Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Mấy điều nhắn nhủ nghe được
từ thánh giá Ðức Kitô

Tôi thường đọc lịch sử cứu độ trong thời sự, và nhìn thời sự trong ánh sáng lịch sử cứu độ. Hôm nay cũng vậy. Tôi nhìn một biến cố mới xảy ra trong thời sự Giáo Hội địa phương, và đọc thấy trong đó vài điều, mà thánh giá Chúa Giêsu cùng với Ðức Mẹ đứng bên thánh giá muốn nhắn nhủ chúng ta.

Trước hết, biến cố mới xảy ra là gì ?

Thưa đó là một đám tang. Cách đây ít ngày, tức thứ tư, 10.09.1996, tôi đã chủ sự một thánh lễ an táng tại nhà thờ thị xã Cao Lãnh. Ðây là một thánh lễ an táng khác thường. Khác thường ở chỗ có rất nhiều người tham dự. Khác thường ở chỗ người chết là một linh mục còn rất trẻ, mới 29 tuổi. Khác thường ở chỗ linh mục trẻ này đã chết quá đột ngột, một cách tức tưởi, đau đớn. Theo dư luận, ngài đã bị đánh chết trên đường đi xe hai bánh từ quê về họ đạo Cao Lãnh, nơi ngài phục vụ trong chức vụ phụ tá.

Thực ra, tối ngày 04.09.1996, cha có thể ở lại nhà, vì trời đã tối. Nhưng cha nhất định về, với ý định sáng sau dâng thánh lễ dịp khai trường niên học mới cho các học sinh giáo xứ. Chẳng may, trên một quãng đường nhỏ vùng quê, xe cha đụng vào ba đứa bé đang giỡn chơi giữa đường.

Thực ra, trong trường hợp như vậy, cha có thể tạm lánh vài phút, để tránh những phản ứng nóng nảy của một số người. Nhưng cha đã dừng xe, xuống ôm lấy đứa bé bị nặng nhất. Chính lúc đó, một người trong xóm đã dùng cây đánh cha cho tới bất tỉnh. Vài ngày sau, cha đã chết. Ðó là linh mục Phanxicô Nguyễn Văn Hùng.

Vì ngày 10.09.1996, cả Hai Ðức cha Mỹ Tho đều mắc bận, nên tôi đã được mời chủ sự lễ an táng đặc biệt này.

Mọi người đều xúc động trước hình ảnh một linh mục trẻ bị đánh chết trên đường mục vụ, vì yêu thương các em học sinh, và chết trong cử chỉ yêu thương em bé bị nạn.

Riêng tôi, tôi nhìn biến cố này trong mầu nhiệm thánh giá. Tôi thấy thánh giá Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sầu bi đứng bên thánh giá đã nhắn nhủ tôi ba điều sau đây:

Lời nhắn nhủ thứ nhất là Hội Thánh Việt Nam đừng quên mình là Hội Thánh “bị thử thách” (Ga 15, 20).

Thực vậy, bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, Hội Thánh truyền giáo bao giờ cũng phải trải qua chuyến đi từ Galilê lên Giêrusalem. Theo các thánh sử, nhất là thánh sử Luca, chuyến đi của Chúa Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem có nghĩa là chuyến đi bước vào những thử thách (x. Lc 9, 51-56). Những thử thách là những trở ngại, là cuộc thương khó, là cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đã trải qua quãng đường đó.

Các môn đệ Chúa không chỉ là nhân chứng, kể lại quãng đường Chúa đã đi, mà còn phải là những người cùng đi, đã đi, đã nếm vị đắng của chuyến đi ấy.

Cùng đi vào một tuyến đường, cùng nếm những khổ đau trên một tuyến đường, những việc đó phải xảy ra. Nhưng điều quan trọng là thái độ của mình. Ðức Kitô và Ðức Mẹ đã đi tuyến đường ấy với thái độ hiền từ, khiêm hạ, đầy bác ái.

Tôi thấy trong đám tang vừa qua, gia đình cha Hùng, cha sở, cộng đoàn công giáo Cao Lãnh và giáo đoàn địa phương đã sống biến cố đau thương một cách can đảm, với tinh thần đức tin trưởng thành, nhất là với đức ái gương mẫu. Chính thái độ đạo đức ấy đang gây nên những ảnh hưởng tốt lan rộng ra nhiều nơi, và thấm sâu vào nhiều tâm hồn. Tôi thấy thử thách và đau khổ tự nó không là hạt giống của đức tin, hạt giống chính là tình yêu thương chân thành trong khổ đau và thử thách.

