hội nhập văn hoá, thần học về đối thoại, thần học về đối chiếu, thần học về các sự kiện xã hội lịch sử Thiên Chúa giáo, thần học tu đức Á châu, thần học tu đức truyền giáo, thần học về cộng đồng cơ sở, vv... Các Hội Thánh địa phương có thể cung cấp các thông tin loại này là: Ấn Ðộ, Sri Lanca, Indonesia, Phi Luật Tân, Nam Triều Tiên, Ðài Loan.

 Những thao thức mới

Khi nhìn sâu vào tình hình Công giáo tại Á châu với những cái nhìn mới trên đây, chúng tôi đã trao đổi với nhau về những gì cần làm theo lương tâm tông đồ. Ðã có nhiều ý kiến và nhiều đề nghị. Từ những ý kiến và đề nghị đó, đã nảy sinh trong tôi nhiều thao thức mớị

 a/. Bổn phận đối với sự thực

Theo tôi thì người có đạo, nhất là người chủ chiên và nhà truyền giáo trước hết phải biết tôn trọng sự thực, phải biết phân biệt trong các cách sống đạo đâu là thực, đâu là không thực, cái gì là phụ cái gì là chính.

Khi không đồng hoá Hội Thánh với Nước Trời, thì sẽ thấy có nơi Hội Thánh bị rút hẹp lại, nhưng thực sự Nước Trời lại đang mở rộng. Khi hiểu tôn giáo không luôn đồng hoá với Tin Mừng, thì sẽ thấy nhiều nơi thực sự Tin Mừng vốn được trân trọng, đang khi tôn giáo lại bị khước từ. Khi không dám coi ý riêng mình cũng là thánh ý Chúa, thì sẽ thấy nhiều nơi đạo không phát triển theo thánh ý Chúa mà thực sự chỉ theo ý riêng mình. Khi biết tách rời những cái phụ ra khỏi cái chính, thì sẽ thấy nhiều nơi chỉ phát triển những cái phụ mà thực sự không phát triển yếu tố căn bản của đạo.

Trên lý thuyết phải có những quan điểm đúng sự thực, và trên thực tế phải có những lượng giá đúng sự thực. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào những sai lầm trầm trọng. Chúa Giêsu đã ám chỉ những trường hợp như thế, khi Người nói về những ai tự phụ thuộc về Chúa, nhưng sẽ bị Chúa trả lời: “Ta không biết các ngươi là ai”.

 b/. Bổn phận đối với việc đào tạo

THÐ nhìn nhận các tôn giáo truyền thống Á châu có nhiều giá trị thiêng liêng cao đẹp. THÐ nhận thấy đặc điểm của con người Á châu là hướng về tu đức, mến yêu đạo đức, coi trọng những gì là thiêng liêng. THÐ cũng nhận định rằng những cảm nghiệm tôn giáo là yếu tố quan trọng đối với người Á châụ THÐ cũng nhìn nhận rằng ở Á châu, đạo thường không được đánh giá theo lý thuyết, mà chủ yếu theo thực tế, vẻ đẹp của đạo không tập trung vào những lý lẽ, mà ở những trong sáng của cái tâm. THÐ cũng nhìn nhận rằng đạo ở Á châu không thể tách rời khỏi sự cảm thương và chia sẻ với người nghèo.

Chính vì những lý do trên, mà việc đào tạo các môn đệ Chúa ở Á châu không nên rập khuôn theo kiểu Tây phương. Theo hướng đó, THÐ đã nêu lên những chỉ dẫn cho việc đào tạo các giảng viên Ðại chủng viện, cho việc rèn luyện các chủng sinh, cho việc huấn luyện các giáo dân, đặc biệt là giới trẻ.

 c/. Bổn phận đối với chức năng tiên tri

THÐ cũng đã nêu lên những gì là thách đố, là nguy cơ, là hy vọng cho Hội Thánh ở Á châụ Sẽ có phong trào toàn cầu hoá, phong trào tôn giáo cực đoan, phong trào tự do phóng túng, phong trào hưởng thụ ăn chơi, phong trào tôn thờ lạc thú, tiền bạc, vv... Nhưng cũng có những phong trào học hỏi Thánh Kinh, phong trào cầu nguyện chiêm niệm, phong trào dấn thân, phong trào cộng đồng cơ bản, vv... Khó khăn bao giờ cũng có. Nhưng hy vọng lúc nào cũng nhiều.

THÐ khẳng định : Trong mọi tình huống thực tế phức tạp, sứ mạng truyền giáo ở Á châu cần có những người thánh: Giám mục thánh, linh mục thánh, tu sĩ thánh, giáo dân thánh. Người thánh ở đây là người có lửa mến trong lòng. Như Mẹ Têrêsa Calcutta, người được THÐ trân trọng nhắc tớị Truyền giáo không phải là chuyển giao các tư tưởng, mà là chia sẻ lửa mến. Mình không có lửa, thì không thể đốt nóng được gì.

Trong thánh lễ bế mạc THÐ (14/5/1998) Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giảng: “Ðây là chân lý cứu độ Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ của Ngài, đây cũng là điều răn của Ngài “Chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,13)... Là người kế vị các thánh tông đồ, tôi hân hạnh nhắc lại những lời đó... Sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh ở Á châu chính là phục vụ của tình yêu”.

Theo tôi, trong một Á châu có nhiều khác biệt và có nhiều chuyển biến, lời căn dặn trên đây của Ðức Thánh Cha dựa trên lời Ðức Kitô phải được coi là một chỉ hướng tiên tri. Cần tập trung vào đó. Cần thực thi chỉ đạo đó một cách khôn ngoan, sát thực tế xã hội, tâm lý, văn hoá, kinh tế, nhất là trong sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, dưới sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, trọn vẹn hướng về Thiên Chúa là Cha.

ù

Như vậy có thể nói: vấn đề quan trọng nhất mà THÐ và Ðức Thánh Cha đặt ra mãi mãi và hàng đầu cho Công giáo Á châu chính là lửa tình yêu. Trong lòng chúng ta, có lửa đó không? Lửa đó có thực trong sáng không? Lửa đó có phát xuất từ lửa Thiên Chúa Ba Ngôi không? Chúng ta có tỉnh thức đón nhận lửa đó hằng ngày không? Chúng ta có cộng tác với lửa đó để thanh luyện chính mình không?

Long Xuyên, tháng 7/1998