Cố gắng trở thành con người sinh lợi
Thời nay là thời kinh tế thị trường, thời cạnh tranh. Nhiều hàng hoá được trưng bày. Nhiều lý thuyết được phổ biến. Nhiều mẫu người được giới thiệu. Xã hội càng ngày càng đa dạng về cuộc sống, về sắc hình và về nhu cầu. Một tình hình như thế mời gọi người ta so sánh, đánh giá những gì mình thấy. Nhất là khi phải chọn lựa, thì sự so sánh và đánh giá là việc tất nhiên phải có.
Hướng đi trên đây cũng đang được nhận thấy trong xã hội đối với các giá trị tôn giáo, các việc làm của tôn giáo, các người của tôn giáo. Từ lâu rồi và đặc biệt là lúc này, một câu hỏi thường được đặt ra: Tôn giáo này, hoặc một việc làm như thế của tôn giáo nọ, hoặc người ấy của tôn giáo đó có sinh được lợi ích gì cho địa phương chúng ta không ?
Ðặt ra những câu hỏi như thế là việc tự do của mỗi người. Nhưng trả lời những câu hỏi đó sẽ không phải là một việc, mà người ta được lương tâm cho phép tự do muốn nói gì thì nói.
Tuy nhiên, những câu hỏi như thế nên được coi là dịp, để người hoạt động tôn giáo lắng nghe dư luận, xem xét tình hình và kiểm tra lại chính mình.
Ðối với nhiều người, những câu hỏi như thế còn là những thôi thúc nội tâm, đưa họ trở về với Chúa và gặp gỡ Chúa. Tôi đã hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con phải thế nào, để những việc con làm và chính bản thân con được Chúa chấp nhận và nhờ đó sẽ sinh lợi cho địa phương, mà con phục vụ ?”
Câu trả lời luôn nghe thấy là “Hãy làm đúng theo thánh ý Chúa, xứng danh người môn đệ Ðức Kitô”. Chỉ câu trả lời đó mà thôi. Ðó là một chỉ hướng. Phải đi vào thế giới nội tại của chính mình, đem nó thuận theo thánh ý Chúa, trên nguyên tắc và trên thực tế, tìm trong mặc khải Kinh Thánh, trong lịch sử truyền giáo, và trong các biến cố đang làm nên các dấu chỉ thời đại.
Mấy điểm cần chọn
Có một số điểm rất rõ ràng, mà thánh ý Chúa muốn người môn đệ Ðức Kitô thực hiện. Xin nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
1- Bác ái. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau” (Ga 13,15).
2- Từ bỏ mình. “Ai muốn làm môn đệ Thầy, hãy từ bỏ mình ...” (Mt 16,24).
3- Tỉnh thức và cầu nguyện. “Các con hãy tỉnh thức ...” (Mt 24,25).
4- Loan báo Tin Mừng. “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28,19).
Theo Phúc Âm thánh Matthêu, thì tất cả những điểm trên đây phải được thực hiện bằng hành động. Nhưng trên thực tế, những hành động cụ thể sẽ là những hành động nào, hành động lúc nào, hành động cách nào, hành động nơi nào. Ðó là chuyện, mà duy chỉ một mình lý thuyết và thiện chí sẽ không giải quyết được. Cần phải thêm vào đó một số đức tính, như sự khôn ngoan Phúc Âm, sự nhạy bén tông đồ, tính thực tế của tuổi thơ ấu thiêng liêng, tính dấn thân của Công đồng Vatican II.
Với những đức tính này, người môn đệ Ðức Kitô sẽ có thể thực hiện bốn đặc điểm trên một cách hiệu quả trong nhiều loại hành động. Chẳng hạn trong việc rất thường như việc ăn uống, người ta có thể làm chứng được một cách dễ dàng tinh thần bác ái, tinh thần từ bỏ mình, tinh thần tỉnh thức cầu nguyện, và tinh thần truyền giáo.
