Trở về
Ðể chuẩn bị bước vào Mùa Chay và Tuần Thánh, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về sự trở về.
Sự trở về nói đây được giới hạn trong lãnh vực này là : Từ bỏ những ảo tưởng nguy hại trong đời sống đạo, để chân thành sống với những thực tế cần thiết cho việc trưởng thành đức tin.
Những gợi ý tôi chọn ở đây sẽ rút ra từ kinh nghiệm thánh Phêrô tông đồ, một nhân vật được nhắc tới nhiều trong Tuần Thánh.
Thánh Phêrô là người rất nhiệt thành. Ngài có nhiều ảo tưởng. Những ảo tưởng này sẽ rất bất lợi, nếu không được thanh luyện. Nhưng khi được thanh luyện rồi, những ảo tưởng cũ sẽ là những kinh nghiệm càng làm sáng lên ơn trở về.
1/ Ảo tưởng về sự xứng đáng của mình
Xem ra thánh Phêrô có nhiều công phúc. Chỉ xin nêu lên vài việc ngài đã làm. Thí dụ việc ngài tuyên xưng một chân lý mới: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20). Ngài nói điều đó về Ðức Kitô, khi chưa ai đã nói. Việc tuyên xưng như thế là một điểm son cho ngài. Một thí dụ nữa, đó là việc ngài tỏ bày tâm tình phục vụ Chúa Giêsu. Dịp Chúa Giêsu biến hình trên núi và đàm đạo với ông Môisê và Êlia, ngài đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thực là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môisê, và một cái cho ông Êlia” (Lc 9, 33). Có nghĩa là Phêrô tình nguyện sẽ nằm đất ngoài trời, để phục vụ các Ðấng. Lại thêm một điểm son nữa cho vị trí của ngài.
Vị trí của Phêrô càng được nâng cao, khi Chúa Giêsu dành ưu ái đặc biệt cho ngài: “Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại, con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22, 31-34). Ðược Thầy cầu nguyện riêng cho và được Thầy trao phó trách nhiệm nâng đỡ anh em, đó là một tín nhiệm đáng vui mừng.
Nhưng nếu vui mừng này sinh ra tự mãn, thì tự mãn ấy dựa trên ảo tưởng. Ảo tưởng ở chỗ tưởng mình xứng đáng vì có nhiều công phúc nên sẽ là người lớn nhất trong nhóm (x. Lc 22, 23). Ðến khi chối Chúa rồi, ngài mới thấy rõ mình không xứng đáng chút nào.
2/ Ảo tưởng về sức mạnh của mình
Xem ra thánh Phêrô cũng tin rằng mình mạnh và can đảm vượt bậc. Nhiều lần ngài quả quyết điều đó: “Lạy Thầy, với Thầy con sẵn sàng vào tù, dù có chết cũng cam” (Lc 22, 33). “Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây sẽ chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14, 31). Những phát biểu trên đây có thể là do tấm lòng đạo đức thật sự, nhưng cũng có thể là do tính tự đắc. Ngài tự coi mình là vững mạnh, hơn bất cứ ai. Khẳng định như thế đã dựa trên ảo tưởng. Bởi vì vừa bị thử thách, ngài đã chối Thầy một cách mạnh mẽ và quả quyết.
Trong thử thách, Chúa Giêsu đã không tựa vào sức riêng mình, mà chỉ tựa vào Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Vì thế Chúa Giêsu đã luôn vững vàng. Còn Phêrô, cậy vào sức riêng mình, nên đã mất tinh thần, sợ hãi, và té ngã.
Trong thử thách, Chúa Giêsu đã tỉnh thức cầu nguyện và tìm thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con nhưng xin cứ theo ý Cha” (Mc 14, 16). Nhờ thế, Chúa Giêsu đã lướt thắng sợ hãi và được bình an. Còn Phêrô không cầu nguyện, cứ bám chặt lấy ý riêng mình, nên đã rất cô đơn và mau trở thành con người phản bội.
3/ Ảo tưởng về ý tốt của mình
Xem ra thánh Phêrô vẫn thích coi mình là kẻ bảo vệ Thầy, là người cứu Thầy, là ân nhân của Thầy. Ðể chứng tỏ ý tốt đó, trong vườn Cây Dầu, ngài đã tuốt gươm chém đứt tai kẻ đến bắt Thầy.
Muốn bảo vệ Thầy, muốn cứu Thầy, đó là ý tốt. Nhưng khi một ý tốt làm mờ đi sự thực căn bản này là chính mình mới là người cần được Thầy bảo vệ và cứu độ, thì ý tốt đó sẽ trở thành ảo tưởng, cần tháo gỡ.
Ý tốt, khi chỉ là ảo tưởng, nếu không được tháo gỡ, sẽ gây ra nhiều hậu quả không thể đổ cho ai được.
