Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Nhìn vào hình ảnh linh mục

Tháng Bảy này, nhiều nơi sẽ tổ chức lễ phong chức linh mục và lễ tạ ơn sau thụ phong. Trong tinh thần hiệp thông, tôi xin được nói lên niềm vui và ước nguyện của tôi. Niềm vui có thêm số linh mục. Ước nguyện các tân linh mục sẽ khởi đầu đời linh mục của mình bằng những bước tích cực hướng về mục đích Năm Thánh 2000.

Theo Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, mục đích Năm Thánh 2000 là làm cho Hội Thánh nên mới hơn, bằng cách mọi thành phần Hội Thánh cố gắng thuộc về Ðức Kitô nhiều hơn. Các linh mục, những thành phần quan trọng của Hội Thánh, hẳn phải ý thức rõ điều đó. Nên các ngài sẽ nêu gương cố gắng thuộc về Ðức Kitô hơn, ngay từ cái nhìn về con người linh mục của mình.

Ðã có nhiều hình ảnh về linh mục. Ở đây chỉ nói về vài hình ảnh tốt quen thuộc có cơ sở Kinh Thánh. Trong số này, có nhiều hình ảnh cũ đang được làm mới lại, và có nhiều hình ảnh mới đang gây ấn tượng mạnh.

 Những hình ảnh cũ đang được làm mới lại

Linh mục, đấng có quyền tế lễ (x. Lc 22,9; 1 Cr 11,24-25; LG. 28; PO. 5), đó là một hình ảnh phổ biến đã lâu đời. Nó đề cao chức trọng quyền cao của linh mục. Nhưng nay, hình ảnh đó không còn gây được nhiều uy tín cho linh mục.

Bởi vì quan niệm về Hội Thánh đã thay đổi. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa. Tất cả mọi thành phần Hội Thánh đều tham dự vào chức tư tế của Ðức Kitô. Tất nhiên, trong cái nhìn mới này, linh mục vẫn giữ một chức năng đặc biệt. Nhưng cách quá đề cao chức năng đặc biệt của linh mục trong việc tế lễ có thể gây những hiểu lầm thiệt hại về phía những người không có chức linh mục.

Nhất là khi linh mục lại được giới thiệu như một bậc trên có quyền ban phát, còn giáo dân là một bậc dưới có bổn phận đón nhận, thì việc đề cao chức quyền dễ gây ra dị ứng.

Hơn nữa, trong một tình hình mà phong trào tục hoá lên mạnh, người ta không còn quan trọng thánh lễ và các bí tích như xưa, thì hình ảnh linh mục, đấng tế lễ, sẽ chỉ gây được một ảnh hưởng hạn hẹp. Ðối với người ngoài Công giáo, hình ảnh ấy sẽ khó gợi ý được nhiều. Biết đâu nó lại làm cho họ nghĩ rằng linh mục là loại người không có ích lợi gì cho họ.

Vì thế, hình ảnh linh mục, thầy tế lễ, đang được đổi mới, bằng cách gắng thêm vào đó việc linh mục tế lễ chính mình với những từ bỏ tự nguyện, và với những hy sinh của tình yêu phục vụ. Thánh lễ đời thường của ngài gắn thêm vào đó sẽ là một vẻ đẹp có sức thuyết phục. Vẻ đẹp này phải có thực chất, dễ thấy chứ không phải chỉ là biểu tượng. Và đây chính là một thách đố lớn cho linh mục.

Linh mục, nhà truyền giáo (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15; LG 28; PO 4), trên đây cũng là một hình ảnh quen thuộc, đã gây được cảm tình trong nhiều thời đại. Nhưng nay cũng cần làm mới lại.

Bởi vì, theo quan niệm mới về Hội Thánh, thì toàn thể Hội Thánh phải là truyền giáo. Trên thực tế, nhiều giáo dân đang thực hiện tốt sứ mệnh truyền giáo. Trong nhiều hoàn cảnh, họ giữ vai trò truyền giáo một cách hữu hiệu hơn các linh mục.

Hơn nữa, trong những xã hội và trong những thời điểm có nhiều phức tạp, việc giới thiệu hình ảnh linh mục dấn thân truyền giáo sẽ không thích hợp. Hơn nữa, nó có thể gây rắc rối cho linh mục nói riêng và cho Hội Thánh nói chung.

Vì thế, hình ảnh linh mục, nhà truyền giáo, cũng đang được làm mới lại. Bằng cách nhấn mạnh việc truyền giáo không phải chỉ là rao giảng, mà chủ yếu là chia sẻ Tin Mừng bằng các việc làm và chính cuộc sống. Cụ thể là, qua cách sống, linh mục trở thành dấu chỉ sống động của Thiên Chúa, giàu tình yêu thương xót. Và qua việc đồng hành với dân tộc, linh mục trở nên dụng cụ đoàn kết giữa các con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa. Chia sẻ Tin Mừng kiểu đó đòi hỏi linh mục phải có rất nhiều chất người, nhưng lại phải đặc biệt thuộc về Thiên Chúa, với một tự do nội tâm vững mạnh nhờ biết phấn đấu, không để mình bị khống chế bởi tính hư thói xấu, tội lỗi, và các thành kiến hẹp hòi, và nhờ biết cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần. Ðó cũng là một thách đố lớn cho linh mục.

 Những hình ảnh mới đang gây ấn tượng mạnh

Linh mục, người mục tử tốt lành (GA 10,11; LG 28; PO 6) có đặc điểm là yêu thương đoàn chiên đến hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Ðoàn chiên nói đây được hiểu rất rộng. Ðó là hình ảnh rất đẹp, có sức thuyết phục, dễ gây xúc động và giàu giá trị quy tụ.

