Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Truyền giáo và Lời Chúa hứa:
"Thầy sẽ ở lại với các con..."

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Rồi Ngài hứa: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Vâng lệnh Chúa Giêsu và tin vào lời hứa của Ngài, các cộng đoàn truyền giáo lớn nhỏ xưa rầy đã loan báo Tin Mừng bằng đủ cách có thể. Họ là những cộng đoàn xuất hành, dấn thân. Trong quá trình truyền giáo, họ đã có kinh nghiệm về lời Chúa hứa.

Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa đó gởi cho cộng đoàn truyền giáo. Nó thuộc về cộng đoàn hơn là về cá nhân. Mà phải là cộng đoàn truyền giáo, chứ không phải bất cứ cộng đoàn nào. Cũng vì thế, lời hứa của Chúa Giêsu đã được thực hiện trong các hoạt động mang tính cách truyền giáo. Chính Chúa Giêsu đã nói về một số hoạt động mà Ngài sẽ hiện diện. Kinh nghiệm truyền giáo cũng cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu thực rõ ràng trong các hoạt động được Chúa báo trước đó.

Những hoạt động nào ? Thưa, sáu trường hợp sau đây:

1. Khi phục vụ những kẻ nghèo khó, bé nhỏ, chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu hiện diện. Xin đọc Phúc âm thánh Matthêu, đoạn 25. "... Lúc đó, Vua phán cùng các kẻ ở bên phải rằng: Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm cho anh em, từ lúc tạo thành trời đất. Vì khi Ta đói, anh em đã cho ăn; khi Ta khát, anh em đã cho uống; khi Ta không có chỗ trú ngụ, anh em đã cho trọ; khi Ta trần trụi, anh em đã cho mặc; khi Ta ốm đau, anh em đã thăm viếng; khi Ta bị tù, anh em đã hỏi han. Bấy giờ họ thưa rằng: Lạy Chúa! có khi nào chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, không nơi trú mà cho trọ, trần trụi mà cho mặc, ốm đau hay bị cầm tù mà đến viếng thăm đâu ? Chúa phán cùng họ: Ta bảo thật, mỗi lần anh em làm những sự ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh em Ta, thì được kể như làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,31-40).

Vì Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng như thế, nhiều cộng đoàn truyền giáo đã chọn việc phục vụ kẻ khó nghèo và yếu đuối là hoạt động ưu tiên số một. Phục vụ kẻ nghèo hèn yếu đuối không phải chỉ là cho đi, mà còn chia sẻ thân phận của họ, như Ðức Kitô đã nêu gương, khi Ngài nhập thể, chia sẻ trọn vẹn thân phận con người hèn yếu, chỉ trừ tội lỗi. Kinh nghiệm cho thấy, khi hoạt động bác ái như vậy, người truyền giáo đã gặp được Chúa Giêsu, và kẻ nghèo hèn yếu đuối đã gặp được Tin Mừng.

2. Khi đón nhận những người được sai đi truyền giáo, chúng ta gặp được Chúa Giêsu hiện diện. Xin đọc Phúc âm thánh Matthêu, đoạn 10. "... Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không đáng là môn đệ Thầy. Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất sự sống, ai hy sinh mạng sống vì Thầy thì sẽ được sống. Ai tiếp đón chúng con là tiếp đón Thầy. Ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Ai tiếp đón một tiên tri vì là tiên tri thì sẽ được phần thưởng tiên tri. Ai tiếp đón người công chính vì là công chính thì sẽ được phần thưởng người công chính. Và ai cho một trong những người bé mọn này, dù chỉ một chén nước lã, vì người ấy là môn đệ Thầy, thì Thầy bảo thật, kẻ ấy chẳng mất phần thưởng” (Mt 10,38-42).

Lời Chúa trên cho thấy bất cứ ai, từ người tiên tri, người công chính đến người kém tài kém đức kể như kẻ bé mọn, khi là môn đệ Chúa được sai đi, đều được Chúa hiện diện.

Nếu mình mong muốn được đón nhận vì mình là môn đệ Chúa có Chúa hiện diện, thì mình cũng phải biết đón nhận và biết cộng tác với những người khác cũng là môn đệ Chúa và có Chúa ở cùng họ. Những môn đệ Chúa, những người truyền giáo loại trừ nhau vì lý do đạo đức hẹp hòi sẽ chỉ là một phản chứng cho việc truyền giáo.

