Bước lại gần Ðức Kitô
Ngày lễ Sinh nhật cũng như những ngày đầu năm, rất nhiều người đã nghĩ đến Ðức Kitô, rất nhiều người đã nói về Ðức Kitô, rất nhiều người đã trưng bày ảnh tượng Ðức Kitô. Những hiện tượng đơn giản này được coi là những bước đầu của hành trình đi gặp gỡ Ðức Kitô.
Những bước đầu này, tuy nhỏ, nhưng vẫn mang lại cho chúng ta một vài cảm nghiệm thiêng liêng về Ðức Kitô. Qua những cảm nghiệm này, Chúa kêu gọi chúng ta hãy bước thêm nữa, để tới một sự gặp gỡ sống động hơn và thân mật hơn với Ðức Kitô. Bước thêm nữa bằng cách nào?
Thưa trước hết bằng cái nhìn trung thực về Ðức Kitô. Người chính là Thiên Chúa đã giáng trần để gần gũi với thân phận con người, và để cứu độ chúng ta. Người là Ðấng cứu thế (x. Mt 1,21). Người đến cho người tội lỗi (x. Lc 5,32). Người đến cho những gì đã hư mất (x. Mt 9,12). Người là Ðấng gánh lấy các yếu đuối và tật nguyền của chúng ta (x. Mc 17). Người là Ðấng xoá tội trần gian (x. Ga 1,29).
Một khi đã nhìn Ðức Kitô là Ðấng cứu thế, chúng ta sẽ hiểu chúng ta phải bước tới Người với tư cách nào. Tất nhiên với tư cách kẻ nghèo nàn, yếu đuối, tội lỗi rất cần được cứu độ. Và thực sự chúng ta là như vậy. Vì thế, chúng ta bước lại gần Ðức Kitô còn bằng sự nhìn nhận chân thành về chính mình.
“Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). “Con là người tội lỗi bần tiện” (1Tim 1,15). “Con không đáng gọi là tông đồ Chúa” (1Cor 15,9). “Con đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót” (kinh Cáo mình).
Từ sự nhìn nhận trung thực và chân thành như trên, chúng ta tiếp tục bước thêm nữa bằng việc cầu nguyện sám hối, tin tưởng và tạ ơn.
“Lạy Cha, con đã phạm tội đối với Trời và đối với Cha” (Lc 15,18,2). “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành con” (Lc 5,12). “Con có thể làm được tất cả trong Ðấng là sức mạnh của con” (Pl 4,13). “Linh hồn con chúc tụng Chúa” (Lc 1,46).
Cùng với những việc trên, chúng ta còn bước đến Chúa bằng sự khiêm tốn chu toàn bổn phận thường ngày, đặc biệt là bổn phận công bình bác ái đối với mọi người, như lời Ðức Kitô đã dạy và theo gương Người đã sống. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,34). “Ðừng kết án, để khỏi bị kết án” (Mt 7,1). “Hãy nhân từ khoan dung như Cha các con ở trên trời” (Lc 6,36). Xót thương giúp đỡ những kẻ khó nghèo cùng khổ là phục vụ chính Chúa. Người yêu thương đến hy sinh mạng sống mình (x. Ga 10,10). Yêu thương đến cùng (x. Ga 13,1).
Như vậy, mọi cảnh đời, dù nghèo nàn, tội lỗi đều có thể trở thành những dịp thuận lợi, giúp chúng ta bước gần đến Ðức Kitô. Xem ra chỉ những người có tinh thần khiêm tốn mới cảm nghiệm được Ðức Kitô chính là Tin Mừng đích thực của mình. Và chỉ họ mới nhận ra được dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa trong chính đời thường đầy gian truân của họ.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thời điểm phát triển. Nếu không cảnh giác và phấn đấu, thời điểm phát triển này có thể dẫn tới triều đại thống trị của tiền bạc, với những hình thức hưởng thụ, phô trương, và với khả năng làm khánh kiệt những giá trị đạo đức, gây nên sự trống trải nội tâm và ích kỷ trong các tương giao gia đình, xã hội. Cả đến tôn giáo cũng có thể sẽ bị tiền bạc chi phối.
Một viễn tượng như thế càng thúc giục chúng ta hãy nhìn lên Ðức Kitô, hãy bước lại gần Người, và hãy gặp Người.
Phải thực sự khiêm tốn nghèo nàn và thanh vắng nội tâm mới nghe được tiếng Người, mới nhận ra Người, mới đón nhận được Người cùng với ơn cứu độ của Người.
Với những nhận thức trên đây, tôi thiết tha cầu nguyện và thân ái cầu chúc anh chị em, có được những bước đi mới trên đường đến gặp gỡ Ðức Kitô là Tin Mừng đích thực. Ðó cũng là ước vọng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đang trong hướng dẫn Giáo Hội về Năm Thánh năm 2000.
Long Xuyên, ngày 25/12/1995