Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Kiêu căng tôn giáo và khiêm nhường Phúc Âm

Kiêu căng tôn giáo”, đó là một điều phải tránh. Ðức Hồng Y Saldarini đã nhẹ nhàng nhắc tới vấn đề này trong một bài giảng tuần tĩnh tâm mùa Chay dành cho giáo triều Vatican (Vivre c'est le Christ, Desclée de Brouwer, 1996, trang 83).

Kiêu căng tôn giáo đã là một hiện tượng tôn giáo-xã hội-chính trị rất nổi một thời xa xưa. Ðức Kitô đã đề cập tới hiện tượng này tại quê hương Ngài, khi nói về giới Biệt phái (x. Mt 23).

Khởi đi từ khẳng định: “Chỉ một tôn giáo chúng tôi là duy nhất đúng và duy nhất thánh thiện”, nhiều người không ngần ngại đi tới khẳng định: “Chỉ chúng tôi mới là những người thực sự đạo đức”.

Phát xuất từ những khẳng định dữ dội đó, một số người đã đi xa hơn. Họ khinh khi, hạ giá những ai không cùng tôn giáo với mình, hoặc không cùng quan điểm tôn giáo như mình.

Họ cho rằng những chủ trương như thế là đúng, và các thái độ hành động như vậy là đạo đức. Những phán đoán ấy dựa trên một niềm tin nào đó, chứ thực tế đâu có đơn giản như vậy. Người tốt việc tốt đâu chỉ tìm được trong biên giới nhất định của một tôn giáo, của một giới, của một nhóm, của một địa phương.

Khi kiêu căng tôn giáo trở thành não trạng tập thể trong một xã hội nào, thì xã hội đó có nguy cơ bị chia rẽ, chính tôn giáo đó cũng tự gây ra nguy cơ bị tha hoá một cách thảm hại. Bởi vì, lúc đó, tôn giáo sẽ thiếu một điều kiện quan trọng để được chấp nhận, để có thể phát triển. Ðiều kiện đó là khiêm nhường.

 Cần khiêm nhường để đi theo Ðức Kitô

Trong Phúc Âm, Ðức Chúa Giêsu Kitô đã rất nhấn mạnh đến khiêm nhường. Ngài giảng nhiều về khiêm nhường. Nhất là Ngài nêu gương sáng về khiêm nhường.

Máng cỏ tại hang đá Belem, thánh giá trên núi Sọ, đó là những chỗ rốt hết mà Ðức Kitô đã chọn. Ngài đã sống trong thân phận kẻ yếu hèn, kẻ khốn cùng, kẻ bị chối từ, kẻ bị thương tích về danh dự, kẻ phục vụ đến hy sinh mạng sống. Ngài chọn cuộc sống như thế, để có thể gần gũi với những người khổ đau yếu hèn, và để làm chứng cho tình yêu thương xót.

Với lời giảng và gương sáng, Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta hãy học với Ngài đức hiền lành khiêm tốn. Nhưng xem ra phần đông chúng ta chỉ để ý đến việc tin kính Ngài, chứ không để ý đến việc bắt chước Ngài. Thậm chí nhiều người chưa hề đã coi đức khiêm nhường là một yếu tố quan trọng để có thể đón nhận ơn Chúa, Ðấng chỉ ban ơn cho những người khiêm tốn, và chống lại những kẻ kiêu căng tự phụ. Thực là đau xót, khi không còn tìm được dung mạo Chúa Giêsu Kitô hiền lành và khiêm nhường trong những cách mà nhiều nơi đang dùng để rao giảng và làm chứng cho Ngài, Ðấng cứu chuộc và chính là Tin Mừng.

Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Nếu trên thực tế, cho dù bản thân chúng ta nói riêng và các cộng đoàn tôn giáo chúng ta nói chung có quan tâm nhiều đến đức tin, đức cậy, đức mến và đủ mọi nhân đức khác, nhưng lại bỏ quên đức khiêm nhường, thì toà nhà nhân đức của chúng ta sớm muộn sẽ bị sụp đổ.

