Trước hết, hãy là con người
Khi nhìn vào con người linh mục của tôi, tôi thấy biết bao tiếng gọi “hãy là” như :
Hãy là linh mục của Thiên Chúa Tình Yêu, sống đúng thân phận người con hiếu thảo của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Hãy là linh mục của Hội Thánh Ðức Kitô, dấn thân cho Tin Mừng cứu độ.
Hãy là linh mục của thế giới thứ ba, nơi mà đức tin không được phép tách rời khỏi cuộc sống đang trên đà phát triển giữa nhiều phức tạp.
Hãy là linh mục của nền văn hoá Á Châu, một thứ văn hoá vừa nặng yếu tố lý trí, vừa giàu yếu tố tâm linh.
Hãy là linh mục của nước Việt Nam độc lập, biết có một bản lĩnh hợp lý trong các tương quan quốc tế.
Hãy là linh mục của địa phương tôi, nơi có nhiều tôn giáo nổi về công việc từ thiện, tinh thần Dân Tộc và tình hiếu thảo đối với tổ tiên.
Hãy là linh mục của cuối thế kỷ 20, một thời đại đang nhiều chuyển biến lớn lao và mau lẹ về kinh tế, khoa học, xã hội, văn hoá và tôn giáo, đòi hỏi một tân-Phúc-Âm-hoá thích hợp.
Chỉ bằng ấy tiếng gọi thôi cũng đủ khiến tôi cảm thấy mình rất mực là nghèo. Phải học thêm, phải tìm tòi thêm, phải làm việc thêm.
Tiếng gọi nào cũng khẩn cấp cả. Nhưng giữa những khẩn cấp ấy, tôi nghe một tiếng gọi nhỏ nhẹ mà rất thiết tha, rất khẩn cấp : “Trước tiên, hãy là con người”.
Ðúng là như vậy. Phải là con người xứng danh con người đã. Phải học làm người với những đức tính làm người đã. Nhân ái, nhân bản, nhân cách, nhân đạo, nhân phẩm, nhân hậu, nhân nghĩa, nhân tâm, nhân trí, nhân văn, vv.
Ðừng tưởng đã là linh mục thì việc phục vụ sẽ hữu hiệu chỉ bằng chức năng linh mục, không cần đến các điều kiện con người. Không đâu, sẽ đến thời tục quyền, tục hoá trở nên mạnh và lan rộng như trên các nước Thiên Chúa giáo tại Âu Châu. Lúc đó người ta sẽ ít để ý đến chức này quyền nọ, mặc dù đó là chức thánh và thần quyền, nhưng người ta sẽ đánh giá linh mục nhiều hơn theo các khả năng nhân bản. Là người như thế nào? Có thái độ nào trong các tương quan giữa người với người? Thiện chí phục vụ và khả năng phục vụ thế nào đối với đồng bào, với người dưới, người trên, người nghèo khổ, người bệnh tật, người bị bỏ rơi? Khả năng nhạy bén, nắm bắt tình hình có sâu sắc không? Khả năng ứng xử với các bất ngờ có đủ sáng suốt không? Khả năng phấn đấu với chính mình và với các nghịch cảnh có kiên cường và khôn ngoan không? Cách đi đứng, cách nói năng, cách ăn uống có tế nhị, tự trọng, lịch sự, xứng với một trình độ văn hoá có thể chấp nhận được không? Có chính xác không trong các thông tin? Có lương thiện không trong các phán đoán? Có bao dung khiêm tốn trong những cái nhìn về các giá trị mới mà mình chưa quen, chưa hiểu không?
Nói chung, hãy sống cho ra người với trình độ cao nhất của tính người, mà mình có thể vươn tới được. Rồi từ đó sẽ xây dựng lên toà nhà thánh thiện với các nhân đức siêu nhiên.
