Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Vấn đề môi trường

Từ xa xưa, con người tiền sử đã lặng lẽ thiết lập những liên hệ mật thiết với môi trường. Ðối với họ, sống là sống trong môi trường, sống với môi trường, sống nhờ môi trường, sống từ môi trường.

Cũng từ rất xa xưa, nhiều nhà tư tưởng đã nghiên cứu môi trường, rút ra từ đó những nhận định về các nguyên lý cho nhân sinh quan và vũ trụ quan. Như thuyết Ngũ Hành: Kim mộc thuỷ hoả thổ, thuyết Âm dương.

Cũng từ lâu rồi, nhiều vị thánh đã gắn liền môi trường với đời sống thiêng liêng. Thánh Bênađô coi trái đất như một cuốn sách mở, để mọi người có thể đọc được sự khôn ngoan của Thiên Chúa (De Diversis, 9,1). Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, thánh nhân tiết lộ đã học được nhiều điều hay ho ở các núi đồi, rừng rú (Epistoloe, 106,2). Thánh Tômasô tạ ơn Thiên Chúa đã trao cho loài người hai cuốn sách quý: Một là Kinh Thánh, hai là thiên nhiên (Oeuvres, Éd. Vives, t.29). Thánh Phanxicô Assisi, bổn mạng của môi trường, đã rất thoải mái hát khen Thiên Chúa qua mọi tạo vật, từ mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cho đến chim chóc, cá mú, cây cỏ, hoa màu (Oeuvres latines, Albin Michel, 1959). Thánh Inhagiô tìm Chúa, mến Chúa, phụng sự Chúa trong tất cả mọi loài, mọi sự (Ad amorem). Những cái nhìn trên đây đầy vẻ thanh thản, mở ra một lối sống nội tâm thanh thoát, liên kết hài hoà với thiên nhiên, coi môi trường là một kho báu không những về mặt vật chất, mà cũng về mặt thiêng liêng.

Nhưng khi kho báu thiên nhiên bị lạm dụng, vấn đề môi trường đã bùng nổ dưới nhiều hình thức khác nhau.

 Bùng nổ vấn đề môi trường

Trước hết dưới hình thức khoa học. Môi trường học dần dần chiếm một vị trí cao trong nhiều đại học. Ngành này đòi phải có kiến thức của nhiều môn khoa như sinh-lý-hoá, địa. Mục tiêu môi-trường-học là nghiên cứu các tương quan qua lại giữa các vật sống và thiên nhiên xung quanh. Chẳng hạn, trong một vùng nhất định, biển, sông, núi rừng, đất đai, thời tiết đã ảnh hưởng thế nào đến các loại cây, hoa trái, mùa màng, đến các loại gia súc, chim chóc, côn trùng, đến sức khoẻ, tính tình, văn hoá con người. Và cũng trong vùng đó, các liên hệ giữa người với người, và giữa các thành viên của thiên nhiên với nhau đã biến đổi thế nào qua những tác động tương trợ hoặc đối kháng của nhau.

Bên cạnh hình thức khoa học, môi trường nổi lên mạnh mẽ dưới hình thức phong trào. Phong trào môi trường là một phản ứng trước làn sóng phát triển kỹ nghệ nói riêng và phát triển cuộc sống nói chung bất chấp môi trường. Môi trường bị xuống cấp trầm trọng. Mà môi trường, như bầu khí, giòng nước, đường sá là của chung mọi người. Kẻ tàn phá, hoặc làm ô nhiễm những mảnh môi trường đó, là phạm tới quyền lợi chung, là lỗi công bình bác ái. Vì thế, mục tiêu phong trào môi trường là cải cách xã hội trên bình diện môi trường bằng một hệ thống xử lý môi trường sao cho hợp lý.

Phong trào môi trường chia thành nhiều ngành, như xã hội môi trường, triết học môi trường, đạo đức môi trường, chính trị môi trường. Tại vài nước Âu châu, các thành viên phong trào môi trường qui tụ lại thành một đảng chính trị, để dễ đấu tranh. Có những chính phủ đã thiết lập Bộ Môi trường, đứng đầu là một bộ trưởng, hay một quốc vụ khanh.

Phong trào môi trường đã mau chóng lan rộng khắp thế giới. Về môi trường, đã có những hội nghị toàn quốc, toàn khu vực, toàn thế giới.

Càng ngày vấn đề môi trường càng trở thành quan trọng. Ðến nỗi một tác giả về môi trường mới đây đã nêu lên câu hỏi: Phải chăng bảo vệ môi trường có thể sẽ là một thứ tôn giáo mới của các xã hội văn minh?. Bởi vì vấn đề môi trường đang gợi lên những hiện tượng về tín ngưỡng, về những nghi thức phượng tự, về những cảm nghiệm thần bí (Danièle Hervieux-Léger, Religion et Ecologie, Cerf, 1993). Thực tế sau này sẽ trả lời. Còn hiện nay có một điều chắc chắn thấy được, đó là các tôn giáo đang quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường. Cái nhìn của mỗi tôn giáo đều phát xuất từ niềm tin tôn giáo của mình.

 Ðức tin và môi trường

Thực vậy, Hội đồng đại kết các Giáo Hội từ hơn 10 năm nay đã nhân danh đức tin đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường.

