Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Thánh giá của Thánh Tâm

Ảnh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đang được nhiều người, nhiều nơi mộ mến. Yếu tố thu hút chính là sự đề cao một trái tim có lửa bốc cháy, trên cắm một cây thánh giá nhỏ. Ðây là một biểu tượng đẹp mang ý nghĩa Thánh Kinh.

Trái tim đó là một nhắc nhở về tình yêu Thiên Chúa, một “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8; 4,16).

Lửa đó là biểu tượng lửa tình yêu cứu độ, mà Thiên Chúa muốn đốt lên trong mọi tâm hồn, như Ðức Kitô đã tỏ ý. “Ta đem lửa từ trời xuống thế gian, và Ta khắc khoải chỉ mong cho lửa ấy cháy rộng ra” (Lc 12,49).

Thánh giá đó là dấu chỉ hy sinh. Mọc lên từ trái tim bốc cháy, thánh giá ấy được coi như một lời công bố của tình yêu Thiên Chúa nơi Ðức Kitô. Ngài yêu thương, nên đã chấp nhận hy sinh đến cực độ (x. Ga 13,1). Chúng ta dừng lại ở đây để suy gẫm.

 Ðức Kitô đã hy sinh cho ai?

Thưa cho chúng ta. “Cho chúng ta” là cụm từ đã trở thành điểm thần học, mà tín lý và tu đức đang đào sâu. Các tông đồ đã diễn tả ý “cho chúng ta” bằng nhiều cách khác nhau.

Thánh Marcô ghi: “Cho nhiều người” (Mc 14,24).

Thánh Luca ghi: “Cho anh chị em” (Lc 22,19).

Thánh Gioan ghi: “Cho toàn dân” (Ga 11,50).

Thánh Phaolô ghi: “Cho tất cả mọi người” (Rm 8,32).

Cho tôi” (Gl 2,20).

Cho Hội Thánh” (Ep 5,25).

Cho cả nhân loại” (Dt 2,9).

Dù với cách diễn tả nào, Thánh Kinh cho thấy hy sinh của Ðức Kitô là rất vị tha cao cả. Hy sinh ấy là vì tôi, vì bạn, vì mọi người chúng ta. Hy sinh ấy được ban như quà tặng. Nó gây nên một liên đới ân tình, một giao ước tình yêu. Nó khiến chúng ta phải cảm phục, ca ngợi, tạ ơn. Nhất là khi chúng ta hiểu được hy sinh của Ðức Kitô.

 Ðức Kitô đã hy sinh thế nào?

Chỉ xin nhắc đến vài việc mà thôi. Hy sinh của Ngài là mang vào mình trọn vẹn thân phận con người nghèo hèn. “Ngài rất cao sang, thế mà Ngài đã tự ý sống nghèo túng vì anh chị em” (2 Cr 8,9).

Hy sinh của Ngài là tự ý vác lấy gánh nặng như người đầy tớ thay cho chúng ta. “Chính các khổ nhục Ngài đã vác, chính các đau đớn Ngài đã mang” (Is 53,4).

Hy sinh của Ngài là đón nhận sự chúc dữ thay cho chúng ta. “Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi sự chúc dữ của lề luật, khi Ngài chịu chúc dữ vì chúng ta” (Gl 3,13).

Hy sinh của Ngài là cảm nghiệm sâu sắc cảnh bị cô đơn, cảnh bị loại trừ. “Lạy Cha sao Cha nỡ bỏ con” (Mt 27,46).

Hy sinh của Ngài là vâng phục thánh ý Cha trao phó Ngài cho thế gian tội lỗi. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã trao phó Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cách đặc biệt, khi chúng ta còn sống trong tội lỗi” (Rm 5,8).

Hy sinh của Ngài là tự hiến mạng sống mình vì chúng ta. “Ta hy sinh mạng sống vì các chiên của Ta” (Ga 10,15).

Hy sinh của Ngài là chấp nhận trở thành kẻ bị chống đối, khi Ngài phấn đấu để làm nhẹ đi sự hà khắc của các luật đạo đời lúc ấy (x. Lc 2,33).

Sẽ là quá dài và như vô tận, nếu phải kể hết các hy sinh mà Ðức Kitô đã chịu vì chúng ta. Sự thực đó khiến chúng ta càng phải tìm hiểu Ngài hơn. Chỉ như vậy, “Chúng ta mới có thể hiểu lòng yêu thương của Chúa rộng, dài, cao, sâu đến mức nào, và nhận ra lòng yêu thương của Chúa Giêsu vượt quá trí loài người” (Ep 3,18-19). Tình yêu chấp nhận bao hy sinh như thế nhắm đến mục đích là làm cho chúng ta được hạnh phúc.

Hy sinh của Ðức Kitô đưa chúng ta đến hạnh phúc nào?

Thưa hạnh phúc vì được cứu chuộc khỏi ách ma quỷ, bằng một giá rất cao là chính mạng sống và máu Ðức Kitô.

