Tinh thần Giáo Hội
Ngày 24/11/1995 là kỷ niệm 35 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960-24/11/1995). Ngày đó cũng là lễ kính các thánh tử đạo tại Việt Nam. Và có thể ngày đó, tại Rôma, Giáo Hội Việt Nam sẽ được chú ý đặc biệt với phái đoàn đại diện các Giám Mục Việt Nam đến viếng mộ hai thánh Tông đồ.
Ngày 24/11/1995 quả là một điểm hẹn có khả năng khơi dậy nhiều chuyện của quá khứ cũng như nhiều khắc khoải của hiện tại và nhiều vấn đề cho tương lai Giáo Hội Việt Nam.
Mỗi người tín hữu, mỗi cộng đoàn đức tin nên chọn cho mình một cách mừng kỷ niệm này, sao cho có hiệu quả tốt trong chiều hướng tân-Phúc-Âm-hoá. Riêng tôi, tôi chọn cách này là xem xét lại tinh thần Giáo Hội nơi bản thân mình và nơi các người thuộc về mình. Tôi xin được chia sẻ. Tinh thần Giáo Hội là một chuỗi dài những tình cảm, những thao thức, những lựa chọn vì Giáo Hội và cho Giáo Hội. Tất cả đều khởi đi từ những cái nhìn về Giáo Hội.
Một cách giản lược nhất, tôi nhìn Giáo Hội như một toà nhà có 4 cửa: Hai cửa vào và hai cửa ra. Ai vào đúng hai cửa để vào và ra đúng hai cửa để ra sẽ là người có tinh thần Giáo Hội.
Cửa thứ nhất để bước vào là Cửa Mầu nhiệm
Bước vào Giáo Hội, tôi phải ý thức mình đi vào một mầu nhiệm. Bởi vì, trước khi là một tổ chức hữu hình, Giáo Hội đã là một mầu nhiệm vô hình.
Thực vậy, Giáo Hội do Thiên Chúa thiết lập, có Ðức Kitô là đầu, với thần linh của Người hướng dẫn, đưa loài người về với Chúa Cha. Vì thế, bước vào Giáo Hội, tôi phải tập trung lòng trí vào Ðức Kitô, để lắng nghe lời Người, để gặp gỡ Người, để đón nhận Người, để bước theo Người, để sống như Người. Tôi phải có một tâm hồn nghèo khó, sẵn sàng được Người chia sẻ cho tư tưởng của Người, ý muốn của Người, tình cảm của Người, để trên con đường đó, tôi sẽ biết làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót. Với Người, tôi sẽ có những bước xuống tự nguyện như Người đã xuống thế làm người. Với Người, tôi sẽ chia sẻ và hội nhập như Người đã mặc lấy trọn vẹn thân phận con người, chỉ trừ tội lỗi. Với Người, tôi sẽ cậy tin phó thác nơi Chúa Cha, trong lương tâm người con của Chúa. Với Người, tôi sẽ hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và đoàn kết với nhân loại.
Như vậy, bước vào Giáo Hội là tôi đón nhận một hồng ân lớn lao. Hồng ân ấy là một Tin Mừng đem lại cho tôi hạnh phúc đời đời. Tin Mừng đó chính là Ðức Kitô, Ðấng đã chịu nạn và đã sống lại, hiện nay đang ở trong tôi. Tôi cảm tạ Người.
Thái độ tạ ơn Chúa, thái độ đón nhận Chúa, thái độ yêu thương con người như Chúa đã yêu thương, đó là một nét của tinh thần Giáo Hội, khi tôi bước vào Cửa Mầu nhiệm Giáo Hội.
Chúa đến với tôi có lúc trực tiếp, có lúc qua trung gian cơ chế của Giáo Hội.
Cửa thứ hai để bước vào là Cửa Cơ chế
Bước vào Giáo Hội, tôi dễ thấy hình ảnh Giáo Hội là một cơ chế. Cơ chế này là một tổ chức, có mặt nổi và có mặt chìm. Mặt chìm như những điều phải tin, phải xin, phải chịu, phải giữ, thêm vào đó là những truyền thống, não trạng tâm lý tập thể và thói tục tôn giáo địa phương. Mặt nổi như các phẩm trật, nhân sự, đoàn hội, phân công sinh hoạt tôn giáo.
