Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Ðức tin với những chuyển biến của lịch sử

Hôm nay có một quy tụ nhỏ, để mừng một kỷ niệm lớn. Kỷ niệm nói đây là kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của hai người anh em ruột:

Cha Ba Luy Gonzaga Nguyễn Hiếu Lễ và Cha Tư Stanislaô Nguyễn Hữu Trí.

Cha Ba là linh mục đã từng tập kết ở Bắc. Cha Tư là linh mục đã từng hoạt động mục vụ tại vùng Châu Ðốc thời quyền lực của nhiều giáo phái.

Thánh lễ kỷ niệm hôm nay được cử hành tại nhà thờ họ đạo Bò Ót, bởi vì Bò Ót là quê quán của hai Cha.

Cuộc lễ sẽ đơn giản, chú trọng nhiều đến nội tâm. Tất nhiên, dịp này, mỗi người có thể nhìn hai Cha với nhãn quan riêng của mình.

Phần tôi, tôi nhìn hai Cha ngọc khánh này như những chứng nhân của 60 năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam đầy chuyển biến. Nhìn một cách giản lược, tôi thấy 60 năm qua của Giáo Hội Việt Nam nơi hai Cha ngọc khánh có ba giai đoạn chính:

Giai đoạn một tạm gọi là giai đoạn đức tin được che chở. Trong giai đoạn này, Giáo Hội Việt Nam đã gặp được nhiều điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nên đức tin đã phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, trong tình hình đó, đức tin cũng đã gặp không thiếu trở ngại.

Giai đoạn hai tạm gọi là giai đoạn đức tin tự vệ. Trong giai đoạn này, Giáo Hội Việt Nam đã gặp vô số nghịch cảnh do chinh chiến gây nên. Trong một tình hình như thế, Giáo Hội Việt Nam quan tâm đến một đức tin tự vệ, để tồn tại hơn là để phát triển.

Giai đoạn ba tạm gọi là giai đoạn đức tin trình bày. Trong giai đoạn này, Giáo Hội Việt Nam sống trong một tình hình xã hội có nhiều giá trị cũ mới cạnh tranh phát triển, nên Giáo Hội cần biết trình bày đức tin thế nào trước các khuynh hướng xã hội, chính trị, văn hoá và tôn giáo để có thể được đánh giá tốt với một thực chất mang tính cách thuyết phục.

Cả ba giai đoạn này cùng có những thời cơ và cùng có những nguy cơ cho đức tin. Mỗi giai đoạn đều mang ảnh hưởng của quá khứ gần và xa. Mỗi giai đoạn đều có những hạt giống tiềm ẩn của tương lai xa và gần. Cái khéo của các người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng là biết tỉnh thức, biết nhạy bén, biết lanh lẹ, biết khôn khéo sáng tạo, để dù trong hoàn cảnh nào vẫn vững bước theo hướng đã được Ðức Kitô xác định: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi... Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18).

Thánh Linh và kẻ nghèo, đó là những địa chỉ quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng về Ðức Kitô. Thánh Linh và kẻ nghèo, đó cũng chính là đặc điểm nổi bật của giai đoạn trình bày đức tin hiện nay. Tôi thấy trong cả ba giai đoạn suốt 60 năm qua, hai Cha ngọc khánh đã ý thức sâu sắc về những chân lý trên trong các hoạt động mục vụ của mình. Ðó là điều đáng mừng.

Có một điều nữa đáng nói ở đây là hai Cha cũng đã ý thức về một chân lý khác luôn có giá trị, luôn sẽ phải xảy ra. Chân lý đó là cá nhân mình sẽ yếu đi, vì thế phải góp phần vào việc đào tạo thế hệ kế thừa, để thế hệ kế thừa có khả năng tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng hợp với những hoàn cảnh mới. Ðây là một sự sản sinh thiêng liêng. Và đây cũng là một cách phục vụ Nước Chúa bằng sự tự hy sinh chính mình.

Thực sự, những hy sinh của hai Cha ngọc khánh cũng đang đem lại cho hai Cha nhiều an ủi. Chỉ nhìn sơ qua hiện tình họ đạo Bò Ót, quê quán của hai Cha, chúng ta cũng có thể thấy thế hệ kế thừa đang trình bày đức tin một cách tương đối tốt đẹp.

Với phong cách khiêm tốn, đức tin ở đây đang được trình bày như Thánh Gia xưa, luôn sẵn sàng phục vụ mọi người và luôn trân trọng đón nhận bất cứ giúp đỡ nào do bất cứ ai.

Với tinh thần dấn thân, đức tin ở đây đang được trình bày như một tác nhân năng động góp phần phát triển con người và xã hội. Phát triển với chiều kích kinh tế, chiều kích văn hoá, chiều kích môi sinh, chiều kích xã hội, và nhất là chiều kích đạo đức...

Với thái độ hài hoà, đức tin ở đây đang được trình bày như một người đồng hành nhiệt tình với Dân Tộc, như một người đối thoại chân thành với các tôn giáo bạn, và như một người bảo vệ các giá trị truyền thống của bản sắc văn hoá Dân Tộc.

Với khát vọng siêu nhiên, đức tin ở đây đang được trình bày như một người đi theo Ðức Kitô, luôn gắn bó với Ngài, luôn học hỏi lời Ngài, luôn xuất hành với Ngài theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, để loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Trong niềm vui và hy vọng về Hội Thánh Việt Nam, xưa và hôm nay, xa và tại chính địa phương này, tôi xin cùng cộng đoàn cảm tạ Thiên Chúa, vì muôn ơn Chúa đã ban cho hai Cha. Hai Cha sống khiêm tốn, muốn âm thầm suy niệm kỷ niệm của mình. Theo hướng đó thánh lễ hôm nay của hai Cha cũng là một cách trình bày đức tin, với những suy niệm âm thầm, nhìn về quá khứ và hướng về tương lai. Cộng đoàn xin ca ngợi Chúa. Cộng đoàn xin hiệp thông với hai Cha. Amen.

Long Xuyên, ngày 23/09/1996