Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Nghĩa tình sông nước

 CGvDT: Khi nhắc đến giáo phận Long Xuyên, nhiều người cảm thấy thú vị về một sức sống đạo phong phú, nhiệt thành và hết sức năng động... Xin Ðức Giám Mục cho biết đâu là nguyên nhân?

 ÐGM. BT: Muốn biết nguyên nhân, thiết tưởng nên tìm hiểu những khuynh hướng tôn giáo tại đây từ mấy chục năm qua.

Có ba khuynh hướng đáng kể: Một là khuynh hướng chống cộng, quan tâm đến việc đối kháng với chủ nghĩa Cộng Sản. Hai là khuynh hướng thích nghi quan tâm đến việc chọn lựa cung cách sao cho hợp với thời thế, mà vẫn giữ nguyên được giáo lý của mình. Ba là khuynh hướng trở về, quan tâm đến việc tìm về căn cốt của cuộc sống, tìm về căn bản của Tin Mừng, vì thế nỗ lực diễn tả đức tin bằng việc thực thi Ðức Ái Phúc Âm, tích cực đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp của cuộc sống con người hôm nay.

Khuynh hướng thứ nhất kể như tàn lụi. Khuynh hướng thứ hai kể như đã ổn. Khuynh hướng thứ ba càng ngày càng mạnh. Có thể nói tại đây Ðức Ái đang là một giáng động, rất dấn thân, hoạt động đặc biệt trong các lãnh vực: hiếu thảo, liên đới với người nghèo khổ, thăng tiến con người nhất là giáo dục.

Khi thao thức sống Ðức Ái, người ta dễ cảm nghiệm thấy một sự gặp gỡ nào đó với chính Ðức Kitô, để cùng với Người sống mầu nhiệm nhập thể, loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng về Nước Trời đang đến.

Ngoài ra, địa phương tôi là vùng có nhiều tôn giáo. Một số tín ngưỡng rất đơn giản về giáo lý, nhưng tập trung đời sống đạo, đức hiếu thảo và làm các việc từ thiện. Ảnh hưởng khá lớn. Các tôn giáo ấy đã có những gương sáng đời thường rất đẹp, thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc thực thi Ðức Ái Phúc Âm. Nếu không, chúng tôi sẽ gặp nguy cơ là quần chúng, xã hội sẽ loại trừ chúng tôi.

Nói về Ðức Ái thì dễ. Thực thi Ðức Ái thì không gì khó bằng. Còn nhiều lỗi lầm thiếu sót. Còn nhiều tha hoá. Vì thế, phải luôn luôn tỉnh thức trở về. Trở về là công cuộc tân-Phúc-Âm-hoá trường kỳ là việc tu đức nội tâm liên lỉ, cởi gỡ mình khỏi cái tôi tự mãn, trì trệ, hẹp hòi, thành kiến, ích kỷ, đồng thời hiệp thông tích cực hơn vào sự sống đầy tình yêu và tự do của Thiên Chúa. Khó lắm đấy. Những cũng rất vui. Nhất là khi thấy sự trở về Ðức Ái đã góp phần vào việc phát triển con người và Ðất Nước. Chỉ là phần nhỏ đó thôi.

 CGvDT: Thế nghĩa là vẫn còn có những khó khăn trở ngại?

 ÐGM. BT: Ðúng thế. Tôi muốn nói tới những khó khăn trở ngại trong việc phát triển con người và cuộc sống tại đây. Chỉ vài ví dụ nhỏ: Tại một số nơi trong vùng này, có những em học sinh phải đi 18 cây số đến trường cấp III, có những em bỏ học vì quá nghèo, có những em thường trú ngoài đường, tạm trú trong nhà. Số người nghèo khá đông, họ muốn vươn lên, mà không sao đi lên được. Không có công ăn việc làm, không có vốn, không có trình độ văn hoá. Nhà ở xập xệ. Ðường đi trắc trở. Môi trường ô nhiễm. Tôi lo ngại trong tình hình, sẽ có thời cơ phát triển cảnh giàu, và cũng có nguy cơ phát triển cảnh nghèo. Khoảng cách giữa giàu và nghèo sẽ tăng. Lại sẽ nảy sinh ra những khủng hoảng mới: khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng đạo đức.

