Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Cảm nghiệm về Chúa

Những tôn giáo quá nghiêng về lý trí đang đổ vỡ thê thảm, đang khi những tín ngưỡng đưa con người đến những cảm nghiệm thiêng liêng lại trở nên hấp dẫn lạ lùng. Ðó là nhận định của một số nhà quan sát tôn giáo và xã hội.

Nhận định trên đây phản ánh thực tế ở nhiều nơi. Nó không trở thành một tiêu chuẩn cho phép hạ giá lý trí, đề cao tình cảm. Nhưng nó là một dấu chỉ thời đại, gợi ý cho các nhà hoạt động tôn giáo suy nghĩ, để nếu cần, sẽ phải điều chỉnh lại cách sống đạo, dạy đạo và truyền đạo.

 Những cảm nghiệm tốt về Chúa

Thời nay, theo đánh giá của quần chúng, một tôn giáo tốt là một tôn giáo chuyển hoá được con người, tất nhiên về đàng lành. Trên thực tế, tại địa phương ta, hầu như ít có ai đã được chuyển hoá chỉ do sức mạnh của những lý lẽ đơn thuần. Kinh nghiệm cho thấy, có những bài giảng hùng hồn cao sâu, có những lớp giáo lý sôi nổi, lý luận sâu sắc, nhưng đã không đem lại được chút cảm nghiệm nội tâm nào cho ai, vì thế chẳng người nào đã chuyển biến. Ðang khi đó, một bầu khí chan hoà bác ái, một gương phục vụ quên mình, một tâm sự chân tình cởi mở, một bài thánh ca êm đềm hát lên với tinh thần cầu nguyện, lại đánh động được những cõi lòng. Nhờ những cảm nghiệm nội tâm khác thường, họ như gặp được một Ai đó thiêng liêng, rất xa mà lại rất gần. Và họ đã chuyển hoá.

Nói cho đúng, những chuyện như thế chẳng có gì mới lạ. Từ xưa vốn thế thôi. Trong Kinh Thánh và chuyện các thánh đã có những người kể lại những gì mình đã cảm nghiệm về Chúa, từ những sự mình đã nghe, đã thấy, đã gặp. Họ là những chứng nhân về Chúa, chứ không phải những nhà nghiên cứu về đạo Chúa.

Người ngoài, khi thấy họ, nghe họ, sẽ dễ coi họ là những người hiểu biết Chúa. Không phải vì họ có những kiến thức sâu sắc về Chúa, nhưng vì cách họ nói, cách họ sống toả ra một mùi vị thiêng liêng, hồn nhiên, tươi mát, phát ra tự đáy lòng, như thể họ có một cảm nghiệm nào đó về Thiên Chúa vô hình.

Trong những cảm nghiệm khác nhau về Chúa, hiện nay có một cảm nghiệm được nói tới nhiều, đó là cảm nghiệm về Ðức Kitô đang gần gũi chúng ta như một tình yêu phục vụ tận tâm khiêm tốn và thông minh.

Chúng ta thử dừng lại cảm nghiệm này, với ý muốn học hỏi. Từ đó hy vọng sẽ hiểu được những cảm nghiệm khác. Cảm nghiệm ấy từ đâu tới và như thế nào?

 Nhìn sâu vào cảm nghiệm về Chúa

Cảm nghiệm này khởi xuất từ những nhận thức. Có những người nhận thức sâu sắc về sự Chúa hiện diện trong lịch sử, khắp nơi, trong mọi cái tốt, cái đẹp, cái đúng, cái hay dù cũ dù mới. Với xác tín như vậy, họ dễ nhận ra hình ảnh Ðức Kitô sống động trong các người xung quanh họ.

Họ nhìn thấy hình ảnh Ðức Kitô quỳ rửa chân cho các môn đệ qua những người hôm nay tại đây, đang chăm sóc bệnh nhân, các kẻ cô đơn, cùng cực, các người mà họ phục vụ vì bổn phận và vì tự nguyện. Chính họ cảm thấy như mang trong mình nỗi khổ đau của người khác. Họ xót xa với niềm xót xa không phải chỉ là riêng tư, mà cũng đến từ một Ðấng trên cao là Cha nhân lành giàu tình thương xót.

Họ nhìn thấy hình ảnh Ðức Kitô sống mầu nhiệm nhập thể, qua những người truyền giáo hôm nay tại đây, đang mặc vào mình trọn vẹn thân phận con người địa phương, mà mình được sai đến, ngoại trừ tội lỗi, để đồng hành, để chia sẻ, để phục vụ. Chính họ cảm thấy thao thức trào lên trong lòng họ trước cảnh bao chiên lạc. Thao thức này không chỉ đến từ trách nhiệm, mà cũng đến từ một Chúa chiên lành, dám bỏ 99 con chiên lại, để đi tìm một con chiên lạc (cf. Lc 15,4).

Họ nhìn thấy hình ảnh Ðức Kitô hoà mình vào cuộc sống dân thường, qua những tông đồ hôm nay tại đây, chấp nhận mình là men, là muối, âm thầm phục vụ, giữa phố phường, thôn xóm. Chính họ cảm thấy niềm trân trọng dâng cao trong lòng họ trước gương bao người tốt xung quanh đang phục vụ đồng bào với những việc nhỏ cho những người bé mọn. Niềm trân trọng này không chỉ đến từ một lương tri, mà cũng đến từ một Ðấng đã quả quyết ai làm việc tốt, dù bé nhỏ nhất, cho một người, dù bé mọn nhất, sẽ được kể là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,35).

