Lời cầu chúc đầu năm Mậu Dần:
Con người mới
Ðầu năm, không gì đáng cầu mong cho bằng chính con người của mình được đổi mới hơn. Ðầu năm, không gì đáng mừng cho bằng gặp được những người đã đổi mới, hoặc quyết tâm đổi mới chính mình.
Ðổi mới chính mình là việc ưu tiên cần làm nhất. Nếu chính con người của chúng ta không đổi mới, thì dù cơ chế chính trị có đổi mới, tôn giáo có đổi mới, những cái cũ nguy hiểm nhất vẫn sẽ còn đó. Những cái cũ này gồm tâm thức cá nhân và tâm thức tập thể có khả năng làm hư hỏng sự đổi mới của cơ chế chính trị và tôn giáo.
Nhìn vào tình hình hiện nay, tôi thấy việc đổi mới chính mình cần để ý nhiều đến hai nhu cầu cấp bách sau đây :
Nhu cầu cấp bách thứ nhất là cấu trúc lại đời sống nội tâm
Cần coi việc phát triển trí khôn, cái tâm, ý chí là những giá trị cao quý, nền tảng. Phát triển ở đây không có nghĩa là làm vững mạnh hơn sự ổn định. Một sự ổn định đồng nghĩa với sự bám chặt vào một lối suy nghĩ nhất định để tìm an trú. Một sự ổn định được hiểu như sự tuyệt đối hiến mình cho những chấp nhận để tìm an toàn. Một sự ổn định được diễn tả như một quyết tâm bảo vệ những sở đắc để tìm an hưởng.
Sự phát triển nội tâm luôn đòi hỏi những cố gắng vượt qua. Vượt qua là trút bỏ những gì chưa tốt, những gì không đúng, để tiến lên những gì tốt hơn, những gì là thực.
Sẽ có phát triển về nội tâm, khi con người chúng ta có tiến triển trong khả năng nhìn, phân định, thẩm định, chọn lựa định hướng, và tổ chức cuộc sống, sao cho mình nên người hơn, có thể giúp ích hơn cho Ðất Nước và Hội Thánh.
Ở đây, tôi xin phép chia sẻ một kinh nghiệm. Ðối với tôi, năm vừa qua, một vẻ đẹp đã gây ấn tượng sâu mạnh trong nội tâm tôi đó là tinh thần tôn trọng sự thực, truy tìm sự thực và công nhận sự thực nơi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ðọc cuốn “Quand le Pape demande pardon” (Khi Ðức Giáo Hoàng xin lỗi) xuất bản cuối năm 1997 vừa qua, tôi rất cảm phục Ðức Thánh Cha. Trong cuốn sách dày 296 trang khổ lớn này, tác giả Luigi Accattoli đã ghi lại những lời Ðức Thánh Cha công khai điều chỉnh lại nhiều phán đoán và chủ trương trước đây trong lịch sử Hội Thánh. Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, Ðức Thánh Cha đã cho thấy là trước đây, trong lịch sử Hội Thánh đã có một số kết án không đúng sự thực khách quan và không hợp với đòi hỏi của Tin Mừng. Ngài cũng cho thấy là trước đây, trong Hội Thánh, cũng đã có một số trường hợp bênh đạo và truyền giáo không hợp với chủ trương tôn trọng tự do tôn giáo như Công đồng Vatican II đã nêu lên.
Những thái độ can đảm của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II về trách nhiệm tôn trọng sự thực gợi ý cho tôi về việc cần thiết cấu trúc lại đời sống đạo đức. Phải quan tâm rất nhiều đến cái gì là thực trong hiểu biết và tuyên xưng. Cái gì là đúng sự thực trong dung mạo Thiên Chúa. Cái gì là đúng sự thực trong Tin Mừng. Cái gì là đúng sự thực trong việc làm sáng danh Chúa. Rồi, trong các liên hệ phải rất thành thực với lòng mình. Nhất là trong lời nói phải có sự thực khách quan. Biết đúng, hiểu đúng, phân định đúng, thẩm định đúng.
Nhu cầu cấp bách thứ hai là phát triển các hình thức liên đới xã hội, và tăng cường chiều kích tâm linh trong các liên đới ấy
Nói chung có nghĩa là cái tâm cần phải mở rộng. Cái tâm cần phải trong sáng. Hiện nay đang có những phát triển liên hệ giữa người giàu với người nghèo, giữa đạo và đời, giữa các tôn giáo, giữa các địa phương, giữa các nước cùng khu vực. Ðó là hiện tượng tốt. Nhưng điều tốt hơn không thể không quan tâm đến, đó là phát triển chiều kích tâm linh trong các liên hệ đó.
Chiều kích tâm linh nói đây là những vẻ đẹp vô hình nhưng chứa đầy sức sống nâng con người lên. Như sự kính trọng người khác, bởi vì trong nhiều liên hệ hiện nay vẫn thấy có sự coi thường, thậm chí, có sự khinh khi, hạ giá người khác. Như sự quên mình, bởi vì trong nhiều phục vụ hiện nay vẫn thấy có sự quy về cái tôi, tất cả chỉ vì cái tôi, chỉ tìm lợi ích cho cái tôi. Như sự chấp nhận và tôn trọng những khác biệt, bởi vì trong nhiều cạnh tranh nói là xây dựng hiện nay vẫn thấy có sự loại trừ nhau, ghen tương nhau, đố kỵ nhau và đối kháng nhau một cách kiêu căng tàn bạo. Như sự khát khao gặp gỡ Chúa, bởi vì ngay trong nhiều hình thức giữ đạo và truyền giáo hiện nay vẫn thấy còn nhiều khuynh hướng tiêu thụ và hưởng thụ ơn này ơn nọ của Chúa, chứ không để ý đến việc được gặp gỡ Chúa, tìm thực thi thánh ý Chúa, và đi ra phục vụ con người. Cần nhiều thiện tâm, cái tâm quy hướng về sự thiện. Cần có tâm đạo, ít là đạo làm người với kỷ cương của nhân đạo. Cần có thực tâm, cố gắng trung thành với các thực tại khách quan và biết trung thành thẳng thắn với lòng mình. Cần có thức tâm, cái tâm tỉnh thức trong mọi hình dạng, dù cô tịch một mình, dù hiện diện giữa đời, dù đi vào xã hội để xây dựng và phát triển các liên đới.
Với những suy nghĩ trên đây, tôi cầu chúc Quê Hương và Hội Thánh Việt Nam sang năm mới Mậu Dần sẽ có thêm nhiều con người mới.
Long Xuyên, ngày 8/2/1998