Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Hương vị Triết học trong thông điệp
"Ðức Tin và Lý Trí"

Triết lý là môn học có công dụng lớn trong đời sống. Nó góp phần quan trọng trong nhiều môn khoa, đặc biệt là trong Thần học. Bởi vì triết lý chuyên đi tìm chân lý, nhất là chân lý về con người. Con người là gì? Ðâu là ý nghĩa cuộc sống? Ðời người phải đi theo hướng nào?

Những thao thức trên đây luôn thấy phảng phất trên các trang của bức thông điệp dài, mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới công bố trong tháng 10, 1998 vừa qua. Thông điệp mang tựa đề “Ðức tin và Lý trí”. Ðức tin trong phẩm phục Thần học. Lý trí trong y phục Triết lý.

Ðức Thánh Cha ví đức tin và lý trí như hai chiếc cánh giúp cho tinh thần con người bay lên để ngắm nhìn chân lý. Chân lý sau cùng là Thiên Chúa. Khi biết Chúa và yêu mến Chúa, con người sẽ biết sự thực về chính mình.

Tất nhiên, trong hành trình bay lên chân lý đó, đức tin với thần học của mình phải giữ vai trò chủ yếu. Nhưng lý trí với triết lý của mình cũng có một vai trò hết sức quan trọng. Ðể minh chứng, Ðức Thánh Cha đã có những vận dụng rất là triết học.

Ở đây, tôi xin phép được trình bày vài nhận xét khiêm tốn của tôị

 Những dấu ấn trên dòng suy tư triết của thông điệp

Trước hết, suy tư triết của Ðức Thánh Cha chuyển tải cả một kho tàng triết học truyền thống kinh viện. Ngài trích Socrates, Platon, Aristote, Origène, Augustinô, Anselmô. Riêng thánh Tôma Aquinô, được Ngài nhắc tới 7 lần. Chứng tỏ triết gia này được Ngài rất ngưỡng mộ và đề cao.

Triết học hiện đại với các trường phái khác nhau cũng không xa lạ gì với Ðức Thánh Cha. Ngài nói về thuyết duy lựa chọn, thuyết duy lịch sử, thuyết duy khoa học, thuyết duy thực dụng. Những triết thuyết này tương đối mới, nếu so với thuyết vô khả tri và thuyết tương đối cũng được đề cập tới.

Khi để ý tới khuynh hướng suy tư triết của Ðức Thánh Cha, tôi có cảm tưởng là Ngài quan tâm nhiều đến triết học về con người và triết học về giá trị. Ba cuốn sách triết của Ngài được xuất bản trước khi Ngài làm Giáo Hoàng cũng chứng minh điều đó. Cuốn thứ nhất là “Khả năng xây dựng một nền đạo đức Kitô giáo trên những nền tảng của Max Scheler”. Cũng nên biết Max Scheler là một triết gia Ðức chuyên về triết lý các giá trị. (Xem La Philosophie de Max Scheler, 2 cuốn, PUP, 1959). Cuốn thứ hai là “Tình yêu và trách nhiệm” và cuốn thứ ba là “Con người và hành động”. Trong cả hai cuốn sách này, con người là vấn đề chiếm địa vị ưu tiên trong suy tư của Ðức Thánh Cha.

Dòng suy tư triết của Ðức Thánh Cha còn nói lên điều này: Ðức Thánh Cha rất yêu thương con người, cởi mở về phía con người, gần gũi với thân phận con người, một con người cụ thể với những chiều kích chung và riêng của nó.

Hơn nữa, những suy tư triết của Ðức Thánh Cha chứng tỏ Ngài là một người sống đức tin một cách trí thức, thông minh và sáng suốt.

Ngoài ra, những suy tư triết của Ðức Thánh Cha cũng cho thấy sự ham thích của Ngài về triết học.

Một hôm, trong bữa cơm tư riêng với Ðức Thánh Cha tại Vatican, khi trình bày với Ngài về việc học vấn, tôi có nhắc đến Linh mục Bochenski là giáo sư triết sử tại đại học Fribourg, Thuỵ Sĩ, và cũng là thầy dạy cũ của tôi, Ðức Thánh Cha chuyển ngay câu chuyện sang lãnh vực triết sử. Ngài đi xa. Tôi rất ngạc nhiên và hết sức khâm phục kiến thức triết học của Ngàị

 Sức mạnh của suy tư triết trong thông điệp

Ðọc thông điệp “Ðức tin và Lý trí”, tôi thấy, Ðức Thánh Cha giữ một thái độ suy tư chững chạc, mang một sức mạnh tinh thần cao. Tất cả các môn triết truyền thống đều có mặt.

