Từ Thư Chung 1980:
Giáo Hội Việt Nam tiến tới thời kỳ mới của năm 2000
Trong lịch sử, Giáo Hội Việt Nam đã được khen. Những lời khen đó thường được ta coi là có lý hơn những lời chê. Cũng đã có những lời chỉ có tính cách ghi nhận, không khen không chê, nhưng lại rất đáng suy nghĩ.
Vài ghi nhận đáng suy nghĩ
Trong cuốn "Le Việt Nam au XXe siècle", nghiên cứu về con đường dài Việt Nam đã đi, từ thời kỳ truyền thống đến thời kỳ bị đô hộ, cho tới thời đại Cách mạng, tác giả Pierre-Richard F'eray đã có một số ghi nhận về Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Theo ông, "đạo Công giáo Việt Nam làm nên một thế giới ngoài lề, như đứng cách xa cơn biến động đã từng thổi hồn vào đời sống trí thức, tôn giáo và chính trị của xứ sở từ Bắc đến Nam... Tệ hơn nữa, đạo Công giáo tại Việt Nam vẫn tiếp tục là một tôn giáo ngoại lai... Ðiều gây ấn tượng người nghiên cứu sử, đó là sự ổn định của trật tự Thiên Chúa giáo, ít là bề ngoài... Khi số đông cho phép, Giáo hội đã tổ chức thành những "ốc đảo"... Các cộng đoàn sống tách rời khỏi nhân dân còn lại. Tất nhiên, tình hình sẽ biến đổi, nhưng chậm chạp... Ðể kết, chúng ta nhìn nhận rằng: Thế giới Công giáo Việt Nam bé nhỏ là một thế giới ít biến hoá nhất trong xã hội sôi động này, tức là Việt Nam của giữa hai cuộc chiến" (Pierre-Richard F'eray, Le Việt Nam au XX e siècle, P.U.P., 1979, trang 123-126).
Những ghi nhận trên đây làm tôi suy nghĩ nhiều. Bởi vì, nếu Giáo hội Việt Nam thật sự xa rời đời sống trí thức, cách biệt các tôn giáo bạn, dửng dưng với các sinh hoạt chính trị, chỉ lo bảo vệ nề nếp nội bộ, thì còn đâu là truyền giáo?
Tôi càng suy nghĩ nhiều hơn, khi đọc thấy trong cuốn "Việt Nam Commununistes et dragons" mới xuất bản, hai nhà chuyên viên về Việt Nam, đồng tác giả cuốn sách, đã cho rằng Công giáo Việt Nam có một thủ đô thứ hai là Vatican. Thủ đô này đang đàm phán với thủ đô Hà Nội, về vấn đề chọn người thế vị Ðức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (Jean-Claude Pomonti, Hugues Tertras, Việt Nam Communistes et dragons, Le Monde-Editions, 1994, trang 167-168).
Những ý kiến trên đây, tuy không phản ánh toàn bộ sự thật, nhưng có thể giúp người ta hiểu được phần nào lý do tại sao Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980 đã nêu lên đường hướng mục vụ: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Nhờ đường hướng này, nhiều cộng đoàn đức tin đã an tâm đồng hành với Dân Tộc, và đã chủ động khôn khéo xây dựng cho mình một chỗ đứng xứng đáng giữa đồng bào trên quê hương Việt Nam. Kết quả truyền giáo là rất đáng ghi nhận.
Giờ đây, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn phát triển.
Phát triển làm nên cơn lốc tung lên nhiều cái tốt cái hay, nhưng cũng gây ra những bụi khói cái dở cái xấu. Càng tiến về tương lai, nhịp phát triển xem ra càng mạnh và nhanh, hướng phát triển càng có vẻ đột phá, trong một tình hình mới chứa nhiều khả năng tốt và xấu, nước Việt Nam chắc sẽ có được những bước tiến vững vàng, nếu biết giữ được tinh thần quốc gia, nền văn hoá dân tộc và sự quân bình nội bộ.
Ðồng hành với Dân Tộc trên đường phát triển hướng về năm 2000, Giáo hội Việt Nam "sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc" cùng sẽ phát triển, và phải phát triển về mặt Tin Mừng. Do đó, con đường mục vụ hướng về năm 2000 thiết tưởng sẽ gặp nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng đụng phải nhiều hoàn cảnh không thuận lợi. Ðiều đó cũng dễ hiểu thôi, khi trong tình hình mới, người dân coi việc phát triển đời sống là ưu tiên số một.
Trong tim óc con người Việt Nam hôm nay, cái đang gây nhiều thao thức mạnh và thường xuyên, đó là đời sống. Làm sao cho đời sống được khá hơn. Ðời sống là cái ăn, cái mặc, cái ở, cái lợi, cái vui, cái đẹp. Ðời sống là công ăn việc làm, tài sản, lợi tức, tình bạn, tình yêu. Ðời sống là những dây liên đới làm nên chỗ đứng trong xã hội.