Lúc Phêrô đã chối Thầy, ngài có thể nhớ lại lời Thầy đã nói xưa: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì. Vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12). Nhưng trước mặt những kẻ ghét Chúa, Phêrô đã chối Chúa. Không lẽ lời chối đó lại do Thánh Thần soi sáng sao?
Khi Phêrô đã chối Thầy, ngài cũng có thể nhớ lại lời Thầy đã nói xưa: “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy sẽ chối họ trước mặt các Thiên Thần của Chúa” (Lc 12, 9). Phêrô đã chối Chúa. Nếu phải hợp lý, thì Chúa sẽ từ chối Phêrô. Ý nghĩ đó thực là khủng khiếp.
Trong đau buồn sâu sắc vì đã chối Thầy, Phêrô mới khám phá thấy ý tốt mà Chúa muốn Phêrô thực thi hơn cả, chính là sám hối khiêm nhường, như người thu thuế đứng cuối nhà thờ cầu nguyện “Lạy Chúa, xin thương xót con”.
4/ Ảo tưởng về tình hình tương lai
Cái nhìn của Phêrô về tình hình tương lai đã quá đơn sơ, mặc dù Chúa Giêsu đã cảnh báo nhiều lần là sẽ xảy ra cuộc tử nạn. Phêrô vẫn coi thường. Ngay giờ phút cuối cùng, Chúa Giêsu tỏ rõ nỗi lo âu của Ngài là rất lớn, các môn đệ cần thông cảm thức tỉnh với Ngài, thế mà Phêrô vẫn ngủ ngon.
Xem ra ngài tưởng rằng: Tuy tình hình có khó khăn, nhưng sẽ chẳng đến nỗi nào. Có Thầy nắm trong tay quyền năng vô biên, tình hình sẽ không thể tệ hại được.
Nhưng rồi quân dữ kéo tới. Giuđa phản bội, Thầy phản ứng một cách không thể ngờ: “Ðây là giờ của các ông và quyền lực của tối tăm” (Lc 22, 53). Như thế là chính Thầy tự ý nộp mình. Còn gì đâu! Phêrô đã không bao giờ dự đoán một tình hình diễn biến bi đát như vậy. Mọi thẩm định tình hình trước đây đều đã sai lầm. Thẩm định đó dựa trên ảo tưởng. Ngài tưởng rằng Thiên Chúa luôn đắc thắng bằng quyền lực vinh quang. Nghĩ như thế là ảo tưởng. Bởi vì Thiên Chúa do Ðức Kitô mặc khải không phải là một Thiên Chúa chinh phục bằng quyền lực, mà là một Thiên Chúa làm chứng tình yêu thương xót.
Kết
Các ảo tưởng của thánh Phêrô đã được thanh luyện. Do việc Phêrô chối Thầy, tất cả mọi ảo tưởng của ngài đều đổ vỡ: “Tôi không biết người ấy” “Tôi thề là tôi không biết người ấy” (Mt 26, 69-74).
Chối Thầy rồi, Phêrô đâm ra lúng túng, rụng rời, lương tâm tan nát. Ðúng lúc ấy Chúa Giêsu đưa mắt nhìn Phêrô. Phêrô trực diện với một Ðức Kitô trong thân hình tiều tuỵ nhục nhã. Lúc đó, Phêrô mới hiểu thấm thía: Ai đang cứu ai. Chính Phêrô đã phạm tội, đáng bị loại trừ, đáng bị trừng phạt. Nhưng Ðức Kitô đang chịu khổ và đang chết thay cho Phêrô. Giờ đây đối với Phêrô, tin mừng lớn nhất chính là mình được Chúa tha thứ, được Chúa yêu thương, mặc dù mình tội lỗi bất xứng.
Như vậy, điều quan trọng chúng ta cần thực hành là phải bỏ đi các ảo tưởng tai hại, biết đón nhận tình yêu của Chúa bằng tấm lòng khiêm tốn, vâng phục, phó thác. Theo gương Ðức Kitô, chúng ta dấn thân phục vụ con người, dù phải đi trên đường thánh giá, nhất là hãy dành yêu thương đặc biệt cho những người nghèo khổ. Tóm lại, hãy thực thi điều răn mới của Ðức Kitô một cách triệt để và chân thành (x. Ga 15, 12). Ðó là trở về.
Tự mình chúng ta sẽ rất khó thực thi được những việc ấy. Chúng ta rất cần ơn Chúa giúp. Hãy làm những việc chúng ta có thể làm. Và nếu Chúa để xảy ra những biến cố khiến các ảo tưởng của chúng ta phải bị đổ vỡ, thì hãy rút ra từ các đổ vỡ ấy những gì thiêng liêng nhất. Tôi nghĩ rằng những đổ vỡ như thế sớm muộn sẽ phải xảy đến. Ðể thức tỉnh chúng ta hãy trở về.
Long Xuyên, tháng 3/1998