Tuy nhiên, được như vậy, tất nhiên trong tâm hồn, người môn đệ Ðức Kitô đã phải có sẵn một yếu tố căn bản, đó là lửa tình yêu, được chia sẻ từ Ðức Kitô. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). “Thầy là cây nho các con là ngành” (Ga 15, 1).
- Ðó là một tình yêu giàu lòng thương xót, nhất là đối với những kẻ bé mọn, nghèo khổ, yếu đuối.
- Ðó là một tình yêu khám phá, biết đánh thức những tiềm năng tốt nơi mọi người thiện chí, nhất là nơi những con người bị xếp vào loại bỏ đi.
- Ðó là một tình yêu quan phòng, biết nhìn xa về tương lai, để sắp xếp cho thời gian tới được phát triển tốt.
- Ðó là một tình yêu sáng tạo, biết tìm tòi để có những sản sinh mới về Chân Thiện Mỹ.
- Ðó là một tình yêu phục vụ, không ngại nhập thế và không sợ hạ mình xuống để bắt chước Chúa Giêsu: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28).
Rất quan tâm đến tình yêu phục vụ
Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, vào đúng lúc, ở đúng nơi, với đúng cách.
Thí dụ ở Nadarét, phục vụ của Chúa Giêsu là một sự hiện diện dễ thương, ân cần. Phục vụ của Ngài trong ba năm công khai là đi rao giảng và làm phép lạ. Nhưng Ngài rao giảng tuỳ nơi, tuỳ lúc và tuỳ trình độ người nghe. Ngài làm phép lạ cũng tuỳ lúc, tuỳ người, tuỳ nơi. Phục vụ của Ngài trong tuần thánh là tự nguyện đi vào cuộc tử nạn để tới phục sinh. Phục vụ của Ngài hiện nay là sự hiện diện mầu nhiệm của Ngài thông qua nhiều cách, như Kinh Thánh, các Bí tích, Hội Thánh và phần nào qua các thực tại trần thế.
Như thế là để phục vụ tốt cần phải có thiện chí, khả năng, sự thông minh phân định và sự khôn ngoan sát từng mỗi thực tế. Mọi thực tế đều rất phức tạp. Nhất là khi thực tế là những con người. Mỗi con người là mỗi vũ trụ. Mỗi địa phương là mỗi lịch sử. Thí dụ, tuy là thuốc bổ, nhưng cho uống không đúng thuốc, không đúng liều lượng, không đúng lúc, không đúng bệnh, thuốc bổ đó sẽ gây nhiều thiệt hại. Tương tự cũng thế về các loại phục vụ. Cần có nhiều kinh nghiệm về từng cuộc sống. Sống là sống với những người khác, sống là sống nhờ môi trường, sống là sống trong một hệ thống hoàn cảnh xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hoá đầy chuyển biến phức tạp. Có cảm nghiệm về cuộc sống như thế, mới thấy phục vụ không thể đơn giản và không nên liều lĩnh, thiếu tế nhị.
Mỗi người có thời của mình. Mỗi việc có giờ của nó. Nhạy bén hay không nhạy bén với thời gian tính có thể giúp thành công hay gây nên thất bại.
Tuy vậy, người môn đệ Ðức Kitô có thể phục vụ tốt trong mọi lúc và ở mọi nơi bằng những việc như sau:
1- Gắn bó thiết tha với bổn phận hằng ngày của mình bằng sự siêng năng cầu nguyện và suy niệm kinh “Lạy Cha”, để tình mến Chúa yêu người được nhận lãnh và cho đi mỗi ngày mỗi nhiều hơn và hợp thánh ý Chúa hơn.
2- Bước trên đường đời với hành trang lòng nhân ái, biết kính trọng và thương yêu những kẻ khổ đau. Họ rất đông. Họ ở chung quanh đây. Họ đợi chờ người môn đệ Ðức Kitô.
3- Có những cái nhìn đồng cảm với các vấn đề sôi động thiết thân trong cuộc sống của đồng bào mình.
