Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

JMJ 12 và những con đường

Những ngày này, nhiều đoàn người đã bắt đầu lên đường đi Paris. Họ đến thủ đô Pháp, để dự Ðại hội Giới trẻ (18 đến 24/8/1997). Giữa thành phố mênh mông này, người ta vẫn dễ nhận ra họ. Nón đội trên đầu, ảnh gài trước ngực, túi đeo sau lưng, xách mang trong tay: Tất cả các thứ đó đều gắn một huy hiệu đồng nhất, trên có hình tháp Eiffel đội cây thánh giá, dưới có hàng chữ JMJ 12, Paris 1997 (Journées mondiales de la jeunesse: Những ngày toàn cầu của giới trẻ).

Số bạn trẻ của JMJ 12 vào khoảng 300.000. Họ đến từ 142 nước. Những người đi theo tham dự ước chừng nửa triệu. Có đại diện các Hội đồng Giám mục các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới. Ðức Thánh Cha chủ toạ phần bế mạc.

Tưng bừng, tươi trẻ, JMJ 12 là một thời sự lớn của Giáo Hội được tổ chức quy mô. Những người chủ xướng, những người tổ chức, những người tham dự đều có thể nhắm tới một số hướng như những mục tiêu. Trong các hướng ấy, tôi để ý nhiều đến hướng làm chứng.

Làm chứng cho giá trị này, giới thiệu một chọn lựa kia. Tôi tạm gọi những hướng đó là những con đường.

 1/ Ðức Thánh Cha và con đường Ðức Kitô

Qua JMJ 12, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu mời giới trẻ nói riêng và toàn thể Hội Thánh nói chung hãy đi vào con đường Ðức Kitô và làm chứng con đường đó. Ngài chọn cho JMJ 12 một lời Kinh Thánh "Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Hãy đến mà xem" (Ga 1,38-39).

Trong thư đề ngày 15/8/1996 gởi JMJ 12, Ðức Thánh Cha khẳng định con đường Ðức Kitô là con đường dẫn tới sự sống, hoà bình, hạnh phúc. Ðọc thư này, người ta có thể thấy hành trình đi trên con đường Ðức Kitô gồm sáu điểm:

a) Ði tìm Ðức Kitô với lòng khao khát.

b) Gặp gỡ Ðức Kitô với sự thích thú ở lại bên Ngài và thích lắng nghe Ngài.

c) Ði theo Ðức Kitô, với quyết tâm từ bỏ mình, chấp nhận thánh ý Ngài.

d) Phục vụ Ðức Kitô theo lời Ngài đã nói: Khi các con làm sự lành cho kẻ khác, thì Thầy kể như chúng con phục vụ cho chính Thầy. Do đó, theo Ðức Thánh Cha gợi ý, phục vụ Ðức Kitô là phục vụ những người nghèo khó, khổ đau, những người xung quanh, những người có thiện chí, những người góp phần xây dựng hoà bình hợp nhất, và những cộng đoàn Hội Thánh.

e) Làm chứng cho Ðức Kitô với một tâm hồn được soi sáng bởi Lời Chúa, được mạnh sức bởi phép Thánh Thể, được sốt nóng bởi lửa bác ái Phúc Âm.

f) Yêu mến Ðức Kitô như gương Ðức Mẹ Maria, thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu. Lòng mến Ðức Kitô sẽ được phiên dịch ra bằng tình thương đối với mọi người, một tình thương quảng đại, vô vị lợi, như tình thương Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Ðức Thánh Cha ước mong con đường Ðức Kitô với sáu đặc điểm trên sẽ được nhiều người suy gẫm, tự chọn và nhất là làm chứng bằng chính cuộc sống của mình.

 2/ Hội đồng Giám Mục Pháp và con đường Huynh đệ

Ðọc các tài liệu của HÐGM Pháp về JMJ 12 nhất là các phát biểu của Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám mục Paris, và Ðức Tổng Giám mục Louis-Marie Billé, Chủ tịch HÐGM Pháp, tôi nhận thấy các ngài quan tâm nhiều đến tình huynh đệ. JMJ 12 là biểu tượng cho tình huynh đệ, JMJ 12 là một mời gọi sống tình huynh đệ. Tình huynh đệ là một đặc điểm làm chứng cho Hội Thánh Ðức Kitô. Tình huynh đệ là dấu chỉ của người môn đệ Ðức Kitô.