Với những kinh nghiệm bản thân, tôi đọc lại những giáo huấn của Toà Thánh về vấn đề giáo dục những đức tính nhân bản nơi người linh mục. Tôi thấy sự nhắc lại và thực thi những giáo huấn này là rất cần thiết tại Việt Nam hôm nay. Xin trích vài đoạn :
“Linh mục không được quên mình là con người được chọn giữa nhiều người, để phục vụ con người.
Ðể thánh hoá mình và để thành công sứ mạng linh mục, các ngài phải trình diện mình với một hành trang gồm nhiều đức tính nhân bản giúp họ xứng đáng được đồng bào mình quý mến.
Cách riêng, linh mục sẽ phải thực thi tính nhân ái của con tim, đức kiên nhẫn, tính dễ thương, sức mạnh tâm hồn, lòng yêu mến sự công chính, cảm thức được về sự quân bình, sự trung tín trong lời hứa, sự biết ăn khớp với những dấn thân tự nguyện.
“Cũng cần linh mục suy nghĩ về thái độ xã hội của mình, về sự đúng đắn trong các hình thức quan hệ giữa người với người, về giá trị tình bạn, về tính cách khác biệt của cách sống của mình.” (Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, số 77, 1994).
“Ðược kêu gọi trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu là Ðầu và là Mục tử của Giáo Hội, linh mục phải tìm cách phản ánh trong mức độ có thể sự hoàn thiện nhân bản chiếu toả từ Con Thiên Chúa làm người và biểu lộ với một hiệu quả khác thường qua thái độ đối xử với tha nhân … Do đó, huấn luyện nhân bản cho linh mục mang một tầm quan trọng đặc biệt đối với mối quan hệ giữa linh mục và những đối tượng của sứ vụ linh mục. Ðể cho linh mục được người ta dễ tín nhiệm và dễ chấp nhận hơn, linh mục cần rèn luyện nhân cách của mình…
Linh mục nhất thiết phải có khả năng hiểu biết chiều sâu tâm trí con người, trực giác về những khó khăn và những vấn đề, mở đường cho gặp gỡ và đối thoại, tạo được sự tín nhiệm và sự hợp tác, phát biểu những nhận định bình tĩnh và khách quan…
Do đó, cần thiết phải giáo dục lòng quý trọng sự thực, lòng thành tín, lòng tôn trọng con người, ý thức công bình, giữ lời hứa, lòng thương cảm, tính mạch lạc và đặc biệt là tính quân bình trong phán đoán và trong đối xử.
Thiếu huấn luyện nhân bản đầy đủ, toàn bộ công cuộc đào tạo linh mục sẽ mất đi nền móng cần thiết”. (Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43, 1992)
Những nhận định trên đây là rất xác đáng, cần chúng ta suy nghĩ, để có kế hoạch tự giáo dục mình về nhân bản.
Các chuyển biến xã hội hiện nay cho thấy : Rồi đây, trong việc truyền giáo và mục vụ, con người sẽ là yếu tố rất mực quan trọng.
Hãy là con người tốt với đầy đủ các đức tính nhân bản cần thiết. Hãy biết kính trọng và yêu thương con người. Hãy biết sống tình nghĩa với con người và cộng tác với con người. Hãy biết phục vụ con người, bằng cách đem lại cho con người những gì họ cần họ thiếu, chứ không phải là cách phân phát cho họ những gì mình có. Hãy làm chứng chiều kích thiêng liêng trong chính việc phục vụ con người.
Tôi có cảm tưởng này là thời nay một linh mục sống và chết trong tinh thần kinh Tin Kính của Hội Thánh sẽ không gây được mấy ảnh hưởng nơi dân chúng cho bằng một linh mục sống và chết trong tinh thần kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô. Lý do rất dễ hiểu. Bởi vì tinh thần kinh Hoà Bình là cả một bầu trời gặp gỡ và phục vụ con người, trong đó có một tình thương tự nhiên và siêu nhiên, rạng ngời đằm thắm, mà ai cũng kiểm chứng được. Người ta nhìn thấy, người ta cảm nhận và nhờ đó người ta tin.
Long Xuyên, tháng 3/1997