Họ nhìn thấy hình ảnh Ðức Kitô đang đến để nhân loại được sự sống và được sống dồi dào, qua những người hôm nay tại đây và trên thế giới đang thăng tiến con người bằng những khám phá khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nâng cao văn hoá và kinh tế. Chính họ cảm thấy ray rứt khôn nguôi trước cảnh bao đồng bào mình bao người trên thế giới còn đang bị đày đoạ trong cảnh túng nghèo, bất công. Ray rứt ấy không chỉ đến từ tình liên đới, mà cũng đến từ cõi lòng Ðấng xưa đã nói: “Ta thương xót dân này” (x. Mt 15,32).

Họ nhìn thấy hình ảnh Ðức Kitô đang tự hiến tế mình, qua những người đang nhẫn nhục, tha thứ, quảng đại trong cuộc sống gia đình, xã hội. Chính họ cảm thấy niềm vui sâu thẳm trước cảnh bao người hôm nay tại đây đang rất tế nhị và bao dung trong cách ứng xử đối với nhau. Niềm vui ấy không chỉ đến từ một trái tim tình người, mà cũng đến từ một Ðấng đã nói: “Cây sậy đã giập, Người không nỡ bẻ gãy. Ngọn đèn sắp tàn, Người không nỡ tắt” (Mt 12,19).

Nhất là họ nhìn Ðức Kitô đang thường xuyên cứu độ họ qua Hội Thánh, qua gia đình, xã hội với biết bao ơn lành. Người thương họ hơn họ đáng được thương. Chính họ cảm thấy tự xấu hổ trước bao ơn lành đã nhận lãnh mà không đền đáp. Sự xấu hổ ấy không chỉ đến từ một lương tâm, mà cũng đến từ Thần Linh của Ðức Kitô, giúp họ nhìn ra sự thật gần gũi nhất, đó là cái tôi nhầy nhụa của họ.

Những cái nhìn như thế dẫn tới sự gặp gỡ Ðức Kitô với những tâm tình cảm tạ, và gặp gỡ đưa tới cộng tác bằng việc làm bác ái. Họ sẽ làm những việc bác ái như Người, với Người. Bác ái có kế hoạch, có ưu tiên, có phân định.

 Những chiều kích của cảm nghiệm về Chúa

Còn nhiều cảm nghiệm khác về Chúa.

Tất cả đều mang đặc tính chung này: Con người cảm nghiệm không những tiếp thu Lời Chúa mà còn cảm thụ hồn của Lời Chúa, cảm nghiệm được tâm tình của Ðức Kitô trong chính Lời Người.

Người cảm nghiệm về Chúa không những đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh, mà cũng đọc Lời Chúa trong thời sự và lịch sử, nhất là trong cuộc đời mình. Họ hiệp thông với Chúa và cũng hiệp thông với nhân loại. Họ mở lòng mình ra về phía Chúa và cũng cởi mở về phía con người.

Như vừa thấy, trong những cảm nghiệm trên đây, trái tim và lý trí cùng phối hợp với nhau. Trái tim rất bén nhạy, và lý trí giúp trái tim ứng xử sao cho sáng suốt. Lý trí rất thông minh, và trái tim giúp lý trí suy nghĩ sao cho có tình có nghĩa.

Những cảm nghiệm như trên về Chúa đánh thức trong ta một tiềm năng quan trọng, đó là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa trong mọi người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Không những ta tin như thế, mà ta cũng thấy như thế. Do đó, ta nhận ra mọi người đều có một cái gì là thánh, cũng như trong lịch sử mọi người đều có một cái gì như lịch sử thánh. Biết nhìn mọi người một cách cởi mở như vậy, ta sẽ gặp được Ðức Kitô đang ở giữa nhân loại hôm nay như một tình yêu phục vụ tận tâm, khiêm nhường và thông minh. Lòng ta thanh thản, yêu thương chan hoà, tin tưởng dấn thân bên cạnh Người. Những cảm nghiệm như trên, tuy không tuyệt đối cần thiết, nhưng rất hữu ích, nhất là trong thời đại này, con người cảm thấy mệt mỏi với những lý thuyết khô cứng, những nếp sống máy móc, những tiêu chuẩn lạnh lùng, và vì thế họ đi tìm những gì linh thiêng, và huyền nhiệm.

Cản trở lớn nhất để có những cảm nghiệm tốt về Chúa, chính là cái tôi vụ lợi tự mãn với những hàng rào an toàn ích kỷ, với những bức tường thành kiến khinh miệt, ghen ghét, với những cố vấn là các dục vọng. Dù xã hội có đổi thay, dù tôn giáo có đổi mới, nếu mọi người vẫn khư khư cái tôi như thế của mình, thì đất nước này sẽ vẫn phải thống khổ, Hội Thánh này sẽ vẫn phải cảm nghiệm những đắng cay triền miên do những ích kỷ và hẹp hòi ngay trong chính nội bộ mình.

Vì thế, để có được những cảm nghiệm tốt về Chúa đưa ta và đồng bào ta đến hạnh phúc thật, chúng ta cần rèn luyện bản thân mình bằng một nền tu đức thật sự Phúc Âm. Trái Tim Chúa Giêsu chính là trường dạy nền tu đức đó.

Long Xuyên, tháng 6/1995