Ðể hiểu điều đó, chúng ta nên đọc lại những lời Kinh Thánh sau đây: “Ai phạm tội thì thuộc về ma quỷ” (1Ga 3,8). “Anh chị em được cứu chuộc bằng một giá rất cao” (1Cr 6,20; 7,23). “Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình hầu cứu chuộc muôn dân” (Mt 20,28). “Ðức Kitô đã vào nơi Cực Thánh một lần thay cho tất cả mọi lần, không mang theo máu dê bò, nhưng mang theo chính máu mình, sau khi đã lập công cứu chuộc đời đời cho chúng ta” (Dt 9,12).

Hạnh phúc vì được giải thoát khỏi các quyền lực tối tăm: của tội lỗi, của thế gian, của ma quỷ. Bởi vì “Ai phạm tội thì làm nô lệ tội lỗi” (Ga 8,34). “Anh chị em đã chết với Ðức Kitô để thoát khỏi thói tục thế gian này” (Cl 2,20). “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi uy quyền của tối tăm” (Cl 1,13).

Hạnh phúc vì được giao hoà với Thiên Chúa. “Mọi ơn đều bởi Thiên Chúa ban, Ðấng đã dùng Ðức Kitô để hoà giải với chúng ta” (2 Cr 5,18).

Hạnh phúc vì được công chính hoá nhờ sự được gia nhập vào sự sống Chúa Ba Ngôi, được gọi Thiên Chúa là Cha (x. Ga 4,16; Gl 4,5), được chia sẻ sự tự do của Chúa Thánh Linh (x. Gl 5,13), được dự phần vào ơn nghĩa tử của Ðức Kitô (x. Ep 1,4-5; 1Cr 12; Ep 4).

 Ðức Kitô muốn các môn đệ bắt chước Ngài

Những điều trên đây là những sự thực. Ðừng đọc những sự thực đó trên giấy. Nhưng hãy đọc nó nơi chính Ðức Kitô. Nhìn ngắm, suy gẫm những sự thực ấy nơi Ðức Kitô, rồi sẽ thấy tình yêu và hy sinh quan trọng thế nào trong việc sống đạo, trong mục vụ, trong truyền giáo.

Chúa Giêsu lấy tay chỉ vào trái tim Ngài bốc cháy, trên mang thánh giá, như giới thiệu thực chất của Ngài: Ngài là Tình Yêu hy sinh cho mọi người. Tay Ngài không chỉ lên đầu Ngài để nói: Ta là lý trí, Ta là lề luật. Mặc dầu Ngài vẫn trọng lý trí và lề luật, Ngài muốn nhấn mạnh đến tình yêu hy sinh.

Môn đệ Ðức Kitô cũng sẽ phải như thế. Ðặc điểm của họ là tình yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Ta, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,15).

Ðặc điểm của họ còn là biết hy sinh, biết từ bỏ mình. “Ai muốn là môn đệ Ta, hãy từ bỏ mình” (Mt 16,24).

Thời nào cũng sống được hai đặc điểm đó một cách sâu sắc. Thiết tưởng, trong tình hình hiện nay mà phong trào tục hoá, cá nhân hoá và cạnh tranh hưởng thụ đang phát triển mạnh, người môn đệ Ðức Kitô sẽ chỉ có thể làm chứng cho Ðức Kitô một cách xứng đáng, nếu có hai đặc điểm đó với mức độ cao, nhất là trong cuộc sống phục vụ con người. Phục vụ với hai đặc điểm đó, họ sẽ giúp bảo tồn và phát triển chiều kích tâm linh nơi đồng bào Việt Nam, tránh cho Ðất Nước nguy cơ xuống dốc về đạo đức.

Nếu tôi có mọi sự, làm đủ mọi việc, cho dù đạo đức, nhưng thiếu một trái tim bốc lửa mến Chúa yêu người mọc lên thánh giá hy sinh, thì tôi nên tự coi mình là vô hiệu, vô dụng, vô ích.

Và cho dù tôi có lửa mến và có hy sinh này nọ, nhưng nếu thiếu sự khiêm nhường và hiền lành của trái tim Chúa Giêsu, phải chiếu tình yêu hy sinh cứu độ, tôi cũng phải tự coi mình là còn rất xa mô hình đạo đức Phúc Âm.

Cuộc sống là một chuyến đi. Phải bước đi mãi bằng những tập luyện, đào tạo, giáo dục chính mình. Nhìn vào trái tim Chúa như mô hình, cậy tin vào trái tim Chúa như sức mạnh, gắn bó với trái tim Chúa như hạnh phúc, đón nhận tình yêu hy sinh nơi trái tim Chúa như suối nguồn.

Sống tình yêu hy sinh của Ðức Kitô, các môn đệ Ngài có thể bị coi như mềm yếu. Nhưng “chính khi yếu lại là lúc mạnh” (2Cr 12,10). Bởi vì kẻ thực thi ý Chúa sẽ tìm được sức mạnh tuyệt vời nơi chính Chúa. Và như thế, họ sẽ góp phần không nhỏ vào việc đổi mới Giáo Hội và xã hội.

Long Xuyên, tháng 6/1997