Phát triển đời sống vốn là tự phát. Nhưng sau một thời gian dài bị hạn chế bởi những điều kiện xã hội phức tạp, khi được mở ra, sự phát triển đời sống bùng nổ dưới nhiều hình thức, nhất là từ khi "vùng chiến tranh biến thành vùng kinh tế thị trường". Chỉ sau một thời gian mấy năm thôi, công cuộc phát triển đời sống đã đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng. Nhưng cũng đã xuất hiện một số tình huống gây băn khoăn cho việc phát triển Tin Mừng.
Trước hết là những hiện tượng mất cân đối. Dưới đây xin nêu một ít ví dụ.
1. Mức độ phát triển ở nông thôn so với mức độ phát triển ở thành thị vốn đã xa nhau, nay càng xa nhau hơn. Cũng vì thế, đang có những cuộc di dân âm thầm. Từng hộ, có nơi từng mấy chục hộ bỏ nông thôn nghèo, tìm đến những tụ điểm kinh tế cao ở thị thành hoặc ở những vùng làm ăn có lợi tức lớn, và ở những nơi có trường lớp cho con em học lên. Do đó, một số nhà thờ vùng quê trước đây sầm uất, nay trở nên thưa thớt.
2. Một lớp người giàu đang vươn lên, tạo ra một giai cấp mới, bỏ xa cảnh nghèo của đông đảo đồng bào, gây nên một tâm lý xa cách. Trong số những người giàu mới, cũng có không ít nhân sự đứng đầu các cộng đồng tôn giáo.
3. Nơi một số người cầm quyền, cả trong xã hội lẫn trong Giáo hội, khi trình độ học thức và óc phán đoán bị coi là không cân đối với nhiệm vụ và địa vị của mình, theo đòi hỏi của phát triển đời sống, sẽ tạo ra nơi họ những mặc cảm, và nơi người xung quanh sự bớt đi kính trọng và tín nhiệm.
4. Cũng đã có nhiều cá nhân, nhiều gia đình, tiến mạnh và văn minh vật chất, nhưng lại lùi ghê gớm trong lãnh vực lương tâm, gây nên những tổn thất nặng nề về tinh thần.
5. Tinh thần cạnh tranh dễ tạo nên chủ nghĩa cá nhân. Do đó đã xảy ra không ít những mâu thuẫn đáng kinh ngạc giữa các cá nhân, ngay trong chính nội bộ gia đình, và trong cả một vài cộng đoàn tôn giáo. Không thiếu chuyện ghen tương nhau, hạ nhau xuống, loại trừ nhau, có vẻ được khuyến khích dưới những lý do đội lốt ích chung, đang khi một số những việc từ thiện bác ái, thăng tiến con người lại bị kết án, cũng căn cứ trên tinh thần gọi là bảo vệ lợi ích chung.
6. Giữa thế hệ người lớn và thế hệ trẻ đang xuất hiện một khoảng cách về cách suy nghĩ, cách đánh giá đạo đức. Ðúng là đang mất đi một thế quân bình nào đó trong xã hội. Có những cộng đoàn đức tin, trước kia khép kín, nay được mở ra, bừng thức tỉnh, thấy mình thua kém, đã không ngại phiền trách các bề trên của mình, quy lỗi cho các ngài là đã không thức thời. Sự mất quân bình trong nội bộ đôi khi trở thành căng thẳng và khủng hoảng.
Tới đây, tôi nhớ tới cuốn "Những khía cạnh xã hội của phát triển kinh tế". Trong cuốn này, tác giả đã đưa ra một số trường hợp điển hình đề cập đến vai trò của tôn giáo trong lãnh vực phát triển kinh tế. Có nơi, kinh tế đã khó phát triển, hoặc do những quan điểm khắt khe của tôn giáo, hoặc do thái độ bảo thủ hẹp hòi của mấy vị lãnh đạo cộng đoàn, và của một lớp người thế lực tôn giáo. Trái lại, có nơi, kinh tế đã phát triển tốt, nhờ sự khuyến khích của tôn giáo và những phát triển cộng đồng do các nhà lãnh đạo tôn giáo chủ xướng (Chester L. Hunt, dịch giả Lê Xuân Khoa, Tủ sách Xã Hội, 1972).
Ngoài những hiện tượng mất cân đối, còn có sự du nhập vào Việt Nam nhiều lối sống mới, nhiều cách suy nghĩ mới, do những tiếp cận mới. Hiện tượng này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển Tin Mừng. Có những ảnh hưởng tốt, và cũng có những ảnh hưởng xấu. Sự kiện bùng nổ thông tin càng ngày càng tăng. Không thể bưng bít được những tin tức đó đây. Càng khó kiểm chứng được các nguồn tin. Chân lý và sai lầm xen lẫn nhau. Khó phân định được tốt xấu trong các quan điểm. Những tài liệu từ các nước ngoài gởi về mang nội dung chống Công giáo Việt Nam có vẻ không gây được nhiều ác cảm đối với Công giáo Việt Nam, nhưng cũng gieo rắc hoang mang. Ảnh hưởng hơn hết là các trào lưu tục hoá và phong trào hưởng thụ.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, điều đáng ngại nhất cho việc phát triển Tin Mừng, phải tìm ngay trong chính nội bộ Hội Thánh đó là sự trì tuệ, thiếu nhiệt huyết tông đồ, thiếu năng lực và sáng kiến, nhất là những hiện tượng phản chứng trong việc phát triển đời sống, kể cả trong việc phát triển Hội Thánh.
