Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Thoáng nhìn về vấn đề tôn giáo
trong "Cộng đồng Pháp ngữ"

Từ ít tháng nay, trên báo chí và đài truyền hình với nhan đề “Cộng đồng Pháp ngữ” (Francophonie). Mục đích để chuẩn bị cho một sự kiện lịch sử quan trọng sắp xảy ra trên đất nước ta. Sự kiện lịch sử này gọi tắt là “Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ”, còn theo đúng từ chính trị thì gọi là: “Hội nghị thượng đỉnh lần thứ bảy của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ những nước có chia sẻ Pháp ngữ”. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 11 năm 1997.

Tò mò, tôi thử nhìn vấn đề thời gian trong cộng đồng Pháp ngữ xem sao. Chắc chắn trong tổ chức này, tôn giáo không là vấn đề để bàn, nhưng vẫn là vấn đề có thể để suy nghĩ cho những ai quan tâm hơn. Dưới đây là một vài suy nghĩ của tôi.

 1/ Trong cộng đồng Pháp ngữ có đủ mặt các tôn giáo lớn và lâu đời

Theo tập “la Francophonie, Aide Mémoire Septembre, 1996”, tài liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, thì cộng đồng Pháp ngữ gồm 49 nước, thuộc đủ năm châu, đông nhất là ở châu Phi. Chất “xi măng” gắn các nước cộng đồng Pháp ngữ lại với nhau là sinh ngữ Pháp và đôi chút liên hệ tới lịch sử, chứ không phải văn hoá, cũng không phải tôn giáo.

Bởi vì, các tôn giáo trong cộng đồng Pháp ngữ rất khác nhau. Ðặc biệt có bốn tôn giáo lớn và lâu đời, đó là Phật giáo, Công giáo, Chính Thống giáo và Hồi giáo.

Phật giáo như tại Lào, Campuchia, Việt Nam.

Công Giáo như tại Pháp, Bỉ, Canana.

Chính Thống giáo như tại Bulgari, Rumani, Maldovi ở Ðông Âu.

Hồi giáo như tại Tunisi, Maroc, Môritani và nhiều nước khác ở Phi châu.

Sự kiện tôn giáo trên đây chứng tỏ, trong cộng đồng Pháp ngữ, không nước nào là mô hình tôn giáo cho các nước khác. Nhưng nó nói lên vai trò tôn giáo trong cộng đồng Pháp ngữ là rất lớn. Tôn giáo đã đồng hành lâu đời với các nước trong cộng đồng. Tại nhiều nước, tôn giáo và dân tộc đã cùng chung một lịch sử. Tôn giáo có thể được coi là một tiềm năng thiêng liêng của cộng đồng Pháp ngữ

 2/ Trong cộng đồng Pháp ngữ tình hình tôn giáo hiện nay đang có những chuyển biến

Nói chung Hồi giáo đang phát triển khá mạnh. Ngay như tại Pháp và Bỉ, Hồi giáo nay cũng đã giành được một chỗ đáng kể (xem Encyclopédie de l'Europe, Seuil, 1993, và Atlas des religions dans le monde, 1994). Ðang khi đó tại hai nước trên, Công giáo lại đang suy giảm, đến mức báo động (xem Thư chung HÐGM Pháp 1996, và Julien Potel, l'Eglise catholique en France, Desclée de Brouwer 1994).

Những chuyển biến như trên tại nhiều nước trong cộng đồng Pháp ngữ cho thấy sự lựa chọn tôn giáo ngày nay mang nhiều tính cách trách nhiệm tự do cá nhân. Phát triển do chuyển biến xã hội như di dân, dân số, chính trị. Còn suy giảm không có nghĩa là chết đi, nhưng có thể để rồi tìm cách đổi mới lại, cấu trúc lại, hầu thích ứng hơn với văn hoá, xã hội mới. Và suy giảm là suy giảm đối với mô hình truyền thống, chứ thực tế cho thấy nhiều người vẫn sống với tín ngưỡng nhưng bằng những cách khác. Ở đây tôi nghĩ tới trường hợp của cố Tổng thống Pháp Francoi Mitterand. Ông hầu như không lui tới nhà thờ, nhưng đời sống của ông cho thấy ông vẫn tin Thiên Chúa và cố gắng thực thi công bình bác ái của đạo Chúa. Cũng như Victor Hugo trước đây đã để lại một chúc thư vắn như sau:

Tôi cho những người nghèo 50.000 fr

Tôi ước mong tôi được chở đến nghĩa trang trong cỗ xe tang của những người nghèo.

Tôi từ chối lời cầu nguyện của mọi nhà thờ.

Tôi xin một lời cầu nguyện cho tất cả mọi linh hồn.

Tôi tin ở Thiên Chúa

Viết ngày 2/8/1883, Victor Hugo (Anthologie de l'oeuvre de Victor Hugo, Edicef, 1987, trang 181).

Ngày nay số người coi như xa lìa Hội Thánh nhưng vẫn còn tin Chúa theo con đường tự do kiểu Victor Hugo không phải là ít.

Với nhiều hình thức khác nhau, tôn giáo vẫn là một dòng chảy qua các thế hệ, qua các ranh giới trong cộng đồng Pháp ngữ.