Các bạn trẻ thuộc nhiều nước, với bao nhiêu những khác biệt, nhưng vẫn có thể hợp nhất được trong tình huynh đệ đằm thắm. Các giờ chia sẻ, gặp gỡ, những buổi liên hoan sẽ làm chứng sự thực đó. Trưa thứ bảy, 23/8/1997, lúc 11 giờ dọc theo đại lộ các Thống Soái (Boulevard des Maréchaux) các bạn trẻ sẽ tổ chức dây chuyền Huynh đệ. Gần nửa triệu người trẻ, thuộc năm châu nắm tay nhau, trang nghiêm quay về bốn phương trời. Họ thinh lặng cầu nguyện, đang khi các chuông của hơn 300 nhà thờ Paris đổ hồi suốt 15 phút. Sau đó, đoàn thanh niên muôn màu ấy đi về trường đua Longchamp, để gặp Ðức Giáo Hoàng. Dây chuyền huynh đệ là một biểu tượng, muốn làm chứng cho khả năng sống tình huynh đệ giữa những khác biệt.

"Hãy đứng lên và bước đi. Ðừng sợ". Ðó là những hàng chữ được đọc thấy khắp nơi trên các báo chí, chương trình, về JMJ 12. Ðức Hồng Y Lustiger hay hô hào điều đó. Bởi vì giới trẻ bây giờ xem ra sợ tương lai, sợ cô đơn, sợ người khác. Họ hoang mang về ý nghĩa cuộc đời. Họ chán nản về cảnh đổ vỡ của nhiều gia đình, về tình trạng khô cằn của nhiều cộng đoàn Hội Thánh.

Nhật báo Le Croix, ngày 24/7/1997 cho biết: Sự bi quan hôm nay của giới trẻ là nặng nề sâu thẳm. Số người trẻ từ 15 đến 24 tuổi tự tử trong năm rồi là hơn 1000. Theo nhật báo Libération, ngày 15/12/1994 thì tại Pháp mỗi ngày có khoảng 400 cặp vợ chồng ly dị trước toà án.

Thư chung của Hội đồng Giám mục Pháp, 6/11/1996, công nhận: Hiện tình người Công giáo Pháp đang bị khủng hoảng về ba mặt này: Giảm sút số người giữ đạo, mất đi ký ức Kitô giáo, và khó khăn vươn lên. Các Giám mục khuyên các bạn trẻ đừng sợ, đừng nản, nhưng hãy đứng dậy và can đảm bước đi. Hãy nắm lấy tay nhau, cùng nhau vun trồng tình huynh đệ, cùng nhau đi tìm Ðức Kitô, cùng nhau phục vụ đồng bào và nhân loại, cùng nhau xây dựng một thế giới và một Hội Thánh giàu tình huynh đệ.

Thực ra, tình huynh đệ chính là một hình thái của giới luật yêu thương, mà Ðức Kitô đã trối lại cho các môn đệ Ngài (x. Ga 13,34). Sống giới luật yêu thương, đó là cách làm chứng đắc lực nhất về Ðức Kitô.

 3/ Các hiệp hội giới trẻ ngoài Công giáo và con đường Sống-Chung

Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội các phái Tin Lành tại Pháp đã tỏ bày ý muốn góp phần nào vào JMJ 12, bằng việc đưa ra một sáng kiến có tính cách tượng trưng cho tinh thần Ðại kết. Họ tung ra một tài liệu được đặt tên là Hiến chương Sống-Chung.

Tài liệu mang chữ ký của đại diện giới trẻ Tin Lành, giới trẻ Do Thái giáo, giới trẻ Chính Thống giáo, giới trẻ Hồi giáo. Nội dung Hiến chương trình bày một sự thực cần được mọi người chấp nhận, đó là không phải chỉ có một giới trẻ, mà có nhiều giới trẻ thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng như thuộc nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Tuy khác nhau, các giới trẻ nhận thấy mình có thể sống chung với nhau được. Vì thế một số giới trẻ đã ký vào một bản Hiến chương, cam kết sống chung, trong tinh thần bao dung không loại trừ nhau, biết kính trọng những khác biệt, cùng nhau xây dựng một thế giới hoà bình.