Khiêm nhường và bác ái thương xót là những dấu chỉ chắc chắn của người môn đệ Ðức Kitô, Ðấng phục vụ một cách khiêm nhường và đầy tình thương xót. Cũng như kiêu căng và ghen ghét là hơi thở của quyền lực Satan, kẻ đã mất khả năng khiêm tốn và bác ái xót thương, chỉ còn kiêu ngạo và ghen ghét như bản chất riêng của mình.

Thời nào, khiêm tốn cũng là một yếu tố quan trọng để diễn tả vẻ đẹp nhân bản, giá trị nhân cách và sức mạnh nội tâm của những người tin theo Ðức Kitô, Ðấng đã khiêm tốn chọn mầu nhiệm thánh giá để giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi và để dẫn con người vào ánh sáng phục sinh.

 Khiêm nhường để tồn tại và phát triển

Thời nay, chỗ nào rồi cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sức mạnh toàn-cầu-hoá. Vì thế, đồng bào ta dù ở chỗ nào, cũng sẽ nhìn thế giới như một thứ siêu thị lớn, nơi trưng bày đủ mọi thứ giá trị, kể cả các giá trị của tôn giáo này, tôn giáo nọ. Trong tình hình như vậy, nếu chúng ta khiêm tốn lắng nghe, quan sát, theo dõi, để biết người biết ta, để học những cái hay mới, tìm ra những cách mới để trình bày đức tin, thì đạo ta sẽ được trân trọng, chấp nhận và phát triển.

Thời nay, lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng chuyển biến rất mau lẹ, hầu như từng ngày. Lịch sử đi về tương lai như con tàu siêu tốc. Nếu chúng ta khiêm tốn bước lên con tàu nhân loại và dân tộc, cho dù nó chưa vừa ý chúng ta, để đồng hành, để làm chứng cho Tin Mừng, thì Chúa sẽ ở bên chúng ta và sẽ giúp chúng ta. Còn nếu chúng ta kiêu căng, không thèm đi lên con tàu đó, cứ đợi chờ một con tàu mà chúng ta cho là lý tưởng, thì sợ rằng chúng ta sẽ mất đi quá nhiều thời giờ. Con tàu lý tưởng mà ta đợi chỉ là con tàu hoang tưởng. Chúng ta sẽ lỡ tàu.

Thời nay, thị trường tự do biến cuộc sống nhân loại và dân tộc thành một thứ sân banh. Phải cạnh tranh, phải so tài, phải đọ sức, trước con mắt từng triệu người chứng kiến. Nếu chúng ta không đủ khiêm tốn rèn luyện chính mình và nhân sự của mình đúng cung cách, và không đủ khiêm tốn để đổi thay đúng lúc, chúng ta sẽ bị loại trừ.

 Cần khiêm nhường để thích nghi với tương lai

Mới rồi, khi phân định thời sự mục vụ và truyền giáo cho Hội Thánh tương lai, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Ðức Tin, đã rất khiêm tốn. Ngài có vẻ khuyên mọi người trong Hội Thánh hãy khiêm tốn trước những thực tại mới (xem Le sel de la terre, Flammarion, Cerf, 1997).

Theo Ngài, Hội Thánh tương lai nên ý thức mình là Hội Thánh của những thiểu số, nên mềm dẻo để có thể chấp nhận nhiều đổi thay về tư tưởng và luật lệ sẽ xảy ra trong xã hội (tr. 214); phải coi tính khách quan, tính lương thiện và tính chân thật là những nhân đức rất quan trọng (tr. 215); phải biết chấp nhận tình trạng đa văn hoá trong nội bộ (tr. 252); nên sẵn sàng coi những khám phá mới của thần học là việc có thể xảy ra (tr. 248); cần nghĩ đến cách rao giảng mới, đó là người rao giảng vừa là người của Phúc Âm vừa là người của thời đại mình đang sống, nên đơn giản hơn và cần có nội tâm hơn (tr. 251); Hội Thánh nên tự tổ chức một cách khiêm tốn hơn (tr. 246). Ngài quả quyết một cách xác tín một điều mà Ngài coi là căn bản nhất, đó là ý Chúa muốn Hội Thánh hãy yêu mến. Ý Chúa chỉ đơn giản là: Chúng ta trở thành những con người yêu mến, có khả năng yêu mến và có can đảm yêu mến như Ðức Kitô. Sau cùng, lịch sử chỉ là sự đối đầu giữa tình yêu thương xót và ghen ghét hận thù. Chúng ta phải dám nói “” với tình yêu thương xót, và dám nói “không” với ghen ghét hận thù. Lịch sử đó ở trong chính bản thân chúng ta, trong Hội Thánh chúng ta, trong dân tộc chúng ta, trong thế giới chúng ta (tr. 274).