Cơ chế cộng đoàn thường tạo nên môi trường tâm lý, có công dụng hướng dẫn, nâng đỡ và làm nên nếp sống đạo. Muốn biết sống đạo tôi phải tích cực tham gia vào môi trường đó, để nhận lãnh và để cho đi, nhất là để cùng với cộng đoàn, làm cho Hội Thánh địa phương sáng lên lửa bác ái phục vụ con người và đức thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý.
Trong cơ chế, tất nhiên có yếu tố vững bền, và có yếu tố đổi thay. Nhiều khi đổi thay là điều cần phải thực hiện, vì lợi ích chung Giáo Hội. Thí dụ khâu nhân sự, khâu não trạng, khâu hệ thống trung gian. Khi đã tiêu chuẩn hoá nhân sự theo đòi hỏi một tình hình mới, thì phải chọn lựa, đào tạo và, nếu cần, phải thay thế. Khi thấy một não trạng tập thể đã quá ù lỳ, cằn cỗi, cục bộ, tha hoá, thì phải cải cách. Khi thấy hệ thống trung gian đã quá khệnh khạng, trì trệ, thủ lợi, lạc hậu, thì phải cập nhật hoá. Tất cả các việc đổi mới đó sẽ được thực hiện theo các tiêu chuẩn Phúc Âm, Công đồng Vatican II, và thực tại xã hội. Ðó là một cách tái-Phúc-Âm-hoá cơ chế, một việc phải thực hiện kịp thời, để tránh cho Hội Thánh khỏi nguy cơ tụt hậu, tránh gây cho tương lai Hội Thánh những thiệt hại ghê gớm lâu dài.
Thế nhưng, giữa lý tưởng và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách, giữa thiện chí và thực hành bao giờ cũng vẫn còn chỗ cho nhiều trăn trở. Vì thế, phải biết chấp nhận những tương đối khiêm tốn, biết nương tựa vào nhau, biết cùng kéo nhau đi về phía trước, trong tinh thần liên đới, yêu thương, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng mình, vì phần rỗi các linh hồn, để Tin Mừng cứu độ được lan rộng.
Như thế, trước cơ chế, tinh thần Giáo Hội vừa là hiệp thông, vừa là sám hối canh tân trong chiều hướng tân-Phúc-Âm-hoá mà Ðức Thánh Cha đã chỉ dẫn.
Sau khi đã vào Giáo Hội, tôi được sai đi. Trước hết phải ra đi truyền giáo.
Cửa thứ ba để ra đi là Cửa Truyền Giáo
Truyền giáo là sứ mệnh Chúa trao cho mọi người tín hữu. Sứ mệnh này khơi dậy trong tôi những trăn trở triền miên về phần rỗi các linh hồn, những thức tỉnh và cầu nguyện, những khát vọng học hỏi kinh nghiệm truyền giáo đó đây, những bức xúc đợi chờ các thiện chí, các sáng tạo và các đoàn sủng.
Hiện nay, cách truyền giáo hữu hiệu nhất là làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống và các việc lành. Có ba chứng từ sống được kể là hữu hiệu nhất, đang gây được hậu quả tốt trong quần chúng Việt Nam.
Một là các đức tính nhân bản.
Hai là tinh thần bác ái Phúc Âm.
Ba là sống Tám mối phúc, biến đời thường thành thánh lễ.
