Yêu thương và phục vụ
Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh có một nguồn nhân lực đáng kể, đó là các tu sĩ nam nữ. Nguồn nhân lực này, nếu được đào tạo đúng, và được bồi dưỡng tốt, sẽ trở thành những nhân tố quan trọng trong việc phát triển con người, xã hội và Hội Thánh địa phương. Do đó, việc đào tạo và bồi dưỡng là những nhiệm vụ nặng nề luôn đặt ra cho các dòng tu.
Ðề cập đến việc đào tạo và bồi dưỡng các dòng tu, tôi nghĩ rất nhiều đến hai điểm này: Yêu thương và phục vụ. Vì những lý do đơn giản sau đây:
Có yêu thương và phục vụ, các tu sĩ mới được nhìn nhận là những môn đệ đích thực của Ðức Kitô.
Có yêu thương và phục vụ, các tu sĩ mới có thể đồng hành được với Dân Tộc Việt Nam hôm nay.
Xin nói thiệt điều này: Vì lương tâm trách nhiệm, chính tôi cũng rất ngại đón nhận vào giáo phận tôi những tu sĩ nào bị chứng minh là thiếu khả năng yêu thương và thiếu khả năng phục vụ. Trái lại tôi rất mong muốn và hoan hỷ đón nhận những tu sĩ nào được xác định là những người giàu tình yêu thương và biết phục vụ. Thiết tưởng, trong đạo ngoài đời ai cũng có những chọn lựa tương tự như thế.
Yêu thương và phục vụ phải như hơi thở của người tu, phải như sự sống thấm nhập vào mọi khía cạnh của đời tu. Ðể rồi, dù hoạt động, dù lặng lẽ, con người tu vẫn có thể góp phần thiết thực vào việc phát triển con người, xã hội, dọn đường cho Nước Trời.
Ðối với tôi, yêu thương là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Cũng thế, phục vụ là phục vụ như Chúa Giêsu đã phục vụ. Do đó, việc đào tạo và bồi dưỡng người tu phải tập trung vào Ðức Kitô: Học hỏi về Ngài, nhất là gặp gỡ chính Ngài.
Khi gặp gỡ Ðức Kitô, chúng ta sẽ thấy yêu thương và phục vụ là những gì mình phải biết đón nhận và phải biết cho đi.
Chúng ta đón nhận tình yêu thương và tinh thần phục vụ từ nơi Ðức Kitô. Ðón nhận một cách cởi mở, khiêm nhường và khao khát. Nhờ Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, chúng ta đã được yêu thương và đã được phục vụ bởi Hội Thánh ta, bởi Tổ Quốc ta, bởi Ðồng Bào ta. Chúng ta ý thức những sự thực đó không những với tinh thần cảm tạ, mà còn với quyết tâm sẽ phải cho đi.
Cho đi khởi sự từ việc nhìn nhận Ðồng Bào ta, Quê Hương ta, Hội Thánh ta là những đối tượng được Chúa yêu thương và phục vụ. Ngài đã yêu thương và phục vụ thế nào, chúng ta cũng phải yêu thương và phục vụ như vậy.
Như thế là trong yêu thương và phục vụ, chúng ta rất để ý đến Chúa, nhưng cũng rất quan tâm đến con người. Nếu phải nói đến những con người cụ thể, thì trong đồng bào, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những người hèn yếu, túng nghèo, cơ cực, khổ đau, nhất là những kẻ bị loại trừ.
Yêu thương phải có chất lượng, nghĩa là không phải chỉ là cho đi những gì mình có, mà còn là cho đi chính mình. Phục vụ phải đúng là phục vụ, nghĩa là đáp ứng đúng nhu cầu bằng đúng việc, vào đúng lúc, với đúng cách. Vì thế, việc đào tạo và bồi dưỡng tinh thần yêu thương và phục vụ thường chỉ đạt được kết quả, nhờ học hỏi, nhờ chiêm niệm và nhờ hoạt động thực tế. Mở rộng cái trí, rèn luyện cái tâm và tập tành cách ứng xử.
Hiện nay, yêu thương và phục vụ đang là những giá trị được trân trọng, nhưng cũng đang có nguy cơ trở thành những nhãn hiệu để lợi dụng cho tiền bạc, và danh vọng, uy tín riêng tư. Tôi thực sự lo ngại sự lợi dụng sẽ xảy ra trong các dòng tu với những hình thức tinh vi. Xin hãy tỉnh thức, kẻo rồi tinh thần dòng sẽ bị tha hoá và dần dần tự huỷ. Sóng gió đe doạ tinh thần dòng hiện nay là phong trào tục hoá và nền văn minh hưởng thụ. Trong những trường hợp này, chúng ta nhớ lại lời kêu của thánh Phêrô hướng về Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, nếu đúng là Thầy, xin truyền cho con đi trên nước mà đến với Thầy” (Mt 14,28). Và Chúa Giêsu đã truyền cho Phêrô: “Hãy đến” (Mt 14,29).
Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu. Hãy đi trên những mỏng manh đời mình mà đến với Chúa Giêsu, nhưng với một niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối trọn vẹn vững vàng của người con bé nhỏ.
Long Xuyên, ngày 22/11/1997