Ðại hội đại kết lần thứ 6 tại Vancouver 1983 đã kêu gọi các tín hữu mọi tôn giáo hãy cùng nhau dấn thân bảo vệ môi trường vì 3 lý do sau đây: Một là để bảo vệ công bình, hai là để xây dựng nền hoà bình, ba là để tôn trọng công trình của Tạo Hoá. Ba lý do đó ràng buộc với nhau. Tàn phá môi trường là không tôn trọng công trình của Tạo Hoá, gây nên bất công đối với người khác, và tạo nên nguy cơ bất hoà, bất ổn trong xã hội.

Ðại hội đại kết các Giáo hội Âu châu tại Basel 1989 kêu gọi các nước kỹ nghệ xem xét lại những cách phát triển kinh tế có hại đến môi trường, nhất là trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách ích kỷ, sử dụng năng lượng một cách xa xỉ, xử lý các chất phế thải một cách vô trách nhiệm.

Ðại hội đại kết các Giáo hội tại Séoul 1990 đã đưa ra những tuyên ngôn cam kết mạnh mẽ bảo vệ môi trường. Tuyên ngôn dựa trên niềm tin tôn giáo. Tuyên ngôn nhấn mạnh: Môi trường thiên nhiên là công trình của Tạo Hoá, mọi người đều có trách nhiệm kính trọng và bảo vệ công trình đó.

Cũng trong chiều hướng của một niềm tin như thế, tác giả Eilen P. Flynn đã có sáng kiến đưa ra 10 điều răn về môi trường. Có 4 điều “Ðừng làm”, và có 5 điều “Hãy làm”. Thí dụ: bạn đừng đối xử độc ác với các giống vật, đừng làm ô nhiễm không khí, đất đai, nguồn nước. Bạn hãy đơn giản hoá đời sống bạn bằng cách sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (Flynn, Elien P., Environmental Responsibility, Sheed and Ward, 1991).

 Ðạo đức và môi trường

Trước vấn đề môi trường, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng. Như trong Sollicitudo rei socialis, 1987 và Centesimus annus 1991. Ðặc biệt trong Sứ điệp hoà bình ngày đầu năm 1990. Trong sứ điệp này, Ðức Thánh Cha nhìn nhận những tổn thất gây nên do sử dụng vô lý các tài nguyên thiên nhiên thực là quá lớn. Khó có thể khắc phục được. Theo Ngài, tình trạng môi rường suy thoái là một trong những khủng hoảng lớn nhất của thời nay. Ngài quả quyết nguồn gốc tình trạng suy thoái môi trường là sự suy thoái đời sống đạo đức. Ngài nói: “Xã hội hiện tại sẽ không tìm được giải pháp cho vấn đề môi trường, bao lâu không xem xét lại lối sống của mình. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta đang lao mình vào lối sống lạc thú và hưởng thụ, dửng dưng với biết bao thiệt hại mình gây nên cho kẻ khác”. Ðức Thánh Cha xác định: “Mức độ nghiêm trọng của vấn đề môi trường phản ánh mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng luân lý”.

Cũng trong nhận thức về mối liên hệ mật thiết giữa môi trường với cuộc sống nói chung và với đạo đức nói riêng, Ðại hội các Hội Ðồng Giám Mục Á châu tại Manila đầu năm 1995 này đã đề cập nhiều lần đến vấn đề môi trường tại Á châu, như các sự kiện phá rừng, ô nhiễm bầu khí và các nguồn nước, hiện tượng du lịch với các chứng bệnh truyền nhiễm, cảnh dân nghèo sống chui rúc trong những nơi thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu vv...

Ðọc qua các tài liệu của Ðại hội trên và mấy cuốn sách về môi trường, đặc biệt là cuốn Religion et Ecologie của Danièle Hervieux-Léger, và cuốn Introduction à l'Environnement của André Beauchamp, tôi có cảm tưởng là nhiều nhà nghiên cứu đã rất thán phục các tôn giáo truyền thống môi trường tại Á châu, nhất là Phật giáo, ở chỗ các tôn giáo này có một lối sống đạo đức hài hoà với thiên nhiên, hơn nữa còn biết sử dụng môi trường thiên nhiên như một trường dạy tu đức, luyện đức.

ù

Dù muốn dù không, thời nay là thời điểm của vấn đề môi trường. Môi trường ảnh hưởng đến đạo đức, và đạo đức ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, kẻ lo đạo đức không thể không để ý đến yếu tố môi trường. Cũng thế, kẻ lo môi trường không nên quên yếu tố đạo đức. Từ nhận định trên, mỗi người hãy tự liệu cho mình một lối sống, sao cho việc sử dụng môi trường của mình được hợp đạo đức, giúp rèn luyện đạo đức, và sao cho các việc đạo đức của mình có thể cải thiện môi trường, góp phần vào việc xây dựng một cộng đoàn văn minh hài hoà, có khả năng tiên báo cho Nước Trời đang đến.

Riêng những nơi dành cho việc thờ phượng, như đền thờ, thánh đường, càng cần thực hiện nhận định trên một cách có hiệu quả nhất. Một thánh đường tuy nhỏ, nhưng có một môi trường trong ngoài tươi mát, thinh lặng, sạch sẽ, trang trọng, thường giúp cho người ta đi vào nội tâm, dễ lắng nghe tiếng Chúa, dễ gặp gỡ Chúa, hơn một thánh đường lớn, mà thiếu môi trường thích hợp.

Long Xuyên, tháng 7/1995