Hiến chương Sống Chung được gởi lên Ðức Thánh Cha, kèm một lá thư riêng. Trong thư này có đoạn viết: "Ngày 24/8/1997 sẽ đánh dấu buổi kết thúc những ngày toàn cầu thứ 12 của giới trẻ. Ngày 24/8 cũng là ngày Saint-Barthélémy, một ngày còn gợi lại cho nước Pháp biến cố đẫm máu của năm 1572, thời mà thiếu bao dung tôn giáo đã dẫn tới cuộc thảm sát mà người ta quá biết. Vậy đang khi Ðức Thánh Cha mời gọi giới trẻ toàn cầu bước tới Năm Thánh 2000, chúng con xin Ðức Thánh Cha kết hợp kỷ niệm thảm khốc St-Barthélémy với những thảm kịch mới hơn, như ở Algérie, Burundi, Ái Nhĩ Lan, Ruanda, Sudan, Thibet, Nam Tư cũ, Congo vv... Ngay hiện thời, sự không bao dung tôn giáo và chính trị vẫn chia rẽ đàn áp và tàn sát.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải học sống chung với nhau trong sự kính trọng những khác biệt và chia sẻ những xác tín của nhau. Vì thế, chúng con muốn đệ lên Ðức Thánh Cha một Hiến chương về sự chung sống... Chúng con đề nghị giới trẻ Hội Thánh Công giáo Rôma hợp ý với chúng con bằng cách ký vào bản Hiến chương này...".

Tưởng cũng nên biết, St-Barthélémy mà lá thư trên nhắc tới là một kỷ niệm rùng rợn của lịch sử Pháp trong thời kỳ chiến tranh tôn giáo. Sáng sớm ngày 24/8/1572, được lệnh cấp chỉ huy chính trị, các người Công giáo đã đột kích xông vào các gia đình Tin Lành, số người Tin Lành bị giết hôm đó khoảng 3000 (Encyclopédie Universelle, trang 1701).

Hai tài liệu trên đây của các giới trẻ các tôn giáo bạn đã được đăng trên tập bán nguyệt san SNOP, cơ quan thông tin chính thức của HÐGM Pháp, số 1012, 20/6/1997. Ðiều này chứng tỏ việc sống chung là một hướng làm chứng cho đức tin tôn giáo, được JMJ 12 chia sẻ.

 4/ Chính phủ Pháp và con đường Dân-chủ Nhân-đạo

Theo Hiến pháp, quốc gia Pháp là một quốc gia thế tục, tách rời khỏi tôn giáo. Vì thế dịp này, chính phủ Pháp tỏ ra rất thận trọng, không để mình sai phạm nguyên tắc phân ly giữa Nhà nước và các Giáo Hội theo luật 1905. Tuy nhiên về mặt xã hội, chính phủ Pháp đã mời Ðại tướng Philippe Morillon phối hợp các khâu cần thiết, để đảm bảo cho JMJ 12 bốn mặt sau đây: Trật tự, an ninh, vệ sinh và thoải mái. Trên tuần báo "Paris Notre-Dame" ra ngày 16/1/1997, Ðại tướng phát biểu: Ông hy vọng nhờ JMJ 12 mà hình ảnh nước Pháp sẽ được lớn hơn. Ông sẽ cố gắng làm chứng cho nền dân chủ nhân đạo của Pháp, để mọi người tới JMJ 12 được thấy nền dân chủ này có những lý tưởng cao đẹp, có một quá khứ hào hùng, có những giá trị ưu việt. Nước Pháp không phải chỉ cho đi, nhưng cũng sẽ tiếp nhận được nhiều. Ông tin tưởng JMJ 12 sẽ tạo ra luồng gió hy vọng mới, có sức quét đi những ích kỷ, hẹp hòi, và cực đoan, để mọi người và mọi dân tộc biết cùng nhau chia sẻ lý tưởng tự do, bình đặng và huynh đệ.

ù

Con đường Ðức Kitô, con đường Huynh-Ðệ, con đường Sống Chung, con đường Dân-chủ Nhân-đạo, đó là bốn con đường tôi cho là sẽ được làm chứng tại JMJ 12 Paris, cách này hay cách khác. Liệu có thành công không? Ðức Giám Mục Michel Dubost, Tổng Tuyên uý Quân đội Pháp, đặc trách JMJ 12 nói: "Những ngày toàn cầu của giới trẻ sẽ là một thành công, nếu những ngày đó là một cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Chúng ta cùng nhau cảm nhận điều đó và cùng nhau hướng về Ðức Kitô" (Tuần báo Paris Notre-Dame, số 664, 16/1/1997).

Long Xuyên, ngày 10/8/1997