Theo tôi trong việc phát triển Ðạo cũng như Ðời, hai yếu tố quan trọng nhất là khâu đào tạo nhân sự bầu khí gia đình. Ấy thế mà cho đến nay, tại nhiều nơi, việc “đào tạo những người đào tạo” vẫn còn yếu kém về nhiều mặt, thêm vào đó là bầu khí gia đình vẫn mãi tẻ buồn, bệt bệt với những buông xuôi, những lo toan vô vọng, và những ngược xuôi kiếm sống, tự lực mà chẳng sao tự cường được. Tôi coi sự không hoặc chưa giải quyết được hai yếu tố quan trọng trên, là trở ngại và là khó khăn lớn cho việc phát triển hạnh phúc cho đồng bào.

 CGvDT: Bao nhiêu năm sống đạo giữa một nền văn hoá sông nước vùng châu thổ... Ðức Giám Mục có những kinh nghiệm nào để Ðạo và Ðời cùng sóng đôi?

 ÐGM. BT: Kinh nghiệm của tôi rất giới hạn. Theo nhận xét của tôi, nền văn hoá sông nước vùng châu thổ Cửu Long ở đây có nét đặc thù, đó là tình nghĩa. Tình nghĩa chân thành, tình nghĩa lê thê, tình nghĩa chan hoà, tình nghĩa đơn sơ, chất phác được hát lên trong dân ca. Tình nghĩa đậm đà được nhận thấy trong các thứ lễ gia đình. Tình nghĩa hồn nhiên sóng sánh ngay cả trong ly rượu người địa phương này.

Nền văn hoá ở đây còn có thêm nét kể nữa, đó là biết ơn. Ðược ơn sẽ đáp đền. Ơn sinh nghĩa. Ơn sinh tình. Có thể là một cách mộc mạc thôi, nhưng chân thành và lâu bền.

Khi cả Ðời lẫn Ðạo biết vận dụng yếu tố tình nghĩa và lòng biết ơn, đồng thời cả hai đều nhắm vào việc phục vụ con người, thì Ðạo Ðời đã gặp nhau ở nhiều điểm hẹn, và cùng nhau đi về phía trước một cách hài hoà.

 CGvDT: Cũng trên vùng châu thổ sông Cửu Long này, giáo phận Long Xuyên không chỉ toạ lạc trên ba đơn vị hành chánh khác nhau (An Giang, Kiên Giang, Thốt Nốt thuộc Cần Thơ) mà còn sống giữa nhiều tôn giáo bạn, cũng như sống với đồng bào Chàm, Khơme anh em, có nét văn hoá đặc thù riêng, Ðức Giám Mục có thể nói gì thêm về đời sống đạo giữa đời thường?

 ÐGM. BT: Tôi thấy các tôn giáo ngoài Thiên Chúa giáo ở đây rất chú trọng đến cái Tâm. Các tín hữu của các tôn giáo ấy thường lo rèn luyện cái Tâm trong gia đình và trong đời thường. Một cái Tâm cởi mở, khiêm hạ kính trọng các tôn giáo khác và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không phân biệt ai. Có lẽ vì thế mà liên hệ giữa chúng tôi rất là thoải mái. Trong thánh lễ có nhiều người lương tham dự. Có nơi ca đoàn có những anh em ngoài công giáo tham gia. Người ngoài công giáo đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều việc đạo. Các bài giảng của tôi được nhiều người ngoài công giáo tìm đọc.

Cách đây mấy ngày, tôi tìm được hai cuốn sách mà tôi chủ ý tìm, đó là cuốn “Ðối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phaolô II” và cuốn “Tại sao không theo đạo Chúa”. Ðọc xong, tôi chợt nghĩ: Cần phải tỉnh táo. Cần phải bình tĩnh. Cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Cần phải sống Ðức Ái Phúc Âm theo gương Ðức Mẹ Maria và nhờ Ðức Mẹ Maria. Tương lai Hội Thánh trong thời cởi mở sẽ gặp những thách đố mới có vẻ nặng nề hơn trước.

Rất nhiều sự kiện cho tôi thấy rằng: Một điều mà nhiều người công giáo Việt Nam thường hay bị phê phán, dễ trở thành phản chứng, làm hại đạo, đó là mặc dù phô trương tin Chúa rất mạnh, nhưng lại dễ dàng sai phạm bác ái, khiêm nhường là những gì sơ đẳng nhất của đạo làm người. Vì thế, tôi cho rằng sẽ không phải là ngoài thánh ý Chúa, nếu khuynh hướng trở về Ðức Ái Phúc Âm được khích lệ và thực thi một cách đúng đắn, như một chọn lựa ưu tiên cho việc sống đạo hiện nay, tại địa phương tôi.

Ngày 1/10/1995