Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Tiếp cận với thời điểm phê phán

Theo dõi tình hình, tôi thấy đang xuất hiện vài sự kiện mới có ảnh hưởng khá lớn đến việc sống đạo và truyền đạo tại Việt Nam. Lương tâm tôi thúc giục tôi chia sẻ với anh chị em những gì tôi nhận thấy, những dự đoán và những thái độ của tôi. Mục đích là thêm một lý do nữa để tăng cường việc cầu nguyện trong tháng Mân Côi Ðức Mẹ này.

 Vài sự kiện

1. Từ các nước ngoài đang tràn vào Việt Nam nhiều sách báo tiếng Việt mang nội dung phê phán Hội Thánh Công giáo nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng.

Các phê phán đối với Hội Thánh nói chung thường dựa vào giáo sử những thời đại giáo triều bê bối về chính trị, luân lý, tài chánh, nhất là thế kỷ XIV và XV. Như thời Borgia, thời kết án hành quyết những người rối đạo, thời mua bán chức thánh, thời thánh chiến.

Riêng đối với Ðức Giáo Hoàng đương kim Gioan Phaolô II, các phê phán đã rất nặng nề dữ dội và rất dài. Ðiểm bị phê phán nhiều nhất là những gì Ngài đã viết về Phật giáo trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”. Phản ứng lại quan điểm của Ngài về Phật giáo, tạp chí Giao Ðiểm đã xuất bản cuốn “Ðối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, tháng 5/1995. Sách dày 305 trang. Ðây là một tuyển tập 14 bài của một số cư sĩ Phật giáo trí thức Việt Nam ngoài nước và trong nước.

Cũng mới xuất hiện tại Việt Nam cuốn “Tại sao không theo đạo Chúa”, tuyển tập I, do Ban nghiên cứu đạo xuất bản tại Hoa Kỳ, 1994. Sách dày 244 trang. Ngay trên trang bìa đã in một câu vắn gọn: “Một sự lừa bịp vĩ đại và những tội ác khủng khiếp”. Nội dung đề cập nhiều chuyện về giáo sử thuộc lãnh vực Toà Thánh và Hội Thánh Việt Nam.

Riêng đối với Hội Thánh Việt Nam, các phê phán thường nhắm vào hàng Giám Mục. Các điểm bị phê phán nhiều nhất là những gì bị coi là đi với ngoại bang, gây nên chia rẽ hận thù trong dân tộc, mở mang Nước Chúa bằng quyền lực.

2. Trong nước, từ ít ngày nay, cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vài tài liệu lịch sử. Trong đó Hội Thánh Việt Nam có ít nhiều dính líu. Như phim “Ông Cố vấn”, đã khởi chiếu trên đài truyền hình Việt Nam, cuốn sách “Việt Nam máu lửa, quê hương tôi”của cựu thiếu tướng Ðỗ Mậu đang được in lại, loạt bài “Tâm sự tướng lưu vong”, được khởi in trên Tuổi Trẻ Chủ nhật từ số 36-95 (10/9/1995).

Trước đây, tôi đã đọc “Ông Cố vấn” và “Việt Nam máu lửa, quê hương tôi”. Nội dung hai cuốn đó làm tôi suy nghĩ nhiều về những lỗi lầm lịch sử của nhiều phía đã đưa Hội Thánh Việt Nam vào những hoàn cảnh phức tạp, mà ảnh hưởng đến nay vẫn còn dây dưa. Khuôn mặt được đưa lên nhiều nhất, là Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục.

3. Trong nội bộ Hội Thánh Việt Nam, từ ít tháng nay cũng đã xuất hiện một số thư của người này, nhóm nọ, với nội dung phê phán hoặc một giáo sĩ, hoặc tất cả hàng linh mục, Giám Mục. Ðiểm bị phê phán nhiều nhất là khả năng lãnh đạo và cung cách phục vụ bị coi là không đáp ứng được những khát vọng của giáo dân trong tình hình mới.

Mội điều đáng chú ý là những phê phán đó có vẻ đã xuất phát từ những người, những nhóm được coi là ngoan đạo, nhiệt thành với Hội Thánh.