3. Khi tha thứ, chúng ta sẽ gặp được Chúa hiện diện. Xin đọc Phúc âm Matthêu, đoạn 18. Có một người đầy tớ mắc nợ với Vua, không có gì trả nợ, Vua thương tha nợ cho anh. Anh đầy tớ này có một người bạn mắc nợ với anh chỉ một số tiền nhỏ. Con nợ quá nghèo, không có gì để trả, van xin khất nợ. Nhưng bị anh khước từ, bị mắng chửi, bị bắt giam. Nghe tin, Vua rất buồn phiền, đòi tên đầy tớ độc ác kia lại bắt giam. Vua nói: “Ta đã tha hết nợ cho anh vì anh xin Ta. Phần anh, anh lại không thương bạn anh, như Ta đã thương anh. Vậy nếu các con không thật lòng tha lỗi cho nhau, thì Cha trên trời cũng đối xử với các con như vậy” (x. Mt 18,23-35).

Ðoạn Phúc âm trên đây cho thấy khi chúng ta không tha thứ cho kẻ khác thì chúng ta xúc phạm đến chính Chúa. Trái lại khi chúng ta tha thứ, chúng ta gặp được Chúa đến tha thứ cho chúng ta.

Sự tha thứ có Chúa hiện diện không chỉ đóng khung trong những trường hợp tha thứ khi mình bị xúc phạm, mà còn phải mở sang những trường hợp bao dung, biết kính trọng những khác biệt. Thánh Phaolô đã khai triển ý hướng đó khá dài trong các thư của ngài, thí dụ thư gởi giáo đoàn Rôma, đoạn 14: “Anh chị em hãy đón nhận những kẻ yếu đức tin và đừng bác bỏ ý kiến của họ... Chẳng ai trong chúng ta sống cho mình, cũng chẳng ai chết cho mình. Chúng ta sống là sống cho Chúa, chúng ta chết là chết cho Chúa. Sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, là để làm Chúa các kẻ sống và các kẻ chết. Vậy, bạn ơi, bạn xét đoán anh chị em làm gì ? Bạn khinh chê anh chị em làm gì ? Vì ai nấy sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa... Ta đừng xét đoán nhau nữa” (Rm 14,1-13).

Tấm lòng bao dung, khả năng phục vụ, khả năng tha thứ, khả năng biết qui tụ những khác biệt trong tình hiệp nhất yêu thương, đó là những dụng cụ được trọng dụng để truyền giáo trong xã hội Việt Nam hôm nay.

4. Khi cầu nguyện chung với nhau, chúng ta sẽ gặp Chúa hiện diện. Xin đọc Phúc âm thánh Matthêu, đoạn 6: "... Thầy bảo thật các con. Nếu có hai người trong các con hợp ý với nhau mà xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy ở trên trời sẽ ban cho họ. vì ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 6,19-20).

Nếu những người truyền giáo cùng nhau cầu nguyện theo nội dung “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu đã dạy thì họ có quyền tin rằng: Chúa Giêsu hiện diện trong những lời cầu của họ. Cầu xin bất cứ sự gì tốt, hợp ý Chúa, chứ không phải bất cứ sự gì, kể cả sự xấu, hoặc tốt nhưng không hợp ý Chúa. Ðiều luôn luôn được kể là tốt và hợp ý Chúa, mà cộng đoàn truyền giáo thường cùng nhau cầu xin, đó là biết phấn đấu với chính mình. Bởi vì họ biết kẻ thù đáng ngại nhất của người truyền giáo không phải người nọ, thế lực kia, mà chính là cái tôi xấu trong chính mình họ, một cái tôi mà thánh Phaolô đã khiêm nhường diễn tả một cách chân thành và bi đát: “Sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Khi tôi làm điều tôi không muốn, thì không phải tôi làm mà là tội lỗi ở trong tôi chủ động. Như vậy, tôi có kinh nghiệm này là: Khi tôi muốn làm sự lành thì sự dữ đã hiện ra bên cạnh tôi. Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa. Nhưng tôi thấy xuất hiện trong tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi lương tâm tôi và lôi cuốn tôi sa vào cạm bẫy của tội lỗi trong mình tôi” (Rm 7,19-23).

Ðể biết phấn đấu với chính mình, để biết từ bỏ mình, để nên giống Ðức Kitô, để nên dụng cụ truyền giáo của Ðức Kitô, đó là những điều mà cộng đoàn truyền giáo nên cầu xin chung với nhau. Mỗi khi cầu nguyện như vậy, họ gặp được Ðức Kitô hiện diện.

5. Khi bị khổ đau vì truyền giáo, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa Giêsu hiện diện. Xin đọc Phúc âm thánh Matthêu, đoạn 10. "... Khi bị bắt giam, chúng con đừng lo phải nói thế nào, nói điều gì, vì chính lúc ấy chúng con sẽ được cho biết phải nói những gì. Không phải chúng con nói, mà là Thánh Linh của Chúa Cha nói trong chúng con” (Mt 10,19-20).

