Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Thấy trước và dự phòng

Thấy trước và dự phòng, đó là một đặc điểm của Ðức Kitô, mục tử tốt lành.

Người thấy trước những gì sẽ xảy ra cho các kẻ tin theo Người. Người biết trước chính bản thân mình sẽ phải đi vào cuộc tử nạn. Nên Người đã dự phòng bằng những việc hết sức khôn ngoan. Người đặt kẻ kế thừa, đào tạo nhóm mười hai, trối lại giới rắn mới, xác định hướng đi cho các môn đệ là làm chứng về Người, rao giảng sự sám hối, đón nhận Thần Linh của Người, tiên báo về Nước Trời sắp đến. Người đã đơn-giản-hoá giáo lý, tập trung đạo vào hai luật căn bản là mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như chính mình. Với những sắp xếp khôn ngoan, Ðức Kitô đã giúp cho các môn đệ phát triển Tin Mừng trong một thời điểm dài đầy những khó khăn phức tạp.

Với tấm gương “Thấy trước và dự phòng” của mục vụ Ðức Kitô, tôi nhìn lịch sử Giáo Hội Việt Nam từ 1945 tới nay. Tôi nhận thấy, trong 50 năm qua, các cộng đoàn đức tin đã không phát triển đồng đều. Có nơi phát triển mạnh về mọi mặt. Có nơi phát triển chậm chỉ một vài mặt. Có nơi xem ra vẫn tù mù. Có nơi tụt hậu rõ ràng thê thảm, từ trí thức đến khả năng phục vụ con người, tới tinh thần Phúc Âm theo hướng cởi mở của Công Ðồng Vatican II. Nguyên do có nhiều phức tạp. Nhưng người lãnh đạo cộng đoàn là một yếu tố quan trọng. Và trong lãnh đạo, khả năng thấy trước và dự phòng đã ảnh hưởng rất lớn và lâu dài trên số phận cộng đoàn.

Nhận xét trên đây thiết tưởng có thể giúp cho những thao thức hiện nay về Giáo Hội Việt Nam biết tỉnh táo hơn nữa, khi các cộng đoàn đang bước vào một tương lai mới.

Tương lai mới này sẽ rất khác với quá khứ 50 năm trước đây. Sẽ có nhiều bùng nổ lớn, về kinh tế, về thông tin, về văn hoá, về các hiện tượng dân chủ, tự do, dân tộc, tín ngưỡng. Nhiều nơi gia đình chưa chắc sẽ còn là tổ ấm như xưa. Các giá trị truyền thống như nhân nghĩa lễ trí tín và cả đến những giá trị tâm linh như ý thức về thiện ác chưa chắc sẽ còn được kính trọng.

Trong một tương lai như vậy, theo kinh nghiệm nhiều nước, xã hội sẽ bất cần đến những cộng đoàn tín ngưỡng tự mãn và khép kín. Ngay bây giờ, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, trong tương lai mới, nhiều hoạt động mới của những hình thức tôn giáo mới sẽ tích cực hạ giá các thứ Giáo Hội quyền lực đề cao cái tôi của mình. Riêng Tam Ðiểm, nếu lập lại tại đây những hoạt động của họ ở Ba Lan mấy năm gần đây, chắc sẽ có nhiều nỗ lực tinh vi nhằm loại trừ Hội Thánh Công giáo ra khỏi mọi lãnh vực chính trị, xã hội và văn hoá, với lý do họ gán cho Công giáo là bảo thủ và độc đoán.

Trong tương lai mới này, khi tiền bạc trở thành thế lực mạnh nhất chỉ huy cuộc sống, người dân công giáo cũng sẽ chạy theo cuộc sống bị tiền bạc chỉ huy. Kẻ thì còn tinh thần Phúc Âm, kẻ thì theo tinh thần thực dụng.

Trong tương lai mới này sẽ xảy ra những khủng hoảng mới trong tôn giáo. Có những giá trị trước đây được coi là cao cả, nay bị đe doạ hạ bệ. Có những trật tự trước đây được coi là bền vững, nay bị lung lay. Có những thách đố trước đây được coi là dễ đối phó, nay được coi như không thể đối phó nổi. Có những vấn đề trước đây không hề phải đặt ra, nay phải đặt ra mà không thể không gây nên nhức nhối. Có những cách sống đạo trước đây được coi là làm chứng cho Chúa, nay bị coi là phản chứng, làm hại cho đạo.

Còn nhiều tình huống mới. Nên thấy trước, và phải thấy đúng. Nên dự phòng trước, và phải dự phòng đúng.

Trước tình hình này, các cộng đoàn đức tin nên coi việc tân-phúc-âm-hoá của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một kêu gọi quan trọng, cần được quan tâm nghiên cứu và đáp ứng.

Theo Ðức Thánh Cha, tân-Phúc-Âm-hoá là sống Phúc Âm và truyền bá Phúc Âm với những nhiệt tình mới, với những phương mới và với những cách diễn tả mới.

Thế nào là mới trong những thứ đó, thì phải nghiên cứu dài dài, nhưng đã gọi là mới, thì chắc chắn không phải là chỉ lặp lại những cái cũ. Ở đây, chỉ xin đưa ra một gợi ý. Trước đây, gọi là tội những việc làm và lời nói phạm tới luật lệ, truyền thống và chức vị. Nay còn gọi là tội những thái độ phạm tới con người, như thiếu kính trọng, thiếu chân thành, thiếu bổn phận liên đới. Hiện nay, thứ tội nghịch với con người được coi là rất nặng. Bởi vì con người được thế giới hôm nay coi như là một thực tại “thánh”. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II rất nhạy bén với khuynh hướng đó, nên Ngài hay nhắc đến quyền con người. Hơn nữa, có lần Ngài đã quả quyết: Con người là con đường của Hội Thánh. Có nghĩa là yêu thương, phục vụ và thăng tiến con người, chính là con đường Hội Thánh phải đi, để làm chứng cho lòng mến Chúa. Theo quan điểm đó, những nhiệt tình lo cho người nghèo, kẻ bị loại trừ, người bị áp bức sẽ được coi là những nhiệt tình mới, các hình thức mới để phục vụ con người sẽ được coi là những diễn tả mới của đức tin, những nhóm mới được thành lập lo đón nhận các loại người khổ cực sẽ được coi là những phương thế mới của việc sống đạo và truyền bá đức tin. Tương lai là thời điểm làm chứng cho đức tin bằng đức ái và tinh thần khiêm tốn ăn năn trở về.

Tương lai có thể có những bất ngờ. Những bất ngờ đáng buồn nhất sẽ là sự xuống dốc của những cộng đoàn cổ thụ trước đây được tiếng là sống đức tin một cách vững vàng, gắn bó với khuôn khổ. Những bất ngờ đáng lạ nhất sẽ là sự vươn lên của những cộng đoàn trẻ trung cởi mở với ơn Chúa Thánh Linh, trước đây không mấy ai để ý đến. Nên thấy trước và hãy biết dự phòng.

Long Xuyên, tháng 8/1995