 Vài dự đoán

1. Theo kinh nghiệm đã và đang xảy ra tại các nước, mà tinh thần tự do dân chủ được phát triển, thì sự phê phán nhân vật công cộng được coi là việc bình thường. Sách báo ưa làm chuyện đó. Dân chúng cũng ưa đọc chuyện đó. Xã hội cũng cần việc làm đó, để có những khuyến khích tiến lên. Ðiều quan trọng là người viết cần có tinh thần trách nhiệm cao, và người đọc cần có khả năng phân định trưởng thành.

Tại Việt Nam với tình hình như hiện nay, việc phê phán các nhân vật trên sách báo rồi sẽ tăng. Các tài liệu phê phán từ nước ngoài gởi vào cũng sẽ tăng. Ai sớm làm quen với tình hình mới sẽ thấy bình thường, ai không chịu quen sẽ tự tạo cho mình sự bực bội, ai quá lo lắng đến những phê phán đó sẽ mất thời giờ. Nhưng ai coi thường những phê phán đó sẽ bị tụt hậu.

2. Theo kinh nghiệm đã xảy ra ở Ba Lan, thì sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ cách đây ít năm, tinh thần chống cộng được thay thế dần dần bằng tinh thần phê phán giáo sĩ và bất tuân Hội Thánh. Nhiều giáo dân tuy không bỏ đạo, nhưng sống theo chủ nghĩa tự do, bất chấp những khuyên răn của các chủ chiên.

Tại Việt Nam với tình hình đang chuyển biến như hiện nay, rất nhiều giáo dân cũng sẽ chạy theo chủ nghĩa cuộc sống, dành ưu tiên cho các vấn đề đời sống, như kinh tế, văn hoá, còn lễ lạy, giáo lý sẽ được xếp vào thứ yếu. Vì đã có thói quen chống, nên tinh thần chống cộng sẽ được thay thế bằng tinh thần chống giáo sĩ, khi giáo sĩ đóng vai trò cản ngăn một số tự do, mà người ta khao khát, hoặc trở nên kẻ lãnh đạo lỗi thời, mà người ta không muốn chấp nhận.

3. Theo truyền thống tại Á châu, việc xúc phạm đến một tôn giáo lớn, nhất là công khai trên báo chí, là điều tối kỵ. Có thể phê phán các nhân vật tôn giáo về mặt chính trị, luân lý, xã hội. Nhưng chỉ trích chính tôn giáo về mặt tín điều, sẽ thành lớn chuyện, có khả năng gây hậu quả không lường trước được.

Tại Việt Nam với tình hình hiện nay, sẽ không thể xảy ra những xáo trộn xã hội do một vài trường hợp như thế. Ðừng kể có những sơ hở để các khuynh hướng cực đoan lợi dụng bất ngờ.

4. Theo chiều hướng mục vụ của Hội Thánh nói chung và của các Hội Thánh tại Á châu nói riêng, việc đối thoại với các tôn giáo bạn phải được coi là rất quan trọng trong thời điểm này. Tại nhiều nước, việc đối thoại này đã được thực hiện một cách qui mô, từ trên xuống dưới và trong nhiều lãnh vực.

Tại Việt Nam với tình hình đang biến chuyển hiện nay, việc đối thoại với Phật giáo sẽ là một vấn đề đáng được xếp vào hàng các ưu tiên. Nhất là khi đã tung ra những bài “Ðối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. Sẽ có những người tế nhị, cởi mở, hiểu biết và nghiên cứu chuyên môn. Ðừng quên có một tinh thần dân tộc sâu sắc, và nhất là có một thái độ kính trọng và dịu dàng, mà thánh Phêrô đã dạy những người đối thoại (x. 1 Pr 3,15-16).

 Vài thái độ

Thời điểm phên phán đã tới. Hội Thánh bị phê phán. Các nhân vật Hội Thánh bị phê phán. Ðường hướng mục vụ bị phê phán. Cách sống đạo và truyền đạo bị phê phán. Lịch sử Giáo Hội bị phê phán. Phê phán được coi là một yếu tố tất yếu của nền văn minh dân chủ, tự do, giúp cho việc truy tìm chân lý được dễ dàng, và đẩy xã hội tiến lên trên con đường đổi mới chính mình.

