Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Chia sẻ những định hướng cho năm mới

Khi nhìn hang đá Bêlem, tôi đã thấy gì? Thưa tôi thấy các tượng ảnh thánh giữa những trang trí đẹp. Qua những tượng ảnh đó, bằng đức tin tôi đã gặp chính Chúa Giêsu. Ngài vô hình, nhưng hiện diện kín đáo. Nơi Ngài, tôi nhận ra một số chân lý mới mẻ. Những chân lý này soi sáng cho tôi trong việc sống đạo và truyền đạo. Tôi xin phép được chia sẻ những cảm nhận đó, như những định hướng cho hôm nay và cho năm mới.

Chân lý đầu tiên tôi cảm nhận là Chúa Giêsu đến với nhân loại, để chu toàn công việc phục vụ được Chúa Cha trao phó.

Chúa Giêsu đến với tư cách người được sai đi. Ngài phục vụ nhân loại với ý thức làm một công việc được Chúa Cha sai làm. Với tâm thức đó, Chúa Giêsu luôn hiệp thông với Ðức Chúa Cha. Ngài đón nhận sức mạnh thiêng liêng từ Chúa Cha. Ngài tìm sáng kiến cứu độ nơi Chúa Cha. Vì thế, ngay từ hang đá Bêlem, thái độ sống của Ngài đã rất thanh thoát. Ngài đi vào thế gian một cách thanh bần. Ngài từ giã cõi đời cũng một cách thanh bần. Suốt đời Ngài là như vậy. Nơi Ngài, mọi sự đều chứng tỏ Ngài không hề dựa vào của cải, danh vọng, địa vị và chính trị, để thực thi chương trình cứu độ.

Ơn cứu độ đến từ sự hiệp thông với Chúa Cha. Ơn này được thông ban cho những ai khiêm tốn, thực lòng tìm thấy ý Chúa Cha, để thực thi thánh ý đó với tất cả thiện chí của mình. Thánh ý Chúa Cha trong kế hoạch cứu độ thường rất khác ý của người phàm, kể cả ý của những người coi như đạo đức, nhưng chỉ thích lo bảo vệ tôn giáo mà không sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Phải thực sự được sai đi, phải thực sự làm những việc phục vụ được sai làm, phải thực sự gắn bó với Ðấng sai mình, đó là một chân lý có sức cứu độ, mà Ðức Kitô đã làm chứng, ngay từ phút đầu Ngài giáng sinh tại hang đá Bêlem. Những ai tin theo Ðức Kitô cũng phải sống như vậy.

Cùng với chân lý trên đây có một chân lý khác cũng rất quan trọng được đề cao tại hang đá Bêlem, đó là sự Chúa Giêsu mong muốn mọi người hãy có thiện tâm.

Thực vậy, khi giáng sinh tại Bêlem, Chúa Giêsu đã không làm gì, nói gì, để chinh phục. Ngài không áp đặt một luật lệ nào. Ngài không buộc ai phải tin theo Ngài. Ngài ẩn mình kín đáo trong thân phận con người, dưới dạng một hài nhi. Trong nhiều điều kiện như thế, qua lời ca thiên thần, Ngài khen ngợi những người thiện tâm. Lời ca khen đó có nghĩa như một lời kêu gọi.

Hãy thiện tâm như Ðức Mẹ và thánh Giuse bên Hài nhi Giêsu. Thiện tâm của các ngài là cởi mở, hướng về sự thiện. Trí khôn cởi mở, không tự giam mình vào những thành kiến hẹp hòi, nhưng khao khát những sự thực giải thoát và cứu độ. Tấm lòng cởi mở, không bị xiềng xích vào những đam mê, nhưng tìm kiếm những điểm tựa cho hạnh phúc đích thực. Ý chí cởi mở, không lười biếng, ù lỳ, buông xuôi, nhưng sẵn sàng phấn đấu để mình được cứu độ, và để mình có khả năng góp phần cứu độ kẻ khác.

Những tâm hồn cởi mở như thế sẽ dễ đón nhận ơn Chúa và đón nhận chính Chúa. Một khi ơn Chúa hoạt động trong mình, chúng ta sẽ thấy thiện tâm không phải là một thế ổn định, nhưng là một cuộc sống không ngừng phải chiến đấu với chính mình, với ma quỷ và với các thế lực sự ác, để thường xuyên sửa mình, hằng ngày đổi mới, thành con người mới, với những giá trị mới.

Do đó, một chân lý quan trọng nữa được nhận thấy tại hang đá Bêlem, đó là sự Chúa Giêsu kêu gọi đổi mới bằng sự tập trung vào bác ái, dấn thân.

Thực thế, bằng việc nhập thể giáng sinh làm người tại hang đá Bêlem, Chúa Giêsu đã chủ động đổi mới cách sống đạo vào truyền đạo. Một sự đổi mới đầy can đảm, táo bạo. Ðể nêu gương sống đạo và truyền đạo, Ngài đã nhập thể, trở nên người, như mọi người, trừ tội lỗi. Ngài liên đới tích cực với lịch sử. Ngài đồng hành chân thành với dân tộc. Ngài hiện diện yêu thương giữa mọi người. Ngài dấn thân đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ. Ngài bước xuống thân phận những kẻ khốn cùng, Ngài ở giữa họ, chia sẻ khổ đau nhục nhã với họ, để họ thấy rằng được Chúa yêu thương bằng một tình yêu cứu độ và thăng tiến, chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc của họ. Sự đổi mới đó chính là Tin Mừng. Sống Tin Mừng này, đạo Công giáo sẽ được giới thiệu như một tình yêu dấn thân. Với bộ mặt dễ thương ấy, Hội Thánh sẽ phản ánh một cách hữu hiệu dung mạo thực sự của Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ðầu năm 1964, Ðức Thánh Cha Phaolô VI, khi hành hương Bêlem, đã phát biểu tại đó những suy nghĩ của ngài về sự đổi mới trong Hội Thánh. Ngài nói: "Sứ mạng đạo đức của Hội Thánh đòi phải có những đổi thay trong các cơ chế của mình, mà trước đây được coi là thích hợp và cần thiết...". Mặc dầu sự đổi mới đôi khi làm chúng ta khó chịu, nhưng Hội Thánh phải biết sàng lọc truyền thống cơ chế và luật lệ, để ưu tiên giữ lại những gì là căn bản và có sự sống.

Hôm nay, trước hang đá Bêlem, tôi trân trọng nhắc lại suy nghĩ đó của Ðức Thánh Cha Phaolô VI. Tôi nghĩ rằng: ba chân lý tôi giới thiệu trên kia chính là những gì rất căn bản và có sức sống.

Ước chi toàn bộ ba chân lý đó được chúng ta chấp nhận như những định hướng cho việc sống đạo và truyền đạo trong năm mới, một thời điểm được báo hiệu là sẽ có nhiều thách đố.

Long Xuyên, tháng 1/1998