Dám làm chứng cho Tin Mừng
Việc phát động truyền giáo trong tình hình mới nên được khởi đi từ việc kiểm điểm lại chính mình về nhiệm vụ truyền giáo hiện nay và trong những năm qua. "Những nén bạc" Chúa trao cho để sinh lời, nay có thực sự sinh lời không? "Cây vả" Chúa đến tìm trái, nay có trái không?
Nếu mình thực sự đã có lỗi lầm, thì nên nhìn nhận. Các công cuộc phát triển, bất cứ trong lãnh vực nào, xem ra đều không tránh được lỗi lầm, cách này cách nọ. Kiểm điểm lại, để rút kinh nghiệm, đó là khôn ngoan đạo đức, và trí thức.
Những lỗi lầm trong phát triển Tin Mừng có thể bắt nguồn từ những sai lầm của những chặng đường nào đó trong lịch sử xảy ra cho đất nước. Sai lầm của nước Pháp tại Việt Nam đã được trình bày trong cuốn "Indochine, 1940-1945, La fin d'un rêve" của viện nghiên cứu Bộ Quốc phòng Pháp, Albin Michel, 1992. Sai lầm của Hoa Kỳ tại Việt Nam mới được phổ biến trong Nhật ký của cựu bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert S.Mc Namara, mà báo chí đang trích đăng và bình luận (Nhật báo Nhân dân, ngày 14/4/1994, Sài Gòn Giải Phóng, ngày 17/4/1994).
Khi đề cập đến những lỗi lầm trong việc phát triển Tin Mừng, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: "Còn một trang sử đau xót nữa, mà khi đọc lại, con cái Giáo Hội không thể không mặc lấy tinh thần sám hối, đó là đã chấp nhận dùng đến những phương pháp bất khoan dung và thậm chí bạo lực trong khi phụng sự chân lý... Dẫu cho có xét đến những trường hợp giảm khinh, Giáo Hội cũng không tránh khỏi phải hối tiếc sâu sắc những yếu đuối của biết bao bao cái đã làm hỏng gương mặt mình và đã ngăn trở mình thực hiện tràn đầy hình ảnh Chúa chịu đóng đinh, chứng nhân vô song về tình yêu kiên nhẫn và lòng khiêm nhường hiền lành" (Tông thư Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, "Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba" số 35, 1994). Tiếp đó, Ðức Thánh Cha cũng đã nêu ra lỗi lầm của người Công giáo trong thái độ lãnh đạm tôn giáo, và những thái độ sống phản Phúc Âm. Ngài nói: "Một thách đố đang đặt ra cho con cái Giáo Hội, đó là: Còn nơi nào mà bầu khí duy-thế-tục và trào lưu tương-đối-hoá đạo đức chưa xâm lấn tới? Còn chỗ nào không thuộc trách nhiệm của họ trong hiện tượng vô tín ngưỡng ngày càng tăng, bởi lẽ họ đã không trình bày khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, do khiếm khuyết trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội" (số 36).
Ngoài việc nhìn nhận và sám hối lỗi lầm, chúng ta nên khởi sự bằng một cái nhìn đầy hy vọng vào sức mạnh siêu nhiên. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vatican II nói: "Chúng ta phải chắc chắn rằng Thiên Chúa, bằng những cách mà Người biết, sẽ ban tặng cho mọi người khả năng được thông hiệp vào mầu nhiệm phục sinh" (số 22,5). "Bằng việc nhập thể, Con Thiên Chúa bằng một cách nào đó đã kết hợp với mọi người" (số 22,2). Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có những cách mà Người biết để phát triển Tin Mừng. Nhiệm vụ của ta là phải nhận ra những cách mà Thiên Chúa biết, và cộng tác vào những cách đó. Nhiệm vụ như thế đòi nhiều nghiên cứu, học hỏi, cầu nguyện và nhất là chiêm niệm để gặp Chúa, chiêm ngắm Người, hiểu ý Người, đón nhận đường lối của Người, và có được nhiệt huyết và sự khôn ngoan tông đồ. Ta có dám phát triển Tin Mừng, khởi đi từ những việc trên đây không? Tôi nghĩ là chúng ta dám. Bởi vì chỉ với những việc đó, chúng ta mới thực hiện được đường hướng mới cho giai đoạn mới: "Sống Phúc Âm là phải phát triển Tin Mừng".
Long Xuyên, tháng 4/1995