 3/ Trong cộng đồng Pháp ngữ, các nơi thờ tự, như chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, đều được coi trọng

Theo ý hướng của những người sáng lập cộng đồng Pháp ngữ, thì cộng đồng này muốn theo đuổi và phổ biến những giá trị tinh thần cao đẹp. Những giá trị đó như tự do, bình đẳng, huynh đệ, công lý, hoà bình, tiến bộ. Nhưng giá trị này muốn làm nên một nền văn minh của tinh thần, của nhân văn, khác với nền văn minh chỉ biết đề cao kỹ nghệ và sản xuất.

Trong nền văn minh trọng tinh thần này, các nơi thờ tự được coi là những dấu chỉ của sự phục vụ đa dạng cho nhu cầu tinh thần. Tại Pháp, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, số chùa chiền của Phật giáo Việt Nam đã tăng nhiều một cách mau lẹ. Ðọc cuốn “Où prier à Paris? Guide pratique, Cert, 1997”, tôi thấy chỉ trong thủ đô Paris mà thôi đã có 310 nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ. Với số lượng nhà thờ, nhà nguyện như thế rải rác khắp nơi trong thủ đô Pháp, bên cạnh những cơ sở từ thiện xã hội của đạo, tôn giáo được coi là một hệ thống văn hoá của nền văn minh tinh thần đón tiếp bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Thiết tưởng đó là một chứng từ văn minh đáng tự hào.

Trên thực tế, đối với mọi người, nhất là đất nước những người trọng cuộc sống tinh thần, nhu cầu nội tâm vẫn có thể xảy đến bất ngờ. Họ muốn tìm đến một nơi thờ tự, để cho lòng mình lắng xuống, để hồi tâm, để tìm sự thanh thản và quân bình tâm hồn, để tham quan. Tôi giả thiết, trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội, có những người ngoại quốc, đặc biệt là những nhân vật lớn, tỏ ý muốn đến những nơi thờ tự, với tư cách riêng, hoặc để tham quan, hoặc để cầu nguyện, thì sự đáp ứng thoả đáng yêu cầu đó của họ chắc chắn sẽ được đánh giá cao.

 4/ Trong cộng đồng Pháp ngữ, công cuộc nghiên cứu của xã hội về các tôn giáo đang có chiều hướng đi lên

Như đã nói ở trên, tôn giáo là một thực tại quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi tôn giáo đều có sức mạnh riêng của mình. Do niềm tin, nhận thức hành động và liên đới, tôn giáo có ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, xã hội. Không phải nó chỉ là một lăng kính, qua đó con người nhìn các thực tại và chọn lọc những cảm nhận hằng ngày, mà nó còn là hệ thống tư tưởng, tâm tình xác tín và hy vọng có khả năng định hình lịch sử cho hôm nay và cho tương lai.

Hiểu được tôn giáo nói chung và một tôn giáo cụ thể nói riêng là việc hết sức khó. Vì nó mênh mông, sâu xa, và đi vào những lãnh vực giá trị không nắm bắt được bằng các phương pháp khoa học. Ngay một sự hiểu đúng và dùng đúng các danh từ của một tôn giáo cũng đã là một thách đố. Vì thế, hiện nay việc nghiên cứu về tôn giáo thường chỉ giới hạn trong sự tìm hiểu và đánh giá ảnh hưởng của tôn giáo đối với xã hội, văn hoá, nghệ thuật, chính trị.

Trong cộng đồng Pháp ngữ, việc nghiên cứu như thế có vẻ đang được quan tâm. Có những sách báo chuyên môn. Có những tổ chức chuyên môn. Có những trung tâm quốc gia nghiên cứu chuyên môn. Có những người đặc biệt chuyên môn. Nhìn qua trung tâm nghiên cứu, như Centre national de la recherche scientifique (CNRS) Centre d’études interdisciplinaines du fait religieux (CEIFR) và đọc qua những tác phẩm nghiên cứu trong vòng ba chục năm nay đủ thấy. Như Etudes de sociologie religieuse; Sociologie des religions; Archives de Sociologle des religions vv...

Tại Việt Nam, cuốn “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay” của Nhà Xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 1997, cũng như cuốn “Nho giáo và phát triển ở Việt Nam” của Vũ Khiêu, do Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1997, là những thí dụ cho thấy ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Việc nghiên cứu về tôn giáo tại Việt Nam càng trở nên quan trọng, khi Việt Nam vừa là thành viên của khối Ðông Nam Á (ASEAN) vừa là thành viên của khối cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie). Bởi vì trong cả hai khối này, tôn giáo đều có một trọng lượng khu vực và quốc tế đáng phải chú ý đến.

ù

Ðổi mới và phát triển, tiến bộ và công bình, độc lập và hạnh phúc, văn minh và đạo đức, ổn định và hợp tác, những giá trị như thế mà xã hội nhắm tới. Cũng là những mục tiêu và là những động lực của tôn giáo. Trong toàn bộ những giá trị ấy, đồng bào và Tổ quốc vẫn là trung tâm để được thăng tiến, để được phục vụ. Với cái nhìn đó, những người hoạt động tôn giáo có lý do để quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh cộng đồng Pháp ngữ sắp diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Ngày 28/10/1997