Thiết tưởng trước những chuyển biến như thế, chúng ta cần phải có một số thái độ vừa hợp với đà tiến của nền văn minh, vừa hợp với tinh thần Phúc Âm. Tôi xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm riêng tư của tôi.

1. Cảm tạ Thiên Chúa. Ðây là thái độ đầu tiên, để phản ứng lại những phê phán nhắm vào cá nhân mình hoặc vào Hội Thánh của mình.

Quả thật là khó thực hiện một phản ứng như thế. Nhưng rồi sẽ quen, khi tập cảm tạ Chúa mọi nơi, mọi lúc, nhìn mọi sự trong Chúa, và tìm Chúa trong mọi sự.

Tôi thấy Chúa nói với chúng ta không phải chỉ qua trung gian Kinh Thánh và Hội Thánh, mà còn qua cả một hệ thống thực tại gồm có: Kinh Thánh, Phượng tự, Hội Thánh, nhân loại, thiên nhiên, cuộc sống. Trong mọi sự việc xảy ra cho ta dù coi như bất lợi nhất, vẫn có một cái gì đó ta có thể lợi dụng được, để làm cho ta nên tốt. Nếu chúng ta là những người khao khát cầu tiến thực sự theo ý Chúa, chúng ta sẽ được Chúa dạy dỗ, rèn luyện, không phải bằng những con đường ta chọn cho ta, mà bằng những con đường Chúa chọn cho ta. Ðôi lúc, ta sẽ cảm nghiệm thấy ứng nghiệm lời Ðức Kitô xưa đã nói với thánh Phêrô: “Người khác sẽ dẫn con đi và sẽ đưa con đến nơi con đã không muốn đến”.

2. Khiêm tốn lắng nghe. Ðó là thái độ mà Ðức Maria đã thực hiện suốt đời: Mẹ đã ghi giữ tất cả và suy niệm trong lòng. Mẹ đối thoại với Chúa trước khi đối thoại với con người. Mẹ ưa thích thinh lặng. Mẹ chỉ trả lời, khi thấy có nhiệm vụ phải trả lời. Không thấy Mẹ chỉ trích, kết án ai.

Có những sự thực Chúa chỉ tỏ ra cho những tâm hồn khiêm tốn. Có những sự thực chỉ tâm hồn khiêm tốn mới hiểu được. Có những sự thực chỉ tâm hồn khiêm tốn mới truyền đạt một cách chính xác được.

3. Biết kính trọng người mình đối thoại. Ðó là thái độ mà Chúa Giêsu đã làm gương khi nói chuyện bên bờ giếng Giacóp với một người khác đạo, và không mấy đạo đức, đó là người phụ nữ xứ Samaria. Người tỏ ra cần đến sự giúp đỡ của bà, khi Người xin bà cho Người chút nước uống. Người xoá bỏ ngăn cách giữa đạo của bà với đạo của Người, khi Người quả quyết sẽ đến thời mọi người sẽ thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý.

Không gì bất kính người mình đối thoại cho bằng tự mãn cho mình là đạo đức hơn họ, và sự đạo đức đó cho mình có quyền khinh miệt và kết án họ.

Không gì phản chứng về đạo đức cho bằng thiếu tôn trọng sự thực. Sự thực là những tương quan thường rất phức tạp. Vội vàng, chủ quan, thành kiến sẽ không tìm được sự thực, nhất là sự thực tôn giáo.

ù

Ðể kết, tôi xin anh chị em hãy cùng tôi nhìn lên Ðức Mẹ Maria. Mẹ đầy ơn phúc, nhưng Mẹ vẫn xưng mình là tôi tớ Chúa. Mẹ đã hiện ra nhiều lần ở Lộ Ðức, ở Fatima. Và lần nào, Mẹ cũng nhắn nhủ chúng ta là: Hãy ăn năn trở lại, và hãy cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng: Mọi đối thoại, mọi phê phán và đón nhận phê phán sẽ sinh hiệu quả tốt, nếu chúng ta biết vâng lời Mẹ, thực tình ăn năn trở về đàng lành, sốt sắng cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn, cảm tạ và bác ái vị tha.

Long Xuyên, tháng 10/1995