Ði tìm chân lý, mà biết lý luận chặt chẽ với những bố cục vững vàng, thì đó là sức mạnh của luận lý học.

Ði tìm chân lý, mà biết phân tách, tổng hợp các sinh hoạt nội tâm của con người, như những khát vọng đi tìm tuyệt đối, những khả năng suy tư sự thực, thì đó là sức mạnh của tâm lý học.

Ði tìm chân lý, mà biết cân nhắc các thứ giá trị, kiểm tra phê phán các mục đích mà con người nhắm tới, thì đó là sức mạnh của đạo đức học.

Ði tìm chân lý, mà có được những cái nhìn trừu tượng phổ quát với những phạm trù về hữu thể, để khám phá ra chiều kích thiêng liêng, siêu hình của con người, thì đó là sức mạnh của siêu hình học.

Tất cả những sức mạnh ấy, sở dĩ Ðức Thánh Cha có được, không phải vì Ngài đã trình bày đúng các sự thực, mà vì Ngài đã hiểu và sống các sự thực ấy. Hơn nữa, vì Ngài đã trở về chính tận nguồn. Nguồn là thánh Tôma Aquinô, và từ đây Ngài trở về với Augustinô, Aristote và Denys. Rồi từ các nguồn ấy, Ðức Thánh Cha lại trở xuống các thực tại của hôm nay, để đụng chạm, lắng nghe và tìm trả đáp.

Như vậy, chân lý của Ðức Thánh Cha trình bày vừa do Ngài tìm ra, vừa do Ngài đã tin vào những người khác, và những người đó là hoàn toàn đáng tin. Những suy tư như thế có sức mạnh đặc biệt riêng của nó.

Một hôm, dịp thăm Ðức Hồng Y Paul Poupard, Bộ Trưởng Bộ Văn Hoá của Toà Thánh, tôi được Ðức Hồng Y dẫn đi thăm thư viện của Ngài. Tới một tủ kính lớn, Ngài chỉ vào một hàng sách, và nói với tôi: “Ðây là những sách triết của Élienne Gilson, Ðức Thánh Cha đã mượn đọc và mới gởi trả tôi”. Câu chuyện nhỏ trên đây gợi ý cho tôi thấy: Rất nhiều tư tưởng triết của nhiều triết gia đã được chuyển sang Ðức Thánh Cha, và rồi nhờ một đức tin trong sáng và một trí khôn sắc sảo, Ðức Thánh Cha đã làm mới lại những tư tưởng đó để chúng có thêm sức mạnh.

 Những hy vọng của Ðức Thánh Cha về triết học

Ðức Thánh Cha đề cao triết lý, nhất là siêu hình học. Ngài mong muốn các vị chủ chăn quan tâm nhiều hơn đến môn triết. Ngài hô hào các nhà thần học hãy dùng triết học một cách sâu sắc hơn và thường xuyên hơn trong khi trình bày Thần học. Ngài khuyên các nhà triết học hãy đào sâu hơn siêu hình học, để có thể có một nền tảng chắc chắn đúng đắn cho các chân lý triết.

Theo Ðức Thánh Cha, triết học sẽ là địa bàn thích hợp nhất để đối thoại với các nền văn hoá và các người ngoài Hội Thánh. Ngài cho rằng sự phục hưng triết học là cần thiết cho việc Tân Phúc Âm hoá. Cũng theo Ngài, triết học được phục hưng sẽ là phương tiện tốt để đối phó với những thách đố của thế kỷ 21.

ù

Ðọc xong thông điệp “Ðức tin và Lý trí”, tôi cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh một vị Giáo Hoàng triết gia hiếm có là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Một câu hỏi tự nhiên hiện ra trong tôi: Những hô hào trên đây của Ðức Thánh Cha về triết sẽ nhận được những hồi âm nào từ Hội Thánh Việt Nam?

Tôi không dám nghĩ thêm nữa.

Long Xuyên, ngày 15/11/1998