Lời nhắn nhủ thứ hai là Hội Thánh Việt Nam đừng quên mình là Hội Thánh “xin vâng” (Lc 1,38).

Chúa Giêsu Kitô đã chết, vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, để chứng tỏ Thiên Chúa là tình yêu. Ðức Mẹ suốt đời, nhất là đứng bên thánh giá, đã vâng phục thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha đã được mạc khải qua Ðức Kitô. Thánh ý Chúa rất rõ ràng, tập trung vào bác ái: “Hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán. Ðừng kết án, thì các con sẽ khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha” (Lc 6). Ðức Mẹ đã xin vâng.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu trối lại: “Thầy cho chúng con một điều răn mới là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Ðức Mẹ đã xin vâng.

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23, 34). Ðức Mẹ đã xin vâng.

Hình ảnh xin vâng của Ðức Mẹ là rất đẹp, có sức lôi cuốn các tâm hồn, và đổi mới nhiều người.

Tôi thấy trong biến cố vừa qua nhiều cái nhìn đã được đổi mới, nhiều phán đoán đã được đổi mới, nhiều hành động đã được đổi mới. Ðổi mới ở chỗ phản ánh tinh thần Phúc Âm, làm cho biến cố đau thương trở thành sứ điệp của tình yêu cao thượng. Và đổi mới ở chỗ nhiều người đã theo gương Ðức Mẹ “cẩn thận giữ các sự kiện trong lòng và âm thầm suy niệm” (Lc 2, 51).

Lời nhắn nhủ thứ ba là Hội Thánh Việt Nam đừng quên mình là Hội Thánh phải “tỉnh thức” (Mc 13, 35).

Xưa, dưới chân thánh giá, Ðức Mẹ đã có một tâm hồn tỉnh thức. Nhờ đó, Ðức Mẹ đã nhìn thấy bao việc lạ lùng Chúa đã làm một cách bất ngờ cho phần rỗi các linh hồn.

Thực vậy, Chúa đã dùng những con người bất ngờ, như kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa, như Madalena, như vị sĩ quan chỉ huy việc đóng đinh Chúa. Ai ngờ những người này lại được Chúa chọn để trở thành những người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa.

Chúa đã dùng những sự việc bất ngờ coi như hèn yếu, coi như thất bại, như cái chết của chính Ngài, để biến chúng trở thành nguồn ơn cứu độ.

Chúa đã dùng những địa điểm bất ngờ, những nơi rất là đời, như dinh Philatô, con đường lên núi Sọ và chính núi Sọ, để thực hiện ở đó bao việc lớn lao trong kế hoạch cứu độ của Ngài.

Chúa đã dùng những thời điểm bất ngờ, những ngày giờ không báo trước, để tế lễ mình, đổ hết máu mình ra vì phần rỗi nhân loại.

Chúa có những sáng kiến độc đáo của riêng Ngài, vượt ngoài mọi cơ cấu, mọi tục lệ.

Trong biến cố vừa qua, Chúa Giêsu cũng đã làm những việc rất bất ngờ. Chỉ có những tâm hồn tỉnh thức theo gương Ðức Mẹ mới thấy được. Họ đã ca ngợi Thiên Chúa.

ù

Ba lời nhắn nhủ trên đây là quan trọng. Nhưng những tiên báo sau đây cũng nên được chú ý:

Trong tương lai, Hội Thánh Việt Nam sẽ bị thử thách về đức bác ái nhiều hơn là về đức tin, đang khi đức tin cũng sẽ bị thách đố gay gắt bởi nhiều vấn đề cuộc sống, và bởi nhiều giá trị mới của các trào lưu mới.

Trong tương lai, Hội Thánh Việt Nam vẫn dễ xin vâng trước những nhu cầu tuyên xưng đức tin truyền thống, nhưng nhiều nơi sẽ không dễ xin vâng trước những đòi hỏi thực hành bác ái.

Trong tương lai, Hội Thánh Việt Nam sẽ bị cám dỗ dễ tỉnh thức trước những mời gọi của tiền bạc và quyền lực, nhưng nhiều nơi sẽ không tỉnh thức trước những nhu cầu khẩn cấp Phúc Âm trong những người nghèo, tại các giáo điểm truyền giáo và trong các lãnh vực xã hội. Nhất là nhiều nơi sẽ không tỉnh thức để cầu nguyện và lắng nghe thánh ý Chúa.

Ðó là những báo động từ thánh giá Chúa Giêsu.

Long Xuyên, tháng 10/1996