Ba chứng từ sống động này toát ra một sự sống mới, qui chiếu về Ðức Kitô. Truyền giáo lúc đó là chia sẻ một sự sống mới đã được cảm nghiệm, hơn là rao giảng một giáo lý suông để mà tin theo. Trong những trường hợp như thế, kết quả đầu tiên của truyền giáo là hoán cải lòng người. Nếu trước đây, người ta ác cảm hoặc dửng dưng với đạo Chúa, thì nay họ quan tâm đến đạo với nhiều thiện cảm. Nên coi đó là một thay đổi rất đáng mừng. Tôi thấy số người như thế đang tăng lên ở nhiều địa phương. Thường do những liên hệ chan hoà tình người, những công tác từ thiện, những gương sáng đời thường của cá nhân và của gia đình. Ðang khi đó, tại một số địa phương khác, sau mấy chục năm sống bên cạnh những người Công giáo, số người ác cảm với đạo Công giáo đã tăng lên đáng kể và mức độ ác cảm cũng tăng lên đáng sợ. Thế nghĩa là gì? Nhất là sự kiện này cũng đang xảy ra gay gắt tại một số những cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nơi có nhiều tự do truyền giáo và có đủ mọi phương tiện truyền giáo. Phải chăng vì thiếu những chứng từ sống động, hoặc vì có những phản chứng.
Vì thế, một nét của tinh thần Giáo Hội cần phải được xây dựng lúc này là nhiệt tình truyền giáo bằng đủ mọi cách thích đáng, nhất là bằng chính thái độ của mình đậm đà sức sống nội tâm của Ðức Kitô.
Cửa thứ tư để ra đi là Cửa Dấn thân
Vì động lực đức tin và đức ái Phúc Âm, tôi ra đi, dấn thân vào việc xây dựng Quê Hương, thăng tiến đồng bào, bảo trì bản sắc văn hoá dân tộc theo những giá trị thực, hợp nhân bản, hợp Phúc Âm và hợp truyền thống Dân Tộc.
Khi dấn thân như vậy, tôi cũng sẽ góp phần vào việc phát triển Giáo Hội Việt Nam với những nét chung của Giáo Hội toàn cầu và với những nét riêng của đất nước Việt Nam. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” của Công Ðồng Vatican II không những cho phép, mà còn khuyến khích các Giáo Hội địa phương hãy trau dồi những khác biệt chính đáng của mình trong tinh thần hiệp nhất, để làm cho Giáo Hội toàn cầu được thêm phong phú (Lumen Gentium, 13).
Sứ mạng này chỉ thực hiện được một cách hứng khởi và chu đáo, nếu có những cố gắng để đức tin không tách rời khỏi những chuyển biến văn hoá tại đất nước mình. Bằng không, sẽ xảy ra một bi kịch cho Công giáo như Ðức Phaolô VI đã quả quyết trong bài hô hào về Phúc-Âm-hoá (tháng 12/1975, số 20).
Ngoài ra, sự dấn thân này sẽ được hưởng ứng tích cực, nếu Giáo Hội được hiểu là toàn thể Dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân giữ một vai trò quan trọng có những phần việc và những trách nhiệm đáng kính, không ai thay thế được.
Thêm vào đó, sự dấn thân này cũng sẽ sinh được hậu quả tốt, nếu việc đối thoại và những dây liên hệ với những tôn giáo bạn tại địa phương và với các tầng lớp nhân dân được xây dựng theo hướng tích cực.
Hiện nay, nhiều người Việt Nam ngoài công giáo đã mến Hội Thánh, vì lý do thấy được những việc tốt người công giáo làm cho Ðất Nước và cho những người Việt Nam ngoài Công giáo, chứ không phải vì lý do thấy được những việc tốt người Công giáo làm cho nội bộ tôn giáo của mình.
Như thế, một nét quan trọng mà tinh thần Giáo Hội không được phép thiếu lúc này là dấn thân theo hướng cởi mở có trách nhiệm và theo mô hình nhập thể của Ðức Kitô, để dù với một cách khiêm tốn, chúng ta được hướng dẫn bởi ơn tiên tri, vẫn loan báo về một Nước Trời đang đến.
ù
Trên đây chỉ là những gợi ý qua một hình ảnh được chọn để dễ hiểu, chứ không để hợp lý. Bằng những suy nghĩ này, tôi đón chờ ngày 24/11/1995, để đi về phía trước, với tinh thần Giáo Hội của Ðức Kitô, Ðấng Cứu độ duy nhất mà tôi tuyên xưng bằng tất cả con người và cuộc đời của tôi.
Long Xuyên, tháng 11/1995