4- Biết năng động và linh động trong khả năng của mình dùng các hình thức văn hoá, nghệ thuật, khoa học, xã hội, và tôn giáo để khơi dậy cái bản chất thiện trong lòng con người, đồng thời cảnh báo những nguy cơ đang xô đẩy con người đến chỗ tự huỷ.
5- Biết dấn thân đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, bằng những việc nhỏ nhưng luôn luôn có tình yêu thương chân thành, luôn luôn có sự từ bỏ mình thực sự.
6- Nơi ở của mình, nhất là chính bản thân mình trở thành điểm gặp gỡ của các tâm hồn đi tìm sự bình an, chân lý, và niềm hy vọng.
Ðặc biệt phải khiêm tốn
Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này: phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Ðức Kitô.
Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà tưởng rằng chỉ là cho đi mà không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm hoạ. Nhưng phục vụ với một dáng vẻ khiêm nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm.
Thứ phục vụ có khả năng truyền tải Tin Mừng sẽ rất khiêm tốn một cách chân thành hồn nhiên.
- Khiêm tốn như tấm men (x. Lc 13,20), không những chấp nhận số phận mình là phải tan đi, mà còn khao khát được tan đi. Nó vui mừng khi được hoà vào bột để biến bột thành bánh thơm ngon.
- Khiêm tốn như hạt giống gieo xuống đất (x. Ga 12, 23). Nó sung sướng vì được chôn vùi và được thối đi, để sẽ có những sản sinh mới là cây, là hoa, là trái.
- Khiêm tốn như những người đầy tớ bé nhỏ mà Chúa nói trong Phúc Âm: “Chúng con là những đầy tớ vô ích, chúng con đã làm những việc chúng con phải làm” (Lc 17, 10).
- Khiêm tốn như một người yếu đuối, mà thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm nơi chính mình. “Tôi muốn làm sự lành, nhưng tôi lại không thực hiện được ý muốn đó. Sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7, 18-19).
- Khiêm tốn như chính Ðức Kitô, tự hạ đến bậc thang cuối cùng của thân phận con người.
Phục vụ của người môn đệ Ðức Kitô có thể được đời đạo khen ngợi và cũng có thể bị trong đạo ngoài đời chê trách. Trong mọi trường hợp, hãy khiêm nhường nhìn lên Chúa. Ðoạn thư sau đây của thánh tông đồ Phaolô sẽ giúp chúng ta thấy phục vụ của ta có thể trở thành phục sinh.
“Anh chị em hãy coi tôi là môn đệ Ðức Kitô và là người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tính mà chủ đòi hỏi trước hết ở người quản lý là lòng trung thành. Phần tôi, dù có bị anh chị em hay toà án thế gian xét xử, tôi cũng không cho là quan trọng. Chính tôi, tôi không tự xét xử cho tôi. Lương tâm tôi không khiển trách tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi dám cho mình là công chính. Ðấng xét xử tôi là Thiên Chúa. Bởi vậy, anh chị em đừng vội xét xử. Hãy đợi Chúa đến. Chúa sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những gì là mờ ám đen tối, sẽ tỏ ra những ý định thầm kín của các tâm hồn; lúc đó ai nấy sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đúng với công phúc của mình” (1 Cr 4, 1-5).
Thiết tưởng, ngay trong thái độ trên đây, người môn đệ Ðức Kitô đã tỏ ra rất tỉnh thức cầu nguyện, thực sự từ bỏ mình, nhiệt tâm bác ái và loan báo Tin Mừng trong niềm hân hoan tin tưởng tìm được ngay giữa đời thường. Một cuộc sống hợp thánh ý Chúa như vậy chắc chắn sẽ là cuộc sống sinh nhiều lợi ích cho mọi tâm hồn. Ðiều quan trọng nhất ở đây là phải hết sức cố gắng để sống được như vậy.
Long Xuyên, ngày 30/04/1997