Tình yêu chấp nhận hy sinh được thực hiện hằng ngày bằng đời sống phục vụ. Phục vụ là thăng tiến từng người, để họ càng ngày càng nên người hơn. Phục vụ là xây dựng từng cộng đoàn thành những cộng đoàn huynh đệ nối kết với nhau bằng dây bác ái, sống chan hoà tình thương và chân lý. Phục vụ là góp phần lành mạnh hoá các lĩnh vực xã hội và các liên đới giữa những con người. Phục vụ là đáp ứng những nhu cầu tâm linh chính đáng của con người. Phục vụ là đánh thức những tiềm năng tốt nơi con người, biết tỉnh thức để cảnh báo trước những nguy cơ tha hoá con người và xã hội. Còn bao việc khác nữa.

Phục vụ hằng ngày như thế đòi phải hy sinh nhiều lắm, đặc biệt đòi phải từ bỏ cái tôi trung tâm, để biết sống tinh thần vị tha quảng đại. Chính vì thế mà hình ảnh linh mục người mục tử tốt lành, đã kéo được nhiều chú ý. Không những người Công giáo quý mến, mà nhiều người không Công giáo cũng trọng nể.

Linh mục, chứng nhân về sự phục sinh qua thử thách của thánh giá (x. Lc 24,47-48; Cv 1,8). Ðây cũng là một hình ảnh linh mục đang được mộ mến. Linh mục làm chứng cho sự phục sinh, không phải căn cứ vào những gì mình đã họcï, đã đọc, đã biết, mà căn cứ vào những gì mình đã trải qua và đã cảm nghiệm.

Ngài làm chứng bằng tác phong. Chẳng hạn bằng một cách tỏ lộ tâm tình khiêm tốn ca ngợi Thiên Chúa đã bao lần làm cho chính bản thân linh mục được sống lại một cách thiêng liêng. Và chẳng hạn bằng một thái độ sống chan hoà tình xót thương đối với những người cần được sống lại nhưng chưa sống lại được. Và chẳng hạn một lối sống có kỷ luật và cầu tiến, luôn biết vượt qua cái không tốt, để vươn tới cái tốt, và cái tốt hơn.

Ngài làm chứng bằng khả năng. Chẳng hạn khả năng sám hối, biết nhìn nhận lỗi lầm thiếu sót, có thiện chí sửa mình. Và chẳng hạn khả năng khám phá được những mầm mống phục sinh trong những con người coi như đã chết về mặt thiêng liêng. Và chẳng hạn khả năng dùng sự tốt để đẩy lùi sự xấu. Và chẳng hạn khả năng sống Tám Mối phúc, khơi tìm được hạnh phúc ngay trong những khổ đau. Và chẳng hạn khả năng nhận ra những nẻo đường, mà Chúa đang dùng, để đem ơn phục sinh đến cho nhân loại hôm nay.

Ngài làm chứng bằng nhân đức. Chẳng hạn nhân đức khiêm nhường, trở nên bé nhỏ, để có thể đón nhận được ơn phục sinh. Và chẳng hạn nhân đức nhẫn nại, biết kiên trì tin tưởng chờ đợi sự sống lại ngay trong những tình huống u ám nhất. Và chẳng hạn đức ái, biết lấy yêu thương để thắng hận thù, lấy bao dung để quy tụ rộng rãi.

Ngài làm chứng bằng định hướng. Chẳng hạn chọn cho mình con đường phục vụ như người đầy tớ, mà theo Kinh Thánh kể lại, chính Ðức Kitô đã chọn, để đi tới phục sinh. Và chẳng hạn chọn cho mình con đường truyền thống Phúc Âm với những sáng tạo dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, để đồng hành với Ðức Kitô Ðấng cứu độ, trong lịch sử hôm nay đầy chuyển biến, hầu đưa nhân loại tới phục sinh, theo mô hình hợp ý Chúa Cha.

ù

Bốn hình ảnh linh mục trên đây được công nhận là đẹp. Vẻ đẹp này do những giá trị thiêng liêng, trong đó có tình yêu phục vụ cho dù phải hy sinh. Thiết tưởng linh mục sẽ chẳng còn là gì, nếu thiếu tình yêu quảng đại bao dung chân thành, nếu không phục vụ nhiệt tình vị tha, nếu không chấp nhận khiêm tốn hy sinh, từ bỏ chính mình. Nơi linh mục, chiều kích thiêng liêng là hết sức quan trọng. Chiều kích này được xây dựng nhờ thường xuyên trở về với Chúa để được chia sẻ sự sống của Ngài, thường xuyên trở về với con người để chia sẻ cho con người những Tin Mừng cứu độ bằng ngôn ngữ của con người, và thường xuyên phấn đấu với chính mình để trở nên con người mới với những giá trị mới.

Với những suy nghĩ trên đây, tôi mong các cuộc lễ có liên quan đến việc mừng chức linh mục sẽ được tổ chức hợp lý và hợp hoàn cảnh. Tránh mọi nội dung và hình thức xa lạ với Phúc Âm. Tránh những thói quen phô trương, gây tổn phí, và gây ảo tưởng về uy tín linh mục và vinh quang Hội Thánh, làm cớ cho người ta có một cái nhìn tục hoá về chức linh mục và Hội Thánh. Nhất là hiện nay lại đang xuất hiện trong dư luận nhiều nơi những hình ảnh đáng buồn về các loại linh mục tha hoá.

Hãy thuộc về Ðức Kitô một cách đích thực hơn, bằng cách cố gắng thực hiện nghiêm túc lời Ngài đã dạy, và cố gắng sống theo gương Ngài để lại.

Có như thế, chúng ta mới góp phần làm mới lại Hội Thánh, và đi đúng đường dẫn tới mục đích Năm Thánh 2000.

Long Xuyên, ngày 6/7/1997