Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Ðau khổ bởi Giáo Hội

Phải, tôi đã đau khổ bởi Giáo Hội”, Ðức Cha Albert Rouet đã viết như thế. Ngài tiếp: “Ðau khổ vì Giáo Hội là vinh quang. Ðau khổ bởi Giáo Hội thì phải cực. Giấu giếm làm chi các sự việc đó. Ngay ở điểm này, chúng ta cũng hãy khiêm tốn và rõ ràng. Nói cho đúng hơn, tôi phải đau khổ trong Giáo Hội. Tôi còn nhớ những cuộc gặp gỡ ấy, ba hay bốn lần mỗi tuần, tôi bị rình rập và theo dõi bởi những người chống đối nhiệt thành nhưng ẩn danh. Họ rình bắt chộp một lời nói, một phát biểu khác ý, để lập tức kết án tôi là rối đạo. Tôi đã gặp những tố cáo mật hoặc công khai của những người Kitô hữu chống lại chức linh mục và đức tin của tôi, bằng cả một dẫy dài những bài văn lậu và những trích dẫn bị cắt xén. Tôi thực sự làm chứng về điều này là khi một nhóm người tìm làm áp lực, để kéo Giáo Hội vào quĩ đạo của mình, họ coi mọi phương tiện đều tốt hết. Với những việc làm lặp đi lặp lại, phóng đại và biến thể, họ đã thành công gây nên sự nghi ngờ. Những lời vu khống tìm được những lỗ tai thích thú, đồng tình, ngay cả ở địa vị cao” (Albert Rouet, Au plaisir de croire, Anne Sigier, 1994, trang 131). Ðức Cha Albert Rouet, trước đây là Giám mục phụ tá Paris, nay là Giám mục Poitiers, chủ tịch uỷ ban xã hội Hội Ðồng Giám Mục Pháp. Ngài đã viết những sự thực trên, dựa theo kinh nghiệm mục vụ của Ngài. Ðó chỉ là những chuyện đau lòng nhỏ, do vài nhóm nhỏ, tại một địa phương nhỏ.

Còn có những chuyện đau lòng lớn do những tập thể lớn của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa toàn cầu. Trong lịch sử Giáo Hội là dân Thiên Chúa, đó đây đã có những lỗi lầm mang qui mô lớn, kéo dài nhiều năm, như những hệ thống nguyên tắc vững bền. Cha Yves M.J. Congar, nhà thần học lừng danh về sự sống Giáo Hội, sau này là Ðức Hồng Y Congar, đã nêu lên một số lỗi lầm loại đó. Như cách giữ đạo máy móc theo thói quen, đạo đức giả hình, đạo đức khép kín, tính trì trệ và hẹp hòi, không theo kịp đà tiến của lịch sử, không tỉnh thức đón nhận giờ Chúa đến viếng thăm (Yves M.J. Congar, Vraie et fausse réforme dans l'Eglise, 1950). Những lỗi lầm nặng nề như thế đã làm đau lòng những ai mến yêu và nhiệt thành muốn Giáo Hội phát triển. Họ phải đau khổ trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã nhiều lần tỏ vẻ đau lòng vì những lỗi lầm đang xảy ra trong Giáo Hội. Ngài đau lòng trước cảnh sa sút đạo đức, mà Ngài gọi là “Những khó khăn nội bộ” (Thông điệp Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế, 1991, số 36). Ngài đau lòng trước những hiện tượng tiêu cực luân lý mà Ngài gọi là “Những sai lầm, những hàm hồ, và sự lãng quên” (Thông điệp Chân Lý Sáng Ngời, 1993, số 30-33). Ngài đau lòng trước những phản chứng và những gương mù trong lịch sử Giáo Hội (Thông điệp Thiên Niên Thứ Ba, 1994, số 33-36).

Không phải thời nay mới có chuyện đau khổ bởi Giáo Hội. Ngay thuở ban đầu đã có những chuyện như thế. Các thánh tông đồ, ngay cả thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, tuy sống với các đoàn sủng Thánh Linh, vẫn mang trong mình những giới hạn, những yếu đuối. Các Ngài đã có những lời nói, những việc làm, và những thiếu sót làm đau lòng Ðức Kitô.

Hơn nữa, hầu như cả một tập thể những người có đạo bấy giờ đã làm Ðức Kitô đau khổ. Chính họ đã cáo gian bỏ vạ và xỉ vả Người. Chính các vị lãnh đạo tôn giáo của họ đã âm mưu giết Người. Hãy xem thánh lễ đồng tế của Người trên núi Sọ. Thực là cùng cực. Ðã có một người ngoại đạo, tên là Simon, vác đỡ thánh giá cho Người, đã có hai người trộm cướp bị đóng đinh hai bên tả hữu Người. Ðức Kitô đã đau khổ vì những người có đạo, và bởi chính những người tin thờ Thiên Chúa.

Các sự việc như trên cho thấy: Giáo Hội là dân Thiên Chúa, sẽ chỉ làm chứng được sự thánh thiện của mình bằng thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn ăn năn sám hối trở về. Khiêm tốn đón nhận ơn cứu độ của Ðức Kitô bằng đức tin. Khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng qua Huấn quyền và các thực tại. Khiêm tốn sống Lời Chúa trong đời thường. Khiêm tốn làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống dấn thân từ những việc nhỏ. Khiêm tốn chỉnh đốn lại các mối dây liên hệ hiệp thông trong chân lý và bác ái. Khiêm tốn cởi mở nhìn nhận những giá trị tự nhiên trong lịch sử nhân loại, để từ đó khởi đi việc rao giảng Phúc Âm. Nhất là khiêm tốn từ bỏ cái tôi tự phụ, hẹp hòi, để biết kính trọng người khác với những khác biệt của họ, và để tìm tòi những nhiệt tình mới, những phương cách mới, những diễn tả mới trong việc sống đạo và truyền giáo.

Phải chăng mỗi người và mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội Việt Nam đang cần được tân-Phúc-Âm-hoá chính mình theo hướng đó.

Ðể thương nhớ Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình,
vừa qua đời ngày 01/07/1995.

Long Xuyên, ngày 02/07/1995