Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Từ cơn bão số 5 đến hang đá Bêlem

Trong hai tháng nay, tôi sống với những thời sự của cơn bão số 5. Tới Kiên Giang, tôi đã nghe, đã thấy và đã sống phần nào biến cố hãi hùng.

Thấy thì hơn là nghe. Nhưng thấy vẫn không bằng sống với biến cố. Biến cố bão số 5 đã làm nhiều người khốn khổ. Những người quá khổ thường ít nói. Họ đã mất mát quá nhiều. Họ như sợ, nếu nói nhiều, sẽ lại mất thêm cả niềm tin. Vì thế, mọi hình thức chia sẻ với họ, nếu thiếu tế nhị, sẽ là lạc lõng, đôi khi trở thành xúc phạm.

Cơn bão số 5 là một chuyển biến quá đột ngột. Chuyển biến thời tiết này đã gây nên một chuyển biến tâm lý cũng rất đột ngột. Chuyển biến tâm lý nói đây là những người vùng này nay đồng loạt đánh giá mọi người bằng một tiêu chuẩn rất bình dân, đó là tấm lòng tốt.

Theo địa phương tôi bây giờ, người làm chính trị tốt là người có lương tâm tốt, thực sự quan tâm đến các người cùng khổ với tấm lòng nhân ái. Người sống tôn giáo tốt là người có thiện tâm, nhạy cảm trước những khổ đau của người khác, và mau lẹ cứu giúp những người cơ cực. Người hoạt động văn hoá tốt là người có thực tâm, biết suy nghĩ đúng sự thực, biết nói đúng sự thực, biết làm đúng sự thực, sự thực nói đây là chu toàn tốt trách nhiệm liên đới, phải cho sự thực đó chính là sự thiện. Người có giáo dục tốt là người có từ tâm, biết thương người như thể thương thân.

Xem ra mọi con mắt đều tập trung vào cái tâm. Những cái tâm loé sáng sự thiện. Những cái tâm ngạt ngào nhân ái. Những cái tâm rạng rỡ tính chất anh hùng.

Một người đàn ông được cứu từ biển cả kinh hoàng, đã kể lại: Khi tàu bị vỡ, ông và một thanh niên nhỏ tuổi cùng bám vào một cái phao. Hai người đều là nhân viên của tàu, mới biết nhau nhưng chưa quen nhau. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng cao gió lớn, ông cảm thấy đuối, mà phao thì mong manh. Bỗng người thanh niên hỏi thăm ông về gia cảnh. Ông cho biết ông còn vợ và bốn con nhỏ. Không ngần ngại, người thanh niên nói: “Bác phải sống để nuôi vợ con. Cháu chưa lập gia đình”. Nói xong, anh buông tay, nhường chiếc phao cho ông. Ðược cứu vào bờ, ông đi tìm xác người thanh niên. Ðối với ông, người thanh niên là là một đại ân nhân, một đại anh hùng vẫn sống mãi trong gia đình ông.

Sau cơn bão, nhiều bà vợ trở thành goá bụa. Mất chồng là mất lao động chính, điểm tựa của gia đình. Trước tương lai nhạt nhoà, các bà đã tỏ ra rất can đảm với bổn phận người mẹ, dù biết rằng phải lận đận long đong. Một bà, sau ngày chôn xác chồng, đã bước vào ngày sinh con. Nhà quá nghèo, lại đông con, hàng xóm khuyên bà cho đi đứa bé mới sinh. Nhưng bà không chịu, cương quyết sẽ tần tảo nuôi con. Ðặt tên cho đứa bé là Danh Bão, bà quyết tâm sẽ chăm sóc nó, hy vọng qua nó, người chồng quá cố sẽ là gốc rễ trổ cành xanh tươi, nở hoa sinh trái. Ðẹp thay những tấm lòng bà mẹ Việt Nam.

Cơn bão đã đánh thức từng triệu lương tâm. Ngay từ ngày đầu và cho đến hôm nay, biết bao người trong nước cũng như ngoài nước đã gởi tặng phẩm để cứu trợ các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp. Của cải gởi tới họ thiết tưởng chẳng thấm vào đâu đối với những gì họ đã mất. Nhưng cái lợi thấy được và đáng suy nghĩ nhất chính là những tấm lòng tốt được khám phá và được nhân lên. Có rất nhiều thiện tâm, hảo tâm, thành tâm, từ tâm, thực tâm.

Có những tấm lòng tốt như tự phát hướng về sự thiện, như tự nhiên khao khát sự thiện, như tự động làm việc từ thiện, như tự ý chọn lựa điều thiện. Họ coi việc phục vụ cứu giúp người khác chính là một chân lý căn bản của ơn gọi làm người, một sự thiện nền tảng của đạo làm người, một vẻ đẹp quý giá của con người, một ý nghĩa cao cả của đời người.

Ðang khi đó, cũng trong thời gian này, các phương tiện truyền thông đã phổ biến rộng rãi một nhận xét can đảm của Quốc Hội, đó là năm nay tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong nước tăng cao một cách trầm trọng.

Như thế là bên cạnh những tấm lòng tốt vẫn còn nhiều những tấm lòng xấu, những ác tâm, những tà tâm, những xảo tâm. Cùng với cơn bão số 5 tàn phá người và của, đã và đang có những cơn bão vô hình tàn phá nền đạo đức Dân Tộc.

Sẽ không đúng với thực tế, nếu nói rằng: Những cơn bão sự ác đó đã không đủ để làm rung chuyển nền đạo đức Dân Tộc, chỉ bởi vì trên nguyên tắc nền đạo đức này là kết tinh bởi tinh thần cộng đồng truyền thống của Dân Tộc, cộng thêm tinh hoa của nhiều hệ tư tưởng văn hoá và của các tôn giáo lớn.

Sẽ là ảo tưởng, nếu tin rằng: Các cơn bão sự ác đó sẽ được chặn lại, nhờ tăng cường hệ thống pháp luật.

Sẽ là quá ngây thơ, nếu tưởng rằng: Các cơn bão sự ác đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế, việc bảo vệ nền độc lập và việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Vấn đề cốt lõi là lương tâm. Quyền lực sự thiện và quyền lực sự ác giao tranh thường xuyên trong lương tâm từng người. Nếu có một sức thiêng đi sâu được vào trong đó và được đón nhận, thì lương tâm sẽ sáng suốt, sẽ mạnh, để chọn lựa sự thiện, đẩy lùi sự ác, và ngay bây giờ sẽ giúp cho việc phân phối cứu trợ và khắc phục hậu quả cơn bão được công bình và nhanh chóng.

Theo hướng suy nghĩ trên, tôi nhìn vào hang đá Bêlem. Tại đây, tôi gặp được Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Qua việc nhập thể, Ngài đã vượt qua vực thẳm những phân cách, để xuống với nhân loại. Không phải để chinh phục, nhưng để chia sẻ và phục vụ. Qua việc nhập thể, Ngài đã hoà mình vào nhân loại, để đồng hành một cách đặc biệt với những thân phận khốn cùng. Gặp được Ngài là gặp được một Tình yêu cứu độ, một Tình yêu đem sự thiện vào tâm hồn, đi vào nội tâm, có sức đổi mới lương tâm làm cho nó nên thiện tâm. Những ai đã gặp được Ngài, biết đón nhận Ngài, và cộng tác với Ngài chắc đã cảm nghiệm được thấm thía lời ca thiên thần trong đêm Noel:

 Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
 Bình an dưới thế cho người thiện tâm
.

Long Xuyên, tháng 12/1997