Nên hiểu những cảnh giam cầm và khổ đau của người truyền giáo không đơn thuần chỉ do những kẻ ghét đạo chủ tâm, mà cũng có thể do chính nội bộ Hội Thánh gây nên. Ngay thời thánh Phaolô, cảnh đau buồn đó đã xảy ra, khiến ngài đau đớn. Trong thư thứ II gởi Timôtê, thánh Phaolô đã nói lên phần nào nỗi buồn sâu sắc của ngài trước một tình hình nội bộ sa sút: “Ông hãy nhớ điều này, trong những ngày cuối cùng sẽ có những thời kỳ khó khăn. Người ta sẽ trở nên những kẻ ích kỷ, tham lam, khoe khoang, kiêu ngạo, vu khống, bất phục tùng cha mẹ, vô ơn và gian ác, dửng dưng, gian dối, gièm pha, sa đoạ, dữ tợn, bất nhân, phản bội, ngổ ngáo, ham mê chơi bời hơn là kính mến Chúa. Chỉ có vẻ đạo đức bề ngoài, nhưng thực ra chẳng có nhân đức gì” (II Tim, 3,1-5).

Khi bị khổ đau thực sự vì truyền giáo, dù do bất cứ nguyên do nào, mà không kiêu căng thù ghét, chúng ta tin chắc chắn Chúa Giêsu ở bên chúng ta. Ngài hiện diện trong những hoàn cảnh khổ đau của chúng ta.

6. Khi truyền giáo, dạy cho người ta giữ những điều Chúa Giêsu đã truyền, chúng ta gặp được Ðức Kitô hiện diện. Xin đọc Phúc âm thánh Matthêu, những dòng chót: “Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng: Thầy được toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy, các con hãy đi giảng cho mọi dân và hãy làm phép rửa cho họ: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa thánh Thần. Hãy dạy họ giữ những điều Thầy đã dạy cho các con. Phần Thầy, Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

Ðiều quan trọng nhất Chúa Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ, là giới luật yêu thương. Truyền giáo bằng việc thực thi rộng rãi giới luật yêu thương, bằng việc cổ võ lòng bao dung, hiếu thảo, bằng việc xây dựng tinh thần phục vụ kính trọng con người, bằng việc gắn bó với những giá trị cao quý của Dân Tộc, đồng hành với lịch sử đi lên của Ðất Nước, thiết tưởng đó là những hoạt động có Chúa hiện diện.

Kinh nghiệm truyền giáo mấy chục năm qua cho thấy: Những nơi truyền giáo thành công là những nơi truyền giáo bằng tình thương phục vụ. Không gì phản Phúc Âm cho bằng truyền bá Phúc âm bằng những hoạt động gọi là tôn giáo, nhưng lại thiếu tình người, thiếu công bình bác ái, khiêm nhường.

ù

Tình hình truyền giáo tại Á Châu suốt 20 thế kỷ qua vốn mãi khiêm tốn. Từ khi Chúa Giêsu lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống đến nay, Á Châu vốn mãi là một lục địa không công giáo. Á châu chiếm quá nửa dân số toàn cầu. Ða số dân Á châu đều thuộc các tôn giáo ngoài Công giáo. Tại Á Châu, Công giáo chỉ được 2% tổng số dân.

Hiện nay phong trào dân-tộc-hoá và khu-vực-hoá đang lên mạnh tại Á Châu. Trong một tình hình như thế, nếu việc truyền giáo không nhìn xa và biết đổi mới, thì sẽ gặp nhiều khó khăn mới.

Trong cuốn “Dynamique de la mission chrétienne”, tác giả David J. Bosch đã trích một phát biểu vắn của một đại diện tôn giáo tại Mã Lai. Phát biểu vắn mà đầy ý nghĩa đáng ngại: “Việc phục vụ lớn lao nhất mà người truyền giáo trong cơ chế hiện nay có thể mang lại cho các người Á châu chúng tôi là họ hãy trở về nhà họ” (NXB Labor et Fides, Genève, 1995, trang 693). Ðúng là có vấn đề cho truyền giáo khi khuynh hướng dân-tộc-hoá và khu-vực-hoá lên cao.

Chúng ta không nên coi thường lời phát biểu trên. Tôi nghĩ là chúng ta có thể vượt qua được mọi khó khăn cũ mới, nếu chúng ta biết dựa vào thần lực của Lời Chúa hứa: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Muốn được Chúa hiện diện, ở lại với chúng ta, chúng ta phải thực tình dấn thân truyền giáo bằng những hoạt động, mà chính Chúa đã chỉ cho.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần “tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36).

Long Xuyên, tháng 5/1996