Phân định trên đây chỉ có thể được chúng ta đón nhận, nếu lòng chúng ta thực sự khiêm nhường. Từ đó, sự khiêm nhường vẫn còn rất cần cho chúng ta trong các việc tiếp theo, như: Khiêm nhường trong nhận thức về mình, về cộng đoàn của mình. Khiêm nhường trong phán đoán về người khác. Khiêm nhường trong việc cởi gỡ những thành kiến sai trái. Khiêm nhường trong việc đổi mới lại các cách nhìn và đánh giá. Khiêm nhường trong việc để những kiến thức thông thái của thần học đứng sau sự khôn ngoan của thánh giá. Khiêm nhường để những lo lắng về lợi ích tư riêng của mình và của cộng đoàn nhường bước cho những thao thức về Hội Thánh và Nước Trời. Khiêm nhường để đón nhận Tin Mừng từ những kẻ nghèo hèn, bé mọn. Khiêm nhường trong việc chọn những phương án nhỏ, những phương tiện nghèo. Khiêm nhường trong cầu nguyện thinh lặng và chiêm niệm âm thầm.

ù

Tôi vẫn thường suy gẫm lời sau đây của thánh Phaolô: “Chính khi tôi yếu lại là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Những kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo của tôi giúp tôi cảm nghiệm lời đó như một chân lý ngọt ngào. Ðến nỗi nhiều khi tôi đã nghĩ rằng: Chỉ còn sự yếu đuối mới là sức mạnh của tôi, và yếu đuối có thể coi như một cơ may, một ân huệ.

Ðúng là như thế. Vì nhiều lý do. Ở đây chỉ xin nêu ra một lý do này: Yếu đuối giúp khiêm nhường.

Thực vậy, nó giúp người thiện chí biết nương tựa nơi Chúa. Nó giúp họ biết cần đến sự đỡ nâng của những người khác. Nó giúp họ biết thông cảm và sống liên đới với những ai bị thương tích do những yếu đuối của mình. Nó giúp họ biết trân trọng bất cứ sự gì tốt lớn nhỏ mà Chúa, Hội Thánh và xã hội làm cho họ là những người bất xứng. Nó giúp họ thanh luyện mình. Nó giúp họ, trong những xung đột nội tâm, biết bắt chước Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con nhưng xin theo ý Cha mọi đàng” (Mt 26,39). Nó giúp họ, trong những năm dài tăm tối đầy thử thách, biết cùng với Chúa Giêsu trên thánh giá, không ngừng cầu nguyện cho những người yếu đuối: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Nó giúp họ, từng giờ từng ngày, với ý thức mình yếu đuối, luôn nhìn về Chúa là Cha, để nói với Cha: “Trong tay Cha con xin phó dâng linh hồn con” (Lc 23,46).

Yếu đuối là một sự thực gần gũi nhất. Nhìn nhận sự thực đó chỉ là tôn trọng sự thực. Nếu gọi đó là khiêm nhường, thì cũng có thể coi đó là một tinh thần đơn sơ, dũng cảm mà Chúa muốn nơi người môn đệ Chúa. Và như thế chính là chân lý, là tinh thần lạc quan, là sức mạnh, là sự sống, là phục sinh đến từ Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ của chúng ta.

Long Xuyên, tháng 11/1997